Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 13670290
Luận án Tiến sĩ Thứ sáu, 13/12/2024

Tác giả: Triệu Tú My 
Đề tài: Ảnh hưởng của âm nhạc Chopin trong nghệ thuật Piano Việt Nam
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: GS.TS.NGND. Trần Thu Hà 
Ngày đăng: 05/10/2017

Luận án toàn văn

Tóm tắt Luận án

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

Trong lịch sử phát triển của nền âm nhạc hàn lâm cổ điển, cây đàn Piano luôn được mệnh danh là “vua của các loại nhạc cụ” bởi sự đa dạng trong kỹ thuật trình tấu cũng như khả năng diễn tấu tuyệt vời của nó. Cây đàn Piano được du nhập từ châu Âu sang Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ XX. Kể từ khi thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956, cũng là lúc nền Piano chuyên nghiệp Việt Nam chính thức ra đời. Mặc dù mới chỉ có 60 năm, trong khi lịch sự Piano thế giới đã trải qua hơn 500 năm, nhưng ngành Piano chuyên nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận ở trong và ngoài nước. Trong đó không thể không nhắc tới chiến thắng vang dội của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn tại cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin lần thứ 10 ở Ba Lan năm 1980.

Là một thế hệ giảng viên trẻ được đào tạo cơ bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đặc biệt được học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của GS.TS.NGND Trần Thu Hà. Bên cạnh đó, qua kinh nghiệm thực tiễn trong những năm giảng dạy, biểu diễn và với mong muốn thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lĩnh vực Piano, trong đó tôi luôn ấp ủ, trăn trở một số câu hỏi: vì sao một đất nước trải qua chiến tranh dài lâu và gặp vô vàn khó khăn trong quá trình phát triển, một nền Piano hoàn toàn non trẻ lại có thể sản sinh ra một tài năng âm nhạc lớn như NSND Đặng Thái Sơn, phải chăng ảnh hưởng của Chopin ở Việt Nam là một điều kỳ diệu, một mối duyên lành hay là một sự cộng hưởng sáng tạo tuyệt đẹp? Ngành Piano ở Việt Nam có liên quan thế nào đến sự nghiệp âm nhạc Chopin?

Những câu hỏi trên đã thôi thúc tôi nghiên cứu đề tài này, không chỉ với mong muốn có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về ngành Piano mà còn tìm ra phần nào lời giải đáp cho những câu hỏi như trên của mình. Với hy vọng những mong muốn của tôi sẽ giúp khẳng định rõ tầm quan trọng của Chopin trong đào tạo Piano chuyên nghiệp tại Việt Nam và đóng góp những giải pháp nhằm giải quyết phần nào những bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo và biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp khác trên cả nước, nhằm góp phần đào tạo nên những nghệ sĩ Piano toàn diện trên cả hai lĩnh vực biểu diễn cũng như sư phạm.

Vì tất cả những lý do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: “Ảnh hưởng của âm nhạc Chopin trong nghệ thuật Piano Việt Nam” là đề tài nghiên cứu của luận án.

2. Lịch sử đề tài

Với hơn hai thế kỷ, âm nhạc của Chopin đã là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc trên thế giới, đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lĩnh vực thân thế và sự nghiệp, phân tích tác phẩm… cũng như các hội thảo khoa học, các bài báo đánh giá phân tích và nghiên cứu có liên quan. Đặc biệt trong lĩnh vực biểu diễn và sư phạm có rất nhiều công trình chuyên sâu tổng thể trên thế giới từ nhiều năm qua. Đây là những tài liệu mang tính học thuật cao, giúp ích cho việc tham khảo và bổ sung kiến thức cho luận án, tiêu biểu như:

2.1 Công trình bằng tiếng nước ngoài

Với công trình nghiên cứu của tác giả Alexeiev “Lịch sử nghệ thuật biểu diễn piano”, Nhà xuất bản Âm nhạc Matxcova, 1972, sau đó bổ sung và tái bản năm 1980, 1982, công trình của tác giả Irena Poniatowska (XB 2010) “Chopin – Con người và sự nghiệp”,  công trình của tác giả Jeremy Siepmann (XB 2015): “Chopin – Kẻ mơ mộng bất đắc dĩ” và công trình của tác giả Jean- Jacques Eigeldinger (XB 1986): “Chopin- người nghệ sĩ dương cầm và thầy giáo - dưới góc nhìn của những học trò” thì chúng tôi đã rút ra được các vấn đề: lịch sử, thân thế và sự nghiệp của Chopin; phân tích chuyên sâu về tác phẩm; về kỹ thuật diễn tấu, cách xử lý tác phẩm cũng như phong cách âm nhạc của Chopin.

2.2 Công trình bằng tiếng Việt

Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã có những công trình nghiên cứu khoa học đề cập đến nghệ thuật biểu diễn Piano nhưng chưa có bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào chuyên sâu về âm nhạc của Chopin. Tuy nhiên, khi thực hiện luận án này, chúng tôi không thể không nhắc tới các công trình nghiên cứu của thế hệ giảng viên Piano tiêu biểu như:

Công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về cây đàn piano là Luận án Tiến sĩ của tác giả Trần Thu Hà “Nghệ thuật piano Việt Nam”, đã được bảo vệ thành công tại Nhạc viện Tchaikovski - Matxcova, 1987. Luận án của TS. Nguyễn Minh Anh với đề tài “Sự phát triển của nghệ thuật piano” được bảo vệ thành công năm 2008 tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chính là sự tiếp nối công trình nghiên cứu của GS.TS.NGND Trần Thu Hà. Năm 2003, luận án tiến sĩ của Tạ Quang Đông: “Sonate và Concerto viết cho piano của các nhạc sĩ Việt Nam: Sự kết hợp giữa đặc điểm dân tộc và truyền thống của âm nhạc phương Tây” tại Học viện Âm nhạc Gneshin Matxcova. Luận án Tiến sĩ của Đặng Ngọc Giang Quân: “Mối liên hệ giữa các chất liệu âm nhạc của Việt Nam và châu Âu trong sáng tác của các nhạc sĩ Thế kỷ XX” được bảo vệ thành công năm 2001 tại Kiev - Ucraine.

Ngoài ra là một số công trình nghiên cứu khoa học của các tác giả khác, tiêu biểu như:

Luận án Tiến sĩ của PGS.TS. Nguyễn Huy Phương “Mối tương tác giữa những hình thức âm nhạc dân gian và chuyên nghiệp” được bảo vệ thành công tại Học viện Âm nhạc Gneshin Matxcova năm 2003. Luận án Tiến sĩ của TS. Đào Trọng Tuyên “Etudes của Claude Debussy: Thẩm mỹ và Biểu diễn” (2007). Gần đây nhất là các luận án của TS. Nguyễn Hoàng Phương với đề tài “Nghệ thuật đệm và Hoà tấu thính phòng trong đào tạo ngành piano chuyên nghiệp tại Việt Nam” được bảo vệ thành công tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2015.

Trên thế giới, viết về thân thế và sự nghiệp của Chopin đã có rất nhiều các nhà lý luận phê bình, các nhà sư phạm, biểu diễn tên tuổi nói đến, nhưng ở Việt Nam thì có thể coi đây là khoảng trống. Cho đến nay chưa có một công trình khoa học nghiên cứu sâu về ảnh hưởng của Chopin đối với âm nhạc cổ điển Việt Nam nói chung và ngành Piano nói riêng. Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu liên quan đến sư phạm giảng dạy các tác phẩm piano của Chopin trong các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp vẫn còn thiếu rất nhiều. Do đó một số vấn đề chính cần giải quyết được chúng tôi liệt kê dưới như sau:

- Trên thế giới, nghệ thuật sư phạm và biểu diễn Piano đã có bề dày lịch sử phát triển lâu đời, chính vì vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu trong lĩnh vực này bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhưng đa số các tác phẩm kinh điển cũng như các công trình nghiên cứu về nghệ thuật sư phạm và biểu diễn piano nói chung hay về Chopin nói riêng ít được dịch sang tiếng Việt, do đó các học sinh, sinh viên Việt Nam hầu như ít được tiếp cận với các công trình nào mang tính hệ thống và tổng hợp một cách chuyên sâu về các tác phẩm của Chopin dưới góc độ sư phạm và biểu diễn.

- Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, việc đào tạo piano chuyên nghiệp các tác phẩm của Chopin được sử dụng rộng rãi ở nhiều cấp độ khác nhau từ thấp đến cao. Nhưng cho đến nay, ở Việt Nam, chưa có công trình nào, nêu rõ vị trí, vai trò của những tác phẩm của Chopin trong đào tạo piano chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Vì vậy, luận án của chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc Chopin đối với việc giảng dạy và biểu diễn Piano tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam, tập trung chính tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

3. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu

- Mục đích nghiên cứu: Hệ thống hoá một cách khoa học, giới thiệu về sự nghiệp âm nhạc của Chopin với cây đàn piano. Giới thiệu những đặc trưng âm nhạc của Chopin, từ cơ sở đó sẽ phân tích những đặc điểm về nghệ thuật và trình diễn trong một số tác phẩm tiêu biểu của Chopin, qua đó khẳng định vai trò và vị trí âm nhạc của Chopin trong hoạt động biểu diễn và đời sống âm nhạc Việt Nam.

-  Mục tiêu nghiên cứu: Nhằm nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong công tác đào tạo và biểu diễn Piano ở nước ta, tiến tới hội nhập với khu vực và quốc tế.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc Chopin đối với việc giảng dạy Piano tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam mà trong đó tập trung phần lớn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đồng thời luận án cũng nghiên cứu vai trò của các tác phẩm của Chopin trong hoạt động biểu diễn và đời sống âm nhạc Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu: Các tác phẩm sáng tác cho piano của Chopin, trong đó tập trung ở một số tác phẩm tiêu biểu được yêu thích và sử dụng rộng rãi - những tác phẩm này sẽ được giới thiệu và phân tích kỹ dưới góc độ biểu diễn và giảng dạy. Ở đây chúng tôi muốn tập trung vào những khó khăn và thuận lợi của người Việt Nam khi học và biểu diễn những kiệt tác của Chopin.

 

5.Phương pháp nghiên cứu

- Luận án sử dụng những phương pháp nghiên cứu như: khảo sát thực tiễn, phương pháp nghiên cứu thứ cấp, phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kế, chứng minh, phỏng vấn, so sánh, đối chiếu, quy nạp, diễn giải…

- Ngoài ra, luận án còn sử dụng phương pháp nghiên cứu tiếp thu một số thành quả nghiên cứu đã có từ trước, có liên quan đến đề tài nghiên cứu này để học tập, kế thừa và phát triển tiếp các thành quả nghiên cứu đã đạt được… qua tài liệu, sách, mạng internet, kinh nghiệm đã được tổng kết trên thế giới, mô hình đào tạo tại một số cơ sở đào tạo piano quốc tế.

 

6. Ý nghĩa khoa học và những đóng góp của đề tài

- Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về ảnh hưởng của Chopin trong việc đào tạo piano chuyên nghiệp. Vì thế, đề tài hoàn toàn mới mẻ, cấp thiết, có ý nghĩa đối với giai đoạn hội nhập của đất nước, có đóng góp thực sự đối với sự phát triển âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam.

- Đề tài góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chuyên nghiệp, đặc biệt ở bậc đại học và sau đại học, có thể mở ra những khả năng thể hiện khác nhau đối với tác phẩm cho piano của Chopin ở Việt Nam. Đề tài cũng khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc thẩm mỹ hoá và phổ biến kho tàng nghệ thuật bất hủ của Chopin.

7. Bố cục luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, Luận án được trình bày trong ba chương như sau:

-Chương 1: Sự nghiệp âm nhạc của Chopin với cây đàn piano

-Chương 2: Âm nhạc của Chopin trong đời sống âm nhạc Việt Nam

-Chương 3: Thể nghiệm và giải pháp trong giảng dạy một số tác phẩm tiêu biểu của Chopin.

 

CHƯƠNG 1

SỰ NGHIỆP ÂM NHẠC CỦA CHOPIN VỚI CÂY ĐÀN PIANO

 

1.1. Sự nghiệp sáng tác của Chopin gắn liền với cây đàn piano

1.1.1 Kho tàng tác phẩm cho piano của Chopin đa dạng và phong phú

Âm nhạc của Chopin có sức lan toả rộng lớn, giàu tính trữ tình. Ngay từ những sáng tác đầu tay, ông đã được công chúng vinh danh là thiên tài âm nhạc trẻ tuổi. Cuộc đời sáng tác và trình diễn với hơn 230 bản nhạc cho piano của ông đã khắc hoạ chân dung tinh thần của Chopin như một biểu tượng sống của nhân loại về tình yêu âm nhạc. Ông cũng được xem là biểu tượng của đất nước Ba Lan. Ảnh hưởng của Chopin không chỉ ở châu Âu mà còn lan toả ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt với những nền âm nhạc châu Á và Đông Nam Á. Chính những tác phẩm của Chopin đã đóng góp một phần rất quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật đàn piano thế giới. Các tác phẩm của ông rất phong phú, đa dạng. Giá trị nghệ thuật mà ông mang lại cho di sản âm nhạc thế giới chính là những tác phẩm, thể loại đã được ông sáng tạo bổ sung cho kho tàng các tác phẩm viết cho piano.

Kho tàng tác phẩm của Chopin có sự phong phú về thể loại, khối lượng đồ sộ, giai điệu đẹp và đòi hỏi kỹ thuật cao tạo nên sự hoành tráng nên được sử dụng rộng rãi trong biểu diễn cũng như đào tạo. Đặc biệt Chopin được xem là một nhà soạn nhạc vĩ đại bởi chính ông đã sang tạo ra nhiều thể loại mới, bổ sung cho kho tàng âm nhạc hàn lâm thế giới những hình thức như: Ballade, Etude, Impromptu, Scherzo… Bên cạnh đó, một số các thể loại khác đã có từ trước đã được ông sử dụng một cách sáng tạo, linh hoạt tạo ra một hiệu quả âm nhạc mới

Chúng tôi chia các sáng tạo về thể loại âm nhạc của Chopin thành 4 nhóm khác nhau:

Nhóm 1: Chopin là người đặt nền móng, biến những thể loại trong thời kỳ âm nhạc cổ điển chỉ nằm trong giao hưởng sonate thành những tác phẩm độc lập ở thời kỳ âm nhạc lãng mạn như Scherzo, Prelude, Rondo.

Nhóm 2: gồm một số thể loại như Ballade, Nocturne, Fantasie trước đây đơn giản, mờ nhạt nhưng đã được Chopin hoàn thiện về mặt cấu trúc cũng như âm nhạc để trở thành những tác phẩm lớn có giá trị nghệ thuật cao trong biểu diễn.

Nhóm 3: Những điệu nhảy Valse, Mazurka, Polonaise

Nhóm 4: Etude – Chopin đã làm thay đổi cách nhìn của những người biểu diễn piano cũng như công chúng thưởng thức âm nhạc về thể loại này

1.2 Nghệ thuật biểu diễn của Chopin

1.2.1 Những đặc điểm nghệ thuật biểu diễn của Chopin

- Chất thơ tinh tế

- Sự giản dị và truyền cảm trong biểu diễn

1.2.2 Những đổi mới trong nghệ thuật biểu diễn của Chopin

1.2.2.1 Những vấn đề về legato, rubato và pedal

Đây là những vấn đề rất quan trọng trong việc thể hiện âm nhạc của Chopin mà ở chương III, chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn trong khi lưu ý về biểu diễn các tác phẩm tiêu biểu cho piano của ông.

a. Legato

Chopin đề cao kỹ thuật legato như là một trong những kỹ thuật chủ đạo đối với các tác phẩm của ông. Để thực hiện được kỹ thuật ngày đòi hỏi phải có sự kết hợp kỹ thuật từ ngón tay, cánh tay, pedal cũng như hơi thở âm nhạc cho mỗi câu nhạc. Rất nhiều chỗ, Chopin sử dụng sắc thái rất nhỏ (pp) và kỹ thuật đòi hỏi tiếng đàn rất liền (legatissimo) để tạo nên sự êm ái, du dương.  Chopin luôn yêu cầu kỹ việc lắng nghe cẩn thận tiếng đàn để đạt được sắc thái chính xác.

b. Rubato

Rubato của Chopin là lối rubato đặc biệt với những kiểu rubato zíc zắc, nhỏ trong từng tiết tấu âm nhạc. Sự tinh tế trong rubato của Chopin vẫn đang còn là những điều cần phải nghiên cứu thêm. Có thể tổng kết ngắn gọn, nếu so sánh với cách chơi rubato của các nhạc sĩ khác thì rubato của Chopin là những hơi thở của con người: nhẹ nhàng, uyển chuyển, mạnh mẽ tràn đầy sức sống nhưng mềm mại, dịu dàng như một cơn gió thoảng qua.

c. Pedal

 Ông mở rộng kỹ thuật piano bằng cách phát triển nó liên quan nhiều hơn tới kỹ thuật pedal, và điều này đã ảnh hưởng đến toàn bộ phong cách sáng tác của ông. Sáng tạo điển hình của Chopin là việc xây dựng trên nốt bè bass có thể được giữ bởi pedal mà không giảm quá nhanh. Ông tận dụng tối đa việc này để phát triển sáng tác của mình cho tay trái.

Bè bass được giữ nguyên trong khi tay phải chạy dọc xuống theo phím đàn. Kỹ thuật này trước đây không được thể hiện hiệu quả ở thời kỳ trước. Nhấn pedal hợp lý rất quan trọng khi biểu diễn tác phẩm của Chopin. Bên cạnh đó, Chopin cho rằng mọi học sinh ở mọi trình độ trước hết cần phải biết điều khiển cường độ mà không cần tới pedal. Ông không bao giờ bỏ qua nhạc cảm khi ghi chú pedal.

1.2.2.2 Kỹ thuật và phương pháp chơi đàn

Chopin đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với lối chơi đàn. Cách chơi của Chopin khá thoải mái và không bị căng cứng.

Ông không quan tâm đến những bài tập cơ học và hệ thống ngón tay trong sách dạy mà ông trình diễn một hệ thống ngón tay theo cách của riêng mình, khác với nguyên lý tại thời điểm đó. Ông phản đối lại việc lặp lại hàng giờ liền một công thức kỹ thuật nào đó. Cách chơi đàn của ông không chỉ dùng các bộ phận từ cổ tay trở xuống mà ông sử dụng cả cơ thể mềm dẻo cho đến đầu ngón chân.

Từ thời kỳ Chopin, với 24 Etude của mình, ông đã định hình lại vấn đề kỹ thuật phải gắn liền với xử lý tác phẩm, xử lý âm nhạc. Kỹ thuật là phương tiện để thể hiện âm nhạc chứ không còn là vấn đề riêng rẽ. Các Etude của ông không còn đơn thuần là bài tập luyện ngón, luyện kỹ thuật mà là những tác phẩm thực thụ, dùng cả trong giảng dạy và biểu diễn được trên sân khấu với những hiệu quả gây ấn tượng cao.

Bên cạnh đó, Chopin cũng coi trọng luyện tập cả các kỹ thuật nhỏ lẫn các kỹ thuật lớn tạo sự thuận lợi để cho các nghệ sĩ có những bước chuẩn bị trước các kỹ thuật khó.

a. Về sắp xếp ngón tay

b. Kỹ thuật ngón tay và sự phối hợp với cánh tay:

c. Việc kết hợp các chùm nốt lệch nhau về thời gian giữa tay phải và tay trái

d. Các nốt luyến láy, trang trí

1.3 Hoạt động sư phạm của Chopin

1.3.1 Những hoạt động sư phạm của Chopin

Chopin còn là một nhà sư phạm xuất sắc với những tư tưởng rất sáng tạo, mạnh dạn, làm cách mạng trong giảng dạy bằng con đường mới so với đương thời. Phương pháp sư phạm của Chopin đã mở màn cho phương pháp sư phạm piano hiện đại.

Trung bình mỗi học trò ông dạy hai buổi một tuần, mỗi buổi học thường kéo dài 45 phút, nhưng có những ngoại lệ được ông dạy ba buổi một tuần và giờ học của ông với những học trò có triển vọng kéo dài vài tiếng. Chopin luôn đúng giờ, ăn mặc cầu kỳ, theo thời trang và chải chuốt trong các buổi dạy và gần như không bao giờ bỏ buổi dạy nào.

1.3.2 Quan điểm sư phạm của Chopin

  • Tất cả phụ thuộc vào cách đặt tay và hệ thống ngón tay.
  • Cánh tay và vai cũng cần tham dự vào cách chơi cùng với cổ tay, cánh tay và các ngón tay.
  • Độ mềm dẻo, linh hoạt- đó là điều đặc biệt quan trọng.
  • Không chơi với cánh tay thẳng đuỗn phẳng lỳ như ma nơ canh. Không thể nào có được sự mềm dẻo khi chuyển động, nếu như các ngón tay chìa ra.
  • Tập luyện cần phải rất hiệu quả và tập trung, nhưng hoàn toàn không phải theo cách cơ học máy móc.
  • Cố gắng tránh cho cơ bắp mệt mỏi. Chopin rất sợ “sự bị bó” có thể xuất hiện khi tập quá nhiều. Ông khuyến cáo hạn chế tập ba tiếng đồng hồ trong ngày.
  • Cách sử dụng pedal sao cho đúng đắn là việc cần rèn luyện thường xuyên và liên tục trong thời gian dài.
  • Chú ý đến legato và lắng nghe các ca sĩ vĩ đại.

Tiểu kết chương I

Chopin là một nhạc sĩ sáng tác chủ yếu cho piano với một kho tàng tuyệt tác phong phú cùng nhiều sáng tạo về thể loại và phong cách sáng tác, là một nghệ sĩ piano vĩ đại, một nhà sư phạm xuất chúng - với những đổi mới mang tính cách mạng trong kỹ thuật và phương pháp biểu diễn cũng như giảng dạy, một con người đặc biệt, tràn đầy tính thi ca, kết hợp một cách hài hoà những nét của chủ nghĩa cổ điển và lãng mạn, có thể có những hạn chế về mặt thể chất nhưng những ý tưởng và tinh thần của ông đã tạo ra một kỷ nguyên mới. Ông là người đầu tiên trong các nghệ sĩ piano thế hệ mới, người đã hoàn toàn cắt bỏ những ràng buộc của chủ nghĩa cổ điển. Chính ông đã xác định hướng phát triển của nghệ thuật piano lãng mạn và tạo cảm hứng cho xu hướng này- và cảm hứng này đến giờ vẫn chưa hề bị tắt mất

Và đặc biệt, với nền âm nhạc piano non trẻ của Việt Nam, Chopin đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển và hội nhập với nền nghệ thuật piano thế giới. Đó cũng là những điểm mà chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ở phần tiếp theo của Luận án.

CHƯƠNG 2

ÂM NHẠC CHOPIN TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC VIỆT NAM

2.1 Khái quát sự hình thành và phát triển của nghệ thuật piano Việt Nam

Cũng như nhiều nhạc cụ giao hưởng khác, đàn Piano được du nhập từ châu Âu sang Việt nam vào đầu thế kỷ XX theo con đường truyền đạo. Cây đàn đầu tiên được đặt tại Nhà hát lớn ở Sài Gòn vào cùng thời gian đó (theo tài liệu Luận án tiến sĩ Trần Thu Hà). Cũng trong thời gian này, đã bắt đầu có những lớp dạy học Piano cho các thầy dòng trong nhà thờ, trong số những học sinh đầu tiên đó phải kể đến cụ Lưu Quang Duyệt (1900-1984), cụ Võ Đức Thu (1915 - 1964). Đến năm 1929, Nhạc viện Viễn Đông ra đời, trong số các chuyên ngành ít ỏi của Nhạc viện lúc đó đã có chuyên ngành Piano, nhưng Nhạc viện Viễn Đông chỉ tồn tại có 3 năm. Tuy thời gian ngắn, trình độ còn thấp, nhưng cũng Nhạc viện Viễn Đông cũng đã kịp để lại một thế hệ Nghệ sĩ Piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện như: Lưu Quang Duyệt, Nguyễn Thị Nếp, Nguyễn Thị Nam v.v… Nhưng nhìn chung, trước khi hoà bình lập lại năm 1954, ở Việt Nam chúng ta chưa có một nền nghệ thuật piano chuyên nghiệp.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, hoà bình lập lại, Nhà nước đã quan tâm đến ngành học Piano và cử hàng loạt các thế hệ giảng viên đi tu nghiệp và nghiên cứu ở nước ngoài. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sau những năm 1990, chúng ta có nhiều học sinh, sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia tham gia các cuộc thi Piano trong và ngoài nước và đã giành được nhiều giải thưởng cao.

2.1.1 Lực lượng giảng dạy

Hiện nay, trường nghệ thuật được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên tốt nhất là 3 trường âm nhạc lớn như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM và Học viện Âm nhạc Huế với điều kiện cơ sở vật chất như: số lượng phòng học, đàn, thư viện, phòng hòa nhạc lớn có thể đáp ứng tốt cho các học viên chuyên ngành piano.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: hiện nay đang đào tạo chuyên ngành Piano cho học ính thế hệ Trung cấp 9 năm, Đại học 4 năm và Cao học 2 năm, đồng thời giảng dạy các môn: Hòa tấu thính phòng, Đệm piano, Piano phổ thông.

Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh: từ sau giải phóng miền Nam năm 1975, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã được chi viện một lực lượng giảng dạy lớn từ HVÂNQGVN.

Học viện Âm nhạc Huế: là cơ sở đào tạo âm nhạc lớn nhất miền Trung Việt Nam. Mô hình của Học viện Âm nhạc Huế có nhiều nét tương đồng với HVÂNQGVN và Nhạc viện tp Hồ Chí Minh.

2.1.2 Về học sinh

Hàng năm, các trường nghệ thuật trên đều có một số lượng lớn các em học sinh, sinh viên ở các cấp độ: hệ sơ trung 9 năm dành cho lứa tuổi từ 9 – 12, hệ đại học 4 năm từ 18 – 25 tuổi, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Nhưng trung tâm đào tạo âm nhạc lớn nhất của cả nước hiện vẫn là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với hệ đào tạo đủ cả 4 cấp học chính. Năm vừa qua khoa Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đào tạo được hơn 300 học sinh với 275 học ính trung học, 30 sinh viên đại học và 10 thạc sĩ. Đối với khoa Piano của Học viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh số lượng học sinh – sinh viên được đào tạo cũng tương đối cao như Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Còn đối với Học viện Âm nhạc Huế do thành lập sau cùng nên số lượng có phần ít hơn khoảng 100 học sinh chuyên ngành piano, trong đó có 18 sinh viên đại học và hơn 80 học sinh trung học 4 năm và 9 năm.

Nguồn tuyển sinh vào ngành piano tuy vẫn luôn chiếm tỷ lệ ccao so với các ngành khác và ngày càng đông hơn, nhưng tính chất và nhu cầu học của khối lượng học sinh này trong thời kỳ kinh tế hội nhập của đất nước đã bị thay đổi và phân hóa mạnh. Cùng trên mặt bằng các em đều có năng khiếu tốt, có khả năng phát triển ở hệ trung học dài hạn thì số lượng các em có nguyện vọng theo học để đi vào con đường chuyên nghiệp này càng giảm, những em muốn theo học ở hệ sơ trung về piano mang tính chất xã hội hóa và giúp cho sự phát triển con người và tri thức toàn diện càng nhiều hơn.

2.2 Âm nhạc Chopin với đời sống biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam

Ngay từ những chương trình biểu diễn đầu tiên, các tác phẩm của Chopin đã được trình diễn tại sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp. Các thế hệ nghệ sĩ Piano Việt Nam thường xuyên biểu diễn âm nhạc của Chopin dưới nhiều hình thức như độc tấu, hoà tấu thính phòng.

Qua số liệu thống kê của chúng tôi:

  • Các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam đều biểu diễn các tác phẩm của Chopin;
  • Cả ba kỳ thi Piano quốc gia của Việt Nam đều có các tác phẩm của Chopin trong chương trình bắt buộc.
  • Kỳ thi Piano quốc tế đầu tiên diễn ra tại Việt Nam vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin có yêu cầu các tác phẩm của Chopin trong chương trình.

2.3 Âm nhạc Chopin với NSND Đặng Thái Sơn

2.3.1 Đôi nét về cuộc đời của NSND Đặng Thái Sơn và chiến thắng trong cuộc thi mang tên Chopin

Ngay từ nhỏ, Đặng Thái Sơn đã sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh, khả năng cảm nhận âm nhạc và sớm làm chủ kỹ năng chơi đàn một cách xuất chúng. Tình yêu âm nhạc Chopin của Đặng Thái Sơn được ảnh hưởng sâu sắc trực tiếp từ người mẹ. Năm 1965 - lúc đó 7 tuổi, ông thi vào năm thứ nhất của hệ sơ cấp 7 năm. Đặng Thái Sơn học với mẹ cho đến năm ông 17 tuổi. Năm 1970, mẹ ông được mời làm khách tham dự cuộc thi quốc tế Chopin ở Warsaw với tư cách là một quan sát viên. . Bản thân là một nghệ sĩ piano, bà đã mang từ cuộc thi về toàn bộ các tổng phổ và băng đĩa ghi âm các tác phẩm của Chopin. Khi ở với mẹ của mình, ông lặng lẽ đọc các bản nhạc của Chopin, âm thầm trong bóng tối, dưới ánh đèn dầu. Mẹ ông đã chơi một số giai điệu ngắn – các Nocturne và Mazurka. Ông cảm thấy chúng rất đẹp và ông đã đem lòng yêu thứ âm nhạc này.

Năm 1974, ông đã được học với chuyên gia Nga Isac Katz, khi giáo sư Katz được Nhà nước Liên Xô cũ cử sang giúp đỡ Việt Nam về đào tạo Piano tại Nhạc viện Hà Nội. Chỉ sau một học kỳ giảng dạy, giáo sư Isac Katz đã vô cùng hào hứng, phấn khởi, thích thú khi phát hiện ra khả năng đặc biệt của Đặng Thái Sơn. Và ngay từ năm 1975, ông đã muốn gửi Đặng Thái Sơn tham dự kỳ thi Chopin lần thứ 9.

Năm 1976, Đặng Thái Sơn được nhận vào học tại Nhạc viện Quốc gia TchaikovskyMoskva, dưới sự hướng dẫn của Vladimir NatansonDmitry Alexandrovitch Bashkirov, ông tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovky năm 1983. Tại cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (1980) Đặng Thái Sơn là một trong 3 thí sinh tới từ Nhạc viện Tchaikovsky. Hai thí sinh kia là Tatyana Shebanova (người Nga) (đoạt giải nhì) và Ivo Pogorelich (người Nam Tư).

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là một trong những nghệ sĩ tên tuổi thế giới có độ bền trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật của mình. Từ khi được giải đến nay, hơn 35 năm, ông vẫn tiếp tục phát triển bền bỉ, kiên cường, thông qua thời gian đã thể hiện sự trưởng thành, ông phát huy và toả sáng trong mọi khía cạnh.

2.3.2 Hoạt động biểu diễn 37 năm của NSND Đặng Thái Sơn sau khi được giải trong cuộc thi mang tên Chopin

Kể từ khi đoạt giải Chopin, Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã trình diễn hầu như ở tất cả các phòng hòa nhạc nổi tiếng trên thế giới. ). Ông đã tham gia các dàn nhạc lớn như Orchestre Symphonique de Montréal, BBC Philharmonic, Praha Symphony Orchestra, Moskva Philharmonic Orchestra cũng như Virtuosi of Moscow, Wiener KammerOrchester, Orkiestra Filharmonii Narodowej WarszawieSydney Symphony... và đã thu âm tại Deutsche Grammophon, Melodia, Polskie Nagrania, CBS Sony và các hãng thu nhạc nổi tiếng khác.

Tại Việt Nam, NSND Đặng Thái Sơn đã có hai chuỗi biểu diễn liên tục (mỗi chuỗi 10 đêm). Có thể nêu một ví dụ điển hình về chương trình biểu diễn của Đặng Thái Sơn: trong Phần I với mở màn tác phẩm Barcarolle, tiếp theo là Scherzo Số 2, tác phẩm thứ 3 là Andante spianasto, ở Phần II, nghệ sĩ đã chơi toàn bộ Concerto số 2 của Chopin và kết thúc chương trình bằng Prelude số 24.Thông qua những đêm biểu diễn của ông mà khán giả biết được, hiểu được và đến gần hơn với âm nhạc Chopin.

2.3.3 Hoạt động sư phạm và sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ cho nghệ thuật piano Việt Nam của NSND Đặng Thái Sơn

Quan điểm của NSND Đặng Thái Sơn là nếu trong nước không làm được hãy đưa ra nước ngoài. Hiện nay, trong lớp học piano của ông tại Đại học Montreal có một vài em là học sinh Việt Nam. Ông đã nỗ lực để vận động các quỹ học bổng cho các em tài năng thực sự có cơ hội ra nước ngoài học tập ở những môi trường chuyên nghiệp và uy tín.

  1. Đặng Thái Sơn coi hỗ trợ tài năng trẻ là một việc làm bình thường mà mọi người nghệ sĩ nhất là với những người gắn bó với công việc sư phạm như ông cần và muốn làm.

2.4 Âm nhạc Chopin và sự nghiệp đào tạo piano chuyên nghiệp tại Việt Nam

2.4.1 Vai trò tác phẩm của Chopin trong chương trình đào tạo piano chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Ngay từ những năm đầu sau khi thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, đặc biệt trong những năm tháng chiến tranh, các tác phẩm của Chopin như Valse, Nocturne, Prelude, Etude v.v. đã được sử dụng rộng rãi trong giáo trình giảng dạy, bất chấp sự thiếu thốn về sách nhạc, nhiều khi các tác phẩm được các thầy cô giáo cùng với học trò của mình chép tay.

Cho đến nay, với số lượng tác phẩm phong phú về trình độ từ dễ đến khó cũng như quy mô của tác phẩm từ bé đến lớn nên trong giáo trình đào tạo, luôn có mặt các tác phẩm của Chopin. Cụ thể như sau:

Bậc Trung học 9 năm:

  • Năm thứ 1- 4: sử dụng những Valse nhỏ, Nocturne, Polonaise (ở đây thấy rõ lứa tuổi đã lớn hơn 2 tuổi so với trước đây)
  • Năm thứ 5: những em khá trở lên bắt đầu làm quen với Etude nhỏ, Valse nhỏ, Nocturne, Mazurka
  • Năm thứ 6 trở lên: tập Etude Op.10 và 25- hai tác phẩm sẽ đi theo suốt cuộc đời của nghệ sĩ piano và được họ coi như là cẩm nang.

Bậc Đại học và sau Đại học:

- Như chúng ta đã đề cập ở trên, Etude Chopin mang tính kỹ thuật cao, không phải là những bài tập kỹ thuật thông thường thuần tuý, điều quan trọng là Etude Chopin thay đổi tư duy trong cơ chế chơi đàn, tư duy về kỹ thuật ở trong các tác phẩm này thoát khỏi lề thói cũ, giải phóng cơ thể con người, giúp cho người học đàn chơi đàn thoải mái hơn, phóng khoáng hơn, thể hiện được cảm xúc, cái riêng của mỗi con người. Do đó Etude của Chopin luôn giữ một vị trí quan trọng hàng đầu không thể thiếu được trong nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chuyên ngành Piano.

- Các tác phẩm Ballade, Scherzo, Baccarolle, Sonate: là những tác phẩm mang hình thức, cấu trúc cũng như kỹ thuật phức tạp. Các tác phẩm này đòi hỏi người chơi phải đạt được kỹ thuật điêu luyện cũng như sự quán xuyến tác phẩm, để thực hiện được những đòi hỏi đó người học phải đáp ứng được cả về thể chất và trí tuệ mới làm chủ được tác phẩm. Chính vì vậy, những tác phẩm thể loại lớn của Chopin đều có trong giáo trình đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo piano chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Sau nhiều năm giảng dạy, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm như sau:

- Thông thường, nếu trong chương trình học của học sinh sinh viên có 4 tác phẩm ở 4 thời kỳ khác nhau, trong đó nếu có tác phẩm của Chopin thì học sinh bao giờ cũng hứng khởi và hoàn thiện tác phẩm Chopin sớm hơn những tác phẩm của các tác giả khác.

- Học sinh sinh viên khi được tự chọn một tác phẩm tự do thường hay chọn tác phẩm của Chopin. Ví dụ như trong kỳ thi tốt nghiệp trung cấp 4 năm 2012-2013 có 14 học sinh tham gia thi tốt nghiệp, cả 14 học sinh đó đều chọn trong chương trình tốt nghiệp một tác phẩm của Chopin (Etude, Ballade, Valse hoặc Prelude v.v) (Xem Phl 2.20, 2.21).

- Rất nhiều điệu Valse, Nocturne, Prelude của Chopin nổi tiếng quen thuộc với người Việt Nam nên khi học piano, HS-SV luôn mong chờ được học những tác phẩm đó.

2.4.2 Những tác dụng mà tác phẩm của Chopin đem lại cho HS-SV Việt Nam trong quá trình học tập

Chúng ta có thể tổng kết những tác dụng chính của tác phẩm Chopin mang lại cho HS-SV Việt Nam như sau:

  • Luyện cho HS-SV chất hát trong cây đàn piano;
  • Luyện chơi giai điệu sao cho đẹp.
  • Luyện kỹ thuật nhưng không chỉ đơn thuần kỹ thuật thuần tuý mà là kỹ thuật theo phong cách của Chopin như ở trên chúng ta đã trình bày, kỹ thuật có giai điệu, có cảm xúc. Phát triển kỹ thuật: chạy nhưng có giai điệu trong đó, không có quy luật nhưng gần với giai điệu của người hát.
  • Luyện cách “phát âm” của tiếng đàn.
  • Phân câu, phân đoạn trong các tác phẩm của Chopin rất rõ nét nên sẽ giúp cho học sinh hiểu được cấu trúc.
  • Thả lỏng giải phóng cánh tay, hiểu từng ngón tay của mình và tạo nên sự thoải mái, tự nhiên cho mỗi ngón tay để có thể tạo ra âm thanh hay nhất và phù hợp nhất với tác phẩm.
  • Đặc biệt kỹ thuật tay trái rất quan trọng, luôn giữ nhịp khung.

2.4.3 Những tác phẩm của Chopin trong biểu diễn của HS-SV Việt Nam

. Trong các chương trình biểu diễn, không ít hoặc rất nhiều các tác phẩm của Chopin đã được lựa chọn, là các tác phẩm điển hình không thể thiếu

Chúng ta thấy rõ được vị trí quan trọng của âm nhạc Chopin trong đào tạo cũng như biểu diễn của học sinh – sinh viên Việt Nam được thể hiện rõ như sau:

- Lứa tuổi tiếp cận với âm nhạc của Chopin đã sớm hơn.

- Lứa tuổi tiếp cận với thể loại lớn cũng đã sớm hơn rất nhiều: trước đây, học sinh 16-17 tuổi bắt đầu học Ballade, Scherzo, bây giờ học sinh 12-13 tuổi bắt đầu học những thể loại trên.

- Các tác phẩm của Chopin được sử dụng rộng rãi, trải rộng trong tất cả các cấp học: từ bé đến lớn, từ dễ đến khó và rất khó.

- Học sinh có cơ hội trải qua những dịp thử thách bản lĩnh biểu diễn và cọ sát trong các kỳ thi trong và ngoài nước, trong các hoạt động biểu diễn sân khấu mang tính chuyên nghiệp đều sử dụng các tác phẩm của Chopin.

- Học sinh trực tiếp được trang bị những kiến thức về việc xử lý các tác phẩm của Chopin, cũng như thông qua băng đĩa và các phương tiện truyền thông khác như internet, tivi…

- Học sinh đã được trang bị kỹ thuật làm chủ mọi dạng kỹ thuật khó của piano thông qua tập kỹ thuật khó của nhiều tác giả nổi tiếng viết cho piano, trong đó có Chopin.

- Học sinh được tiếp cận với những tác phẩm khó ở trình độ cao và tiếp xúc với các tác phẩm một cách đa dạng về hình thức, thể loại qua các tác phẩm âm nhạc của Chopin.

Tiểu kết chương II

Đối với nghệ thuật piano ở Việt Nam, âm nhạc Chopin đang được "đâm hoa, kết trái". Trong hành trang học tập và tập luyện của mỗi học sinh đều có ý niệm về những kiến thức cơ bản và thẩm mỹ âm nhạc Chopin. Với dấu ấn Đặng Thái Sơn, mối liên quan không thể phủ nhận giữa nghệ sĩ nhân dân. Đặng Thái Sơn - âm nhạc Chopin - nghệ thuật piano Việt Nam, chúng ta đã bắt đầu khẳng định vị trí của mình trên bản đồ âm nhạc khu vực và thế giới. Với vai trò quan trọng của âm nhạc Chopin trong sự nghiệp đào tạo piano chuyên nghiệp, chúng ta sẽ cùng xem xét về vấn đề xử lý kỹ thuật và thể hiện phong cách âm nhạc Chopin qua một số tác phẩm tiêu biểu viết cho piano của ông.

 

CHƯƠNG 3

THỂ NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP TRONG GIẢNG DẠY MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA CHOPIN

 

3.1 Tập Etude

  1. Giới thiệu về tập Etude Chopin
    1. Khái quát  

Etude Chopin ra đời đã hình thành nền tảng cho một phong cách chơi mang tính cách mạng cho Piano. Có thể nói tập Etude Chopin là Etude đầu tiên giữ một vị trí vững chắc trong các tiết mục biểu diễn, đến ngày hôm nay vẫn được coi là một trong những bài Etude có giá trị nhất. Những bước tiến mang tính cách mạng trong Etude của Chopin được thể hiện rõ ràng qua hình thức, nội dung hình tượng nghệ thuật, cũng như những phát minh táo bạo trong kỹ thuật chơi piano chưa từng được biết đến ở thời kỳ trước đó đã tạo nên một hiện tượng mới trong giới chuyên môn cũng như sự công nhận của các thế hệ nghệ sĩ biểu diễn piano từ trước cho đến bây giờ mà chưa một ai phủ nhận.

Chopin  tìm ra cái hạn chế và có bước phát triển thay đổi về nội dung các Etude không chỉ đơn thuần là giai điệu cơ học, luyện ngón cơ học mà ông đã thay đổi nội dung, tính chất của các Etude bằng cách tạo hình tượng cho giai điệu, thổi hồn vào giai điệu, biến những giai điệu cơ học trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đây chính là sự sáng tạo, tư duy mới đúng đắn mà các thế hệ nghệ sĩ Piano thời kỳ sau này được thừa kế trong ngành sư phạm biểu diễn âm nhạc. 

  1. Những đặc điểm trong Etude Chopin

Phương pháp chơi trước và cùng thời Chopin được dựa trên những phương pháp riêng biệt: phương pháp bài tập luyện (có thể với sự trợ giúp của các công cụ kỹ thuật) với mục đích mài dũa kỹ thuật tới sự hoàn mỹ, hệ thống ngón tay được nắm vững đảm bảo, kỹ thuật ngón tay với sự sử dụng cổ tay nhưng không bỏ qua sự tương tác với các phần khác của tay như cánh tay hay bắp tay. Nhưng cách chơi của Chopin khá thoải mái và không bị căng cứng

Sự đột phá của Chopin không chỉ về cách thức ông chạm phím đàn, mà hơn tất cả là sự kết hợp của sự tập trung cả về tinh thần lẫn thể chất.

3.1.2  Giải pháp trong giảng dạy và luyện tập một số bản Etude tiêu biểu của Chopin

Muốn nói đến giải pháp, chúng ta cần đi sâu phân tích một số etude tiêu biểu. Qua đó sẽ giúp sáng tỏ những vấn đề khó khăn cần giải quyết khi luyện tập etude Chopin. Chúng tôi sẽ giới thiệu, phân tích một số bài Etude dưới đây:

3.1.2.1 Etude số 1 op. 10

Để đạt được kỹ thuật như yêu cầu của bài là mở rộng kẽ tay và độ co dãn lớn của bàn tay bằng sự kết hợp giữa ngón tay và cổ tay, việc đầu tiên khi luyện tập etude số 1, giao viên sẽ hướng dẫn học sinh cách tập âm rải 4 nốt theo thế tay với sự hỗ trợ của cổ tay, phải dùng cổ tay nghiêng ra theo quãng 10, tập nhắc đi nhắc lại và nối các thế tay theo quãng 10 đó. Sau đó sẽ tập chậm rải các nốt theo như yêu cầu của bài. Với giải pháp này, chúng tôi thấy học sinh sẽ nhanh thuộc được ngón tay và vị trí của thế tay, sau đó nâng dần tốc độ lên theo yêu cầu. Việc tìm ra cách xếp thế tay, chuyển động theo thế tay rất quan trọng, không thể thụ động chuyển động theo cách cơ học. Đây chính là chìa khóa để mở được phần kỹ thuật của etude số 1.

3.1.2.2 Etude số 2 op. 10

Để đạt được yêu cầu kỹ thuật của bài này, giảng viên cần hướng dẫn học sinh luyện gam chromatique 3-4-5, sau đó, tách riêng phần chromatique tập cho nhuần nhuyễn. Khi tập, học sinh phải nghiên cổ tay và đổ lực về phía ngón 3-4-5 để giúp cho ngón tay được linh hoạt, nhanh nhẹn, nhưng phải thật legato để nghe thành câu nhạc và có chất hát. Để làm được điều này trong 4 trang của tác phẩm với tốc đô nhanh, đòi hỏi sự tỉnh táo, nhanh nhẹn của thần kinh, cùng với sự nhạy bén, linh hoạt và độ dài trường sức đối với các ngón 3-4-5. Sau khi tập riêng phần chromatique cho nhuần nhuyễn, học sinnh ghép với phần còn lại của tay phải. Bên cạnh đó, học sinh phải chú ý tập tay trái với những quãng nhảy xa cho chắc và đúng nhịp. Nếu tay trái không giữ vững nhịp sẽ làm ảnh hưởng đến kỹ thuật của tay phải. Ở đây đòi hỏi mỗi tay sự độc lập về kỹ thuật, nhưng đồng thời cả hai tay cũng cần khéo léo chơi khớp với nhau.

3.1.2.3 Etude số 12 op. 10

Bản etude này là bài luyện cho tay trái, thông thường học sinh Việt Nam thường yếu ở tay trái. Tác phẩm này chứa đầy đủ các kỹ thuật đòi hỏi tay trái cần phải tập một số kỹ thuật sau: chạy rải, chạy dích giắc, chạy theo thế tay, chạy theo làn sóng. Bên cạnh đó, tay phải chính là linh hồn của bài, giữ vững phần giai điệu với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt.

3.1.2.4 Etude số 1 op. 25

Học sinh phải tập riêng những nốt in đậm để đảm bảo phần giai điệu được thể hiện rõ nét, không bị lẫn với phần ở giữa. Đồng thời cũng phải dùng cổ tay và mở rộng cánh tay để hỗ trợ các ngón tay. Cả hai tay của etude này đều có chỗ nhảy rộng đến quãng 12, nên việc phải nghiêng cổ tay giúp ngón tay mở rộng được quãng khi đàn là điều rất cần thiết. Trong khi luyện tập, học sinh cần nhớ lưu ý vấn đề này. 

Mỗi etude Chopin là một ngôi nhà mà khi bước vào phải tìm ra chìa khóa để mở ngôi nhà đó. Nhiệm vụ của giảng viên hướng dẫn là giúp đỡ học sinh – sinh viên tìm ra chiếc chìa khóa phù hợp đó. Từ đó sẽ giúp cho học trò giải quyết được những yêu cầu kỹ thuật khác nhau trong mỗi tác phẩm etude Chopin.

3.1.3 Etude Chopin trong giảng dạy Piano ở một số cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam

3.1.3.1 Ý nghĩa Etude Chopin trong sư phạm

Chopin đã thành công khi xây dựng hình tượng trong các bài tập Etude. Trong khi đó, các trường phái sáng tác Etude trước thời kỳ Chopin thường chỉ nhằm mục đích luyện tập linh hoạt cho các ngón tay, các bài tập được viết với cấu trúc lặp đi lặp lại mang tính chuyển động cơ học và chu kỳ, nhằm rèn luyện tính độc lập cho các ngón tay, rèn luyện sự thả lỏng các cơ tay, qua một qua trình luyện tập sẽ giúp cho ngón tay có phản xạ và sức chịu đựng lớn khi phải hoạt động liên tục mà không bị lên gân và căng cứng. Phần lớn Etude của thời kỳ này phần lớn dựa trên những bài tập gam và phát triển thành những Etude có giai điệu, có sự thay đổi thứ tự của các ngón tay để rèn luyện một dạng kỹ thuật cơ bản, quy mô của các Etude chỉ ở phạm vi 80 ô nhịp trở xuống.

3.1.3.2   Thực trạng và giải pháp giảng dạy Etude Chopin tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam

Những thuận lợi và khó khăn của học sinh sinh viên khi học Etude Chopin

-Thuận lợi: Các tác phẩm của Chopin – với ưu thế giai điệu đẹp, trữ tình luôn chiếm được tình cảm yêu thích cũng như sự đam mê của các em học sinh sinh viên. Âm nhạc của Chopin mang nhiều chất hát, dân ca, dân vũ, lãng mạn, mang tính hình tượng, như tiềm ẩn những nỗi đau cũng như tình yêu cao cả với quê hương, đất nước nên ở đâu đó có sự hòa hợp, đồng điệu với người Việt Nam vốn có tâm hồn rất thơ mộng và có truyền thống yêu nước

Giáo trình giảng dạy Etude Chopin đã được áp dụng ở Việt Nam ngay từ những ngày đầu khi xây dựng giáo trình. Phần lớn học sinh sinh viên chuyên ngành Piano khi học Etude Chopin đều được đào tạo qua một quá trình lâu dài mang tính chuyên nghiệp và có hệ thống. Kỹ thuật chạy ngón đơn âm tương đối thuận lợi và dễ giải quyết đối với học sinh Việt Nam.

-Hạn chế: Về thể lực cho thấy người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng có bàn tay nhỏ và ngắn hơn người Châu Âu nên học sinh sinh viên Việt Nam thường hạn chế hơn trong việc học Etude Chopin. Đối với học sinh trung cấp cơ bản 4 năm, việc học các Etude Chopin ở những năm cuối của hệ trung cấp sẽ có những khó khăn cho các em học sinh vì quá trình đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp chưa đủ thời gian và có hệ thống một điều rất cần thiết khi học Etude Chopin. Etude Chopin luôn có yêu cầu cao về tốc độ, đây là một đòi hỏi khó đối với một số học sinh ở hệ trung học dài hạn. Việc tiếp xúc hòa thanh phức điệu, nhiều giọng, nhiều bè cũng là một khó khăn cho việc học và tiếp cận của học sinh Việt Nam. Kỹ thuật quãng và hợp âm gặp nhiều hạn chế.

-Một số giải pháp trong giảng dạy Etude Chopin: Tìm hiểu cấu trúc của bài. Xác định dạng kỹ thuật. Xác định hình tượng nghệ thuật cần đạt được, tìm được chìa khóa để giải quyết kỹ thuật của mỗi bài, đảm bảo đạt được yêu cầu về cả mặt nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Xác định được thế tay, chuyển động của bàn tay, thế tay trong mỗi bài khác nhau.

3.2 Tập Valse

  1. Giới thiệu về tập Valse Chopin

3.2.1.1 Khái quát Valse Chopin

Các bản valse được Chopin xuất bản trải rộng trong suốt cuộc đời và nằm trong bốn tập Opus:

1. Op. 18 (trong Mi giáng trưởng, được viết vào năm 1831)

2. Op. 34, số 1 (La giáng thứ, 1835)

3. Op. 34 số 2 (Người chưa thành niên, 1831)

4. Op. 34 số 3 (Fa trưởng, năm 1838)

5. Op. 42 (La giáng trưởng, năm 1840)

6. Op. 64 số 1 (Rê giáng trưởng, 1846-1847)

7. Op. 64 số 2 (Đô thứ, 1846-1847)

8. Op. 64 số 3 (La giáng trưởng, 1846-1847)

Ngoài ra, những Op posth được xuất bản sau khi ông qua đời cũng là những di sản âm nhạc vô cùng giá trị trong kho tàng âm nhạc thế giới.

  1. Âm nhạc Valse Chopin.

Với tâm hồn của người nghệ sĩ vừa lãng mạn, ngọt ngào, vừa quyết liệt, mạnh mẽ nhạc sĩ Chopin đã biến thể loại dân vũ bình dị thành những khúc nhạc đầy sự mê hoặc và quyến rũ. 19 bản Valse mang đậm dấu ấn cá nhân và nổi bật trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Chopin.

Vẫn kế thừa những đặc điểm truyền thống, chẳng hạn như vận dụng những điệu thức tự nhiên của dân tộc, dùng âm nền trì tục trên các quãng đặc trưng, hay lối nhấn đặc thù vào phách mạnh của nhịp ba. Tuy nhiên, với cá tính riêng của mình, nhạc sĩ Chopin đã có thêm những sự đổi mới hơn trong phong cách cũng như hình thức sáng tác trong mỗi tác phẩm. Cùng với đó, những bản valse lại được viết với cảm xúc và không gian khác nhau, vì vậy nội dung và hình thức của mỗi bản valse lại có sự đa dạng và phong phú, nhiều người đã ví tập valse của Chopin như những bông hoa xinh đẹp, mỗi bông lại lại có sắc hương riêng, tạo nên một vườn hoa tuyệt đẹp.

3.2.2 Valse Chopin trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam

3.2.2.1 Ý nghĩa trong sư phạm.

Qua phân tích toàn bộ tập valse, chúng tôi phân chia tập valse Chopin thành các nhóm phù hợp với trình độ của học sinh trong quá trình đào tạo.

Bảng 3.3: Phân loại các tác phẩm valse của Chopin theo trình độ đào tạo

Trình độ thấp

Trình độ trung

Trình độ cao

  • Si giáng thứ Op 69 Số 2
  • Fa thứ Op 70 số 2
  • La giáng trưởng KKIVa số 13
  • La thứ KKIVa số 11
  • Mi giáng trưởng KKIVa số 10
  • La thứ Op 34 số 2
  • Rê giáng trưởng Op 64 số 1
  • Đô thăng thứ Op 64 số 2
  • La thăng trưởng Op 64 số 3
  • La giáng trưởng Op 64 số 1
  • Son giáng trưởng Op 70 Số 1
  • Rê giáng trưởng Op 70 Số 3
  • Mi trưởng KKIVa số 12
  • Mi thứ KKIVa số 15
  • Mi giáng trưởng KKIVa số 11
  • Fa trưởng Op 34 Số 3

·       Mi giáng trưởng Op 18

  • La giáng trưởng Op 34 số 1
  • La giáng trưởng Op 42

 

3.2.2.2 Phân tích ba bản vasle theo các cấp học khác nhau

  1. Bản valse số 17 (trình độ thấp)

Như ở bản valse số 17 được viết ở hình thức 3 đoạn đơn (aba), với những cấu trúc câu nhạc rõ ràng, cân phương mỗi đoạn nhạc chia thành hai câu đều nhau, mỗi câu 8 nhịp), giúp các học sinh bé (độ tuổi 9 – 13, những năm đầu của hệ trung cấp 9 năm) biết cách làm quen với giai điệu, dễ cảm nhận được hơi thở âm nhạc và giúp học sinh có thể tập uốn câu một cách hiệu quả nhất.

VD 3.10: bản valse số 17, trích nhịp 1 – 5

Như đã phân tích ở trên, tác phẩm được viết ở hình thức 3 đoạn đơn (a-b-a’), với phần tái hiện có thay đổi ở tay trái. Việc quay đi quay lại của bài sẽ làm cho học sinh rất dễ nhầm lẫn giữa sự thay đổi tay trái của đoạn a và a’. Chính vì thế, học sinh sẽ phải tập riêng tay trái với sự cảm nhận có nhấn vào phách 1 của nhịp valse truyền thống. Ở phách 2 và 3 là những hợp âm 3 nốt thay đổi liên tục, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Sau khi đã thuộc nốt và ngón tay, học sinh cần phải luyện tập cùng với pedal thật kỹ lưỡng để âm thanh được sạch và thể hiện rõ nét nhịp 3/4.

Sau khi đã tập kỹ hai tay riêng, học sinh cần ghép hai tay với nhau với yêu cầu: tay phải đánh thành giai điệu, tay trái giữ được nhịp valse và không lấn át tay phải.

  1. Bản Valse số 7 (trình độ trung)

Bản valse số 7 được xây dựng theo hình thức: a  b  c  b   a   b

Về khuôn khổ, mỗi câu nhạc được mở rộng thành 16 nhịp (gấp đôi so với câu nhạc ở bản valse số 17 như đã phân tích ở trên). Sự mở rộng về hình thức cũng tạo nên sự dài hơi cho câu nhạc, điều này đòi hỏi học sinh cần nắm chắc và cảm nhận tốt mạch đập của âm nhạc mới có thể thể hiện được tốt nội dung của tác phẩm.

Chủ đề 1 (đoạn a) được thể hiện bằng đường nét giai điệu xây dựng âm hình chủ đạo là tiết tấu móc giật tạo nên tính chất buồn, tự sự. Tiếp đó, nhạc sĩ triển khai đường nét giai điệu chromatique chạy dài với nốt nhắc lại tạo cảm xúc day dứt và lắng đọng hơn cho người nghe. Đối với người chơi đàn, cách phát triển giai điệu này thường tạo nên khó khăn trong sự chuyển động của các ngón tay, nếu không có kỹ thuật tốt, câu nhạc sẽ trở nên nhàm chán. Bên cạnh đó hơi thở âm nhạc cũng cần sự hợp lý và khéo léo hơn.

Một trong các kỹ thuật cần thiết đầu tiên đối với kỹ thuật khi chơi bản valse số 7 của Chopin là bàn tay phải mềm dẻo và thả lỏng, các ngón tay phải chuyển động độc lập trong khi chơi đàn.

Về thứ tự ngón bấm, cách chơi của Chopin coi bấm đúng ngón là chìa khóa để trình diễn đúng.

Cùng với tập luyện kỹ thuật tốt cho học sinh, những kỹ thuật của tay trái trong các bản valse rèn luyện cho các học sinh những bước nhảy quãng linh hoạt để vừa đảm bảo kỹ thuật vừa giữ nhịp ổn định.

Những tư thế tay ở trên rất quan trọng đối với kỹ thuật đánh hợp âm của các học sinh piano

Việc rèn luyện sự điềm tĩnh, chín chắn, sự tĩnh tại trong tâm hồn và rèn luyện sự cảm nhận sâu sắc về âm nhạc trong phong cách chơi nhạc của các học sinh cũng là điều cần thiết để vượt qua những khó khăn kỹ thuật trong âm nhạc của Chopin bởi thường ở độ tuổi này, học sinh thường thích tốc độ nhanh, đầy sinh lực nhưng thiếu sự sâu sắc, đằm thắm.

  1. Bản valse số 1 (trình độ cao)

Bản valse số 1 là tác phẩm khó trong tập valse với các lý do sau:

- Có khuôn khổ với độ dài (10 trang) lớn hơn so với các bản valse khác.

- Hoàn thiện về tính chất âm nhạc của valse

- Kỹ thuật ngón tay phức tạp, tốc độ nhanh. Câu nhạc phức tạp, hơi thở dài hơi hơn.

- Nghệ thuật pedal trong âm nhạc

- Nghệ thuật rubato

- Trong quá trình giảng dạy, để giải quyết được việc này, giảng viên nên thường xuyên khuyên học trò hát và lắng nghe các vở opera Ý để hiểu và nhận biết vẻ đẹp của những nốt trang trí qua tiếng hát của những ca sĩ. Trong quá trình tập luyện, để chơi được những đoạn chạy có sử dụng những nốt trang sức, học sinh luôn phải rèn luyện khéo léo và nhanh nhạy của đầu ngón tay. Từ đó, đòi hỏi sự tập trung và tinh tế của đội tai khi cảm nhận tiếng đàn.

  1. Ballade số 1 giọng Son thứ - những giải pháp trong đào tạo và biểu diễn ở Việt Nam
  2. Giới thiệu về bản Ballade số 1 giọng Son thứ

Bản Ballade Son thứ là một minh chứng cho nhận xét của Schuman: “Âm nhạc của Chopin giống như những bông hoa hồng ẩn trong những khẩu đại bác ”[30, tr268]. Ngôn ngữ âm nhạc sử dụng trong ballade số 1 vô cùng phong phú và rất tiêu biểu cho những đặc điểm âm nhạc nổi trội của ông trên mọi yếu tố.

Nghệ thuật xử lý tác phẩm của Chopin trong ballade Son thứ đòi hỏi một trình độ cao vì ở đây tập trung hầu hết những kỹ năng trên đàn piano để thực hiện những tiêu chí cao trong những tác phẩm lớn viết cho piano của Chopin

Ballade số 1 của Chopin rõ ràng là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có sức thu hút hấp dẫn người chơi cũng như người nghe nhưng mặt khác cũng là một tác phẩm rất khó và là một thủ pháp lớn đối với mỗi một người chơi dương cầm chuyên nghiệp. Điều này bắt nguồn từ các lý do:

-Khó về chiều sâu thể hiện, về quy mô lớn, cấu trúc phức tạp, tập trung các dạng kỹ thuật cao.

-Nhiều vấn đề cần giải quyết, tiếng đàn có chất hát, phân câu, phân đoạn hơi thở âm nhạc.

-Nghệ thuật rubato, nghệ thuật pedal…

3.3.2 Giải pháp trong giảng dạy và luyện tập Ballade số 1

Trong việc giảng dạy tác phẩm ballade số 1 giọng Son thứ nên chia làm 3 bước:

-Tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tác phẩm (ở Việt Nam, bước một thường bị bỏ qua)

-Thực hiện những yêu cầu, tiêu chí của riêng từng đoạn (từng episode) tác phẩm bao gồm giải quyết những yêu cầu cả về kỹ thuật và nghệ thuật.

-Rèn luyện việc dẫn dắt, gắn kết các đoạn trong tác phẩm thành một khối thống nhất.

Tiểu kết chương III

Qua các phân tích trong chương III, các tác phẩm Chopin càng có điều kiện phổ biến rộng rãi hơn, chinh phục người nghe, người học gắn bó văn hóa Việt Nam với âm nhạc của Chopin trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu sắc hiện nay. Có thể nói, các tác phẩm của Chopin đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đào tạo piano chuyên nghiệp tại Việt Nam. Qua đó chúng tôi muốn khẳng định vị trí, tầm quan trọng của các tác phẩm âm nhạc của Chopin đối với quá trình đào tạo, giảng dạy, rèn luyện và phát triển tài năng âm nhạc ở Việt Nam, góp phần nâng cao công tác đào tạo chuyên môn và nghiên cứu lịch sử piano nước nhà. Đặc biệt, điều này sẽ có ý nghĩa đối với môi trường học thuật tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, giúp cho các thế hệ học sinh – sinh viên tham khảo ý nghĩa âm nhạc của Chopin trong các vấn đề đào tạo của ngành piano.

 

KẾT LUẬN

Việc nghiên cứu cuộc đời, tìm hiểu và phân tích các tác phẩm kỹ thuật Piano trong sự nghiệp sáng tác vĩ đại của Chopin luôn được hướng tới bởi đó là kho tàng âm nhạc vô cùng quý báu của nhân loại. Chopin là người đi tiên phong trong việc cách mạng kỹ thuật chơi đàn Piano. Thông qua những sáng tác của mình, Chopin đã mở rộng phạm vi và giới hạn biểu cảm của cây đàn để chinh phục những giá trị nghệ thuật mới. Chúng ta có thể thấy rõ những cống hiến của Chopin đối với nghệ thuật âm nhạc vô cùng to lớn, nhờ Chopin mà nghệ thuật Piano đã đạt tới thời kỳ phát triển rực rỡ.

Để góp phần cho sự phát triển của nghệ thuật piano chuyên nghiệp Việt Nam trong xu hướng hội nhập với quốc tế, luận án của chúng tôi đã đặt được những kết quả qua quá trình nghiên cứu như sau:

  • Luận án đã giới thiệu khái quát về thân thế, sự nghiệp của Chopin. Bên cạnh đó, luận án đã nghiên cứu về sự nghiệp âm nhạc của Chopin đối với cây đàn piano, giới thiệu những đặc trưng âm nhạc của Chopin cùng với những đổi mới và sáng tạo của ông đối với thời kỳ Lãng mạn nói riêng cũng như nền âm nhạc cổ điển thế giới nói chung.
  • Luận án đã nghiên cứu khái quát sự hình thành và phát triển của nghệ thuật piano Việt Nam, trong đó luận án đã nói đến cuộc đời của NSND Đặng Thái Sơn và chiến thắng vang dội của ông trong cuộc thi mang tên Chopin. Thông qua đó, luận án đã nghiên cứu đến vị trí quan trọng của âm nhạc Chopin trong đào tạo và biểu diễn của ngành nghệ thuật piano Việt Nam nói riêng và nền âm nhạc cổ điển Việt Nam nói chung.
  • Luận án đã nghiên cứu phân tích những đặc điểm về nghệ thuật và trình diễn trong một số tác phẩm tiêu biểu của Chopin.

 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn