Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12104807
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 29/03/2024
Trần Anh Tuấn: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáo trúc cho học sinh hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018.

Tác giả: Trần Anh Tuấn 
Tên đề tài: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáo trúc cho học sinh hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Sáo trúc)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đỗ Xuân Tùng  
Ngày đăng: 20/06/2018

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

 

MỞ ĐẦU

 

1. Lý do chọn đề tài

            Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cho đến nay có thể nói Việt Nam còn lưu giữ được một kho tàng nhạc cụ truyền thống hết sức phong phú và đa dạng. Có những nhạc cụ do chính những người dân bản địa sáng tạo ra, có những nhạc cụ được du nhập từ nhiều nước khác nhau và đã được Việt hóa cho phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc của người Việt Nam. Trong kho tàng nhạc cụ truyền thống đó có cây Sáo trúc.

            Từ rất lâu, người Việt đã sử dụng Sáo trúc trong các hình thức sinh hoạt âm nhạc.Là một loại nhạc cụ đơn giản về chế tác, hấp dẫn, dễ dàng trong trình diễn cho nên được mọi tầng lớp nhân dân yêu thích. Âm sắc của Sáo trong trẻo, tươi sáng, mang tính chất đồng quê. Sáo thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu trong dàn nhạc Chèo, nhạc thính phòng Huế và hòa tấu dàn nhạc truyền thống kết hợp với dàn nhạc đương đại. Sáo cũng chính là nhạc cụ dân gian được sử dụng rất rộng rãi trong mọi sinh hoạt của cộng đồng xã hội.

            Đất nước ta đang trên đà phát triển về kinh tế – xã hội và hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, điều đó đồng nghĩa với việc các nền văn hóa của các nước cũng tác động mạnh đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Trong những năm gần đây, các dòng âm nhạc như: Pop, Rook, Jazz… cũng như các nhạc cụ điện tử được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt, thì việc tìm các giải pháp phát triển nền âm nhạc truyền thống rất cần được quan tâm một cách đúng mức và khoa học. Sự phát triển của các dòng nhạc nêu trên cũng khiến cho học sinh, sinh viên, các nghệ sỹ nhạc cụ truyền thống nói chung và Sáo trúc nói riêng cũng phải đương đầu với hàng loạt những thách thức.

            Xác định được tầm quan trọng của công tác giáo dục đào tạo, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đầu tư cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó có hệ thống đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

Trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc, ngày 21/7/2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số41/2014/QĐ-TTg về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường Văn hóa – Nghệ thuật. Theo đó, học sinh, sinh viên theo học ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống (trong đó có chuyên ngành sáo trúc) tại các cơ sở đào tạo Văn hóa- Nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước đến công tác đào tạo biểu diễn nghệ thuật truyền thống nói chung và biểu diễn sáo trúc nói riêng.

            Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, công tác đào tạo nhạc cụ truyền thống nói chung và chuyên ngành sáo trúc nói riêng tại khoa Nghệ thuật – trường Đại học Hạ Long mặc dù đã thu được một số kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Tình trạng một số học sinh khi ra trường chưa đáp ứng được với yêu cầu của xã hội, chưa đủ khả năng để tham gia thi tuyển ở bậc đại học. Một vấn đề nữa cũng cần được quan tâm đó là chương trình và giáo trình giảng dạy còn nhiều bất cập. Có thể nói là, cho đến nay khoa Nghệ thuật cũng như bộ môn nhạc cụ truyền thống vẫn chưa có một cuốn giáo trình được nhà trường ban hành chính thức. Đó thực sự là một khó khăn về nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên và học sinh trong nhà trường. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy cũng còn tồn tại những mặt hạn chế, chưa gây được sự hứng thú cũng như chưa khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo bộ môn sáo trúc.

Vì thế, nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc, đổi mới về nội dung, chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy luôn là những yêu cầu cấp thiết. Chính vì những lý do trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài “ Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáo trúc cho học sinh hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long”làm nội dung nghiên cứu của luận văn.

 

2. Lịch sử đề tài

Để thực hiện đề tài nghiên cứu này, chúng tôi đã tham khảo những tài liệu, công trình nghiên cứu, luận văn và các giáo trình giảng dạy bộ môn Sáo trúc.

            Qua nghiên cứu các tài liệu trên, chúng tôi nhận thấy các giáo trình giảng dạy, các luận văn được nêu ở trên cũng đã nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học, thống kê, phân tích khá chi tiết nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả cho đối tượng nghiên cứu của từng đề tài. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một công trình nghiên cứu nào đề cập tới công tác giảng dạy bộ môn Sáo trúc cũng như đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành sáo trúc tại trường Đại học Hạ Long. Do vậy có thể nói rằng, đề tài nghiên cứu của luận văn: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáo trúc hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật – trường Đại học Hạ Long” này không bị trùng lặp với bất cứ công trình  nào đã công bố .

3. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu: : Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề liên quan đến việc dạy và học sáo trúc tại trường Đại học Hạ Long như: Nội dung và chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, năng lực của thầy và khả năng của trò, các giáo trình và tài liệu học tập có liên quan.

4. Mục đíchvà mục tiêu nghiên cứu.

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là xác định những giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục đích là nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáo trúc hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình viết luận văn, chúng tôi đã sử dụng các phương  pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp lý thuyết:  bao gồm các công việc cụ thể như sau: thu thập, sưu tầm luận văn, sưu tầm tài liệu, giáo trình giảng dạy của một số cơ sở đào tạo nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là chuyên ngành Sáo trúc. Kết quả học tập của học sinh, các phương thức kiểm tra đánh giá quá trình dạy học.

- Phương pháp thực nghiệm: Trên cơ sở giáo án mẫu, chúng tôi tiến hành biên soạn và dạy thực nghiệm tại khoa Nghệ thuật, tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực nghiệm nhằm kiểm chứng và đánh giá những giải pháp mà luận văn đã đề xuất.

- Phương pháp phi thực nghiệm: Để kiểm chứng các giải pháp đã đề ra, chúng tôi đã tiến hành trao đổi với các giáo viên trong tổ bộ môn nhạc cụ truyền thống – trường Đại học Hạ Long để có nhữngđánh giá khách quan về kết quả thực nghiệm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn sáo trúc mà luận văn đã đề ra.

6. Đóng góp của luận văn

Từ những giải pháp cụ thể mà chúng tôi đã đưa ra trong luận văn như: Điều chỉnh lại mục tiêu đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy, chỉnh sửa, sắp xếp, bổ sung, hệ thống  bài bản, đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa ra một số giải pháp hỗ trợ, tổ chức dạy thực nghiệm và đánh giá kết quả…Chúng tôi hy vọng, với những giải pháp đó sẽ cung cấp được lượng kiến thức cần thiết để học sinh tiếp tục tham gia học tập ở cấp học cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và tình thực tiễn tại địa phương,góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn sáo trúc tại khoa Nghệ thuật – trường Đại học Hạ Long.

Ngoài ra luận văn còn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các bạn đồng nghiệp trong tổ bộ môn nhạc cụ truyền thống và học sinh chuyên ngành sáo trúc  trong quá trình giảng dạy và học tập.

7. Bố cục của luận văn

            Ngoài phần mở đầu, kết luận và khuyến nghị, nội dung của luận văn gồm hai chương với những nội dung chính như sau:

Chương 1:  Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy

Chương 2:  Các giải pháp nâng cao hiệu quả giảng dạy

 

 

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

  1. . Cơ sở lý luận

1.1.1.Giới thiệu về cây sáo trúc

Cây Sáo trúc có từ bao giờ?Ai là người chế tạo ra nó là một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Trong cuốn “Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền”của Nguyễn Viêm cũng có thông tin về nguồn gốc của cây Sáo: “Trong các di vật khảo cổ khai quật được thuộc thời kỳ Hùng Vương, ta cũng đã nhìn thấy được hình bóng của những nhạc cụ hơi làm bằng tre nứa như: khèn, sáo.” [19;74]… “Người ta đã thấy ống tiêu khắc trên bệ đá chân cột ở chùa Phật tích trong dàn nhạc tám cây.Tiêu đã tham gia Đường thượng chi nhạc và nhóm Nhạc huyền ở các triều hậu Lê và Nguyễn”.[19;75].

Sáo được làm bằng một đoạn ống trúc, hoặc nứa có chiều dài 40 - 55 cm, đường kính 1,5 - 2 cm. Thẳng hàng với lỗ thổi có khoét 6 lỗ bấm. Phía sau cuối ống sáo có một lỗ không bấm là lỗ định âm.

Khoảng cuối năm 1970 nghệ sỹ Đinh Thìn và Ngô Nam đã cải tiến cây sáo 6 lỗ thành sáo 10 lỗ để mở rộng âm thanh, cho các nghệ sỹ chơi những tác phẩm tương đối dễ dàng hơn. So với các nhạc cụ truyền thống khác thì sáo trúc có các kỹ thuật đặc trưng và được xem như thế mạnh vượt trội mà các nhạc cụ dân tộc khác không thể thực hiện được.

Trong kỹ thuật vuốt ngón: Sáo trúc có thể vuốt ngón trong 2 quảng 8 mà thế tay không phải thay đổi. Đó là những kỹ thuật mang tính thế mạnh của sáo trúc giúp người chơi sáo dễ ràng thực hiện được các thao tác kỹ thuật và ứng dụng linh hoạt vào từng bài bản cụ thể.

Khát quát về một số kỹ thuật cơ bản của sáo trúc.

* Kỹ thuật hơi:

-Lấy hơi và đẩy hơi; Kỹ thuật nhấn hơi; Kỹ thuật rung hơi.

* Kỹ thuật đánh lưỡi:

            - Đánh lưỡi đơn; Đánh lưỡi kép; Rung lưỡi (hay còn gọi là Phi lưỡi).      

* Kỹ thuật ngón:

            - Ngón vuốt; Vuốt lên; Vuốt xuống;

* Ngón láy gồm có láy rền và láy dài:

            - Ngón vỗ.       

  1. Cây sáo trúc trong đời sống âm nhạc hiện nay tại Quảng Ninh.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, thời kỳ “ đổi mới, mở cửa” đem đến cho Việt Nam diện mạo mới, đất nước ta có những chuyển biến, phát triển theo hướng tích cực ở nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa. Khoảng 10 năm trở lại đây, các nhóm nhạc dân tộc với phong cách trình diễn kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, với cách lỗi diễn năng động thì vai trò của cây sáo trúc là một trong những nhạc cụ chính của các nhóm nhạc. Những nhóm nhạcnhư : Mặt trời đỏ, Mặt trời mới, Cỏ lạ…gồm những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, xuất phát từ các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nên họ có thể vừa hát vừa đàn kết hợp với vũ đạo trẻ trung, nhiệt huyết. Đây là nét mới trong phong cách trình diễn trên sân khấu ca nhạc phục vụ nhu cầu “ nghe – nhìn” hiện nay. Là một vùng đất du lịch, hàng năm tỉnh Quảng Ninh đón hơn 7,7 triệu lượt khách đến tham quan. Ngoài nhu cầu thưởng thức vẻ đẹp về thiên nhiên, về văn hóa ẩm thực, du khách còn có nhu cầu rất lớn về thưởng thức các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ngoài những dàn nhạc dân tộc hoạt động chuyên nghiệp, đóng góp rất lớn vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong đó không thể thiếu vai trò của cây sáo trúc

1.2. Thực trạng công tác giảng dạy

1.2.1.  Vài nét khái quát vềtrường

*  Vài nét về trường:

Trường Đại học Hạ Long được thành lập vào tháng 10 năm 2014 theo quyết định số 1869/ QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du Lịch Hạ Long.

Trường Đại học Hạ Long là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục và xã hội nhân văn, là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực đồng bằng Bắc bộ.

  • Vài nét về khoa Nghệ thuật:

Qua các thời kỳ phát triển từ trường Trung cấp, Cao đẳng và nay sáp nhập thành một khoa của trường Đại học, khoa Nghệ thuật luôn giữ vững danh hiệu là cơ sở đào tạo nghệ thuật uy tín và chất lượng của tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay khoa Nghệ thuật - trường Đại học Hạ Long có 40 giảng viên. Trong đó, thạc sỹ là 24 người, 10 người đang theo học Cao học còn lại là trình độ Đại học.

Cơ cấu tổ chức của khoa gồm có: 1 trưởng khoa và 2 phó khoa.

Các tổ chuyên môn gồm: Tổ Múa, tổ Thanh nhạc, tổ Mỹ thuật, tổ lý luận, tổ nhạc cụ Hiện đại và tổ nhạc cụ Truyền thống.

  • Vài nét về tổ bộ môn nhạc cụ Truyền thống và chuyên ngành sáo trúc.

Tổ bộ môn nhạc cụ Truyền thống gồm có 06 giảng viên, trong đó có 02 giảng viên có trình độ thạc sĩ và 04 giảng viên đang theo học Cao học.

Các chuyên ngành đào tạo gồm: Sáo, Nhị, Bầu, Tranh, Tỳ bà, Tam thập lục và đàn Nguyệt.

1.2.2.Mục tiêu đào tạo

Hiện nay, khoa Nghệ thuật - trường Đại học Hạ Long đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đào tạo các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ truyền thống có trình độ trung cấp- hệ 6 năm - trong đó có bộ môn sáo trúc. Cung cấp nguồn nhân lực cho các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Trong tình hình thực tế hiện nay, tổ bộ môn nhạc cụ truyền thống nói chung và bộ môn sáo trúc nói riêng không phải đối tượng nào tuyển sinh vào trường cũng xác định sau khi học xong trung cấp sẽ tham gia thi tuyển ở cấp học cao hơn. Theo khảo sát thực tế, những đối tượng chọn việc học để làm nghề tại địa phương chiếm phần lớn. Chính vì vậy, để đảm bảo được tính hài hòa thì mục tiêu đào tạo cũng nên được xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo lượng kiến thức cần thiết đối với những học sinh sau khi tốt nghiệp có nguyện vọng tham gia học tập ở cấp học cao hơn.

  1. Về chương trình, giáo trìnhvà tài liệu giảng dạy

Nhìn chung, các trường Đại học-cao đẳng đang đào tạo chuyên ngành nhạc cụ truyền thống nói chung và đào tạo bộ môn Sáo trúc nói riêng đều theo chương trình khung của bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, để phù hợp với địa phương, nội dung chương trình đào tạo của từng cơ sở cũng được chọn lọc khác nhau về số lượng cũng như nội dung các giáo trình, sách hướng dẫn, sách tự học, tài liệu tham khảo, bài bản… Vì vậy, mà chất lượng đầu ra của mỗi cở sở đào tạo cũng có sự khác nhau.

Nhìn chung, việc sắp xếp các bài tập kỹ thuật tương đối hạn chế, vì lứa tuổi của các em khi tuyển sinh không đồng đều, các em có độ tuổi lớn hơn có nhận thức nhanh hơn các em nhỏ. Vậy nên, việc bó hẹp các bài tập kỹ thuật trong phạm vi đánh lưỡi đơn, tiết tấu nốt tròn, nốt trắng, nốt đen chưa thực sự hợp lý. Các làn điệu dân ca cũng chưa được phong phú, thiếu đi phong cách của các vùng miền. Đặc biệt trong năm học này thiếu đi hoàn toàn các bài được chuyển soạn từ các ca khúc thiếu nhi phù hợp với kỹ thuật và độ tuổi của các em, cần phải được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.

Một vấn đề nữa là, trong chương trình đào tạo hầu như chỉ đưa vào giảng dạy các bài dân ca Việt Nam, thiếu vắng các bài dân ca nước ngoài phù hợp với tính năng của sáo trúc.Ngoài ra, ca khúc Việt Nam mang âm hưởng dân gian phù hợp để đưa vào giảng dạy cũng còn hạn chế. Đây là vấn đề mà chúng tôi thấy cần phải quan tâm, cần phải xây dựng một chương trình đào tạo hợp lý hơn. Đặc biệt là làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế củađịa phương.

  • Đánh giá chung về giáo trình, tài liệu học tập

Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy có một số hạn chế, bất cập về giáo trình, tài liệu dạy và học bộ môn sáo trúc, hệ trung cấp 6 năm tại trường Đại học Hạ Long. Các giáo trình, tài liệu hiện có cũng chưa có tính thống nhất trong việc sắp xếp các bài tập kỹ thuật theo từng năm học. Các bài tập kỹ thuật nâng cao và bài tập kỹ thuật bổ trợ cho từng loại kỹ thuật còn thiếu, cần phải được nghiên cứu, bổ sung để từng bước nâng cao kỹ thuật cho học sinh. Các bài dân ca, ca khúc Việt Nam và nước ngoài chuyển soạn cho sáo trúc còn ít, chưa phong phú, gây kho khăn cho việc lựa chọn bài đối với từng đối tượng học sinh.

Có thể nói, để có được giáo trình và tài liệu giảng dạy bộ môn sáo trúc tại trường Đại học Hạ Long là hết sức khó khăn. Khó khăn về khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp của giáo viên trong việc lựa chọn bài bản, khó khăn về sự sắp xếp các bài tập và bài ứng dụng theo tính hệ thống. Vì vậy, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

  1. Về phương pháp giảng dạy

            Trong dạy học, phương pháp giảng dạy đóng một vai trò hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến chất lượng của từng giờ học và ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của từng học sinh. Về phương pháp giảng dạy, ta có thể nhìn thấy được một số bất cập như sau:

-Việc sắp xếp lịch học cho học sinh học 2 tiết / buổi / tuần là chưa hợp lý, điều đó sẽ làm cho học sinh chán nản, mệt mỏi, dẫn đến hiệu quả của tiết học không cao.

- Trong 2 tiết học đó học sinh chỉ học duy nhất một bài, không có bất cứ một bài tập kỹ thuật ứng dụng nào kèm theo, nên không gây được sự hứng thú cho học sinh trong buổi học cũng như không có sự bổ trợ nào về kỹ thuật cho bài học thêm hiệu quả.

1.2.5.Về khả năng tiếp thu của học sinh.

Bộ môn sáo trúc đã được trường trung cấp VHNT Quảng Ninh (nay là khoa Nghệ thuật - trường đại học Hạ Long) đưa vào giảng dạy từ năm 1997 và hiện chỉ có duy nhất 1 giáo viên tham gia giảng dạy. Dưới đây là bảng thống kê số học sinh qua từng giai đoạn.

Với xu thế chung của xã hội và sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại thì việc tuyển sinh đầu vào của ngành nhạc cụ truyền thống nói chung và chuyên ngành Sáo trúc nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhà trường phải mở rộng phạm vi tuyển sinh đến các huyện, các xã vùng sâu vùng xa để tìm kiếm học sinh. Lứa tuổi các em tham gia thi tuyển cũng không đồng đều, (nhỏ nhất 11 tuổi, lớn nhất 18 tuổi) điều đó dẫn đến việc nhận thức của các em cũng có sự khác nhau.

Trong quá trình học tập ở trường, vì số lượng tuyển sinh đầu vào hạn hẹp, các em không có một môi trường, không gian học tập sôi nổi, cạnh tranh để tạo đà phát triển mạnh.  Một vấn đề nữaảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tuyển sinh đó là việc làm. Trong khoảng 2 năm trở lại đây các em theo học chuyên ngành nhạc cụ truyền thống nói chung và sáo trúc nói riêng hầu hết là những em sống ở vùng quê nghèo, xa trung tâm nên trình độ nhận thức nói chung không cao. Tuy nhiên các em lại rất chăm chỉ, chịu khó học tập và rèn luyện, đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với đặc thù đào tạo nghệ thuật. Điều đó được thể hiện qua những lần kiểm tra thường xuyên, thi giữa học kỳ và thi hết học kỳ, các em đều đạt kết quả từ điểm khá trở lên.

* Tiểu kết chương1

Trong những năm gần đây, sáo trúc cũng đã có được một vị trí nhất định trong đời sống âm nhạc của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Đã có một số câu lạc bộ sáo trúc hoạt động rất hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.

Hiện nay, chương trình đào tạo, giáo trình học tập bộ môn sáo trúc hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật - trường Đại học Hạ Long vẫn tồn tại một số bất cập, khâu thiết kế chương trình còn mang tính dập khuôn, máy móc, chưa linh hoạt, giáo trình học tập còn nhiều bất cập, phương pháp giảng dạy cũng còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được hết tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, việc tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn, trình độ và độ tuổi của học sinh không đồng đều, do đó dẫn đến việc hiệu quả trong đào tạo còn chưa được như mong muốn. Vì vậy, cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu một cách khoa học để tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

CHƯƠNG 2

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢNG  DẠY

2.1. Điều chỉnh mục tiêu đào tạo

2.1.1.Chú trọng mục tiêu đào tạo nhạc công

            Từ trước tới những năm gần đây, bộ môn Sáo trúc thường nặng về đào tạo nghệ sĩ độc tấu, không chú trọng đến giảng dạy hòa tấu, dẫn đến đào tạo dàn trải, áp dụng chung cho tất cả các đối tượng, tính ứng dụng còn hạn chế. Trong việc tiến hành điều chỉnh mục tiêu đào tạo, trước hết, phải đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người học lượng kiến thức có trong chương trình đào tạo hệ trung cấp môn sáo trúc. Cho học sinh được tiếp cận với bộ môn hòa tấu ngay từ năm học thứ 2. Thực tế cho thấy, khi ra trường ngoài việc độc tấu thì chủ yếu nhạc công là phải hoà tấu dàn nhạc, đệm cho hát hoặc dàn nhạc đệm cho nhạc cụ khác độc tấu. Chính vì vậy, khoa và tổ bộ môn cần phải xây dựng được một chương trình hòa tấu cho từng năm học, như vậy sẽ giúp cho các em vừa có hứng thú học tập, vừa rèn được kỹ năng hòa tấu từ sớm, qua đó sẽ dần nâng cao được chất lượng giảng dạy.

2.1.2.Đào tạo theo nhu cầu thực tế của địa phương

            Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh chuyển dịch từ “Nâu” sang “ Xanh” có nghĩa là khai thác tài nguyên khoảng sản sẽ giảm đi và du lich, dịch vụ sẽ phát triển một cách mạnh mẽ. Các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch những năm gần đây rất quan tâm đến việc khai thác và sử dụng các dịch vụ giải trí trong đó có biểu diễn nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. Qua khảo sát thực tế cho thấy, đa số khách du lịch khi đến với Hạ Long đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đều đến những địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống để thưởng thức, qua đó họ sẽ hiểu được thêm về bản sắc văn hoá và con người Việt Nam, điều đó định hướng cho việc xây dựng chương trình và sắp xếp bổ sung giáo trình học tâp phải có sự đầu tư, nghiên cứu một cách bài bản và khoa học, đảm bảo sau khi ra trường học sinh có thể thích ứng được ngay với môi trường hoạt động nghệ thuật tại địa phương.

2.2.  Bổ sung  nội dung giáo trình

2.2.1. Tiêu chí bổ sung.

* Tiêu chí chung: Tiêu chí chung để điều chinh, bổ sung các bài tập kĩ thuật và các tác phẩm vào giáo trình bao gồm:

a/ Đáp ứng đúng mục tiêu đào tạo của chuyên ngành.

b/ Phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh đã được nhà trường quy định.

c/ Phù hợp với thời gian của chương trình .

* Tiêu chí cụ thể:

Trên cơ sở những tiêu chí chung, chúng tôi cũng đã xác định những tiêu chí cụ thể cho từng thể loại như sau:

a/ Đối với bài tập kỹ thuật.

            Các bài tập kỹ thuật và bài tập ứng dụng cho từng loại kỹ thuật trong chương trình phải được sắp xếp hợp lý từ dễ đến khó, đa dạng, phù hợp với khả năng của từng học sinh.

b/Đối với các bài dân ca, ca khúc Việt Nam và nước ngoài chuyển soạn

            Những bài dân ca, ca khúc đặc sắc, giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, có tính phổ biến rộng rãi. Các bài dân ca, ca khúc Việt Nam và nước ngoài đó phải phù hợp với kỹ thuật và tính năng của cây sáo trúc.

c/ Đối với các ca khúc viết về Quảng Ninh chuyển soạn

 Các ca khúc viết về Quảng Ninh,  nói lên được vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây. Có tính phổ biến rộng rãi.

2.2.2. Bổ sung - Sắp xếp lại giáo trình

            Những năm gần đây, độ tuổi tuyển sinh của chuyên ngành nhạc cụ nói chung và bộ môn sáo trúc nói riêng tại trường Đại học Hạ Long không đồng đều về lứa tuổi. (nhỏ nhất 12 tuổi, lớn nhất là 18 tuổi, thậm chí một số ít em còn có độ tuổi cao hơn) Nhìn chung các em đều đam mê, có ý thức học tập tốt. Vì độ tuổi chênh lệch như vậy nên tư duy của các em cũng có sự khác biệt. Vì thế, giải pháp sắp xếp lại chương trình đào tạo cho phù hợp, vừa đầy đủ kiến thức, vừa đảm bảo tính khoa học, có tính ứng dụng cao, phù hợp với lứa tuổi và tình hình thực tế tại địa phương là vô cùng cần thiết. Điều đó sẽ tạo nên những thuận lợi nhất định cho người học và nâng cao được chất lượng giảng dạy bộ môn sáo trúc tại trường Đại học Hạ Long.

            Qua nội dung chương trình, giáo trình đã được chúng tôi nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, có thể nhận thấy những thay đổi tích cực từ việc lựa chọn, sắp xếp các bài tập kỹ thuật, các bài dân ca, ca khúc chuyển soạn, nhạc phong cách và tác phẩm một cách có hệ thống và khoa học, phù hợp với đối tượng và phù hợp với kỹ thuật của từng năm học.

  • Năm thứ nhất:

            Trong năm học này, phần bài tập kỹ thuật chúng tôi bổ sung thêm phần bài tập kỹ thuật nốt chấm dôi, chấm giật, tập trung giải quyết về tư thế, rèn luyện cách lấy hơi, tập phát âm sao cho tiếng sáo được vang, khỏe, rõ ràng. Luyện tập đánh lưỡi đơn, các bài luyến 2 nốt móc đơn, luyến 4 nốt móc đơn. Các bài dân ca bổ sung thêm một số làn điệu của miền trung và miền nam đảm bảo tính hài hòa, giúp các em sớm nhận biết tích chất âm nhạc của từng vùng miền. Các bài hát thiếu nhichuyển soạn chúng tôi cũng đã sắp xếp và bổ xung thêm một số bài theo mức độ từ dễ đến khó xét theo tiêu chí về tiết tấu, quãng, tính chất của bài, như vậy sẽ phù hợp hơn trong việc lừa chọn, giao bài với từng đối tượng cụ thể.

            Ngoài những nội dung trên, chúng tôi bổ sung một số bài tập kỹ thuật lấy hơi bụng.

Qua khảo sát thực tế học sinh học chuyên ngành sáo trúc tại trường Đại học Hạ Long chúng tôi nhận thấy một điều là; Đa số học sinh đều lấy hơi ngực (lấy hơi ngắn) có nghĩa là hít hơi vào ngực rồi đẩy ra. Cách lấy hơi như vậy sẽ lấy được ít hơi, khi thổi sẽ nhanh hết hơi và rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vây, trong chương 2 của luận văn chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cho học sinh cách lấy hơi đúng cách và hiệu quả (lấy hơi bụng). Cách lấy hơi này sẽ giúp cho học sinh lấy được nhiều hơi, giúp cho việc xử lý tốt các kỹ thuật khác và tránh được sự mệt mỏi và chán nản trong khi luyện tập.

 

Ví dụ

            Kỹ thuật lấy hơi

            Thông qua ví dụ trên ta có thể đưa ra phương pháp luyện tập như sau:

            Trước hết phải tạo tư thế đứng thẳng lưng, dùng mũi và miệng hít một hơi sâu xuống bụng , dùng cơ bụng nén hơi xuống rồi mím môi lại (như khi ta đang thổi sáo) và đẩy hơi nhẹ nhàng qua lồng ngực ra ngoài cho đến khi hết hơi rồi lại tiếp tục như vậy. Sau khi đã nắm và thực hành cách hít, nhả hơi thì cho học sinh ứng vào bài tập trên.

            Năm thứ hai:

            Ở năm học này chúng tôi bắt đầu cho học sinh được học sáo 10 lỗ để các em thuận lợi trong việc luyện tập những bài kỹ thuật có dấu hóa biểu.

            Ví dụ: Bài tập giọng G dur

            Việc đưa sáo 10 lỗ vào giảng dạy từ năm học này là cần thiết, giúp các em dễ ràng hơn trong việc luyện tập các bài tập kỹ thuật có dấu hóa.

            Để việc luyện tập các bài dân ca có hiệu quả chúng tôi cũng đã nghiên cứu bổ sung thêm một số bài tập luyện ngón nhằm bổ trợ riêng về kỹ thuật luyến, láy ngón và nốt tô điểm, như vậy khi luyện tập các các bài dân ca học sinh sẽ thuận lợi hơn nhiều về ngón.

            Ví dụ: Bài tậpláy ngón luyến

            Để luyện tập kỹ thuật láy ngón luyến, trước hết học sinh luyện tập láy riêng nốt Rê ở tốc độ chậm, ngón láy phải đều và rõ ràng sau đó mới kết hợp luyến xuống nốt Đô. Sau khi đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa láy và luyến thì bắt đầu tăng dần tốc độ và cứ như vậy tập đi tập lại nhiều lần sao cho hiệu quả.

            Ví dụ: Bài tập nốt tô điểm

            Ngoài ra, chúng tôi còn đưa vào chương trình các bài dân ca đặc sắc của một số nước nhằm làm phong phú thêm chương trình đào tạo. Các ca khúc chuyển soạn trong chương trình, ngoài những ca khúc thiếu nhi chúng tôi cũng nghiên cứu chuyển soạn đưa vào giảng dạy một số ca khúc Việt Nam đã được sử rộng rộng rãi và được quần chúng nhân dân rất yêu thích như: Làng tôi, Con kênh xanh xanh,Nhạc rừng, Quê em miền Trung du

- Năm thứ ba, thứ tư, thứ năm:

Trong những năm học này, học sinh bắt đầu được làm quen với nhạc phong cách Chèo, Huế, Cải lương. Để luyện tập các bài phạc phong cách có hiệu quả, chúng tôi cũng đưa ra giải pháp là bổ sung một số bài tập bổ trợ về rung hơi phù hợp với từng phong cách vào luyện tập.

Ví dụ: Bài tập rung hơinốt Rê – La (Bổ trợ cho phong cách Chèo)

Ví dụ: Bài tập rung hơi chậm, sâu nốt Rê – La (Bổ trợ cho phong cách Huế)

            Ví dụ:   Bài tập rung hơi “ Bắc” nốt Rê – La (Bổ trợ cho phong cách Cải Lương)

            Ngoài ra, trong những năm học này, học sinh bắt đầu được học và thực hành một trong những kỹ thuật quan trọng và đặc trưng nhất của sáo trúc đó là kỹ thuật đánh lưỡi kép.

            Ví dụ:   Bài tập kỹ thuật đánh lưỡi kép

            Một số khúc Việt Nam và nước ngoài, một số ca khúc nói về vùng đất và con người Quảng Ninh được chúng tôi chuyển soạn cho sáo trúc và sắp xếp, bổ sung vào chương trình năm thứ 3 như: Tình đất, Người ơi hãy về, Về quê, Hạ Long biển nhớ, Giữ mãi Hạ Long xanh, Huyền thoại Hạ Long… Các tác phẩm mới cũng được chúng tôi nghiên cứu, sắp xếp lại cho phù hợp theo từng năm học, đảm bảo tính hài hòa, thuận lợi cho người học, mang tính ứng dụng cao và phù hợp với học sinh tại địa phương.

  • Năm thứ sáu:

Vì đây là năm học cuối nên phần lớn thời gian học sinh giành để ôn tập các bài thi tốt nghiệp. Ngoài ra học sinh còn phải tham gia đợt thực tập kéo dài 1 tháng, cho nên việc xây dựng chương trình trong năm học này chúng tôi đã tính toán và sắp xếp lại cho phù hợp để học sinh có thời gian tập trung cho việc ôn tập và dàn dựng phần đệm bài thi, hướng tới kỳ thi tốt nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể trong năm học này, chúng tôi đã thay 3 bài nhạc phong cách là: Dậm chân (nhạc Chèo),Cổ bản dựng (nhạc Huế) Văn thiên tường, (nhạc cải lương) bằng các bài: Nhịp đuổi, (nhạc Chèo),Cổ bản (nhạc Huế),Nam đảo      (nhạc Cải lương) có tính chất và kỹ thuật phù hợp hơn. Tác phẩm: Ngày hội non sông và Nhớ về nam cũng được sắp xếp thay cho 2 tác phẩm nhạc Trung Quốc là: Vui gặp gỡTiếng sáo du mục vì 2 tác phẩm này có kỹ thuật khó, vượt ra ngoài khả năng của học sinh hệ trung cấp. Việc sắp xếp thay thế như vậy sẽ hợp lý và phù hợp hơn với đối tượng học sinh tại địa phương.

2.3.  Đổi mới phương pháp dạy học

            Trong công tác đào tạo, để có được những giờ giảng đạt chất lượng tốt thì phương pháp giảng dạy đóng một vai trò rất quan trọng, giúp người học được tiếp cận vấn đề một cách chủ động, phát huy được tính sáng tạo. Ở chương 1 của luận văn, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề giảng dạy thông qua những ví dụ cụ thể của tiết giảng thì ta thấy: Giáo viên giảng dạy vẫn chưa có sự đầu tư tìm tòi những phương pháp mới, chưa chú trọng đến chủ thể là người học, chưa gây được sự hứng thú học tập cho học sinh đặc biệt là phần nhạc phong cách cho nên dẫn đến chất lượng tiết học không hiệu quả. Để thực hiện được việc đổi mới phương pháp trong giảng dạy, chúng tôi đề xuất một số phương pháp cụ thể như sau:

 

2.3.1. Kết hợp giữa phương pháp truyền ngón và đọc bản phổ

Phương pháp mà giáo viên sử dụng chủ yếu là phương pháp truyền ngón có nghĩa là học sinh nghe và bắt chước lại sao cho giống những gì mà người thầy thể hiện, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh lười thị tấu. Giảng dạy theo phương pháp truyền ngón cũng có những hạn chế nhất định như: học sinh khó học thuộc bài hơn, mất nhiều thời gian cho mỗi bài hơn và phụ thuộc quá nhiều vào người thầy. Khả năng tư duy tự vỡ bài kém, khi hòa tấu dàn nhạc thì thường chơi không chuẩn xác về cao độ và trường độ dẫn đến hiệu quả khi làm việc chung không cao. Ngoài phương pháp truyền ngón thì phương pháp dạy học sinh đọc bản phổ cũng đóng một vai trò không thể thiếu đối với tất cả những người học âm nhạc. Phương pháp dạy đọc bản phổ cho học sinh nắm được  khung sườn của bài bản, giúp việc ghi nhớ bài bản diễn ra nhanh, dễ dàng hơn.

2.3.2. Tăng cường phương pháp thuyết trình kết hợp phương pháp thị phạm

            Đây là phương pháp rất quan trọng trong việc đào tạo nhạc cụ nói chung và chuyên ngành sáo trúc nói riêng đặc biệt là đối với các em năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Ở thời kỳ này độ am hiểu về âm nhạc của các em nói chung chưa sâu, khả năng thị tấu còn hạn chế cho nên việc tăng cường thị phạm cho các em là hết sức cần thiết, nó giúp cho các em dễ hình dung hơn về kỹ thuật cũng như sắc thái của bài.

Các bài dân ca của các vùng miền trên cả nước hầu như ở lứa tuổi này các em chưa thể thấu hiểu về chất liệu đặc trưng của từng vùng miền nên cách thể hiện của học sinh đối với làn điệu cũng chưa có được hiệu quả. Để giúp các em thấu hiểu hơn thì giáo viên có thể dạy các em hát từng làn điệu trước khi tiến hành luyện tập. Như vậy sẽ vừa giúp học sinh nhớ giai điệu đồng thời cũng giúp học sinh được làm quen với chất liệu âm nhạc của vùng miền đó nhằm tạo cho học sinh sự hứng khởi và chắn sẽ mang lại hiệu quả cho giờ giảng.

2.4. Các giải pháp hỗ trợ

2.4.1. Hướng dẫn học sinh phương pháp tự học

            Tự học là một trong những kỹ năng cốt lõi để phát triển chuyên môn, việc tuân theo các quy tắc khi tự học là điều hết sức cần thiết tạo tiền đề vững chắc cho cả quá trình học tập. Để việc tự học của học sinh có hiệu quả thì nhất thiết giáo viên phải hướng dẫn và giúp học sinh xây dựng kế hoạch thật cụ thể và chi tiết. Dưới đây là một số phương pháp mà chúng tôi đưa ra nhằm giúp cho học sinh có được sự tiến bộ nhanh chóng trong viêc tự học.

- Hướng dẫn kỹ năng thị tấu cho học sinh:

Thị tấu là khả năng nhìn bản nhạc mới và thể hiện trên nhạc cụ bản bản nhạc đó mà chưa bao giờ được tập. Đối với những người học nhạc thì khả năng thị tấu là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, một số học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường  biểu diễn rất thành thạo trên sân khấu nhưng khi nhìn một bản nhạc mới thì tỏ ra lúng túng, thị tấu không chuẩn, đó là hệ quả của sự thiếu rèn luyện kỹ năng thị tấu.

Muốn thị tấu tốt thì trước hết học sinh phải thường xuyên luyện tập các bài luyện gam, luyện ngón, luyện từ dễ đến khó, từ chậm đến nhanh. Ngoài ra, việc luyện đọc các bài đọc nhạc cũng rất quan trọng, nó sẽ giúp cho khả năng nhìn nốt nhạc sẽ nhanh hơn. Đối với những học sinh năm thứ nhất, thứ hai thì có thể chia nhỏ ra từng câu, thậm chí chia nhỏ khoảng 2 đến 4 ô nhịp để luyện tập với tốc độ chậm nhưng phải liên tục và chính xác về cao độ và trường độ của nốt nhạc sau đó sẽ nâng dần tốc độ lên. Đối với những học sinh từ năm thứ 3 trở đi, khi luyện tập cũng phải ghi nhớ nguyên tắc; dễ trước khó sau, đơn giản trước phức tạp sau. Để có kỹ năng thị tấu tốt, điều quan trọng là người học phải thường xuyên luyện tập, tập nhiều bản nhạc thì phản xạ đọc nốt nhạc cũng như khi thể hiện trên sáo trúc sẽ ngày càng nhanh và linh hoạt hơn, độ chính xác cũng sẽ cao hơn.

- Lập kế hoạch và đề ra các phương pháp tự học cụ thể:

Để áp dụng các phương pháp tự học hiệu quả, giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh của mình xây dựng một kế hoạch cụ thể và khoa học với một khối lượng kiến thức phù hợp và phân bổ thời gian hợp lý cho từng việc.

- Rèn luyện tính kiên trì, tự giác trong học tập:

Để tự luyện tập được một kỹ thuật hay một bàihọc nào đó thì giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh của mình phương pháp học tập khoa học, tự mình phải đưa ra được những phương pháp phù hợp với bản thân để việc tự học không gây chán nản và nhất thiết là phải kiên trì với phương pháp mà mình đã đề ra.

- Tự mình kiểm tra lại kiến thức, kết quả tập luyện:

Với thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì việc tự mình kiểm tra lại kiến thức khi tự luyện tập là điều không khó. Học sinh có thể tự thu thanh hoặc thu hình lại và nghe xem đã được và chưa được phần nào từ đó sẽ tìm ra cách khắc phục hiệu quả.

- Thường  xuyên củng cố những kỹ năng đã luyện tập:

Trong sáo trúc hay các nhạc cụ khác, nếu không thường xuyên củng cố các kĩ năng đã luyện tập, không thường xuyên củng cố các kĩ thuật thì chỉ sau một thời gian ngắn, những kĩ năng đó có thể mai một, không thuần thục, học sinh khó có thể học những kĩ thuật khó hơn ở những giai đoạn sau.

2.4.2. Tăng cường rèn luyện kỹ năng hòa tấu

            Để trở thành một nghệ sỹ biểu diễn, ngoài độc tấu ra thì hòa tấu cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng và không thể thiếu đối với một nghệ sỹ. Cho đến nay trường Đại học Hạ Long vẫn chưa có chương trình đào tạo bộ môn hòa tấu. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi xin đề xuất và đưa vào thử nghiệm một số hình thức hòa tấu nhằm nâng cao kỹ năng hòa tấu cho học sinh: Song tấu sáo với phần đệm của đàn Tam thập lục, tam tấu, tứ tấu sáo với phần đệm của đàn Tam thập lục hoặc đàn Piano, hòa tấu với tốp nhạc nhỏ từ 3 đến 4 nhạc cụ, hòa tấu kết hợp với nhạc cụ phương tây… Đặc biệt, trong những năm gần đây khi mà công nghệ số phát triển mạnh mẽ thì việc hòa tấu với nhạc beat được rất nhiều nghệ sỹ lựa chọn vì nó mang tính chủ động, không mất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị. Xét theo điều kiện thực tế thì phương án hòa tấu với nhạc beat cũng rất phù hợp với tình hình học sinh sáo trúc tại trường Đại học Hạ Long.

2.4.3.Tổ chức hội thảo chuyên môn thường xuyên

            Trong công tác đào tạo cần thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn nhằm tập chung phân tích, đánh giá quá trình giảng dạy bao gồm: Chương trình, giáo trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá.

2.4.4. Tăng cường các hoạt động ngoại khoá

            Các hoạt động ngoại khóa mang lại rất nhiều lợi ích, giúp các em năng động hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Để có được những buổi sinh hoạt ngoại khóa đạt hiệu quả cao thì việc xây dựng kế hoạch, cách thức tổ chức là điều hết sức quan trọng.Chính vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra các hình thức sinh hoạt như sau:Xây dựng các câu lạc bộ bộ môn; Tổ chức sinh hoạt theo chủ đề; Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; Tổ chức thi giữa các nhóm nhạc trong nhà trường:

2.5. Thực nghiệm sư phạm

2.5.1. Thiết kế giáo án

Giáo án số: 01

Tên bài học:

  • Gam; Bài tập kỹ thuật hỗ trợ; Lới lơ (nhạc Chèo)

Đối tượng: Học sinh trung cấp năm thứ 3

Người hướng dẫn: Giảng viên Trần Anh Tuấn

Hình thức tổ chức lớp học: Cá nhân (1 thầy/ 1 trò)

Thời gian giảng bài: 1 tiết

Tổng số tiết của bài: 2 tiết

Mục tiêu bài giảng:

  • Nắm được các yêu cầu về kỹ thuật: Rung hơi, luyến, láy ngón…
  • Học sinh nắm được vài nét về làn điệu
  • Nắm được cấu trúc, tính chất.
  • Vỡ được trổ 1 ở tốc độ chậm.

Giáo án số: 02

Tên bài học:

  • Gam; Bài tập kỹ thuật hỗ trợ; Tác phẩm: Về quê, Sáng tác: Phó Đức Phương. Soạn cho sáo: Trần Anh Tuấn

Đối tượng: Học sinh trung cấp năm thứ 3

Người hướng dẫn: Giảng viên Trần Anh Tuấn

Hình thức tổ chức lớp học: Cá nhân (1 thầy/ 1 trò)

Thời gian giảng bài: 60 phút

Tổng số tiết của bài: 1 tiết

Mục tiêu bài giảng:

  • Nắm được các yêu cầu về kỹ thuật: Rung hơi, luyến, láy ngón…
  • Nắm được cấu trúc, tính chất của bài
  • Ứng dụng được kỹ thuật vào luyện tập
  • Vỡ được bài ở tốc độ chậm

 

2.5.2. Tổ chức dạy thực nghiệm và đánh giá kết quả

Sau khi đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn sáo trúc hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật - trườngĐại học Hạ Long. Chúng tôi đã tiến hành dạy thực nghiệm trong 2 tiết//2 buổi/ 1 tuần đối với làn điệu “Lới lơ” nhạc phong cách Chèovà ca khúc “Về quê” được chuyển soạn cho sáo trúc tại khoa Nghệ thuật nhằm lấyý kiến nhận xét đánh giá của các giáo viên trong khoa và tổ bộ môn nhạc cụ truyền thống. Kết quả giảng dạy theo phương pháp mới mà chúng tôi đưa ra trong chương hai của luận văn đã cho thấy được kết quả rõ rệt. Trước đây phải nói rằng, phần giảng dạy nhạc phong cách thường không mấy hiệu quả, không tạo được sự hứng thú cho học sinh, nay qua sự nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp mới đã góp phần làm sinh động cho những tiết giảng, gây hứng thú cho người học. Điều đó được thể hiện qua những buổi dự giờ chuyên môn, được các giáo viên trong tổ bộ môn nhận xét rất tích cực. Dưới đây là những ý kiến đóng góp cụ thể của các giáo viên trong tổ bộ môn nhạc cụ truyền thống qua hai buổi dự giờ góp ý chuyên môn:

  • Đối với giáo viên:

 Đã có sự nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới, kết hợp linh hoạt giữa giảng trên bản phổ và truyền ngón. Phân tích bài rõ ràng trước khi hướng dẫn học sinh luyện tập. Ngoài ra giáo viên còn cho học sinh được nghe những làn điệu đó thông qua băng đĩa nhạc và các phương tiện khác, được luyện tập bài kỹ thuật hỗ trợ trước khi tiến hành bài giảng. Điều đó giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn, ngấm chất hơn, từ đó dẫn đến sự say mê, hứng thú học tập và ắt hẳn giờ học mang tính hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp giảng dạy cũ mà chúng tôi đã đề cập ở chương 1 của luận văn.

  • Đối với học sinh:

Do đã được giáo viên phân tích bài hết sức kỹ lưỡng, cho nghe và luyện tập bài kỹ thuật hỗ trợ trước khi tiến hành luyện tập nên học sinh nắm bắt rất nhanh, say mê và hứng thú luyện tập. Để thấy được rõ hơn những tiến bộ vượt bậc của các em, trong những đợt kiểm tra đánh giá, đa số các em đều được giáo viên chuyên môn và các thầy cô giáo trong tổ bộ môn chấm từ điểm giỏi trở lên. Điều đó chứng tỏ rằng, phương pháp mà chúng tôi đưa ra trong chương 2 của luận văn đã đạt được những hiệu quả nhất định, nâng cao được chất lượng giảng dạy chuyên môn, đóng góp chung vào sự nghiệp đào tạo và phát triển của nhà trường.

* Tiểu kết chương 2

Công tác đào tạo nhạc cụ truyền thống nói chung và đào tạo bộ môn sáo trúc nói riêng tại khoa Nghệ thuật – trường Đại học Hạ Long tuy đã có được những thành tựu nhất định nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Điều đó luôn là một thách thức đối với những người làm công tác giảng dạy như chúng tôi. Vì vậy, trong chương 2 của luận văn chúng tôi đã đề xuất những giải pháp đó cụ thể là: Điều chỉnh mục tiêu đào tạo cho phù hợp với tình hình tế tại địa phương, xác định các tiêu chí lựa chọn bài bản, sắp xếp lại chương trình đào tạo cho phù hợp, Sắp xếp, biên soạn và bổ sung các bài tập kỹ thuật, các bài hát thiếu nhi, các bài dân ca Việt Nam và nước ngoài, các bài hát Việt Nam và nước ngoài, các ca khúc tiêu biểu viết về Quảng Ninh, các bài nhạc phong cách và tác phẩm sao cho logic, khoa học, đảm bảo tính hệ thống, có tính ứng dụng cao và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trong chương 2 chúng tôi cũng nhấn mạnh đến việc phải đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp hài hòa giữa giảng dạy truyền ngón và giảng dạy trên bản phổ, nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, để nâng cao tính hiệu quả trong công tác giảng dạy thì chúng tôi cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ như: Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm phân tích đánh giá quá trình giảng dạy, tập trung nghiên cứu tìm tòi những phương pháp giảng dạy hiệu quả. tăng cường công tác hoạt động ngoại khóa, tích cực tập luyện bộ môn hòa tấu, tổ chức thi giữa các nhóm nhạc trong nhà trường nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh và giúp học sinh có thêm động lực để học tập.

 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

 

            Âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng đã có những bước phát triển hết sức rực rỡ theo dòng chảy lịch sử của dân tộc. Có thể nói, đến nay âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, xã hội càng phát triển thì nhu cầu thưởng thức thức nghệ thuật lại càng cao. Hơn nữa Quảng Ninh lại là vùng đất du lịch nổi tiếng nên du khách rất thích được thưởng thức nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật truyền thống trong đó có các nhạc cụ truyền thống và cây sáo trúc.

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu của xã hội là hết sức cần thiết và phải được đặc biệt quan tâm.

Qua thực tế giảng dạy chuyên ngành sáo trúc hệ trung cấp 6 năm tại khoa Nghệ thuật - trường Đại học Hạ Long, bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chương trình, giáo trình vẫn còn những điểm chưa hợp lý cần tiếp tục điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp hơn. Bộ môn hòa tấu vẫn còn chưa có chương trình cụ thể, tài liệu giảng giạy môn hòa tấu cũng rất hạn chế và chưa thực sự được trú trọng. Chất lượng học sinh chưa cao, phương pháp giảng dạy còn chậm đổi mới, các bài dân ca, ca khúc thiếu nhi chuyển soạn, các ca khúc Việt Nam chuyển soạn, nhạc phong cách và các tác phẩm trong chương trình học chưa được sắp xếp hợp lý và chưa phong phú… vì vậy mà chúng tôi nghĩ rằng cần phải đổi mới một số nội dung cho phù hợp hơn nữa trong công tác đào tạo.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn sáo trúc, ngoài những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng mà chúng tôi đã đề xuất trong luận văn, chúng tôi xin có thêm một số khuyến nghị như sau:

- Ban giám hiệu nhà trường cùng với ban quản lý khoa nên có những đợt hội thảo định kỳ theo chuyên đề để các giáo viên bộ môn nhạc cụ truyền thống được học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệp giảng dạy.

-  Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghe nhìn nhàm đáp ứng việc giảng dạy trong tình hình mới.

-  Tạo điều kiện để các giáo viên trong tổ bộ môn hàng năm được tham gia các đợt tập huấn chuyên môn.

- Thường xuyên tạo điều kiện cho học sinh được tham gia biểu diễn

            Những khuyến nghị mà chúng tôi đề xuất là hoàn toàn có tính khả thi và sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ với chuyên ngành sáo trúc mà còn cho các nhạc cụ truyền thống nói chung, góp phần nâng cao chất lượngđào tạo chung của nhà trường./.

Đầu trang
Các tin khác
  Chu Thu Trang: “Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Nguyễn Thị Loan: “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Hoàng Thị Yến: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Nguyễn Viết Phi:“Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Âm nhạc cổ truyền tại hệ CĐSP Âm nhạc- Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Đặng Thị Thu Hiền: "Nâng cao chất lượng giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh trường THCS Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn