Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12104160
Luận văn Thạc sĩ Thứ năm, 28/03/2024

Tác giả: Võ Thị Mai 
Tên đề tài:  “Các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên trong bối cảnh sân khấu hóa”.
Chuyên ngành: Âm nhạc học 
Mã số: 60 21 02 01
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Trọng Ánh 
Ngày đăng: 13/01/2019

 
Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

Dân ca Việt Nam nói chung và dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng đã chứng tỏ giá trị và sức sống mãnh liệt của mình trong đời sống văn hóa cộng đồng từ xưa đến nay. Tuy nhiên, cuộc sống xã hội luôn vận động và phát triển, nhiều loại hình sinh hoạt ca hát dân gian cũng đã dần biến đổi để phù hợp và thích nghi hơn với cuộc sống đương đại. 

Trước xu thế tất yếu đó dân ca Nghệ Tĩnh đã từng bước được sân khấu hóa trở thành bộ môn kịch hát Dân ca và gắn bó với đời sống sinh hoạt của nhân dân nơi đây. Mặc dù các làn điệu dân ca gốc rất giàu chất thơ, giàu tính biểu đạt, dễ đi vào lòng người nhưng qua thời gian thì ngày càng hạn chế về số lượng bài bản, làn điệu. Bên cạnh đó sân khấu kịch hát dân ca lại cần sự đa dạng tính chất để phù hợp với các tình tiết sân khấu. Vậy nên bên cạnh các làn điệu dân ca gốc, các nhạc sĩ đã sáng tạo ra các làn điệu cải biên để đáp ứng cho các nhu cầu đó và thẩm mĩ thời đại.

Các làn điệu cải biên là những sáng tạo của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong quá trình dàn dựng vở diễn, mặc dù mang dấu ấn tác giả song qua thời gian cũng đã được dân gian hóa sử dụng trong rất nhiều hoạt ca, hoạt cảnh, các vở kịch ngắn, trong các chương trình văn nghệ quần chúng ở địa phương. 

Với những lí do trên đây, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử phát triển cũng như những giá trị nghệ thuật độc đáo của các làn điệu cải biên thông qua đề tài “Các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên trong bối cảnh sân khấu hóa”.

2. Lịch sử đề tài

Dân ca Nghệ Tĩnh với nhiều loại hình độc đáo vốn là một trong những đề tài được nhiều học giả và các nhà nghiên cứu quan tâm:

- “Văn hóa dân gian xứ Nghệ” (2011) của PGS Ninh Viết Giao: là một công trình gồm nhiều phần với phạm vi nghiên cứu rất rộng, có thể nói là mọi mặt trong đời sống tinh thần người dân xứ Nghệ, trong đó bao gồm cả dân ca. 

- “Tuyển tập Dân ca Nghệ Tĩnh(2011) của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An. Tuyển tập gồm hai phần chính: phần một là các làn điệu gốc; phần hai là phần tập hợp các làn điệu cải biên và ca khúc phát triển trong quá trình sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ. 

- Sách “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm, Hò xứ Nghệ”(2012) của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An. Cuốn sách gồm 2 phần: phần một là tập hợp những bài viết tham luận tại Hội thảo khoa học cùng tên; phần hai là những bài nghiên cứu khác về dân ca xứ Nghệ. Đây là một cuốn sách có giá trị về nội dung, tư liệu đề cập đến Ví, Giặm, Hò nói riêng và các loại hình dân ca Nghệ Tĩnh nói chung. Bên cạnh đó, một số bài viết đã nhắc đến vai trò và một số thành tích đáng chú ý của quá trình sân khấu hóa, của kịch hát dân ca và các làn điệu mới. 

- “So sánh mối tương đồng và dị biệt giữa Hò sông nước Thanh Hóa với Hò sông nước Nghệ Tĩnh” (2014)– tiểu luận Đại học của tác giả luận văn.

- “Đặc điểm âm nhạc trong các làn điệu Ca trù Cổ Đạm” (2015) - khóa luận tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Âm nhạc học của tác giả luận văn.

- “Bước đầu tìm hiểu dân ca Nghệ Tĩnh.” (1978) - khóa luận tốt nghiệp Đại học Lý luận của tác giả Đặng Mai Hồng. Đây có thể nói là một trong những đề tài hiếm hoi nghiên cứu về dân ca Nghệ Tĩnh dưới góc độ âm nhạc học. 

- Các công trình: “Từ dân ca đến kịch hát” (1991) và “30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ -Tĩnh” (2002) của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An.Cả hai tuyển tập đều có nội dung là trích đăng các bài báo cáo, tham luận tại các Hội thảo Khoa học về Dân ca và Kịch hát Nghệ Tĩnh cũng như quá trình sân khấu hóa của loại hình này. Có thể nói hai công trình trên là những tài liệu tham khảo quý giá về mặt tư liệu lịch sử cho các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các độc giả và những người yêu mến dân ca Nghệ Tĩnh, đặc biệt đối với đề tài luận văn của chúng tôi. 

3. Mục tiêu nghiên cứu

Trong luận văn này, chúng tôi tập trung nghiên cứu, tìm hiểu về bối cảnh ra đời, cách sử dụng cũng như đặc điểm sáng tác cả về âm nhạc và thơ ca của các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên để qua đó thấy được những giá trị độc đáo và sức lan tỏa kì diệu của các làn điệu mới trong đời sống đương đại của người dân Nghệ Tĩnh.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: là các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên dùng trong sân khấu kịch hát dân ca. Ngoài ra một số làn điệu gốc cũng được chúng tôi sử dụng làm đối tượng tham chiếu. 

Phạm vi nghiên cứu: Phần lớn các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An phối hợp Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ sưu tầm, ký âm và đưa vào Tuyển tập Dân ca xứ Nghệ(2011) - Nhà xuất bản Nghệ An. Tuy nhiên trong giới hạn của luận văn, chúng tôi không thể đi sâu phân tích được hết toàn bộ các làn điệu trong tuyển tập mà chỉ tuyển chọn những làn điệu tiêu biểu và đa dùng hơn. 

5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài luận văn thuộc loại hình nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng, chuyên ngành Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology). Vì vậy các phương pháp nghiên cứu được chúng tôi sử dụng trong quá trình hoàn thành luận văn bao gồm: 

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: 

Trong nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết, chúng tôi sử dụng chủ yếu là phương pháp nghiên cứu phân tích, so sánh, tổng hợp…

- Phương pháp thực tiễn:

 + Điền dã thâm nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trải nghiệm trong các phong trào ca hát.

+ Sử dụng phương pháp chuyên gia để tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ, từ đó xây dựng luận điểm nghiên cứu cho mình.

6. Đóng góp mới của đề tài

- Về lý luận, nếu thành công đề tài sẽ là nguồn động lực góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh; hoàn chỉnh thêm tư liệu chuyên sâu về dân ca Nghệ Tĩnh dưới góc độ Âm nhạc học. Ngoài ra những đúc kết, đánh giá, nhìn nhận đúng đắn hơn về sức lan tỏa của các làn điệu dân ca cải biên trong đời sống văn hóa vùng đất Nghệ Tĩnh có thể sẽ trở thành cơ sở để từ đó đề xuất hướng phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay.

- Về thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận văn phần nào mang tính định hướng ứng dụng, có thể giúp các tác giả, các nhạc sĩ muốn sáng tác phát triển dân ca có thêm một số gợi ý về chất liệu, thủ pháp sáng tác. Bên cạnh đó, đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về những vấn đề có liên quan.

 

7. Bố cục luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Đôi nét về dân ca Nghệ Tĩnh và quá trình sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh.

Chương 2: Đặc điểm sáng tác

 

CHƯƠNG 1

ĐÔI NÉT VỀ DÂN CA NGHỆ TĨNH

VÀ QUÁ TRÌNH SÂN KHẤU HÓA DÂN CA NGHỆ TĨNH

  1. Đôi nét về Dân ca Nghệ Tĩnh

Tổng hợp các tài liệu nghiên cứu chúng tôi thấy Dân ca Nghệ Tĩnh nổi lên 4 thể loại: Hát Ví, Hát Giặm, Hò và họ lai.

- Hát Ví:

Hát Ví xứ Nghệ là lối hát giao duyên không nhạc đệm gắn liền với lao động. 

Lời ca của Ví hầu hết được sáng tác ở thể thơ lục bát, một ít theo thể lục bát biến thể.Nội dung lời ca thường mang tính ví von, giãi bày tâm tư tình cảm; đặc biệt còn có nhiều câu hát rất chải chuốt, thâm thúy, đậm chất trí tuệ.

Về âm nhạc, Ví là loại hát theo lối ngâm vịnh, co giãn tùy hứng, Tính tự do, tùy hứng trong nhịp điệu, tiết tấu của Ví Nghệ Tĩnh đã khiến cho làn điệu này có rất nhiều dị bản, nhiều người cùng hát một điệu nhưng mỗi người lại có sự thể hiện khác nhau về tiết tấu, kể cả những âm luyến láy trong cùng một lời ca. Ví ít sử dụng từ phụ, chủ yếu là những tiếng đưa hơi, đệm lót. Giai điệu của Ví chủ yếu được xây dựng trên thang 3 âm hoặc 4 âm với các quãng đặc trưng là quãng 4 đúng, 3 thứ, 2 trưởng. Âm vực Ví thường không quá một quãng 8.

-       Hát Giặm: 

Giặm là thể hát nói bằng thơ ngũ ngôn (thơ 5 chữ). Giặm cũng có nhiều làn điệu như: Giặm kểGiặm vèGiặm cửa quyềnGiặm ruGiặm xẩmGiặm giật,… Thông thường mỗi bài Giặm có nhiều khổ, trong một khổ (trổ) thường có 5 câu, vần nằm cuối câu, câu 5 thường điệp lại câu 4 nhằm nhấn mạnh ý của đoạn. Tuy vậy, cũng có những bài Giặm không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu và mỗi câu cũng không nhất thiết 5 chữ mà có thể 4 chữ hoặc 6, 7 chữ, do lời thơ biến thể. Khác với Ví, Giặm là loại hát có tiết tấu, nhịp điệu rõ ràng nghe đơn giản, đều đều, chắc gọn, có phách mạnh phách nhẹ, phần nhiều là nhịp 2/4, đặc biệt Giặm vè có tiết nhịp 7/8 rất độc đáo. [2;142-143] 

Giai điệu của Giặm đơn giản, phần lớn là thang 4 âm, rất ít thang 5 âm và âm vực cũng hẹp thường trong phạm vi quãng 5, quãng 6, ít khi đến quãng 7. Người hát Giặm do từng địa phương hay từng vùng mà thêm những chữ đệm để lấy đà hoặc lót như: rứa mới, rồi, mì, a là ơ…

-Hò

Thể thơ ưa dùng trong Hò Nghệ Tĩnh là thơ lục bát và thơ 5 từ. Từ phụ xuất hiện ít thường đóng vai trò phân ngắt hoặc tăng cường thêm sự dứt khoát, khoẻ mạnh cho làn điệu. Cụm từ điển hình là: khoan hỡi hò khoan, dô khoan, dô hò, hò ơ. Cấu trúc hò thường gồm ba phần: gọi - kể  - đáp. Trong đó, phần gọi đóng chức năng mở đầu làn điệu trước khi xuất hiện lời ca chính; phần kể bao gồm toàn bộ nội dung của lời ca nhưng ở đây lời ca không được trình bày liền mạch từ đầu đến cuối mà thường được phân nhỏ thành từng cú đoạn, từng câu và do một người thể hiện; xen giữa chúng là phần đáp của cả tập thể cùng làm việc để tạo nên không khí vui vẻ, sự khẩn trương trong lao động; phần đáp đóng vai trò kết thúc làn điệu nên thường có tính chất ổn định. Tuy nhiên phần đáp không chỉ xuất hiện ở kết mà còn tham gia vào phần kể hoặc đôi khi ở phần gọi. Đây là nét nhạc luôn luôn được lặp đi lặp lại tạo tính thống nhất cho điệu hò. Hò Nghệ Tĩnh có âm hưởng mộc mạc, khoẻ, chắc, giai điệu thường được tiến hành trên một số quãng đặc trưng như: quãng 2T, quãng 4Đ và quãng 5Đ tuỳ theo mối quan hệ với thanh điệu ở từng bài. 

-Họ lai: 

Ngoài ba thể loại tiêu biểu kể trên thì dân ca Nghệ Tĩnh còn có các làn điệu, thể loại khác như: Hát ru, Hát xẩm, Hát đồng dao, Hát sắc bùa, tế lễ, ngâm thơ, lẩy Kiều, Ca trù, Tuồng, Chèo, v.v. Trong số đó, chỉ có một số ít làn điệu có nguồn gốc xứ Nghệ, còn phần nhiều là xuất xứ từ các vùng miền khác, du nhập vào nơi đây và qua thời gian được Nghệ Tĩnh hóa nên được gọi là “họ lai”. 

  1. Quá trình sân khấu hóa
    1. Những yếu tố tác động đến sự biến đổi của dân ca Nghệ Tĩnh

- Sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội. Dân ca là hiện thân của cuộc sống người lao động. Cuộc sống thay đổi thì dân ca cũng thay đổi theo mà trong đó biểu hiện rõ ràng nhất chính là thay đổi không gian văn hóa, môi trường diễn xướng.

- Cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Về phương diện này, các bài dân ca chủ yếu thay đổi về nội dung lời ca. Những năm tháng chiến tranh kéo dài, một số làn điệu dân ca quen thuộc đã được các tác giả đặt lời mới để phục vụ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. 

- Do yếu tố chủ quan là chính người hát tác động đến. Ngày nay, người hát dân ca chủ yếu là lớp trẻ, các cán bộ văn hóa, nhiều người được đào tạo bài bản (được học hát chuyên nghiệp). Sự sáng tạo của họ đã khiến cho dân ca biến đổi theo phong cách mới phù hợp với cuộc sống đương đại.

- Do quá trình chuyển hóa tự thân từ dân ca đến kịch hát. 

 

  1. Lịch sử hình thành và phát triển sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh

Gồm 2 thời kỳ:

  • Thời kỳ manh nha khởi đầu: bắt đầu từ những năm 50 thế kỉ XX rồi phát triển vào thập kỷ 60. 

- Thời kỳ định hình và phát triển: được đánh dấu bằng sự ra đời của Đoàn Dân ca Nghệ Annăm 1972 và được chia thành 3 giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1, từ năm 1972 -1985:Giai đoạn này chủ yếu tập trung làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và thể nghiệm một số vở diễn. Đỉnh cao là vở “Mai Thúc Loan” của tác giả Phan Lương Hảo. Vở này được được coi là kịch bản khai sinh cho sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh, là cột mốc ghi lại dấu ấn quan trọng trên chặng đường sân khấu hóa dân ca. Giai đoạn này gặt hái được nhiều thành tựu về mặt âm nhạc. Các nhạc sĩ đã sáng tạo ra một hệ thống làn điệu mà rất nhiều làn điệu mang tính đa dùng. 

- Giai đoạn 2, từ 1986-2002:Giai đoạn này đã mạnh dạn thể nghiệm nhiều đề tài khác nhau từ dân gian đến hiện đại, đề tài lịch sử đến đề tài cách mạng. Song không sôi động bằng giai đoạn 1, không bổ sung thường xuyên được các làn điệu dân ca cải biên. 

- Giai đoạn 3, từ 2002 cho đến nay: Từ năm 2002 cho đến nay, dân ca xứ Nghệ tiếp tục được bảo tồn, phát huy và ngày càng hòa nhập với xã hội. Từ năm 2009, Nhà hát dân ca được đổi tên thành Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Tên gọi mới nhưng chức năng nhiệm vụ vẫn là sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật dân ca xứ Nghệ. Ngoài công tác nghiên cứu và tiếp tục thể nghiệm sân khấu hoá dân ca xứ Nghệ trung tâm còn đẩy mạnh công tác biểu diễn, đào tạo, phổ cập và giới thiệu, quảng bá sâu rộng dân ca xứ Nghệ tới đông đảo công chúng; phổ biến, giới thiệu kho tàng dân ca xứ Nghệ cho tầng lớp thanh thiếu niên bằng hình thức đưa dân ca vào trường học, sân khấu học đường; phát triển phong trào sáng tác và biểu diễn dân ca trong lực lượng văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ hát dân ca ở cơ sở, để nhằm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

1.3.    Giới thiệu tóm tắt nội dung của một số vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh

Trên chặng đường thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, cho đến nay đã ra đời nhiều vở diễn có quy mô khác nhau và đa dạng về chủ đề từ đề tài dân gian đến đề tài hiện đại, từ đề tài lịch sử đến đề tài cách mạng. 

1.4.   Hệ thống làn điệu cải biên

  1. Một số vấn đề về thuật ngữ
  • Làn điệu: 

Trong luận văn của chúng tôi, thuật ngữ “làn điệu” được sử dụng theo cách hiểu đơn giản là điệu hát dân ca như định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt.

Các cụm thuật ngữ “làn điệu cải biên”, “làn điệu mới” được dùng để gọi chung cho các điệu hát dân ca cải biên, bao gồm cả bài bản và làn điệu.

- Làn điệu gốc:

 Từ “gốc” mà chúng tôi dùng trong “làn điệu gốc” không có nghĩa là “đầu tiên” hay “nguyên gốc” mà chỉ để thể hiện nguồn chất liệu trong mối quan hệ với các làn điệu cải biên. Như vậy làn điệu gốc trong luận văn của chúng tôi được hiểu là những làn điệu cũ được dùng làm nguồn chất liệu cho sáng tác cải biên (làn điệu mới).

  • Cải biên:

Khái niệm “cải biên” chúng tôi sử dụng trong luận văn được hiểu theo định nghĩa của Luật sở hữu trí tuệ: “Cải biên là sửa đổi một phần nội dung, chuyển thể loại, thay đổi hình thức thể hiện trên cơ sở bản gốc hoặc một phần bản gốc của tác phẩm văn học nghệ thuật hoặc dựa trên nội dung cơ bản của tác phẩm đó để sáng tạo ra tác phẩm mới.”

  1. Hệ thống làn điệu cải biên

Từ khi định hình thể loại kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh cho đến nay, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đã sáng tạo được rất nhiều làn điệu cải biên góp phần quan trọng trong việc thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Các làn điệu được chia thành ba nhóm dựa theo đặc điểm tính chất:

1.4.2.1. Các làn điệu mang tính chất tâm trạng, tự sự

1.4.2.2  Các làn điệu mang tính chất vui tươi, sôi nổi, mạnh mẽ

1.4.2.3. Các làn điệu mang tính chất lẳng lơ, mỉa mai, cộc cằn

  1. . Thơ ca

1.5.1. Nội dung văn học

Các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên có nội dung văn học phong phú và sâu sắc xoay quanh cuộc sống như: tình yêu quê hương, đất nước, con người; tình yêu trai gái; tình cảm gia đình; những bài học giáo dục, khuyên răn về đạo làm người, đạo làm con, đạo chồng vợ…; và cả những lời ca chế giễu, trào phúng, đả kích, v.v. Đặc biệt, vốn ra đời từ các vở kịch hát nên còn có những làn điệu mang đặc điểm hát nói, ý nghĩa lời ca phụ thuộc vào tình huống kịch và người nghe phải đặt trong tình huống, hoàn cảnh của vở kịch thì mới hiểu được nội dung lời ca. 

1.5.2. Các thể thơ

Các làn điệu cải biên dân ca Nghệ Tĩnh vận dụng thể thơ khá đa dạng. Ngoài thơ lục bát, song thất lục bát, thơ 5 chữ thì còn có sự xuất hiện của thơ 7 chữ, thơ tự do với một số lượng đáng kể. Nhiều làn điệu có lời ca tương đối dài và sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc khác nhau nên chúng ta còn thấy lối kết hợp nhiều thể thơ trong cùng một làn điệu.

Tiểu kết chương 1

Có thể thấy sức sống và sự lan tỏa của dân ca Nghệ Tĩnh trong cộng đồng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, dân ca Nghệ Tĩnh cũng không tránh khỏi có những biến đổi để phù hợp với cuộc sống đương đại.Từ đó hình thành nên các làn điệu cải biên phát triển dân ca gắn với quá trình sân khấu hóa.

Lịch sử hình thành và phát triển sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh được chia thành hai thời kỳ: thời kỳ manh nha khởi đầu và thời kỳ định hình, phát triển. Trong đó, thời kỳ định hình và phát triển lại được chia làm ba giai đoạn chính đánh dấu mốc từ năm 1972 với sự ra đời của Đoàn Dân ca Nghệ An. Mỗi giai đoạn đều đạt được những thành tựu quan trọng. Rất nhiều vở kịch hát dân ca ra đời, đề tài đa dạng từ dân gian cho đến sử thi, cách mạng và hiện đại. Đặc biệt các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã sáng tác thêm được nhiều làn điệu cải biên phát triển dân ca vớinội dung văn học vàcấu trúc thơ rất phong phú. 

 

 

CHƯƠNG 2

ĐẶC ĐIỂM SÁNG TÁC

2.1. Đặc điểm âm nhạc

2.1.1. Thang âm, điệu thức

Dân ca cải biên không sử dụng hoàn toàn chất liệu thang âm, điệu thức của các làn điệu gốc mà thường có khuynh hướng mở rộng thang âm với thành phần âm phong phú hơn. Chiếm ưu thế là điệu thức Ai mang tính chất ngũ cung thứ. Các dạng điệu thức khác xuất hiện ít hơn nhưng cũng đã mang lại những màu sắc ấn tượng như điệu Bắc và điệu Oán. Có những làn điệu chỉ sử dụng duy nhất một điệu thức thống nhất nhưng cũng có những làn điệu sử dụng lối kết hợp, pha trộn hai hoặc nhiều điệu thức trong cùng một bài. 

2.1.2. Âm điệu và nhịp điệu

Các bài dân ca Nghệ Tĩnh cải biên ngoài vận dụng, khai thác chất liệu của Ví, Giặm, Hò thì còn có sự kết hợp, vay mượn chất liệu âm nhạc có nguồn gốc du nhập như: Xẩm, Chèo, Ca trù…nhưng được Nghệ hóa để mang đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh.

2.1.3. Cấu  trúc

Dân ca Nghệ Tĩnh cải biên dù vẫn có những làn điệu khai thác đơn thuần một chất liệu dân ca gốc nhưng phần lớn là có sự kết hợp, lồng ghép, đan xen hai hoặc nhiều chất liệu trong cùng một làn điệu để tạo tính tương phản mang yếu tố sân khấu.

Bên cạnh đó, một số làn điệu khác lại giữ nguyên dạng hoặc mô phỏng gần với cấu trúc làn điệu gốc, điển hình nhất là các làn điệu phát triển từ chất liệu Hò như Hò bơi thuyềnHò vượt sông

Hay trong một số làn điệu thuộc nhóm mỉa mai, cộc cằn. Các làn điệu phần lớn có đặc điểm hát nói, đối thoại, lời ca ngắn gọn, khúc chiết vì vậy âm nhạc cũng rất mạch lạc. 

Tóm lại, về phương diện cấu trúc, các bài dân ca cải biên được các nhạc sĩ áp dụng theo lối cấu trúc mở, không định hình chốt chặt của dân gian. Giống với các làn điệu gốc, các làn điệu cải biên dân ca Nghệ Tĩnh đều có lời ca được tạo nên từ thơ. Vì vậy, cấu trúc của âm nhạc có sự liên quan mật thiết với cấu trúc của thơ. Cụ thể, độ dài ngắn của các bài dân ca hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng câu, chữ của lời thơ. Có những bài lời dài thì nhạc dài, lời ngắn thì nhạc ngắn. 

2.2.  Nghệ thuật phổ thơ

2.2.1. Mối quan hệ giữa thơ và nhạc

2.2.1.1. Tương quan cao độ

Ngoài các yếu tố về mặt âm nhạc như âm điệu, nhịp điệu, thang âm, điệu thức, cấu trúc đều ít nhiều ảnh hưởng và phát triển chất liệu từ các làn điệu gốc thì tương quan cao độ, tức mối quan hệ giữa thanh điệu ngôn ngữ với âm điệu của nhạc cũng phải đảm bảo tính phương ngữ đặc trưng của vùng xứ Nghệ. 

Lối tiến hành giai điệu trong dân ca Nghệ Tĩnh có những nét riêng biệt cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa ngữ điệu với thanh điệu lời ca. Để các làn điệu cải biên mang đậm âm hưởng của dân ca gốc, các nhạc sĩ đã có sự bảo lưu về phương diện dấu giọng, thanh điệu. 

Bên cạnh đó, lối trang sức giai điệu dựa trên các nốt hoa mĩ, luyến láy cũng tạo nên những nét rất riêng của dân ca Nghệ Tĩnh nói chung và các làn điệu cải biên nói riêng. Việc khai thác nhiều nốt hoa mĩ không chỉ giúp cho giai điệu thêm mềm mại, tinh tế mà còn hỗ trợ cho lời ca thêm phần rõ ràng và phù hợp với thanh điệu.

2.2.1.2. Tương quan về nhịp

Các làn điệu đã hình thành nên những nhóm âm hình tiết tấu nhất định và các nhóm tiết tấu này luôn gắn với cách ngắt nhịp của thơ. Dưới đây là một số dạng tiết tấu chia lời ca của câu lục thành cú đoạn 2 từ và 4 từ (2+4): 

VD 18:

  1.                  (Hò vượt sông)        

Hoặc chia thành cú đoạn 2 từ: 2+2+2:

VD 19:

a)                            (Cay đắng tủi sầu)

Bên cạnh đó, câu bát của nhiều làn điệu cũng tương ứng với với các dạng tiết tấu chia lời ca thành các nhóm từ 4+4:

VD 20:

  1.     (Hò vượt sông)

Cũng có những làn điệu, câu bát lại được chia thành cú đoạn 4+2+2:

VD 21: 

a)      (Con cóc)

Ngoài ra còn nhiều hình nhịp điệu phân chia lời ca câu bát thành các cú đoạn 2+2+2+2, 2+2+4 hoặc 4+2+2.

Các bài hát có lời ca thuộc thơ 4 chữ, 5 chữ hoặc thơ 7 chữ thường gắn với âm hình nhịp điệu đồng độ1– một đặc trưng về nhịp điệu của các làn điệu Ví và Giặm. 

Qua các dẫn chứng trên, có thể thấy rằng cũng như đặc trưng của dân ca người Việt, thơ ca và nhịp điệu âm nhạc trong bài dân ca cải biên luôn có mối quan hệ chặt chẽ, trong đó yếu tố thơ đóng vai trò chủ đạo. Cụ thể là sự phân ngắt của thơ đã chi phối sự phân ngắt của nhạc hình thành nên những nhóm tiết tấu tương ứng. 

2.2.2. Các phương thức xử lý lời thơ

2.2.2.1. Phổ thơ xuôi chiều, đảo chiều

Khảo sát các làn điệu cải biên chúng tôi nhận thấy lối phổ thơ xuôi chiều theo thứ tự xuất hiện các từ trong câu thơ vẫn có phần chiếm ưu thế do phần lớn các làn điệu cải biên đều hình thành từ kịch hát, lời ca phải mang nội dung tình huống kịch nên lời ca trước hết phải đảm bảo tính rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Thơ lúc này đóng vai trò chủ chốt vì vậy lối phổ thơ xuôi chiều đơn giản, ít sử dụng từ phụ, thậm chí không đưa thêm từ phụ vào sẽ đáp ứng được mục đích đem đến cho người nghe sự cảm nhận nhanh nhất điều mà lời ca muốn bày tỏ. 

          Ngoài ra lối phổ thơ đảo chiều cũng khá điển hình. Tiêu biểu có làn điệu Nghĩa nặng tình sâuvới lời thơ chính như sau:

Thương nhau xa cũng như gần

Tối đèn tắt lửa, tương thân dạt dào.”

Nhưng phần lời ca do sử dụng thủ pháp đảo từ, cụ thể là vào đầu cú đoạn 4 từ cuối của câu lục được hát trước, sau đó mới hát lại cả câu lục: “Xa cũng như gần, thương nhau xa cũng như gần/ Tối đèn tắt lửa, tương thân dạt dào.”

2.2.2.2. Thủ pháp điệp từ, điệp cú

Bên cạnh phương thức xử lý lời thơ theo các lối xuôi chiều, đảo chiều thì nhiều làn điệu còn kết hợp thủ pháp điệp từ, điệp cú để phát triển âm nhạc.

Điển hình là làn điệu Nước đục đánh phèn. Làn điệu này có lời ca là hai cặp thơ 6/8. Tuy nhiên, để nhấn mạnh sự căng thẳng cũng như thái độ mỉa mai của các nhân vật kịch trên nền tiết tấu đảo phách thì tác giả đã sử dụng thủ pháp điệp từ trong câu bát:

Hay chi nước đục (mà) đánh phèn

Đất lề quê thói, bon chen (bon chen mà) làm gì…

Bên cạnh thủ pháp điệp từ thì một số làn điệu lại điệp lại cả câu hát hay còn gọi là điệp cú, đã góp phần phát triển, làm phong phú thêm giai điệu âm nhạc cho làn điệu. 

2.2.2.3. Hệ thống từ phụ, tiếng đệm

Đối với một làn điệu dân ca, ngoài lời ca chính thì còn có hệ thống từ phụ bao gồm từ phụ có nghĩa và từ phụ không có nghĩa. 

Qua khảo sát, có thể thấy các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh cải biên ít sử dụng từ phụ và nếu có thì chủ yếu là các tiếng đệm lót đưa hơi như từ “ơ” để luyến láy, tăng tính trữ tình cho làn điệu.Các làn điệu sử dụng từ phụ có nghĩa để phát triển âm nhạc dù chiếm số lượng không nhiều nhưng không phải không có và chủ yếu dưới hình thức từ lặp nhằm nhấn mạnh ý thơ. 

2.3. Một số mô hình cải biên tiêu biểu

Một trong những phương thức phổ biến mà các tác giả vẫn sử dụng là cải biên, phát triển, mở rộng làn điệu dân ca. Tức là từ một làn điệu dân ca gốc, các nhạc sĩ có thể cải biên bằng cách như: lấy quãng đặc trưng, âm hình đặc trưng để phát triển; hoặc thêm âm, mở rộng thành phần âm dẫn đến sự mở rộng về thang âm, điệu thức.

Ngoài ra, có một phương thức cũng rất được các tác giả ưa dùng để tạo tính tương phản, đáp ứng được các tình huống căng thẳng, kịch tính của sân khấu là phương thức cải biên ghép nối các làn điệu dân ca. Điển hình cho thủ pháp này là bài Giận mà thươngcủa tác giả Nguyễn Trung Phong. 

Mở đầu làn điệu Giận mà thươnglà câu hát cất lên ở nhịp điệu tự do. Ngay từ nhịp đầu tiên đã xuất hiện âm điệu quãng 2 trưởng tương ứng với chữ “Người ơi” rất đặc trưng của Ví đò đưa sông La:

VD 29:                                   

VD 30: Ví gốc

Đối chiếu với phần mở của làn điệu Giận mà thương, có thể thấy phần này mang đặc điểm của Ví rõ nét khi không chỉ có câu gọi “Anh ơi” sử dụng nguyên dạng chất liệu Ví mà giai điệu cũng được tiến hành trên các quãng 4Đ, 3t và 2T – là những quãng đặc trưng của Ví. Ngoài racác nét luyến láy, hoa mĩ cũng mang âm điệu Ví rất đặc trưng. Sau câu hát mở đầu trữ tình, tha thiết, âm nhạc bắt đầu vào nhịp. Phần này nhạc sĩ khai thác chất liệu của Giặm với âm hình tiết tấu nhịp nhàng, chắc gọn và khá đều đặn trên thể thơ thất ngôn biến thể. 

Ngoài cải biên chất liệu từ vốn dân ca bản địa thì các nhạc sĩ còn vay mượn, phát triển chất liệu từ các bài dân ca ngoài địa phương như Xẩm, Chèo,... và được Nghệ hóa để nổi bật lên âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Điển hình cho hình thức cải biên này là làn điệu Xẩm thươngcủa tác giả Thanh Lưu. 

Làn điệu đã vận dụng chất liệu của Xẩm từ đường nét giai điệu cho đến hoa mĩ, luyến láy tạo nên đặc điểm gần với nói lối của Xẩm. Cụ thể, thể loại Xẩm thường có giai điệu bám sát dấu giọng nên gần với nói lối hơn là hát. Do bảo lưu dấu giọng, nhiều lúc nhằm nhấn mạnh cách điệu ca từ nên giai điệu Xẩm thường xuất hiện các bước nhảy xa quãng 5,6,7,8 khiến cho đường nét giai điệu có hình dạng khúc khuỷu, gồ gề. 

Đối chiếu với làn điệu cải biên Xẩm thương, giai điệu Xẩm thươngcũng được xây dựng từ khá nhiều quãng nhảy xa và các nét luyến láy cũng mang đậm chất “Xẩm”. Chúng ta còn thấy ngay cả trong các chi tiết hoa mĩ, làn điệu Xẩm thươngcũng giống với Xẩm thập ânlà chủ yếu láy quãng 3 hoặc quãng 4 từ nốt hoa mĩ sang nốt cao độ chính. Ngoài ra lối phổ thơ đảo chiều của Xẩm thập âncũng được tác giả vận dụng.

Ngoài ra, khi khai thác chất liệu nhóm làn điệu thuộc thể họ lai còn nổi bật lên một phương thức cải biên khác mà các nhạc sĩ cũng thường sử dụng là lồng ghép tiết tấu của Chèo vào dân ca Nghệ Tĩnh. 

Tiểu kết chương 2

Sau khi phân tích, tìm hiều những đặc điểm sáng tác trên cả hai phương diện âm nhạc và lời ca xin được nêu lên một số nhận định sau:

Về thang âm, điệu thức: các làn điệu cải biên không sử dụng hoàn toàn chất liệu thang âm điệu thức của các làn điệu gốc mà thường có khuynh hướng phức tạp với thành phần âm phong phú hơn; Bên cạnh đó, có những làn điệu chỉ sử dụng duy nhất một điệu thức nhưng cũng có không ít những làn điệu sử dụng lối kết hợp, giao thoa hai hoặc nhiều thang âm, điệu thức trong cùng một bài.

Về âm điệu, nhịp điệu: ngoài khai thác chất liệu của Ví, Giặm, Hò thì còn có sự kết hợp và vay mượn chất liệu của các thể loại du nhập như: Xẩm, Chèo, Ca trù,… nhưng được Nghệ hóa và mang đậm âm hưởng Dân ca Nghệ Tĩnh.

Về cấu trúc: phương thức cải biên của các các nhạc sĩ là giữ nguyên hoặc mô phỏng theo lối cấu trúc mở của dân gian, tức cấu trúc của âm nhạc có sự liên quan mật thiết với cấu trúc của thơ, chịu sự chi phối của thơ. 

Về phương diện thơ ca, nghệ thuật phổ thơ trong dân ca Nghệ Tĩnh cải biên cũng rất độc đáo và tương đồng với các đặc điểm của dân ca gốc. Giai điệu vừa mang sắc thái âm nhạc vùng miền trong mối quan hệ giữa dấu giọng địa phương với thanh điệu lời ca; vừa trở nên mềm mại, tinh tế hơn nhờ sử dụng các âm luyến láy, hoa mĩ, từ phụ. Không những vậy mỗi làn điệu lại có những nét ấn tượng riêng với các thủ pháp phổ thơ xuôi chiều, đảo chiều, điệp từ, điệp cú.

KẾT LUẬN

Từ khi định hình thể loại kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh cho đến nay, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đã sáng tạo được rất nhiều làn điệu cải biên và có thể chia thành 3 nhóm tính chất cơ bản là: nhóm tâm trạng, tự sự; nhóm vui tươi, sôi nổi, mạnh mẽvà nhóm có tính chất mỉa mai, cộc cằn. Trong đó nhiều bài có tính đa dùng, sử dụng được trong nhiều tình huống vở diễn khác nhau; một số bài còn được dân gian hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân như một làn điệu gốc. 

Về thơ văn, các bài cải biên có nội dung văn học phong phú và sâu sắc, xoay quanh những giá trị cốt lõi trong cuộc sống như: tình yêu quê hương, đất nước, con người; tình yêu nam nữ; tình nghĩa gia đình, vợ chồng, làng xóm; hoặc mang ý nghĩa giáo dục, khuyên răn và đả kích, phê phán. Sự phong phú của nội dung được chuyển tải qua hình thức thể thơ cũng rất đa dạng, từ thơ dân gian như lục bát, lục bát biến thể, thơ 5 chữ, 7 chữ cho đến hình thức thơ tự do trong thơ ca hiện đại. Nhiều làn điệu còn có lối kết hợp nhiều thể thơ trong cùng một làn điệu. 

Về đặc điểm sáng tác, trước hết phải nói đến là sự vận dụng khá đa dạng các loại thang âm, điệu thức khác nhau. So với các làn điệu gốc, các bài cải biên thường có xu hướng mở rộng thang âm. Cùng với những làn điệu chỉ sử dụng duy nhất một thang âm, điệu thức còn có những làn điệu kết hợp, pha trộn hai hay nhiều thang âm, điệu thức khác nhau.  

Các làn điệu cải biên giữ nguyên hoặc mô phỏng theo cấu trúc mở của dân ca Nghệ Tĩnh, tức bố cục làn điệu không định hình chặt chẽ mà phụ thuộc vào lời ca. Để đáp ứng các tình huống đa dạng của sân khấu, nhiều tác giả đã sử dụng thủ pháp ghép nối làn điệu tạo nên cấu trúc ghép nối. 

 Nghệ thuật phổ thơ trong các bài dân ca cải biên cũng chứa đựng nhiều nét độc đáo gần với đặc điểm phổ thơ của các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh gốc. 

KHUYẾN NGHỊ

1.Những sáng tác cải biên cho dù là sáng tạo của cá nhân nhưng đều thấm đẫm chất dân ca, thấm đẫm cốt cách, tinh thần của người dân xứ Nghệ. Vì vậy chúng tôi đồng ý rằng để bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ thì việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu là tất yếu và cần thiết. 

2. Việc dàn dựng, biểu diễn các vở kịch hát lớn nhỏ trong những năm gần đây cho thấy sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục sống còn và được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, kịch hát dân ca nên vai trò âm nhạc hết sức quan trọng nhưng thực tế nhiều năm công tác sưu tầm, nghiên cứu đều chưa thực hiện được. Đặc biệt sáng tác bổ sung thêm các làn điệu mới cũng quá ít, cho thấy dấu hiệu bị chững lại. Thêm nữa là trong khi các thế hệ nhạc sĩ tiền bối ngày một già đi thì lớp trẻ có sự hiểu biết và đam mê gắn bó với di sản lại không nhiều. Vì vậy cần phải thường xuyên đào tạo, bổ sung các lớp nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên cho Nhà hát dân ca nhằm xây dựng một đội ngũ sáng tạo có tay nghề cao và tâm huyết với sân khấu dân ca. Muốn vậy, có lẽ các cơ quan, đơn vị chức năng cần có những chính sách hợp lý để khuyến khích phát triển tài năng nghệ thuật. 

3. Nên tiếp tục tổ chức các cuộc thi Liên hoan dân ca Ví, Giặm để góp phần gắn kết cộng đồng lại với nhau. Ngoài mục đích giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của quê hương xứ Nghệ, các hội thi liên hoan còn là dịp để các câu lạc bộ, các nghệ nhân dân ca của hai tỉnh được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng thêm những nhân tố mới, đặc biệt là lớp trẻ. 

 

 
Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn