Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13669752
Luận án Tiến sĩ Thứ sáu, 13/12/2024

Tác giả: Nguyễn Quang Tùng
Đề tài: "Nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar lứa tuổi từ 7 đến 14 tại Việt Nam"
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: GS.TS. Ngô Văn Thành 
Ngày đăng: 8/5/2023

Luận án toàn văn

Tóm tắt Luận án 

 

MỞ ĐẦU

Tính chuyên nghiệp là một thước đo nhìn nhận, đánh giá việc làm của con người. Tính chuyên nghiệp được biểu lộ qua năng lực, kĩ năng và kiến thức chuyên ngành. Trong xã hội ngày nay, những người càng chuyên nghiệp hoá trong tác phong làm việc, phong cách làm việc thì càng được coi trọng. Môi trường làm việc được đánh giá bằng những chỉ số, thước đo về tính chuyên nghiệp trong đào tạo âm nhạc cổ điển, đào tạo biểu diễn các nhạc cụ phương Tây, tính chuyên nghiệp được định nghĩa qua những phạm trù như sau: Chương trình, giáo trình, quy trình đào tạo; Đội ngũ giáo viên giảng dạy và phương pháp giảng dạy; Tổ chức lớp học và phương pháp đánh giá.

Hiện nay, tại Hà Nội ngoài những cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thì các trung tâm âm nhạc cũng đã được phát triển nhanh chóng và liên tục mở rộng. Tuy nhiên việc đào tạo vẫn còn nhiều thiếu sót trong phương thức đào tạo, mang nhiều yếu tố tự phát và chưa có tính chuyên nghiệp cao.

Tại Việt Nam cho đến nay đã có nhiều giáo trình, sách nhạc để dạy chơi đàn Guitar; và một số công trình nghiên cứu nhưluận án, luận văn đề cập chuyên sâu liên quan đến cây đàn Guitar như: sự hình thành và phát triển của nghệ thuật biểu diễn Guitar chuyên nghiệp ở Việt Nam; Nghệ thuật Guitar đương đại; Nghệ thuật Guitar trong các tác phẩm âm nhạc Việt Nam … Tuy nhiên hầu như lại chưa có các công trình nghiên cứu chuyên sâu đề cập đến lĩnh vực đào tạo Guitar theo định hướng chuyên nghiệp cho lứa tuổi nhỏ tại Hà Nội.

Phổ cập Guitar là vấn đề rất tốt và cấp thiết hiện nay nhưng không có nghĩa là chúng ta tự do, tuỳ ý trong quá trình giảng dạy vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp thu và đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp sau này. Với xu thế xã hội hiện nay, tính chuyên nghiệp có thể nói là được đặt lên hàng đầu, bất kể việc gì cũng cần phải có tính chuyên nghiệp đi trước và vấn đề phổ cập đàn Guitar cũng không ngoại lệ, chúng ta cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar phổ cập cho lứa tuổi nhỏ hơn nữa, cần phải có một bộ khung chương trình, giáo trình kết hợp với các phương pháp giảng dạy đa dạng, cách tổ chức lớp và đánh giá năng lực trước khi học sinh học đàn, từ đó mới dần hình thành tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar phổ cập lứa tuổi nhỏ, để các em học sinh có cơ hội học tập và làm việc theo đúng tính chất chuyên nghiệp hơn.

Hiện tại theo thông báo tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thì độ tuổi các em theo học khoảng từ 9-11 tuổi. Đây là độ tuổi để các em có thể theo học chuyên nghiệp nhưng cũng chính vì thế mà còn một số các em học sinh ở độ tuổi nhỏ hơn chưa đủ điều kiện để thi vào, nên các em phải học dự bị ở các trung tâm âm nhạc khác. 

Là một người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy đàn Guitar chúng tôi rất quan tâm đến việc đào tạo Guitar chuyên nghiệp cho trẻ em ở thành phố Hà Nội, do vậy chúng tôi chọn đề tài cho luận án tiến sĩ của mình là:

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar lứa tuổi từ 7 đến 14 tại Việt Nam.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Học sinh Guitar lứa tuổi từ 7-14 tuổi. Nghiên cứu đặc điểm năng khiếu, đặc điểm thể chất và những yếu tố về môi trường, xã hội để đưa ra những giải pháp và phương pháp giảng dạy Guitar cho phù hợp.

Chương trình, giáo trình giảng dạy đàn Guitar cho trẻ em từ 7-14 tuổi.

Các tuyển tập phương pháp dạy đàn Guitar trong nước và nước ngoài. Quan điểm giáo dục của các nhà sư phạm.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

Do điều kiện nghiên cứu có hạn, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi khảo sát thực tế và ứng dụng sau này nên phạm vi nghiên cứu của đề tài sẽ tập trung vào lứa tuổi 7-14 học đàn tại Hà Nội

Nhóm học sinh có độ tuổi từ 7-14 hiện đang theo học đàn Guitar tại Hà Nội.

Phương pháp, giáo trình giảng dạy đàn Guitar cho mọi lứa tuổi trên thế giới từ thế kỉ XIX đến nay.

Các phương pháp, giáo trình hiện đang được sử dụng tại Hà Nội.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Luận án tập trung giải quyết những khả năng tiếp cận với tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar cho trẻ em ở Hà Nội.

Khái quát về tình hình thực trạng đào tạo đàn Guitar cho trẻ nhỏ từ 7-14 tuổi ở một số nước trên thế giới và tại Hà Nội. Giới thiệu về các cơ sở đào tạo đàn Guitar ở Việt Nam.

Nghiên cứu sự hình thành và phát triển cũng như kết quả của một số phương pháp giảng dạy đàn Guitar cho lứa tuổi nhỏ từ 7-14 tuổi tại một số nước trên thế giới. Từ đó tổng kết, đánh giá những ưu - nhược điểm của một số phương pháp, giáo trình để làm cơ sở cho việc xây dựng phương pháp, giáo trình giảng dạy dành cho người Việt Nam.

Nghiên cứu, tìm và chỉ ra những thuận lợi - khó khăn trong quá trình học đàn của trẻ nhỏ tại Việt Nam để đưa ra các giải pháp điều chỉnh, khắc phục những phương pháp giảng dạy thiếu tính chuyên nghiệp. Mục tiêu chính là hướng đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar lứa tuổi từ 7-14 tại Hà Nội. Từ đó tạo nền tảng vững chắc cho các em để phát triển âm nhạc đỉnh cao sau này.

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương pháp lí thuyết

Do đặc thù là âm nhạc thực hành nên ngoài việc phân tích, sử dụng các luận án, luận văn, sách … chúng tôi còn nghiên cứu các bản nhạc, tiểu phẩm, tác phẩm được viết hoặc chuyển soạn lại cho đàn Guitar để có được những phân tích về giáo trình, phương thức luyện tập.

Tổng hợp các giáo trình, phương pháp giảng dạy đàn Guitar cho lứa tuổi nhỏ trên thế giới và tại Việt Nam để so sánh sự khác nhau cũng như ưu - nhược điểm trong phương pháp giảng dạy, đồng thời để đánh giá về các phương thức, cách thức giảng dạy, từ đó tìm kiếm giải pháp để nâng cao trình độ trong nước.

4.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn

Tham dự các buổi biểu diễn học kì, báo cáo kết quả học tập của các học sinh nhỏ tuổi để đánh giá về tính chuyên nghiệp trong kết quả đào tạo.

Tham dự chương trình, giáo trình, cách tổ chức lớp học, đội ngũ giáo viên của các trung tâm tại Hà Nội.

Vận dụng kinh nghiệm của nhiều thế hệ giảng viên dạy đàn Guitar tại Việt Nam để phân tích, đánh giá các phương pháp, giáo trình trong và ngoài nước.

Thu thập ý kiến của các giảng viên chuyên nghiệp cũng như bán chuyên nghiệp trong việc nhận định, đánh giá các chương trình, giáo trình và cách thức tổ chức lớp học trong các trung tâm tại Hà Nội.

5. Đóng góp của luận án

Lí luận

Luận án đề cập đến thực trạng đào tạo đàn Guitar cũng như một số giải pháp về vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar tại các trung tâm âm nhạc ở Hà Nội. 

Luận án đưa ra khái niệm về tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar tại các trung tâm âm nhạc.

Luận án đã tổng kết một số phương pháp giảng dạy Guitar tiêu biểu trên thế giới.

Luận án đã hệ thống, phân tích một số giáo trình giảng dạy đàn Guitar tại Hà Nội cũng như một số nước trên thế giới để từ đó có thể lựa chọn ra những giáo trình, phương pháp giảng dạy Guitar mang tính chuyên nghiệp phù hợp với trẻ em tại Hà Nội.

Thực tiễn

Luận án hoàn thành sẽ đóng góp cho việc giảng dạy đàn Guitar nói chung và nâng cao tính chuyên nghiệp trong giảng dạy trẻ nhỏ nói riêng. Phương pháp dạy học mới có thể trang bị nền tảng kĩ thuật cho các em vững bước trên con đường chuyên nghiệp sau này. 

Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp cho việc giảng dạy Guitar tại accs trung tâm âm nhạc của Hà Nội sẽ có hệ thống và hướng đến tính chuyên nghiệp nhiều hơn. Đây là cơ sở để đào tạo những hạt giống chuẩn bị thi vào các trường chuyên nghiệp trong tương lai.

Từ chất lượng giảng dạy mang tính chuyên nghiệp cao hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng biểu diễn Guitar tại Hà Nội.

6. Bố cục luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, luận án gồm có 3 chương.

Chương 1:  sở lí luận và thực tiễn về đào tạo Guitar trẻ em tại Hà Nội.

Chương 2: Một số phương pháp giảng dạy đàn Guitar cho trẻ em từ 7-14 tuổi trên thế giới.

Chương 3: Một số giải pháp mang tính chuyên nghiệp trong giảng dạy Guitar cho trẻ em tại Hà Nội.

 

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

VỀ ĐÀO TẠO GUITAR TRẺ EM TẠI HÀ NỘI

1.1. Tổng quan nghiên cứu

Luận án đề cập tới tình hình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước về tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar trẻ em, với xu hướng nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo Guitar. Những công trình nghiên cứu các đề tài luận án tiến sĩ, những tổng kết đánh giá về thực trạng đào tạo Guitar trẻ em trong những năm qua làm cơ sở lí luận để thực hiện nghiên cứu trong các nội dung của các chương trong luận án.

1.1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước

Các giáo trình hiện tại mà các cơ sở đào tạo đang dùng có thể tiếp tục sử dụng nhưng các giáo trình nêu trên đều chỉ tập trung vào một thời kì Cổ điển, chứ hiện nay chưa áp dụng những giáo trình mới với các thời kì như Lãng mạn hoặc Đương đại. Và để phù hợp mang tính thời đại hơn chúng ta cần phải bổ sung thêm nhiều giáo trình mới để giúp cho người học đàn Guitar sau này có thể hòa nhập với cộng đồng Guitar thế giới dễ dàng hơn.

Do đàn Guitar du nhập vào Việt Nam còn sớm, hướng đề tài nghiên cứu còn mới lạ, ít được quan tâm nên số lượng về luận văn không nhiều còn luận án thì chỉ có một, đa số chỉ là các giáo trình do các giảng viên tự biên soạn. Có một luận án và một số ít luận văn có liên quan như:

+ Cao Sĩ Anh Tùng, luận án Tiến sĩ “Nghệ thuật Guitar Đương Đại nửa sau thế kỉ XX trong đào tạo Guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam”, 2015.  Nêu lên một số phong cách Guitar đương đại và sự phát triển nghệ thuật Guitar đương đại tại Việt Nam kèm theo hệ thống kĩ thuật mới để áp dụng. Đây là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về chuyên môn, rất cần thiết cho hệ thống giáo trình mới, giúp phần nào phổ cập cây đàn Guitar được tốt hơn nữa, gần với bạn bè trên khắp thế giới.

+ Nguyễn Văn Phúc, luận án Tiến sĩ “Sự phát triển đào tạo Guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam”, 2015. Công trình nghiên cứu tập trung vào quá trình hình thành và phát triển kĩ thuật của Guitar, phân tích một số đặc điểm kĩ thuật trong tác phẩm Guitar Việt Nam và giải pháp phát triển đào tạo Guitar cổ điển tại Việt Nam. Những vấn đề và phương pháp giải quyết vấn đề của công trình nghiên cứu rất phù hợp với hiện trạng đào tạo Guitar hiện nay, nhưng công trình nghiên cứu tập trung vào đối tượng là học sinh theo học tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Chúng tôi cho rằng hướng nghiên cứu đào tạo các em học Guitar lứa tuổi 7 đến 14 tuổi theo chương trình - giáo trình chuyên nghiệp sẽ phần nào bổ trợ cho công trình nghiên cứu khoa học của TS Nguyễn Văn Phúc, bởi các em sẽ được trang bị những kiến thức, kĩ thuật chuyên nghiệp ngay từ trước khi thi vào trường chứ không phải khi thi vào trường các em mới được học môi trường chuyên nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi phải sử dụng một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về vấn đề giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc trong luận án của mình. Sử dụng các luận văn đã hỗ trợ được chúng tôi một phần về các số liệu người học, giáo viên, chương trình và giáo trình của các trung âm âm nhạc. Các số liệu thống kê đó đã phần nào giúp chúng tôi giảm bớt thời gian thực tế khảo sát để tập trung được hơn vào phần đưa ra giải pháp trong chương 3.

1.1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu nước ngoài

Cây đàn Guitar hiện nay được hoàn thiện về hình thức cũng đã được hơn 200 năm, khối lượng tác phẩm tuy không nhiều như Piano, Violin ... nhưng cũng là một kho tàng kiến thức lớn. Song song với việc đó, các công trình nghiên cứu khoa hoc, luận văn, luận án, tài liệu tham khảo cũng  ngày càng phát triển đa dạng. Luận án có đề cập và nghiên cứu một số công trình nghiên cứu nước ngoài về các phương pháp sư phạm, tầm ảnh hưởng của các nhà sư phạm nổi tiếng trên thế giới đối với cây đàn Guitar. Qua đó phân tích, chọn lọc những yếu tố phương pháp sư phạm hay để có thể áp dụng vào giảng dạy cho trẻ em học Guitar tại Hà Nội.

1.2. Thực trạng đào tạo Guitar tại Hà Nội

Những nghiên cứu về chương trình,  giáo trình,  phương pháp giảng dạy cũng như những bài tập làm quen với đàn Guitar cho trẻ em vẫn còn thiếu, dẫn đến việc các phụ huynh chưa ý thức được việc đưa con em học đàn Guitar sớm sẽ có những lợi ích gì. Do đó ngoại trừ việc nâng cao chất lượng giảng dạy Guitar tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp thì việc nghiên cứu về giảng dạy cho các em nhỏ lứa tuổi từ 7-14 tuổi là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay có vô vàn các trung tâm dạy nhạc tư nhân được thành lập thì việc phổ cập đàn Guitar và hướng các em theo con đường chuyên nghiệp ngay từ ban đầu là rất cấp thiết. Là nền tảng vững chắc cho việc đào tạo nghệ sĩ Guitar đỉnh cao sau khi các em theo học tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trong cả nước.

Từ những kĩ thuật cơ bản đến kĩ thuật cao cấp đều có cách tiếp cận khác nhau dành cho mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt ở độ  tuổi từ 7-14 thì việc giảng dạy cho các em những kĩ thuật Guitar là quan trọng nhất. Ở tuổi này, các em đang trong giai đoạn phát triển, các cơ năng - cấu trúc ngón tay rất mềm dẻo, có thể phát huy tốt những kĩ thuật trong đàn Guitar nhưng cũng cần lưu ý với một số kĩ thuật quá khó, cũng không nên để các em tập luyện quá nhiều tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của đôi bàn tay. Ngoài ra ở độ tuổi này còn có thể bồi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt. Từ đó, việc nghiên cứu - phát triển về số lượng các chương trình - giáo trình, và đặc biệt là phương pháp giảng dạy cho lứa tuổi nhỏ từ 7-14 cần phải được quan tâm đúng mức và cập nhật thường xuyên trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo nền tảng vững chắc cho các em theo học tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp sau này.

Hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến cây đàn Guitar từ kĩ thuật đến các tác phẩm theo từng thời kì nhưng vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về đào tạo Guitar chuyên nghiệp lứa tuổi nhỏ tại Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu về đào tạo Guitar lứa tuổi nhỏ tại Việt Nam là vô cùng cấp thiết, từ đó có thể tạo nên nền tảng vững chắc cho các em trên con đường chuyên nghiệp sau này.

1.2.1. Các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp

1.2.2. Các trung tâm đào tạo âm nhạc

1.2.3. Một số giáo trình đang được sử dụng 

1.2.3.1. Phương pháp của F.Carulli

1.2.3.2. Phương pháp của F.Sor

1.2.3.3. Giáo trình Suzuki ( Hiệp hội Suzuki thế giới)

1.2.3.4. Giáo trình Aaron shearer

1.3. Một số đặc điểm về thể chất và năng khiếu trẻ em học Guitar tại Hà Nội

1.3.1. Đặc điểm về thể chất

Do đặc thù cấu tạo cơ thể và hệ thống cơ bắp được phát triển theo năm tháng. Hầu hết trong quá trình làm quen với nhạc cụ, các giáo viên đều nên quan sát kĩ và đưa ra các giai đoạn phát triển đối với từng em. Có thể chia như sau:

A. Giai đoạn 1: 7-9 tuổi

B. Giai đoạn 2: 9-11 tuổi

C. Giai đoạn 3: 11-14 tuổi

1.3.2. Đặc điểm về năng khiếu học đàn Guitar

Trong số rất nhiều học sinh nhỏ tuổi theo học Guitar, việc xác định có năng khiếu âm nhạc tốt, có cấu tạo cơ thể mềm dẻo và có trí tuệ thông minh, năng động sẽ là cơ sở rất quan trọng để có thể theo học Guitar chuyên nghiệp.

Tiểu kết chương 1

Trong nội dung nghiên cứu của chương một, chúng tôi đã tiến hành tập hợp những vấn đề: Tổng quan tình hình nghiên cứu; Thực trạng đào tạo Guitar tại Hà Nội; Một số đặc điểm về thể chất và năng khiếu của học sinh học Guitar độ tuổi này.

So với phương pháp đào tạo tại các cơ sở chuyên nghiệp thì các trung tâm đào tạo âm nhạc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đồng bộ và hỗ trợ cho các em học sinh có mong muốn theo học con đường chuyên nghiệp. Ngoài ra đội ngũ giảng viên cũng là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nghệ thuật Guitar của các em học sinh. Nếu như trong cơ sở đào tạo chuyên nghiệp thì các giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp, có bằng cấp cả về trình độ lẫn kiến thức về tâm lí, khả năng sư phạm thì tại các trung tâm âm nhạc lại rất ít, có nhiều nơi còn sử dụng các học sinh học lâu năm hoặc các sinh viên trường đại học âm nhạc để giảng dạy, có thể nói đây là nhược điểm tương đối lớn ở các trung tâm và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của các em học sinh theo học.

Ngoài ra, giáo trình cũng là một điều cần lưu ý. Các giáo trình của trung tâm âm nhạc cũng chưa thực sự có tính chuyên nghiệp, mặc dù cũng đã sử dụng một số giáo trình trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nhưng vẫn còn ít và đôi khi các giáo viên ở trung tâm chưa phát huy tối đa được hiệu quả các giáo trình đó mang lại.

Vấn đề về đặc điểm thể chất cũng như năng khiếu âm nhạc của các em học sinh trong độ tuổi 7-14 này càng rất đáng được quan tâm. Thực tế cho thấy khi bắt đầu học thì hầu như các em không được sàng lọc theo nhóm thể chất, năng khiếu âm nhạc cũng như đặc điểm cơ thể để chia nhóm lớp mà được học chung cùng lớp, dẫn đến việc tiếp thu không thực sự hiệu quả, tiềm năng dần bị mai một.

Đây là một phần lí luận và thực tiễn về đào tạo Guitar cho trẻ em tại Hà Nội, làm cơ sở lí luận cho các chương sau của luận án.

 

CHƯƠNG 2

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY ĐÀN GUITAR

CHO TRẺ EM TỪ 7-14 TUỔI TRÊN THẾ GIỚI

2.1. Các phương pháp từ thế kỉ XIX cho đến nay

2.1.1. Các phương pháp thế kỉ XIX

2.1.1.1. Methode pour la Guitar, op 46 (1810): Francesco Molino.

2.1.1.2. Methode complete puor la Guitar, op59 (1936): Matteo Carcassi.

2.1.1.3. Nuevo metodo para Ghitara (1843) : Dionisio Aguado.

2.1.1.4. Metodo la Chitarra op 250 (1849): Luigi Legnani.

2.1.1.5. Schule fur die Guitar: Johann Kaspar Mertz.

Bảng 3. Tổng kết các phương pháp dạy Guitar thế kỉ XIX (phụ lục tr.1).

Qua phần tổng kết và đánh giá trên chúng ta thấy các phương pháp giảng dạy Guitar trong thời gian này, đa số đều không phân chia độ tuổi theo học, mỗi người học đều theo một giáo trình cố định. Với những học sinh nhỏ tuổi theo học đã ép ngay vào tư thế, lí thuyết âm nhạc, bài tập gam hay đọc nốt nhạc ... là không phù hợp với độ tuổi,thể lực cũng như tâm sinh lí của các em, bài học sẽ trở nên khô khan, cứng ngắc làm cho các em mau chóng chán nản, không thể theo học tiếp. Ngoài ra các bài học dài, giai điệu khó nhớ hoặc không quen thuộc, không phù hợp với trẻ em cũng sẽ làm cho số lượng theo học đàn Guitar giảm đáng kể.

2.1.2. Các phương pháp từ thế kỉ XX và một số phương pháp thế kỉ XXI

2.1.2.1. Phương pháp giảng dạy Guitar của Mỹ

Giáo sư Lee Bartel (Toronto, Canada) đã nghiên cứu một số lớp học Guitar của nước Mĩ. Ông mô tả năm chiến lược giảng dạy đàn Guitar phổ biến như sau:

Tiếp cận “Hum and Strum”, dàn hòa tấu Guitar, dàn nhạc nhẹ, dàn nhạc Jazz, độc tấu Guitar cổ điển. Theo Bartel (1990) chỉ ra rằng tất cả các chương trình trên đều mang đến hiệu quả tốt nhưng ông lập luận rằng: “Bất kể độ dài hay khó của chương trình nào, một chương trình Guitar nên có nhiều phong cách, nhấn mạnh phát triển kĩ năng đọc bản nhạc, hòa âm hài hòa cùng với nhận thức, sự sáng tạo và kĩ năng trình diễn nhiều phong cách âm nhạc”.

A. Hum and strum (dựa trên tai nghe và hợp âm đơn giản).

B. Dàn hòa tấu Guitar (kĩ năng đồng diễn và đọc nhạc ở mức độ cao).

C. Dàn nhạc nhẹ (kĩ năng chơi ban nhạc với xu hướng âm nhạc hiện đại).

D. Dàn nhạc Jazz.

E. Độc tấu Guitar cổ điển.

Qua những lớp học với các quy mô, phong cách khác nhau, chúng ta có thể thấy rằng lớp học Guitar đều phát triển cho các em tình yêu âm nhạc thông qua chơi, nghe và nói chuyện. Các em có thể được học các thể loại âm nhạc theo trình tự lịch sử, học và suy nghĩ về các cách trình diễn âm nhạc, phát triển về nhận thức, kĩ năng đọc bản nhạc, chơi giai điệu và hòa âm, sáng tạo trong trình diễn. Trong các lớp học đàn Guitar, chúng ta phải mở rộng nhận thức, áp dụng thêm những triết lí giáo dục âm nhạc để từ đó trở thành một chương trình giáo dục âm nhạc Guitar chuẩn mực, khi lớp học vững mạnh thì chương trình đó sẽ là một chương trình giáo dục âm nhạc nghiêm túc và đáng ngợi khen.

2.1.2.2. Triết lí giảng dạy Guitar của Mexico

Dạy Guitar cổ điển là một sự nỗ lực của cá nhân người dạy và tính chuyên nghiệp để chuyển giao kiến thức. Người dạy cung cấp về kiến thức, định hướng và động lực cho các em học sinh, nếu không làm được điều này sẽ xảy ra trường hợp “người học cần sách không cần thầy”.

A. Quá trình giảng dạy Guitar.

B. Kĩ thuật.

C. Lí thuyết tập luyện.

D. Biểu diễn.

2.1.2.3. Phương pháp dạy trực tuyến tại Ireland (online)

Một số kết quả nghiên cứu so sánh giữa việc học online với trực tiếp đã được tiến hành như sau:

Nhóm A (nhóm học theo phương pháp truyền thống): lứa tuổi từ 7-18 tuổi, học đều đặn mỗi tuần một buổi. Nhóm được học trong môi trường truyền thống, phương pháp giảng dạy thông thường.

Nhóm B (nhóm học bằng phần mềm day học): lứa tuổi 11-30 tuổi, cũng học đều đặn như nhóm A, các hướng dẫn đã được gửi qua máy tính và không có sự trợ giúp bên ngoài, có rất ít sự tham gia trợ giúp của giáo viên với nhóm này ngoài lúc bắt đầu học các bài mới. Vai trò của người hướng dẫn cũng chỉ giới hạn trong việc trả lời các câu hỏi quản lí hoạt động và đảm bảo rằng người học hoàn thành bài học mà không có nhiều sự trợ giúp.

Kết quả cho thấy rằng: các học sinh theo học Nhóm A (nhóm học truyền thống) và giáo viên tương tác nhiều hơn với những câu nói đùa vui vẻ, thân thiện và những câu hỏi tự phát liên quan đến đàn Guitar, từ đó giáo viên có thể xác định được chính xác những vấn đề mà học sinh gặp phải để đưa ra giải pháp giải quyết.

Các học sinh tham gia lớp học cũng đều đặn hơn. Đối với Nhóm B (nhóm học bằng phần mềm dạy học) thì ngược lại, các học sinh luôn phải tìm kiếm sự hỗ trợ và phải đợi thầy giáo cho phép học tiếp mới học, mặc dù chương trình luôn động viên các em học tiếp. Học sinh cũng sẽ hỏi thầy giáo thêm nhưng đó là khi gặp trực tiếp thầy giáo trên trường. Mặc dù vậy Nhóm B lại ổn định lớp học nhanh hơn nhóm A, các em học theo tốc độ mình muốn và điều này đã giúp giáo viên có nhiều thời gian để hỗ trợ các em học kém hơn.

2.2. Phương pháp Suzuki

Shinichi Suzuki sinh năm 1898 tại Nagoya, Nhật Bản trong một gia đình sản xuất đàn Violin. Nhưng đến năm 17 tuổi ông mới tiếp cận cây đàn Violin. Năm 1919, ông đến Berlin, Đức để học với Karl Klingler, năm 1928 ông trở về quê hương và dạy học.

2.2.1. Một vài điểm quan trọng trong phương pháp Suzuki

Một vài điểm quan trọng trong phương pháp Suzuki:

a. Phương pháp “mother - tongue” (hay còn gọi là phương pháp tiếng mẹ đẻ).

b. Kết hợp học cá nhân và làm việc theo nhóm.

2.2.2. Giới thiệu giáo trình dạy Guitar theo phương pháp Suzuki

Frank Longay sinh năm 1948 tại California. Vào những năm 1960, ông bắt đầu tự học chơi Guitar khi còn thiếu niên với phong cách Rock and roll, và 1970 ông đam mê phong cách cổ điển và đi học đại học âm nhạc với hai người thầy là Rey de la Torre và George Sakellariou. Frank Longay đã được tham dự một buổi hòa nhạc do các sinh viên đến từ Matsumoto, Nhật Bản và ngay sau đó ông đã liên hệ để làm việc với giáo viên Suzuki Cello Barbara Wampner và giáo viên Suzuki Violin Shannon Murphy để tìm hiểu chi tiết phương pháp giảng dạy Suzuki. Sau đó ông đã tự tạo ra cho mình một giáo trình guitar dựa trên phương pháp này, từ đó phương pháp Suzuki Guitar ra đời.

Năm 1986, Frank Longay cùng Bill Kossler và giáo viên guitar Cesar Benevidas từ Peru đã thành lập hiệp hội Guitar SAA (Suzuki Association of the American) và ISA (International Suzuki Association). Năm 1990, Tiến sĩ Suzuki đã tham dự buổi biểu diễn của các sinh viên Suzuki Guitar của Frank Longay và vô cùng hài lòng với phương pháp này, từ đó các giáo viên guitar từ các nơi như: Elio Galvagno của Ý, Philippe Francaise của Pháp và Michael Köppe của Đức đã cùng nhau hoàn thiện giáo trình đầu tiên của cuốn sách Guitar Suzuki.

Phương pháp Suzuki chỉ ra để đạt được hiệu quả tốt nhất trong học tập, phụ huynh và học sinh cần chú trọng đến những điểm sau:

+ Luôn luôn lắng nghe bài mẫu hàng ngày ở nhà để có thể hiểu và cảm nhận được những yếu tố quan trọng trong bài tập. Sự tiến bộ nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc nghe này rất nhiều.

+ Tầm quan trọng của tiếng đàn cũng được đề cập đến. Tiếng đàn to hay nhỏ, vang hay không có ảnh hưởng lớn đến chất lượng buổi tập.

+ Học sinh phải luôn duy trì tư thế ngồi chuẩn, chú ý đến việc thả lỏng bàn tay, điều này giúp cho các em có thể kéo dài thởi gian tập luyện, tránh bị mệt mỏi giữa chừng.

 + Điều cuối cùng, rất quan trọng trong phương pháp Suzuki, gia đình và giáo viên phải chỉ ra ưu điểm cho các em về việc tập luyện một cách chính xác ở nhà, từ đó khuyên nhủ các em để các em thích thú với việc luyện tập tại nhà.

So sánh giữa hai phương pháp

Phương pháp Suzuki

Phương pháp thông thường

Sử dụng Guitar cổ điển (Classic)

Có thể sử dụng Guitar cổ điển hoặc Acoustic

Sự tham gia của phụ huynh rất cần thiết, ngoài ra yếu tố tạo cảm hứng cho học sinh tập luyện tại nhà dưới sự giám sát của gia đình

Có thể có hoặc không

Chú trọng đến độ tuổi theo học, có thể 5,6 tuổi bắt đầu

Hầu như ở độ tuổi 12,13

Tư thế ngồi, phương pháp thả lỏng và âm thanh rất được chú trọng ngay từ buổi đầu tiên

Có thể sai lệch một chút, trong quá trình học sẽ chỉnh sửa tiếp

Khả năng thị tấu tạm dừng, chú trọng đến giai điệu và cảm nhận âm nhạc

Chưa chú trọng đến việc này

2.2.3. Phân tích giá trị của giáo trình Suzuki trong việc giảng dạy cho trẻ em.

Phương pháp Suzuki bao gồm 9 cuốn, với 3 cuốn đầu tiên rất phù hợp với những học sinh mới bắt đầu học ở độ tuổi từ 5 - 7 tuổi. Các bài tập có giai điệu dễ chơi, dễ nhớ và quen thuộc trong cuộc sống. Điều này giúp cho các em có nguồn cảm hứng để theo học đàn Guitar. Với phương pháp Suzuki, độ tuổi này của các em chưa thực sự cần tập trung quá nhiều vào kĩ thuật hay số lượng bài, các khả năng thị tấu - hòa tấu cũng chưa đề cập đến, quan trọng nhất với các em theo học ở độ tuổi này vẫn là tư thế chuẩn bị, phương pháp thả lỏng bàn tay khi tập luyện cũng như tập luyện thói quen gảy to, mạnh. Những điều này sẽ giúp các em có một nền tảng cơ bản vững chắc để có thể phát triển tốt hơn trong các giai đoạn tiếp theo.

2.3. Quan điểm giáo dục của Suzuki và những nét tương đồng với các nhà giáo dục học nổi tiếng đương thời

Rất nhiều ý kiến cho rằng Phương pháp Suzuki không nổi trội trong giáo dục cũng như đây chỉ là một phương pháp do một người không chuyên nghiệp nghĩ ra (do Shinichi Suzuki năm 17 tuổi mới bắt đầu học đàn Violin mặc dù ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm đàn). Tuy vậy, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp Suzuki có nhiều điểm tương đồng với các quan điểm, triết lí của các nhà tâm lí học, giáo dục học nổi tiếng.

Tiểu kết chương 2

Từ thế kỉ XIX cho đến nay trên thế giới đã có rất nhiều các phương pháp giảng dạy đàn Guitar, mỗi phương pháp đều đưa ra những quan điểm riêng khác nhau. Các phương pháp thế kỉ XIX thì hầu như chỉ là các giáo trình, các bài tập hướng đến độ tuổi lớn mà không đưa ra những lí giải, phương pháp cũng như cách thức sử dụng giáo trình. Vì thế nếu như đối với những đối tượng theo học chuyên nghiệp hoặc lớn tuổi thì không có quá nhiều ảnh hưởng nhưng đối với các em học độ tuổi nhỏ thì sẽ khó tiếp cận.

Những phương pháp thế kỉ XX và XXI đã có sự cải thiện đáng kể, song song với việc đưa ra các giáo trình, bài tập thì cũng đã bắt đầu xuất hiện những chú giải, chú thích và yêu cầu trong phương pháp thế kỉ XX và được hoàn thiện với những quan điểm, triết lí trong phương pháp thế kỉ XXI. 

Đặc biệt với phương pháp của Suzuki, các tác giả đã đưa ra quan điểm giáo dục đặc biệt, rất gần với các nhà giáo dục học nổi tiếng. So sánh với các phương pháp truyền thống khác, thì phương pháp Suzuki có ưu điểm vượt trội là có thể áp dụng cho các em nhỏ từ 7 tuổi, thậm chí là 5, 6 tuổi. Phương pháp có thể giúp các em có được tình yêu đối với âm nhạc cũng như cây đàn Guitar. Đây là điều cần thiết vì đối với trẻ nhỏ học đàn, cần tạo hứng thú, giúp các em có thiện cảm với nhạc cụ mình theo học để từ đó các em mới có ý thức tập luyện. Như vậy thì ngoài những nghiên cứu về các phương pháp, giáo trình, giáo viên cũng nên tìm hiểu thêm về các nguyên tắc, triết lí trong giảng dạy. 

Có rất nhiều giáo viên chỉ chú trọng vào các bài tập mà quên rằng phương pháp truyền đạt cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình giảng dạy.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG GIẢNG DẠY GUITAR CHO TRẺ EM TẠI HÀ NỘI

3.1. Quan điểm về tính chuyên nghiệp trong đào tạo đàn Guitar

Đào tạo nghệ thuật âm nhạc nói chung và đào tạo đàn Guitar nói riêng đều có một quy trình mang nhiều nguyên tắc sư phạm để phù hợp với mục tiêu đào tạo. Ở đấy các vấn đề được kết nối mắt xích theo nhiều trật tự nhất định để người học được rèn luyện, phát triển kĩ thuật, kĩ năng một cách có hệ thống và hoàn thành các bước, các trình độ để có thể hoàn thiện chơi đàn Guitar một cách chuyên nghiệp nhất.

Mỗi một môi trường làm việc hay học tập đều có tính chuyên nghiệp riêng. Song song với những yêu cầu cơ bản trong công việc thì mỗi nghề nghiệp có thêm những đặc thù về tính chuyên nghiệp riêng biệt. Đối với ngành giáo dục âm nhạc nói chung và đàn Guitar nói riêng tính chuyên nghiệp được thể hiện qua các kĩ năng như sau: chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy và đội ngũ giáo viên.

3.2. Đề xuất một số giải pháp

3.2.1. Nguyên tắc của tính đồng bộ trong quá trình giảng dạy đàn Guitar

Có thể tóm tắt về tính đồng bộ trong phương pháp dạy Guitar như sau:

- Hình ảnh nghệ thuật của âm thanh.

- Âm thanh thích ứng với hình ảnh âm nhạc.

- Các kĩ thuật phù hợp với âm nhạc.

3.2.2. Rèn luyện chuyển động tư thế của hai tay

3.2.2.1.Tư thế chuẩn bị

Song song với việc dạy lí thuyết Guitar, trong giáo trình giảng dạy, chúng ta cần chú ý đến những bước cơ bản của học sinh. Điều đầu tiên là về tư thế chuẩn bị, cần phải ôm đàn và đặt tay ở vị trí thích hợp.

3.2.2.2.Cơ chế chuyển động hai tay

Mỗi con người đều có cấu trúc bàn tay khác nhau, do đó khi đặt các ngón tay vào tư thế chơi đàn Guitar, đều phải nghiên cứu rất cụ thể về từng trường hợp.  Ngoài ra Guitar có cơ chế đặc biệt với một bàn tay bấm và một bàn tay để gảy nên cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyển động hai bàn tay. Mỗi bàn tay đối với người nghệ sĩ, từ các đầu ngón tay đến cổ tay, cánh tay đều là những phương tiện thể hiện cảm xúc âm nhạc.

3.2.3. Rèn luyện cho học sinh những thói quen về ý thức để phát triển trí tuệ tiếp thu âm nhạc trong quá trình học tập Guitar

Điều cần lưu ý rằng, để có thể trở thành một tài năng âm nhạc thì cần phải có “nhạc cảm”. “Nhạc cảm” là tư chất quan trọng nhất của năng khiếu âm nhạc, là “món quà của thượng đế”, vì nếu thiếu nó thì âm nhạc được sáng tạo ra sẽ không còn sức sống nữa (trích  Rèn luyện năng khiếu âm nhạc trong đào tạo tài năng trẻ Việt Nam - PGS Ngô Văn Thành - báo Văn hóa nghệ thuật - 1996).

Mặc dù “nhạc cảm” rất quan trọng và mang tính quyết định thành công cho người nghệ sĩ nhưng “nhạc cảm” cũng được phát triển và tập luyện từ những ngày đầu theo học đàn. Khi các em nhỏ theo học guitar, chúng ta nên cho các em tiếp cận với những tác phẩm gây ấn tượng, quen thuộc và gần gũi với đời sống, rồi từ đó chăm sóc, bồi dưỡng dần xúc cảm âm nhạc thì “nhạc cảm” sẽ dần lớn lên theo thời gian.

3.2.3.1. Rèn luyện khả năng phân tích tác phẩm.

3.2.3.2. Rèn luyện bản lĩnh sân khấu.

3.2.4. Giải pháp về nghiên cứu năng lực của học sinh

Mỗi học sinh đều có năng lực, năng khiếu âm nhạc khác nhau, các em có cấu tạo về thể chất cũng khác nhau và đặc biệt hơn đó là sự tiếp thu, tiếp nhận nghệ thuật âm nhạc. Khả năng được thể hiện trong quá trình học tập và rèn luyện. Những năng lực riêng biệt đó được phát hiện do người “Thầy”, là người tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với học sinh.

Mỗi học sinh đều có tính tình cụ thể, khác nhau về thể chất lẫn tâm tư, cần phân tích cụ thể tình hình thực tế của từng học sinh. Không phải tất cả học sinh đều cần tốn thời gian trong việc học các kĩ năng cơ bản của đàn Guitar như nhau, cần dựa vào tình hình thực tế của học sinh để xây dựng giáo trình, sắp xếp đơn giản hoá, cô đọng và hợp lí… Cách giảng dạy như vậy mới có giá trị.

3.2.4.1. Năng lực tiếp thu tốt

Nhóm đối tượng này thường ở lứa tuổi từ 10-14 tuổi. Ở độ tuổi này, các em đã được phát triển tương đối tốt và ổn định về thể chất cũng như tư duy chịu khó trong lúc tập luyện. Các em đã có trách nhiệm cá nhân và có thể đưa ra các quyết định dưới sự hướng dẫn của giáo viên mà không cần sự giám sát của phụ huynh. Ngoài ra các em ở lứa tuổi này đã có sự nhiệt tình, năng lượng và dưới sự hướng dẫn cẩn thận, chu đáo thì có thể mang lại những kết quả tốt, phát hiện được những mầm tài năng Guitar đỉnh cao sau này.

3.2.4.2. Năng lực tiếp thu khá

Khác với nhóm đối tượng trên, lứa tuổi theo học tại nhóm này thường dao động từ 5-9 tuổi. Đây là lứa tuổi tương đối nhỏ, thể chất còn yếu cùng với tư duy ham chơi hơn học. Chính vì thế, giáo viên giảng dạy ở độ tuổi này cần có những phương pháp, bài học đặc thù mang tính vui chơi, giải trí, quen thuộc, gần gũi với đời sống của các em. Không nhất thiết phải bắt các em ngồi đúng tư thế, thuộc nốt hay các kĩ thuật, mà hãy để các em làm quen với âm nhạc, học cách lắng nghe rồi từ đó bắt đầu học nốt nhạc. Tạo cho các em học sinh cảm giác đến lớp học như một buổi chơi đàn chứ không phải đánh đàn.

3.3. Thực nghiệm sư phạm

Để củng cố thêm cho những nghiên cứu trong luận án là phù hợp và thiết thực, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm sư phạm cho các đối tượng học sinh theo đúng lứa tuổi đang nghiên cứu. Thực nghiệm sư phạm sẽ tạo ra cho GV và HS một môi trường làm việc và học tập theo đúng những bước đề ra trong nghiên cứu, chúng tôi tiến hành dưới hai hình thức lớp: lớp truyền thống và lớp theo hướng nghiên cứu mới, từ đó có thể thấy rằng tầm quan trọng của lớp hình thức mới rất phù hợp với điều kiện học của HS thời điểm hiện tại.

3.3.1. Điều kiện thực nghiệm

Hiện nay với trào lưu học đàn Guitar ngày càng được nở rộ tại các trường văn hóa nghệ thuật - trung tâm âm nhạc, cũng có nhiều trẻ em theo học với mục đích theo con đường chuyên nghiệp sau này, chúng ta cần phải xây dựng bộ khung chương trình chuẩn, cập nhập liên tục hướng tới mục tiêu chính: dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi từ 7 đến 14 tuổi. Đây là độ tuổi tương đối dài nên chúng tôi chia ra làm hai giai đoạn giảng dạy như:

Giai đoạn một (từ 7 đến 10 tuổi): đây là giai đoạn trẻ còn nhỏ, học đàn còn có nhiều khó khăn và dễ nản chí. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn giáo trình Suzuki Method với mục đích giúp các em làm quen, tiếp xúc dần với âm nhạc, đàn Guitar thông qua các bản nhạc nổi tiếng.

Giai đoạn hai (từ 11 đến 14 tuổi): Lứa tuổi này bắt đầu hoàn thiện cho các em về kĩ thuật và thể hiện tác phẩm âm nhạc cho đúng, nhằm mục đích hỗ trợ các em có thể thi đỗ và phát triển Guitar theo hướng chuyên nghiệp tại cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

Lớp học đàn Guitar quy chuẩn trước hết phải đạt được mục tiêu: lấy học sinh làm trung tâm, qua các khoá học, bài luyện tập thì các em có thể đạt được những kĩ năng cũng như trau dồi kĩ thuật của mình. Mỗi học sinh đến với khoá học đàn Guitar đều có những mục tiêu riêng như: học để giải trí, học theo phương pháp chuyên nghiệp, học để theo con đường chuyên nghiệp sau này … Tuỳ vào mục tiêu của từng nhóm đối tượng mà giáo viên có thể đưa ra các quy mô lớp học khác nhau. Nhưng cho dù với lớp học nào thì học sinh cũng cần phải đạt được những kĩ thuật, phát triển kĩ năng để có thể áp dụng trong nhiều tình huống âm nhạc, gắn liền với đời sống.

Lớp nhỏ từ 7-10 tuổi.

Lớp lớn từ 11-14 tuổi.

3.3.2. Nội dung giảng dạy

Giáo viên khi xây dựng nội dung bài học cần dựa trên tính đồng bộ trong quá trình giảng dạy đàn Guitar để phát triển và đưa ra chương trình học phù hợp với học sinh. Có thể đưa ra các bài tập ngắn gọn, dễ hiểu và quen thuộc với các em như: Twinkle, twinkle, little star hay Happy birthday, các bài về giáng sinh hoặc các bài hát ru … Những bài hát đó đã gắn liền với tuổi thơ ấu của các em, nên các em có thể nhận biết và thuộc rất nhanh, khi đó thời gian dành để tìm và bấm trên đàn sẽ được nhiều hơn. Tiếp đó nâng dần độ khó bằng cách đưa các hợp âm, các nốt phụ đan xen vào bài giai điệu để các em làm quen dần với các hợp âm trên đàn Guitar. Trong quá trình đưa các bài học cho học sinh, giáo viên cũng cần kết hợp với giải pháp về rèn luyện chuyển động của hai tay, tư thế chuẩn bị vì đây là những bước quan trọng để hình thành tư thế, khả năng bấm gảy thuận lợi về sau. Nếu như tư thế ôm đàn hoặc cách chuyển động của hai bàn tay không có sự chính xác thì trong tương lai, các em sẽ không thể phát triển tốt được. Từ những lúc gảy dây buông, bấm lẻ từng nốt cho đến hợp âm, đều phải được tập luyện với các bài luyện tập phù hợp kết hợp với sự giám sát chặt chẽ của giáo viên.

Lớp nhỏ từ 7-10 tuổi.

Lớp lớn từ 11-14 tuổi.

3.3.3. Giáo án thực nghiệm

Với phương pháp giảng dạy Guitar theo hướng luận án nghiên cứu thì luôn luôn đòi hỏi GV – HS hợp tác với nhau, làm đúng từng bước đã được thiết lập trong giáo án. Giáo án sẽ hỗ trợ GV từng bước phát triển các nguyên tắc chuyên nghiệp, xây dựng nền tảng kĩ thuật chắc chắn, có điều kiện để phát triển ở cấp độ cao hơn. Đối với chúng tôi một giáo án giảng dạy mang tính chuyên nghiệp phải bao gồm đầy đủ bốn hoạt động trong quy trình giảng dạy mỗi buổi học. Đó là: Khởi động làm quen, hình thành kiến thức, ôn tập, bài học về nhà.

3.3.4. Kết quả thực nghiệm

Lớp truyền thống: Nội dung và kết quả

Lớp mới: Nội dung và kết quả

3.3.5. Đánh giá kết quả

Đánh giá khả năng tiếp thu là công đoạn hết sức quan trọng trong nội dung giảng dạy. Giáo viên nên cho điểm và nhận xét cụ thể vào từng học sinh, có thể đưa ra một số tiêu chí đánh giá cho học sinh theo các bảng tính điểm.

Tiểu kết chương 3

Để có được tính chuyên nghiệp trong giảng dạy Guitar trẻ nhỏ tại Hà Nội, chúng ta cần phải hiểu rõ tính chuyên nghiệp trong giảng dạy Guitar là gì để từ đó có thể phát triển và nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa tại các trung tâm đào tạo âm nhạc.

Chương 3 chúng tôi đã đưa ra một số định nghĩa về tính chuyên nghiệp và một số giải pháp trong giảng dạy cho trẻ em bao gồm những nguyên tắc về tính đồng bộ, phương thức luyện tập cũng như nghiên cứu về khả năng tiếp thu của các em để hỗ trợ các em trong quá trình học tập đạt được kết quả tốt nhất. Làm hành trang cho các em vững bước trên con đường nghệ thuật biểu diễn Guitar chuyên nghiệp sau này. Ngoài ra, trong chương này cũng đã đưa ra các mẫu kiểm tra khả năng chuyển động của tay phải, khả năng kết hợp của hai bàn tay, phân tích cấu tạo bàn tay và lập bảng so sánh kết quả đạt được theo từng lứa tuổi, để từ đó có cái nhìn đầy đủ, chính xác về khả năng vận động của trẻ, hỗ trợ cho giáo viên xây dựng chương trình giảng dạy phụ hợp.

Lớp học thực nghiệm là một vấn đề mới trong chương 3 của luận án. Thông thường đối với các trung tâm đào tạo âm nhạc thì hầu hết là học sinh chọn lựa lớp học và theo học chứ không có sự tư vấn của giáo viên cũng như trao đổi với phụ huynh. Các em không được kiểm tra đánh giá năng lực ngay từ đầu dẫn đến hậu quả là không thể theo học lâu dài do không phù hợp với lớp học hay chương trình học. Với tiêu chí của lớp học thực nghiệm chúng tôi đưa ra là: lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là các vệ tinh xoay xung quanh. Giáo viên phải có trách nhiệm dùng đủ các phương pháp, giáo trình từ mới cho đến cũ để tiếp cận đến nhận thức của các em học sinh. Cần phải phân biệt rõ ràng giữa cách sử dụng giáo trình một cách ngẫu hứng của các giáo viên ở các trung tâm hiện nay khác với cách thay đổi liên tục các giáo trình trong lớp học thực nghiệm này. Với lớp học chia theo từng độ tuổi, sẽ giúp các em thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu với cây đàn cũng như trau dồi kiến thức với nhau thoải mái, không bị gó bó về thời gian, độ tuổi hay trình độ, luôn giúp các em tự tin với những gì mình có. Kết thúc lớp học thực nghiệm sẽ có phiếu đánh giá khả năng tiếp thu và trình diễn của các em, dựa trên yêu cầu thực trạng để đưa ra kết quả nhận xét hợp lí. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, các mẫu phiếu đánh giá trên chỉ mang tính minh họa, ví dụ, có thể áp dụng hoặc chỉnh sửa sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng học sinh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã áp dụng một số mô hình các lớp thực nghiệm và thu về kết quả khả quan trong quá trình giảng dạy. Thông qua bảng kết quả thực nghiệm, chúng tôi thấy được rằng lớp học dưới hình thức này là khả quan, có thể thực hiện rộng rãi ở các trung tâm đào tạo âm nhạc tại Hà Nội, có thể kể đến hai trung tâm: Hoàng Cung và Bảy nốt nhạc vui đã áp dụng hình thức lớp như vậy và trong số đó đã có rất nhiều em có thành tích tốt, thi được vào bộ môn Guitar cổ điển tại HVANQGVN, CĐNTHN cũng như đạt được một số chứng chỉ Guitar Ameb, Trinity …

KẾT LUẬN

Cây đàn Guitar đã trải qua rất nhiều năm để hình thành và phát triển cho đến ngày nay, với độ phổ cập khắp các nơi trên thế giới. Song song với việc trình diễn các tiết mục ở nhiều trung tâm âm nhạc thế giới như: Anh, Mỹ, Tây Ban Nha thì công cuộc xây dựng phương pháp, giáo trình giảng dạy cho đàn Guitar cũng được phát triển rộng rãi. Tuy nhiên, những phương pháp, giáo trình giảng dạy đàn Guitar cho trẻ nhỏ theo độ tuổi từ 7-14 tuổi vẫn còn khan hiếm.

Đã có rất nhiều các phương pháp, giáo trình giảng dạy đàn Guitar ở trên thế giới kéo dài từ thế kỉ XIX cho đến nay nhưng đều hướng đến đối tượng lớn tuổi hoặc theo học chuyên nghiệp, chưa thực sự có những giáo trình dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên chỉ cho đến cuối thế kỉ XX và sang thế kỉ XXI thì những giáo trình, phương pháp giảng dạy Guitar cho trẻ nhỏ đã thực sự được quan tâm và phát triển. Có thể kể đến quan điểm và phương pháp giảng dạy kết hợp với giáo trình Suzuki cho Guitar, tuyển tập Guitar Ameb hay Trinity, Parkening … Qua đó chúng ta có thể thấy rằng công cuộc giảng dạy Guitar cho trẻ em trên thế giới đã được phát triển rực rỡ, từ những bước đầu dạy trẻ em chuyên nghiệp từ nhỏ sẽ giúp các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tích kiệm được thời gian đào tạo và không phải chỉnh sửa những lỗi sai cơ bản cho các em khi thi vào trường chuyên nghiệp.

Không chậm so với thế giới, công việc giảng dạy đàn Guitar cho lứa tuổi nhỏ tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng đã phát triển đầy đủ. Tuy nhiên, với các trung tâm âm nhạc tại Hà Nội thì tính chuyên nghiệp trong giảng dạy các em nhỏ còn chưa cao, đôi khi vẫn mang tính chất ngẫu hững, tùy ý giao bài trong quá trình học tập mà chưa có một khuân mẫu nào. Ngoài ra, cách thức tuyển sinh đầu vào, chọn lọc để tổ chức lớp học hay nội dung giảng dạy, hệ thống giáo viên vẫn chưa thực sự mang tính chuyên nghiệp. Cần phải hiểu rõ rằng, không chỉ đào tạo các em trở thành những nghệ sĩ Guitar chuyên nghiệp mới cần tính chuyên nghiệp trong giảng dạy, mà ngay cả khi các em học chơi, học để biết cũng cần tính chuyên nghiệp vì với thời đại bây giờ, không có tính chuyên nghiệp trong công việc thì không thể có thành công. Đặc biệt trong chương 3 của luận án đã đưa ra tính chuyên nghiệp trong giảng dạy Guitar tại các trung tâm đào tạo âm nhạc, kết hợp với mở một số lớp học thực nghiệm để chứng minh rằng phương pháp giảng dạy mới của tác giả luận án là chính xác và phù hợp với thời đại.

Luận án đã tập trung vào những vấn đề sau và đưa ra phương án giải quyết.

+ Xây dựng và ứng dụng các chương trình, giáo trình, phương pháp mới của thế giới để đào tạo Guitar chuyên nghiệp từ nhỏ

+ Phát huy hiệu quả và nghệ thuật trình tấu Guitar trong thời kì mới

+ Gắn kết hai đối tượng: Chuyên nghiệp - bán chuyên

+ Giúp mọi người có nhìn nhận mới về các phương pháp sư phạm Guitar thế kỉ XX, XXI.

Chúng tôi mong muốn, khi hoàn thành công trình nghiên cứu này sẽ đóng góp cho việc giảng dạy âm nhạc thêm những chương trình, giáo trình và phương pháp sư phạm mới của thế giới nhưng đã được chỉnh sửa sao cho phù hợp hơn với điều kiện đào tạo tại Việt Nam. Để từ đó việc đào tạo đàn Guitar có thêm nhiều điều mới mẻ, có ích hơn nữa trong công cuộc phát triển nền âm nhạc Việt Nam thông qua vấn đề về giảng dạy chứ không phải biểu diễn, bởi vì để đến được âm nhạc đỉnh cao, phương pháp sư phạm - đào tạo Guitar phải được đi trước biểu diễn một bước.

 

KHUYẾN NGHỊ

Các giáo viên giảng dạy Guitar ở các trung tâm đào tạo âm nhạc Hà Nội cần tìm hiểu và tham khảo nhiều phương pháp giảng dạy cho trẻ em lứa tuổi nhỏ để từ đó tìm ra giáo trình phù hợp với từng em. Cần trau dồi và hỗ trợ nhau trong công cuộc tìm hiểu, chia sẻ những kiến thức, kĩ năng, phương pháp sư phạm mới trên thế giới để từ đó có thể phát triển mạnh hơn nữa lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu. Thường xuyên có những hội thảo để trao đổi thêm về phương pháp giảng dạy kết hợp với các giáo trình mới.

Các trung tâm đào tạo âm nhạc song song với việc dạy Guitar cho lứa tuổi lớn cũng nên chú trọng phát triển đào tạo Guitar cho trẻ nhỏ theo hướng chuyên nghiệp, cần mang tính chuyên nghiệp ngay trong những bước đầu giảng dạy Guitar, chính xác ngay từ đầu vì hiện nay nhu cầu học đàn Guitar là rất lớn. Số lượng các em nhỏ học dự bị chuyên nghiệp cũng nhiều, nếu không được đào tạo bài bản hệ thống ngay từ đầu rất có thể sẽ làm các em bị chệch hướng học tập, có cái nhìn không chính xác về nghệ thuật biểu diễn đàn Guitar. Cần phải đầu tư việc phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc tốt và cơ thể phù hợp với đàn Guitar làm nguồn phát triển cho nền nghệ thuật Guitar theo hướng chuyên nghiệp cao. 

Tổ chức các cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp Tỉnh, Thành phố, các trung tâm lớn để dần tiến tới các cuộc thi quốc gia hàng năm. Từ đó tuyển chọn đội tuyển dự thi quốc tế. Để làm được điều đó thì Nhà nước và các nhà hảo tâm có thể đầu tư các cuộc thi, biểu diễn trong và ngoài nước phù hợp với lứa tuổi để các em có thể được cọ xát, trau dồi kĩ năng biểu diễn với nhau để từ đó có thể phát triển tốt hơn nữa. Trải qua mỗi lần thi đấu, là các dần lớn lên, mạnh dạn hơn và cũng là khẳng định được phương pháp giáo dục, giáo trình tập luyện của các em đang phù hợp với bản thân.

Cần phổ cập hóa cây đàn Guitar trong giai đoạn mới.

Trên phương diện biểu diễn sân khấu:

Chúng ta nên thường xuyên tổ chức những liên hoan - cuộc thi hòa tấu có trình độ nghệ thuật cao dần, để từ đó người học cũng như người chơi có một sân chơi thực hành hữu ích và có thể cảm nhận được tại chỗ sự quyến rũ vô hạn của nghệ thuật.

Ngoài ra chúng ta cũng thường xuyên sắp xếp và tổ chức  các buổi diễn tấu âm nhạc với nhiều trường phái - phong cách khác nhau ( từ cổ điển cho đến đương đại, từ đàn Guitar gỗ cho đến điện tử …). Điều này thúc đẩy người học bước ra khỏi phòng học và trình diễn trên sân khấu, thể hiện thành quả phong phú trong suốt quá trình theo học, phấn đấu.

Thành lập các nhóm - ban nhạc:

Ngoài việc chơi đàn Guitar độc tấu, hòa tấu nhiều đàn hay với các nhạc cụ khác thì thành lập nhóm nhạc điện tử cũng là một cách thức hiệu quả trong việc phổ cập đàn Guitar.

Thành lập ban nhóm nhạc sẽ giúp ích cho việc nâng cao kĩ năng sáng tạo của người học cũng như khả năng làm việc theo nhóm một cách đồng nhất mà điều đó với thời đại mới bây giờ là vô cùng cần thiết.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn