Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12221687
Tin tức hoạt động Thứ bảy, 20/04/2024

Tác giả: Lê Minh Chiều
Tên đề tài: Giảng dạy kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Kèn Tuba)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ngô Phương Đông
Ngày đăng: 03/04/2017

Toàn văn Luận văn 

Tóm tắt Luận văn

 

Mở đầu

 

1. Lý do chọn đề tài.

          Kèn Tuba là một nhạc cụ kèn hơi thuộc bộ kèn đồng. Nhạc cụ này ra đời muộn hơn so với các loại nhạc cụ cổ điển khác nói chung và so với các nhạc cụ kèn nói riêng. Khi mới ra đời, nhạc cụ Tuba thường được sử dụng trong các dàn nhạc kèn, các dàn nhạc này có vai trò quan trọng trong các chương trình biểu diễn âm nhạc phục vụ nhà thờ cũng như trong các lễ hội.

Với đặc tính âm thanh trầm, kèn Tuba luôn đảm nhận bè trầm trong các hình thức hòa tấu thính phòng như Ngũ tấu kèn Đồng. Kèn Tuba còn là thành viên chính thức thuộc biên chế trong dàn nhạc giao hưởng. Trong các tác phẩm thời kỳ cổ điển chưa xuất hiện bè Tuba, phải đến thời kỳ lãng mạn thì Tuba mới được xuất hiện lần đầu tiên trong dàn nhạc giao hưởng.

        Luận văn này là một công trình nghiên cứu đầu tiên của chuyên ngành Tuba nhằm đáp ứng với yêu cầu đang được đòi hỏi về nghiên cứu khoa học cho các chuyên ngành kèn Đồng. Bước đầu, nghiên cứu này sẽ giúp ích cho việc tăng cường các công trình nghiên cứu khoa học, các sách lí luận cho bộ môn kèn Tuba. Công tác nghiên cứu lý luận sẽ góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật cũng như chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Việt Nam.

        Là một nghệ sỹ, giảng viên được đào tạo cơ bản, được tham gia biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng và các hình thức biểu diễn khác, bản thân tôi luôn say mê nghề nghiệp, yêu thích bộ môn kèn Tuba và mong muốn bộ môn ngày càng phát triển về cả “lượng” và “chất”. Mặt khác, chúng tôi cũng hy vọng bổ sung thêm các tác phẩm chuyên ngành (độc tấu và hòa tấu) để việc giảng dạy kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được phát triển như các chuyên ngành kèn Đồng khác. Việc phân tích một số các tác phẩm độc tấu và hòa tấu kèn Tuba cũng giúp ích cho bản thân tôi hiểu biết thêm về nghề nghiệp, hy vọng sẽ giúp cho sinh viên nắm bắt một cách khoa học hơn về những tác phẩm mà mình sẽ học tập và biểu diễn.

        Đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn đề tài “Giảng dạy kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”. Công trình này sẽ giúp cho những người yêu thích, muốn tìm hiểu về kèn Tuba, cũng như là một tài liệu lý luận khoa học cho các giảng viên, sinh viên kèn Tuba trong cả nước phục vụ cho công tác đào tạo chuyên  ngành quý hiếm này.  

2.     Lịch sử nghiên cứu

        Tại Việt nam, cho đến nay vẫn chỉ có rất ít công trình về lý luận âm nhạc (tính năng nhạc cụ và phối khí dàn nhạc), viết hoặc dịch thuật về kèn Tuba. Công trình lý luận nghiên cứu về đào tạo và biểu diễn của bộ môn kèn Tuba Việt Nam chưa được coi trọng và nhất thiết phải được những người có chuyên môn sâu và yêu nghề nghiêm túc tiếp cận với công việc còn mới mẻ này.

        Về các chuyên ngành kèn Đồng khác, đã có một số luận văn được bảo vệ thành công tại Việt Nam mà chúng ta có thể kể ra sau đây:   

          Luận văn của ThS. Đoàn Ngọc Nam về Đào tạo kèn Cor trong Quân nhạc (1998), (Luận văn Thạc sĩ – HVANQGVN). Luận văn đi sâu phân tích về vai trò của kèn Cor trong Quân nhạc cùng các vấn đề thuộc kỹ thuật diễn tấu và giảng dạy kèn Cor.

        Ths. Vũ Ngọc Long: Sự đổi mới hoàn thiện trong giáo trình đào tạo kèn Cor tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ  tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003. Tác giả luận văn đã trình bày về việc đào tạo kèn Cor tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, anh còn phân tích khá sâu về các tác phẩm độc tấu và dàn nhạc viết cho kèn Cor của các tác giả thế giới và Việt Nam.

Luận văn ThS. Âm nhạc của giảng viên Nguyễn Viết Hạ chuyên ngành kèn Trombone – một nhạc cụ kèn đồng, với đề tài Nâng cao chất lượng giảng dạy kèn Trombone tại Nhạc viện Hà Nội. Trong luận văn này, tác giả có khái quát sự phát triển của kèn Trombone ở châu Âu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tác giả còn đưa được ra những vấn đề thực tại của bộ môn kèn Trombone, đưa ra một số kiến nghị, đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cần giải quyết nhằm đưa bộ môn kèn Trombone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày càng phát triển.

           Ths. Trần Quang Yển: Nâng cao hiệu quả giảng dạy chuyên ngành  Trompette bậc trung học tại Học viện Âm nhạc Huế, Luận văn thạc sĩ –HVANQGVN – HVAN Huế (2012). Luận văn đi sâu vào lĩnh vực nâng cao hiệu quả giảng dạy chuyên ngành Trompette bậc trung học tại Học viện Âm nhạc Huế, không di vào giảng dạy hòa tấu kèn Đồng.

Luận văn của Võ Trần Minh Khoa - giảng viên kèn Trompette Học viện Âm nhạc Huế: Nâng cao chất lượng giảng dạy hòa tấu kèn Đồng tại Học viện Âm nhạc Huế , được bảo vệ  tháng 12 năm 2015 - HVANQGVN.

Ngoài ra, một công trình nghiên cứu khác của Ths. Phạm Quốc Chung và PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh là “Giáo trình Hòa tấu kèn Đồng” đã gợi ý rất thiết thực cho chúng tôi trong việc viết luận văn này. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào tháng 12 năm 2014 đã tiến hành nghiệm thu cấp Học viện công trình NCKH cấp Bộ này. Giáo trình chủ yếu dành cho Ngũ tấu Đồng (Brass Quintet).

Các công trình nghiên cứu và luận văn nói trên mặc dù nghiên cứu sâu về các nhạc cụ trong bộ kèn Đồng, nhưng gần như không nói gì về kèn Tuba. Đề tài về kèn Tuba nói chung và giảng dạy kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chưa được công trình nào đề cập tới. Đây là một đề tài nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực kèn Tuba.

     3. Mục tiêu nghiên cứu :      

      - Đánh giá thực trạng giảng dạy kèn Tuba trong 60 năm qua tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

      - Đề xuất một số giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những giải pháp cụ thể bao gồm đổi mới nội dung giáo trình và đổi mới phương pháp giảng dạy

        4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

            Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: Sự du nhập và phát triển kèn Tuba tại Việt Nam. Thực trạng giảng dạy  chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy của kèn Tuba, phân tích về đội ngũ giảng viên, học sinh, sinh viên kèn Tuba.

            Phạm vi nghiên cứu của đề tài được giới hạn trong công tác đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nghiên cứu và đổi mới giáo trình Trung cấp và Đại học kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

        5. Phương pháp nghiên cứu.

        Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết như phân tích, thống kê, tổng hợp...

        Công trình còn sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

         6. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của luận văn.

        Luận văn nhằm mục đích mở ra những nghiên cứu về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những đóng góp của luận văn là tạo cơ sở nền tảng cho sự phát triển nhạc cụ kèn Tuba. Luận văn này còn là một đóng góp về mặt lý luận cho công tác sư phạm kèn Tuba tại các Học viện, Nhạc viện và trường Văn hóa Nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.

        7. Bố cục của luận văn:

        Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn được chia làm 2 chương:

Chương 1 : Kèn Tuba tại Việt Nam và thực trạng đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chương 2 : Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Chương 1

KÈN TUBA TẠI VIỆT NAM VÀ THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO TẠI

HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM

 

1.1.         Khái quát về sự du nhập và phát triển của kèn Tuba tại Việt Nam

Kèn Tuba là một loại kèn đồng và là nhạc cụ có âm thanh trầm nhất trong các nhạc cụ kèn. Là nhạc cụ bắt nguồn từ châu Âu đã hơn 200 năm,và đã xuất hiện ở Việt Nam cũng đã được khoảng 100 năm. Để có thể hiểu về nhạc cụ này, chúng ta cần quay lại với nguồn gốc của nhạc cụ này tại châu Âu.

1.1.1.     Vài nét về lịch sử phát triển kèn Tuba

        Người ta cho cây kèn trầm thời cổ có hình thù ngoằn ngoèo như con rắn (gọi chung là serpent- rắn) là thủy tổ của kèn Tuba. Thay thế cho loại kèn serpent cổ quá này, vào cuối thế kỷ 18 đã xuất hiện loại kèn trầm có tên gọi ofiklend (tiếng Hy Lạp nghĩa là  mắt rắn). Nhưng thuộc tính âm thanh của những loại kèn này không tạo được cho bộ đồng trong dàn nhạc một bè trầm sự ổn định, vững chãi, một điều cực kỳ cần thiết cho âm hưởng chung của dàn nhạc. Người ta kiên trì tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo ra một loại kèn trầm đáp ứng được những yêu cầu ấy.   

        Bởi vậy, so với những nhạc cụ khác trong bộ đồng, kèn Tuba ra đời rất muộn, mãi đến năm 1835 mới xuất hiện ở nước Cộng hòa Liên bang Đức. Người chế tạo loại kèn này là ông Moritz theo yêu cầu của ông Tổng giám đốc Âm nhạc nhà binh của nước Phổ. Thoạt đầu vì ch­ưa thật hoàn chỉnh nên nó chỉ được sử dụng trong các dàn kèn quân đội và các dàn kèn hay biểu diễn các chương trình âm nhạc tại các vư­ờn hoa. Sau nhờ công lao cải tiến của ông Adolphe Sax, nhà chế tạo nhạc cụ ng­ười Bỉ, nên kèn Tuba có chất lượng cao hơn đã đư­ợc đư­a vào dàn nhạc giao hưởng. Từ năm 1840, ông  Sax đã hoàn thiện và có thể nói là đã đổi mới hoàn toàn về phương diện âm thanh học và cơ học một loạt nhạc cụ thuộc dòng họ này, nên ông coi đây là sáng chế của riêng mình và đặt cho chúng một tên gọi chung là Saxhorn  (ngay trong tên nhạc cụ này đã làm người ta nhận thấy được chữ Sax là tên của ông). Thậm chí năm 1852, ông còn chế tạo một cây Tuba cực trầm, đặt tên là Saxtuba. Những kiểu đặt tên này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi, những vụ kiện cáo bất tận. Nhưng dẫu sao cũng đã ra đời 3 kiểu kèn Tuba được dùng phổ biến trong dàn nhạc: kèn Tuba 6 pistons, kèn Bass-tuba và kèn Tuba-ténor.

        Tuba là nhạc cụ chơi thang âm cromatic, có âm thanh trầm nhất của bộ đồng, kích cỡ của nó rất lớn. Nó có âm vực rộng đến bốn quãng 8. Âm khu trầm của nó nghe khàn khàn, nếu được chơi với sắc thái forte (mạnh) thì nghe như tiếng gầm gừ. Âm khu trung có âm thanh hùng mạnh, đầy đặn, âm khu cao mềm mại như ở kèn Cor, nhưng hơi run rẩy.

        Kèn Tuba không nặng nề như người ta thường nghĩ. Ngược lại, ở âm khu trung, nó có thể đạt tới một sự linh hoạt đáng kinh ngạc. Nó có thể chơi ở sắc thái pp (rất nhỏ) ngay cả ở những âm trầm, và nếu cần, âm lượng của nó có thể làm dày và bao trùm lên toàn dàn nhạc. Phải được nghe những nghệ sĩ kèn Tuba thật giỏi, như nghệ sĩ J.B.Mari, để có thể hiểu được tầm quan trọng của sự tiến triển đã diễn ra đối với lối chơi nhạc cụ này và những tiến bộ đã đạt được trong nhiều lĩnh vực liên quan đến cây kèn này. Các bậc thầy về kèn Tuba, ngoài kỹ xảo tuyệt vời, đã tạo cho Tuba một tiềm năng trình diễn giai điệu và biểu cảm không thua kém cây đàn Cello – một nhạc cụ đàn dây có âm thanh trầm.

      Nhưng dẫu sao, trình diễn loại kèn này cần một lượng lớn về hơi, thường ở âm khu trầm để thực hiện tốt cho một nốt nhạc, người nhạc công đã cần phải một lần lấy hơi. Khả năng kỹ thuật của nó khá linh hoạt, trong dàn nhạc nó đảm nhiệm vai trò bè trầm khi kết hợp cùng bộ ba kèn Trombone. Đôi khi nó cũng đ­ược trao cho vai trò độc tấu. Nhạc sĩ Pháp thế kỷ XX  Maurice Ravel khi chuyển soạn tác phẩm  Những bức tranh trong phòng triển lãm của nhạc sĩ Nga Moussorgsky cho dàn nhạc, đã trao cho nhạc cụ Tuba diễn tấu bài hát chậm rãi của ngư­ời đánh chiếc xe bò cổ lỗ leo dốc (Bydlo – một chương trong tổ khúc  Những bức tranh trong phòng triển lãm).

          Trong gia đình nhà Kèn Tuba còn có các loại như: contretuba, contrebasstuba, helicon, sousaphone rất được ưa chuộng tại Mỹ. Trong gia đình kèn này, ngoài một số thành viên được sử dụng trong dàn nhạc giao hưởng, nói chung, các nhạc cụ này còn rất được trọng vọng trong các dàn kèn fanfare và dàn kèn (harmony orchestra) vì nó luôn đóng một vai trò quan trọng trong trình diễn các tác phẩm âm nhạc mang tính cộng đồng và lễ hội này.  

             Kèn Tuba là một trong những bổ sung mới nhất cho dàn nhạc giao hưởng hiện đại, lần đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX, khi nó thay thế phần lớn các kèn Đồng có âm thanh trầm cổ (ophicleide).

         1.1.2. Đào tạo kèn Tuba trên thế giới

            Lịch sử âm nhạc thế giới đã có trên 200 năm, đào tạo và nghệ thuật biểu diễn ngành kèn Tuba đã và đang đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Chúng ta, trên thực tế bộ môn này còn rất non trẻ , nhất thiết phải nghiên cứu, tìm hiểu về những thành tựu của ngành kèn Tuba của các nước có ngành nghệ thuật âm nhạc phát triển để học hỏi, đúc rút ra những kinh nghiệm của họ, áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh tại Việt Nam. Trên thế giới, hệ thống đào tạo của các nước đó, là định hướng cho học sinh từ nhỏ ở các trường phổ thông. Ngay từ bé các em đã được tiếp cận với các ngành nghề. Âm nhạc cũng vậy, ngay từ nhỏ các em đã được tiế xúc với nhạc cụ và tự do chọn nhạc cụ mình thích. Sau đó các em sẽ được đào tạo rất cơ bản. Vì vậy khi lớn các em tự cảm thấy mình phù hợp với nhạc cụ nào thì các em sẽ đi sâu vào tập luyện nhạc cụ đó. Sau một khoảng thời gian học tập thấy có sự phát triển và thực sự yêu thích, các em mới thi vào các trường đào tạo chuyên nghiệp. Cũng chính vì thế mà các trường chuyên nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để tuyển chọn được những sinh viên phù hợp với chuyên môn. Từ đó họ có thể đào tạo ra những nghệ sĩ giỏi, có chuyên môn cao.   

       1.1.3. Sự du nhập và phát triển kèn Tuba tại Việt Nam

            Kèn Tuba là nhạc cụ bắt nguồn từ châu Âu, qua nhiều hình thức khác nhau mà nhạc cụ này được người Việt Nam biết đến, chấp nhận và dần dần yêu thích. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, Việt Nam bắt đầu giao thương với các nước phương Tây Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và cả ở Nhật Bản ở châu Á để trao đổi hàng hóa và vũ khí quân sự. Thời gian này, Công giáo cũng phát động cuộc truyền giáo quy mô lớn theo các con đường này đi đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có miền Viễn Đông Châu Á . Nhiều nhà thờ được xây dựng, những dàn kèn cũng được thành lập để phục vụ cho các nghi thức, nghi lễ của tôn giáo. Cũng chính từ đây, các nhạc cụ kèn đã được du nhập vào Việt Nam. Nhưng khởi đầu, các dàn nhạc kèn thời đó chưa có kèn Tuba, bởi vì phải đến thế kỷ XIX, lần đầu tiên trên thế giới, người ta mới sáng tạo ra và sản xuất ra cây kèn Tuba.

            Với mục đích biến nước Việt Nam ta thành một nước thuộc địa, người Pháp đã đem quân đội viễn chinh xâm lược nước ta, cùng với đội quân này, họ đem theo dàn kèn để phục vụ những nghi thức quân đội Pháp. Lúc đầu, tất cả các nhạc công kèn, trống là người Pháp. Sau đó, người Pháp đã lôi kéo các nhạc công kèn trong các nhà thờ xứ đạo.

       Cùng với sự phát triển của nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, nhạc cụ Tuba đã được các nhạc sĩ quốc tế và Việt Nam yêu thích và có ấn tượng về sự màu sắc âm thanh rất đặc biệt của kèn Tuba, các nhạc sỹ đã sử dụng ngày càng nhiều hơn nhạc cụ này trong tác phẩm của mình. Với những đặc tính và những đóng góp của nó, ngày nay nhạc cụ Tuba là nhạc cụ không thể thiếu trong các mô hình hòa tấu như: dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc kèn, ban nhạc kèn đồng, hòa tấu hai, ba, bốn… kèn Tuba với nhau hay kết hợp với các nhạc cụ kèn đồng khác.

        1.2. Thực trạng đào tạo kèn Tuba tại HVANQGVN

Việc đánh giá thực trạng đào tạo kèn Tuba có một tầm quan trọng mang tính quyết định tới kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam. Chỉ sau khi phân tích một cách thấu đáo những ưu điểm thành tích và các nhược điểm thiếu sót trong suốt gần 60 năm qua, chúng ta mới có thể đề ra các giải pháp một có tính khoa học trong giảng dạy và học tập kèn Tuba tại Việt Nam nói chung và tại HVÂNQGVN nói riêng.

1.2.1 Quá trình đào tạo và phát triển kèn Tuba tại HVANQGVN

·       Giai đoạn 1956-1997

            Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập. Đến năm 1957, nhà trường bắt đầu đào tạo nhạc cụ kèn Tuba hệ ngắn hạn 2 năm. Ở giai đoạn này nhà trường không có giáo viên chuyên ngành, mà chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. Cụ Lê Quang Lênh nguyên là thành viên đội kèn Quân đội về công tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam vừa giảng dạy vừa làm công tác quản trị bởi số lượng học sinh Tuba quá ít. Vì vậy, trường đã mời chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ, giảng dạy, đặt nền móng cho một số ngành nghệ thuật âm nhạc trong đó có kèn Tuba. Nước bạn đã cử bốn chuyên gia sang làm việc tại trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là HVÂNQGVN) và trong bốn chuyên gia này có một giảng viên kèn Trombone, đồng thời, giảng viên này đã làm nhiệm vụ giảng dạy kèn Tuba. Người Viêt Nam được chuyên gia bạn đào tạo mà sau này là nghệ sỹ kèn Tuba tại dàn nhạc Giao hưởng hợp xướng Việt Nam.

  • Giai đoạn 1997 đến nay

            Năm 1997, lúc này Trường Âm nhạc Việt Nam đã đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội. Nhà trường đã mở lại lớp đào tạo chuyên ngành kèn Tuba. Giáo viên kèn Tuba vẫn chỉ là cộng tác viên. Người thầy Tuba trong thời kỳ này chủ yếu là nghệ sĩ Nguyễn Đình Quách người chơi Tuba tại Dàn Quân nhạc (Đoàn nghi lễ quốc gia).  Trong thời gian này, thầy Nguyễn Đình Quách đã đào tạo được các học sinh như anh Úy, Nguyễn Đình Quyến, Tô Hùng Dương và bản thân tôi – Lê Minh Chiều. Để cho việc giảng dạy kèn Tuba phát triển với tính học thuật cao hơn, Ban Giám đốc Học viện đã quyết định Ths. Phạm Quốc Chung kết hợp cùng với thầy Nguyễn Đình Quách tăng cường cho lực lượng giảng viên kèn Tuba. Trong thời kỳ này, số học sinh, sinh viên có nhiều hơn trước. Đó là các em Phạm Văn Đồng, Trương Tấn Sang, Lê Đức Mạnh...

 

·        Tình hình đào tạo Tuba tại HVANQGVN những năm gần đây

 

Việc nghiên cứu về thực trạng đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam những năm gần đây đã đặt ra một nhiệm vụ cho chúng tôi trong việc đánh giá những ưu điểm cũng như những nhược điểm trong quá trình đào tạo. Việc phát hiện ra những ưu điểm của các thế hệ tiền bối để học tập và kế thừa. Đồng thời bên cạnh đó, việc phát hiện ra những nhược điểm trong quá trình dạy và học kèn Tuba nhằm mục đích đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

                    1.2.2 Những ưu nhược điểm trong thực trạng công tác đào tạo kèn Tuba

·        Về chương trình, giáo trình

     Trong chương trình và giáo trình đào tạo nghệ thuật âm nhạc nói chung và trong đào tạo kèn Tuba nói riêng, vẫn tồn tại hai lĩnh vực giảng dạy về kỹ thuật chơi kèn Tuba và giảng dạy biểu hiện cảm xúc âm nhạc. Những năm Trung cấp, chương trình và giáo trình giảng dạy kèn Tuba tập trung vào các kỹ thuật cơ bản, tập trung đào tạo triệt để về các dạng kỹ thuật khác nhau từ kỹ thuật dễ đến kỹ thuật khó, từ những kỹ thuật đơn giản đến kỹ thuật phức tạp. Sau đó, ở cuối Trung cấp và ở bậc Đại học mới đào tạo đi sâu về phương pháp biểu hiện cảm xúc âm nhạc.

  Nhưng nhìn chung, ngày nay trên thế giới, tại tất cả các trung tâm âm nhạc, người ta có những đổi mới trong chương trình dạy và học kèn Tuba. Người học đều được luyện tập song song cả về kỹ thuật và được khuyến khích thể hiện cảm xúc âm nhạc.

          Giáo trình cho kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam còn tương đối sơ sài, không được chỉnh sửa và không được hiệu đính thường xuyên. Điều đó dẫn đến sự lạc hậu, không nắm bắt kịp các kỹ thuật mới, các tác phẩm âm nhạc mới đặc biệt là khi chơi các bản nhạc của các nhạc sĩ thế kỷ XX. Sách vở, tài liệu, tác phẩm cho chuyên ngành còn thiếu và chưa phải là các tác phẩm âm nhạc có tính tiêu biểu cho kèn Tuba. Những sách bài tập, những tiểu phẩm, tác phẩm âm nhạc cho kèn Tuba vẫn rất sơ sài.

  •  Về lực lượng giảng viên

              Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – nơi đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước hiện vẫn chưa có giảng viên chính thức dạy kèn Tuba hay Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam là dàn nhạc hoạt động đều đặn và tích cực nhất Việt Nam cũng chưa có nghệ sỹ chơi kèn Tuba. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải đầu tư cho sự phát triển chuyên ngành kèn Tuba, phải đào tạo được giảng viên và nghệ sỹ  kèn Tuba là việc rất cấp bách và cần thiết.

 Do không có giáo viên kèn Tuba nên Nhạc viện Hà nội chưa đào tạo chuyên ngành này. Phải đến năm 1997 Nhạc viện Hà nội mới mở công tác đào tạo lại nhạc cụ kèn Tuba. Có những lý do khách quan, chủ quan mà công tác đào tạo kèn Tuba không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Hiện nay tất cả các Học viện và Nhạc viện cũng như những dàn nhạc giao hưởng đều thiếu giáo viên và nhạc công Tuba.

  •  Về đội ngũ học sinh, sinh viên

            Bước tuyển chọn học sinh kèn Tuba có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là bước quyết định học chuyên ngành phù hợp với năng khiếu, với sở thích và những điều kiện tâm sinh lý của người học cho bộ môn này.  Năng khiếu của người học Tuba, trước hết cũng như các nhạc cụ khác, người học cần được kiểm tra về thẩm âm, tiết tấu, trí nhớ giai điệu âm nhạc, ngoài ra những giảng viên tuyển chọn còn lưu ý các học sinh có giọng khỏe, vang và có khả năng hát những giai điệu trầm.

Kèn Tuba là nhạc cụ kèn đồng có kích thước, hình dáng to lớn nhất trong bộ kèn đồng. Do vậy, cần tuyển học sinh có hình thể khỏe mạnh để có thể có khả năng “ôm, giữ” nhạc cụ này một cách chắc chắn khi sử dụng nhạc cụ. Vấn đề “môi” của người học cũng là điều kiện cần lưu tâm: các em học môn ngành kèn này cần có độ dày và miệng cũng cần “rộng” hơn các nhạc cụ kèn khác nói chung, cũng như kèn đồng nói riêng.

·        Về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học

        Tình trạng nhạc cụ không đạt chuẩn là phổ biến trong các chuyên ngành kèn hơi, bộ môn kèn Tuba cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Về nhạc cụ, kèn Tuba vừa thiếu, vừa không đảm bảo về số lượng chất lượng, nhạc cụ kèn Tuba vừa cũ và là loại nhạc cụ chưa được cải tiến hiện đại. Kiểu nhạc cụ này, trên thế giới ít còn được sử dụng. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu những chuyên gia sửa chữa kèn Đồng nên kèn Tuba đã cũ lại không được bảo dưỡng thường xuyên bởi những người thợ có tay nghề cao và trách nhiệm với ngành kèn của Việt Nam. Chính những vấn đề nêu trên đòi hỏi nhà trường cần có kế hoạch về tài chính hàng năm để có thể mua sắm những nhạc cụ mới, có chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học kèn Tuba.

Tiểu kết chương một:

            Mặc dù là nhạc cụ ra đời muộn, nhưng thời gian qua, sự phát triển của ngành kèn Tuba cho đến ngày nay là không thể phủ nhận. Có thể nói nhạc cụ kèn Tuba là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống âm nhạc trên thế giới cũng như Việt Nam. Kèn Tuba đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của bộ môn kèn đồng, của ngành Kèn – Gõ giao hưởng Việt Nam.

            Một điều cần nghiêm túc nhìn nhận là: tại Việt Nam hiện nay, khi tất cả các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp chưa có giáo viên kèn Tuba, các dàn nhạc giao hưởng chưa có nghệ sĩ chơi kèn Tuba thì đó là một điều đáng báo động. Đây cũng chính là nội dung mà luận văn cũng muốn hướng tới. Nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng về kỹ thuật, khả năng biểu cảm âm nhạc khi trình diễn tác phẩm âm nhạc là điều mà các giảng viên, nghệ sỹ chân chính hướng tới và cần phải đạt được trong thời gian tới.

             Đào tạo nghệ thuật âm nhạc nói chung và ngành kèn Tuba nói riêng, phải chú trọng đào tạo có chất lượng cả chiều rộng và chiều sâu: trước kia chúng ta chỉ quan tâm đào tạo âm nhạc kinh điển, thì ngày nay theo yêu cầu của xã hội và thời đại, còn phải chú ý đào tạo mảng âm nhạc Pop và Jazz. Dù là trải rộng các thời kỳ âm nhạc như tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, âm nhạc thế kỷ XX hay các thể loại âm nhạc ngoài kinh điển như Pop, Jazz thì nhiệm vụ của những người làm công tác đào tạo vẫn phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng chuyên sâu cao. Chỉ có vậy, mới giúp cho bộ môn kèn Tuba cải thiện được vị thế của mình, giành được vị trí xứng đáng trong sự phát triền chung của các ngành nghệ thuật nói chung và các ngành nhạc cụ khác nói riêng.

Trong chương 1, chúng tôi đã nêu lên một số nhược điểm trong vấn đề bồi dưỡng lực lượng giảng viên kèn Tuba cả về kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, nguồn tư liệu giảng dạy cũng còn quá “nghèo” cần được bổ sung khẩn cấp, nghiên cứu và đưa vào chương trình giảng dạy kèn Tuba bậc trung cấp và đại học. Chính những khó khăn và nhược điểm trong đào tạo kèn Tuba được nêu lên trong chương 1 sẽ là tiền đề để chúng tôi đi sâu nghiên cứu và tìm ra những giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

     

 

Chương 2

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

 

2.1. Xây dựng chương trình đào tạo

Như đã nói ở trên, từ trước tới nay chưa có một công trình nào nghiên cứu về đào tạo kèn Tuba. Chính vì điều này dấn đến việc đào tạo kèn Tuba chưa thực sự đạt kết quả cao. Qua nghiên cứu thực tế và bằng kinh nghiệm của bản thân tôi xin đưa ra một chương trình đào tạo kèn Tuba. Đây là một việc làm rất cần thiết đối với thực tế hiện nay. Cụ thể là:

2.1.1 Hệ trung cấp dài hạn (7 năm) (Xem phụ lục 7)

·       Năm thứ nhất

- Đối với những em học sinh bắt đầu học kèn thì việc giảng dạy cho các em những kĩ năng căn bản như luyện hơi, kĩ thuật môi là yếu tố rất cần thiết. Nó là một vấn đề “tiên quyết” cho sự phát triển của các em sau này. Các kĩ năng này các em cần phải rèn luyện liên tục trong thời gian học, thậm trí cả khi đã ra trường đi làm.

- Luyện tập gamme: Đối với kèn Tuba, vấn đề âm chuẩn là một trong những kĩ năng khó. Ở những năm đầu việc luyện gamme sẽ giúp cho các em có những định hình về âm chuẩn và cao độ. Ở trình độ này chủ yếu cho các em tập gamme 1 quãng 8 và chỉ tập các gamme ở điệu thức trưởng

- Luyện tập các bài tập: Ở giai đoạn đầu, trình độ kĩ thuật của các em có thể nói là là chưa có gì. Chính vì vậy việc rèn luyện các bài tập chỉ ở trình độ làm quen. Cần lựa chọn cho các em những bìa tập ngắn, dễ, âm vực hẹp, phù hợp với trình độ của các em.

·       Năm thứ hai.

           - Tiếp tục cho các em luyện tập những kĩ năng cơ bản. Bổ xung thêm các bài tập xông kèn như luyện quảng, luyện âm bồi.

         - Luyện tập gamme: Các em tiếp tục luyện tập Gamme. Đối với năm thứ 2 này cho các em làm quen với gamme 2 quãng 8. Ngoài ra, chỉ cho các em tập thêm gamme quãng 3, hợp âm T rải, hợp âm đảo và hợp âm D7 đảo. Luyện tập các gamme ở điệu thức trưởng

        - Luyện tập các bài tập: Trong này năm này có thể cho các em luyện tập các bài tập khó hơn một chút và chọn những bài tập đánh lưỡi. Bởi vì ở trình độ này kĩ thuật hơi của các em còn chưa tốt nếu em ép các em tập các bài tập luyến sẽ làm ảnh hưởng đến môi.

·       Năm thứ ba.

         - Tiếp tục củng cố cho các em những kĩ thuật căn bản và tập xong kèn kết hợp với kĩ thuật luyến. Luyện cho em chơi nốt trầm.

         - Luyện tập Gamme: Đối với trình độ này khi các em đã có những kĩ thuật nhất định có thể cho các em luyện tập các gamme 2 quãng 8. Tập chơi gamme bằng kĩ thuật luyến. Cho các em làm quen với gamme thứ tự nhiên.

         - Luyện tập các bài tập: Tiếp tục cho các em các bài tập phù hợp, các bài tập có tính chất khác nhau như: nhanh – chậm; đánh lưỡi – luyến.

        - Tác phẩm có phần đệm: Bắt đầu cho các em làm quen với tác phẩm. Lựa chọn những tiểu phẩm ngắn và dễ để em làm quen. Chủ yếu là để các em làm quen khi chơi mà có phần đệm.

·       Năm thứ tư.

          - Ở năm này các em phải tự rèn luyện các kĩ năng căn bản

         - Luyện tập Gamme: Tiếp tục cho các em luyện tập Gamme có kết hợp với bài tập tiết tấu.

         - Luyện tập các bài tập: Lựa chọn các bài tập khó hơn cho các em. Các bài tập luyện tiếng kèn, những bài tập luyện kĩ thuật hơi.

     - Tác phẩm: Tiếp tiếp cho các em chơi các tác phẩm ngắn. Dạy các cách tập nghe phầm đệm.

·       Năm thứ năm.

     - Ở trình độ này các em chủ động luyện tập các kĩ năng căn bản. Tự tập gamme, cho các em luyện tập và làm quen với gamme trưởng – thứ hòa thanh và giai điệu. Tiếp tục luyện tập các nốt trầm và giúp các em luyện tập các nốt cao.

    - Luyện tập các bài tập: Bắt cho các em luyện tập những bài tập tổng hợp. Chọn các bài tập tổng hợp các lĩ thuật như: Đánh lưỡi, luyến, chú ý đến sắc thái của trong bài.

   - Tác phẩm: Khi các em đã đạt được một những kĩ thuật, kĩ năng chơi kèn, trong năm nay cho các em làm quen với các tác phẩm có hình thức lớn như: Một chương concecto….

·       Năm thứ sáu.

      - Ở năm này, các em chuẩn bị tốt nghiệp gamme. Yêu cầu các em ôn luyện các gamme, tập gamme chromatic. Tập tất cả các gamme 2 quãng 8 theo quy luật quãng 4. Ví dụ: bắt đầu bằng gamme C dur – F dur… cứ như vậy cho đến khi quay về gamme C dur. Yêu cầu là các gamme phải chơi 2 quãng 8.

    - Luyễn tập các bài tập: Giao cho các em những bài tập ở trình độ tương đương.

    - Tác phẩm: Trong năm học này cho các em làm quen với các tác phẩm viết ở hình thức sonate. Làm quen với tác phẩm Việt Nam.

·       Năm thứ bảy.

     - Đây là năm cuối cấp để chuẩn bị cho các em tốt nghiệp. Ngoài những yêu cầu về rèn luyện kĩ năng, trong năm này cần xây dựng cho các em chương trình thi tốt nghiệp.

Đối với phần thi tốt nghiệp, các em cần đáp ứng đủ nội dung sau: 1 tiểu phẩm, 1 tác phẩm concecto (hoặc một phần concecto), 1 tác phẩm sonate (hoặc 1 phần sonate), tác phẩm Việt Nam.

          2.1.2. Hệ đại chính qui. (Xem phụ lục 7)

·       Năm thứ nhất

     - Đối với sinh viên đại học vẫn tiếp tục rèn luyện các kĩ năng can bản, nhưng ở trình đọ cao hơn. Tiếp tục luyện tập Gamme ở mức độ khó hơn, một số gamme yêu cầu chơi ở 3 quãng 8. Luyện tập những bài tập ôn lại những kĩ thuật cơ bản như kĩ thuật luyến, kĩ thuật đánh lưỡi, những bài tập lưỡi kép.

  - Tác phẩm: Giao cho các em tiểu phẩm và tác phẩm với các hình thức như concecto, sonate. Bắt đầu cho các em làm quen với các phân phổ tác phẩm dàn nhạc. Lựa chọn những câu solo quan trọng trong dàn nhạc. Cho các em nghe các tác phẩm liên quan để các em hình dung cách thể hiện.

·       Năm thứ hai.

      - Các em tự rèn luyện kĩ năng cơ bản, tiếp tục luyện tập gamme ở trình tương đương.

      - Luyện tập bài tập: Luyện các bài tập tổng hợp

      - Tác phẩm: Lựa chọn các tác phẩm hiện đại cho các em làm quen

·       Năm thứ ba.

       - Rèn luyện tất cả các gamme diatonic. Tổ chức thi tốt nghiệp gamme

      - Tác phẩm: Tiếp tục là những tác phẩm lớn, các tác phẩm solo với dàn nhạc, tác phẩm Việt Nam và các trích đoạn solo kèn Tuba trong dàn nhạc

·       Năm thứ tư.

         Trong năm này, ngoài việc rèn luyện cho các em các kĩ năng căn bản bản, chuẩn bị xây dựng choc ác em chương trình thi tốt nghiệp với nội dung: 1 tiểu phẩm nước ngoài, 1 tác phẩm Việt Nam, các tác phẩm lớn của các tác giả thời kỳ hiện đại.

             Qua xây dựng chương trinh đào tạo em xin đưa ra bảng biểu như sau:

Bảng biểu 1: Chương trình đào tạo hệ trung học dài hạn 7 năm.

2.2. Phương pháp giảng dạy

2.2.1. Các kĩ năng căn bản

·       Cách lấy hơi và luyện tập hơi

            Kèn Tuba là một nhạc cụ lớn, khi chơi thì rất tốn hơi. Vì vậy luyện hơi là bài học đầu tiền mà bất cứ học sinh học kèn Tuba nào cũng phải tập cách lấy hơi. Đây là một bước đi tưởng chừng như bình thường vì người ta ai chả cần lấy hơi và thở để sống, nhưng lấy hơi cho đúng phương pháp, đúng kỹ thuật thì cũng phải tập luyện công phu mới đạt được. Khi thở, thông thường người ta thở hít không khí bằng mũi, nhưng khi thổi kèn người ta phải lấy hơi và thở bằng miệng là chủ yếu và có hỗ trợ lấy hơi qua đường mũi. Khi hít thờ không khí bằng ngực, lượng không khí vào phổi, phổi nở ra áp sát vào thành trong của lồng ngực. Lồng ngực có thể giãn ra nhờ những cơ bên ngoài các xương sườn và nâng xương sườn lên, nhưng sự co giãn này không được nhiều        

            Kỹ thuật phát âm

           Kèn Tuba là nhạc cụ kèn đồng có âm vực rất rộng (rộng nhất so các nhạc cụ kèn khác -hơn 4 quãng tám- tùy thuộc vào khả năng của người thể hiện).

           Một người nghệ sĩ muốn chơi hết được âm vực của kèn Tuba, thì việc tập môi sẽ là yếu tố quyết định cho kĩ thuật này.

               Nếu như ở các nhạc cụ thuộc bộ gỗ âm thanh được phát ra do tác động làm rung dăm kèn, thì ở kèn Tuba lại khác. Âm thanh của nhạc cụ kèn Tuba được vang lên trực tiếp từ chính môi trên và môi dưới của người thổi. Có thể nói rằng: kèn Tuba là kèn dăm kép cũng không sai. Bởi vì âm thanh phát ra do sự rung lên của môi trên và môi dưới. Nếu như lỏng môi, tần số dung chậm thì sẽ cho âm thanh trầm và ngược lại, nếu căng môi tần số dung nhanh sẽ cho âm thanh cao. Vì vậy, khi bắt đầu học kèn Tuba, học sinh chỉ được luyện môi trước sau đó mới kết hợp với búp kèn và nhạc cụ.

      Giảng dạy Gamme, tiết tấu và Etude

            Đối với người học nhạc cụ nói chung và kèn Tuba nói riêng, thì việc luyện tập Gamme và Etudes là điều cực kì cần thiết. Gamme chính là một trong những bài học đầu tiên cho người bắt đầu học một loại nhạc cụ và đối với người học kèn Tuba cũng vậy.

·       Giảng dạy Gamme và tiết tấu

          Như chúng ta đã biết, tập Gamme là để định hình âm chuẩn cũng như luyện cho âm thanh đẹp, luyện tiết tấu và những cách nhẩy quãng. Chính vì sự quan trọng này, mà tập Gamme đối với người học kèn Tuba là cần phải được chú trọng. Trong khi dạy, tôi luôn giảng giải cho học sinh phải thấm hiểu được điều này và yêu cầu các em tập Gamme hết sức nghiêm túc.

          Song song với việc dạy Gamme, tôi hướng dẫn các em tập luyện tiết tấu. Trong âm nhạc, có rất nhiều những âm hình tiết tấu.

         Yêu cầu của loại bài tập này là tập trên một tempo, mỗi nốt nhạc trong Gamme ứng với những tiết tấu này. Có như vậy các em mới cảm nhận được sự phân chia tiết tấu khác nhau. Tùy vào trình độ của các em mà người giảng viên cần linh hoạt có những áp dụng phù hợp.

·       Giảng dạy Etude

           Thứ nhất là: Giảng dạy các Etude có tính giai điệu

           Như đã nói ở trên, kèn Tuba là nhạc cụ có âm vực trầm, thường đảm nhiệm bè trầm trong các hình thức hòa tấu. Chính vì lẽ đó mà học sinh hay có tâm lý tẻ nhạt khi học. Vì thế, đưa Etude có giai điệu vào trong giảng dạy là hết sức cần thiết. Bởi ngoài những tác dụng nâng nao kỹ thuật hơi và luyện tiếng kèn, âm chuẩn, nó còn có tác dụng tạo cảm hứng và sự hung phấn trong học tập cho các em học sinh, sinh viên.

        Thứ hai là: Giảng dạy Etude Gammer

         Đây là Etude có tác dụng luyện âm chuẩn và kỹ thuật chạy ngón. Dạng Etude này giúp cho người học nâng các khả năng chơi chính xác cao độ và luyện kĩ thuật ngón nhanh nhạy. Với dạng Etude này, cần yêu cầu các em bước tập đầu tiên ở tốc độ chậm để nghe cao độ và luyện ngón bấm. Sau khi đã quen bài tập, có thể cho các em tập nhanh dần, nâng cao tốc độ lên.

        Thứ ba là: Giảng dạy Etude tổng hợp

        Đây là dạng Etude kết nhiều loại kĩ thuật trong một bài. Từ kĩ thuật hơi, môi cho đến kĩ thuật luyến, đánh lưỡi (stacato), kĩ thuật nhảy quãng. Dạng Etude này giúp người học biết cách kết hợp các kĩ thuật khác nhau khi tiến hành một bài tập.         

 

       Đối với bài này, yêu cầu các em phải chơi thật chính xác tất cả các kĩ thuật như trong bài viết. Chơi thật chính xác kĩ thuật luyến hai nốt. Sau khi đã chơi được chuẩn xác như trong bài, yêu cầu các em tập đảo cách luyến và đánh lưỡi như: đánh lưỡi hai nốt đầu, luyến hai nốt sau và ngược lại luyến hai nốt đầu, đánh lưỡi hai nốt sau. Đây là một bài Etude khó, ngoài sự phải kết hợp nhiều kĩ thuật cùng một lúc, các em còn cần chú ý đến sắc thái khi luyện tập..

Có thể nói: đây cũng là một dạng Etude có kỹ thuật đạt tới trình độ cực khó hay nói cách khác là có thể tiếp cận với kỹ thuật đỉnh cao bởi khi nhảy quãng ở tốc độ cực nhanh thì việc chuyển môi đối với kèn Đồng nói chung và kèn Tuba nói riêng là một vấn đề cực khó.

2.2.2.     Giảng dạy tác phẩm nước ngoài và Việt Nam đối với kèn Tuba

·       Giảng dạy tác phẩm nước ngoài đối với kèn Tuba

        Sau khi học sinh đã có những khái niệm nhất định về kèn Tuba, đã có một số kĩ thuật nhất định thì song song với việc tập luyện bài tập, giảng dạy Etude cho các em thì cũng cần phải cho các em làm quen dần với các tác phẩm viết cho kèn Tuba. Ban đầu là những tác phẩm ngắn và đơn giản, rồi đến những tác phẩm lớn hơn, đòi hỏi kĩ thuật cao như: Concecto, Sonate, Suite…

         Giảng dạy tác phẩm là giảng dạy về âm nhạc, giúp các em biết cách áp dụng những kĩ thuật đã học vào thực hành. Giảng cho các em hiểu về tác phẩm, hiểu về tác giả, trường phái, nội dung tác phẩm và hình thức của tác phẩm. Từ đó các em sẽ có cái nhìn đúng đắn về tác phẩm đó để xử lý khi chơi sao cho đúng với tinh thần âm nhạc mà tác giả muốn chuyển tải.

·       Giảng dạy tác phẩm độc tấu

Đối với các chuyên ngành kèn Đồng và kèn Gỗ khác, việc các nhạc sĩ sáng tác viết cho độc tấu không phần đệm đã trở thành truyền thống trong âm nhạc thế kỷ XX. Những tác phẩm độc tấu không phần đệm này có một ý nghĩa đặc biệt về kỹ thuật diễn tấu và có những tác phẩm solo dạng này còn khó hơn khi chơi Sonate hoặc Concerto.

Khi viết các tác phẩm độc tấu cho kèn Tuba không phần đệm, tác giả đề cao tính nghệ sĩ, tính độc lập của người nghệ sĩ. Học các tiểu phẩm, tác phẩm dạng này, học sinh trước hết phải giải quyết tốt tất cả các kĩ thuật trong bài. Nhưng điều quan trọng hơn, học sinh còn được giảng viên hướng dẫn thể hiện cảm xúc âm nhạc theo cách nhìn nhận riêng, người học sinh được quyền quyết định thể hiện tác tác phẩm với sự sáng tạo riêng của cá nhân nhưng vẫn phải nằm trong tính chất âm nhạc, ý đồ cuả tác giả.    

·       Giảng dạy tác phẩm solo Tuba và Piano

          Kèn Tuba là nhạc cụ có âm vực trầm, thường đảm nhiệm phần đệm trong hòa tấu. Thế nhưng trên thế giới lại có rất nhiều các tác giả đã sáng tác cho Tuba ở các hình thức âm nhạc khác nhau như: tiểu phẩm, concecto, suite, sonate…

         Dạy tác phẩm solo có phần đệm, ngoài giảng giải cho các em hiểu về tác giả, tác phẩm, giảng viên còn cần dạy cho các em hiểu về kĩ năng hòa tấu.          Với những học sinh mới làm quen với tác phẩm, chúng tôi lựa chọn những tác phẩm dễ, chủ yếu là cho các em làm quen khi kĩ năng vừa chơi vừa nghe phần đệm.

          Trong khuân khổ của luận văn này, chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ điển hình để làm sáng tỏ hơn về cách dạy tác phẩm.

       Trước hết là tiểu phẩm:

       Tác phẩm “Die Meistersinger von Nurnberg của nhạc sĩ Richard Wagner” là một ví dụ điển hình.

            Có thể nói rằng đây là một trong những tác phẩm khí nhạc đầu tiên viết cho kèn Tuba. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các tác phẩm trước đây viết cho kèn Tuba đều là những tác phẩm được chuyển soạn từ các nhạc cụ khác. Tác phẩm này là một trong những tác phẩm có trong nội dung thi của kèn Tuba vào các dàn nhạc trên thế giới. Điều đặc biệt của tác phẩm này là có phần giai điệu rất đẹp, các nốt cao ngân dài, âm thanh cần đầy đặn, tạo ra màu sắc uy nghiêm, trang trọng: đúng với âm sắc rất đặc trưng của kèn Tuba. Cái khó của tác phẩm này là kĩ thuật hơi và kĩ thuật môi. Yêu cầu các em phải có sự chuẩn bị hơi và phân chia câu nhạc sao cho hợp lí để có thể trình bày tốt đoạn nhạc mà đặc biệt ở âm vực có nốt nhạc cao.

       Phần đệm của tác phẩm này được chuyển soạn từ dàn nhạc lớn sang cho đàn Piano. Chính vì điều này đã tạo nên âm hưởng lớn của phần đệm. Bởi vậy, để đảm bảo cho sự cân bằng về âm lượng giữa bè solo và bè đệm, khi thể hiện tác phẩm cần phải nghe bè đệm và linh hoạt tự điều chỉnh âm thanh cho sự cân bằng hợp lí giữa phần solo và phần đệm.

  • Giảng dạy tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam cho kèn Tuba 

           Hiện nay, các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam cho Kèn Tuba solo gần như là không có. Từ trước đến nay, khi cần phải thi trong các kì thi tốt nghiệp trung cấp hay đại học, thi tuyển đầu vào đại học mà trong chương trình thi bắt buộc phải có bài Việt Nam, các em thường phải lựa chọn các bài ca khúc. Chính vì vậy mà giảng dạy tác phẩm Việt Nam với kèn Tuba là rất hạn hẹp.

          Mới đây, để làm minh chứng và cũng để làm giáo trình học tập cho mảng này thì PGS.TS Nguyễn Phúc Linh đã sáng tác một chùm tác phẩm cho kèn Tuba solo cùng phần đệm Piano (gồm 3 khúc nhạc).

·       Giảng dạy các trích đoạn solo kèn Tuba trong tác phẩm giao hưởng.

           Như đã nói ở trên, hiện nay các dàn nhạc giao hưởng chưa có nghệ sĩ chơi kèn Tuba chính thức nào. Vì vậy đào nghệ sĩ kèn Tuba cho các dàn nhạc giao hưởng là một vấn đề cấp bách. Cũng chính vì vậy, ngoài giảng dạy cho các em về các kĩ năng, kĩ thuật chời kèn Tuba, chúng tôi còn lồng ghép vào trong đó là giảng dạy các tác phẩm giao hưởng. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi sử dụng quyển sách “Orchestral Excerpts for Tuba”. Đây là quyển sách tổng hợp những trích đoạn solo kèn Tuba. Ngoài ra, chúng tôi còn phải tự tìm những đoạn nhạc khó và nổi tiếng trong các phân phổ cho kèn Tuba trong các tác phẩm cho dàn nhạc để cho các em được làm quen. Với hy vọng, sau khi ra trường các em sẽ có cho mình một hành trang đầy đủ để cống hiến và lao động nghệ thuật.

  Đây là một trong những phần solo Tuba nổi tiếng trong dàn nhạc. Nó cũng là một trong những nội dung thi tuyển nhạc công Tuba vào các dàn nhạc trên thế giới. Ở đoạn nhạc này, các em cần chú ý đến cách nhảy quãng xa và chú ý đến các kí hiệu âm nhạc như: luyến nốt, đánh lưỡi, nhấn nốt. Đặc biệt các em cần chú đến sắc thái như: to dần, nhỏ dần, nhỏ và to đột ngột, hay kĩ thuật đánh lưỡi và ngân dài nốt.

2.3. Thực nghiệm sư phạm

          2.3.1. Mục đích thực nghiệm

Việc tiến hành thực nghiệm sư phạm là một công việc cần thiết trong sư phạm chuyên ngành nhằm mục đích minh chứng cho những giải pháp đổi mới được đề cập trong luận văn. Một trong những trọng tâm trong việc sử dụng những biện pháp đổi mới chính là sự sử dụng những người giảng viên kèn Tuba biết phấn đấu vươn lên liên tục trong tri thức và đúc rút kinh nghiệm sư phạm.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các giáo trình mới, được bổ sung bởi các Gamme, Etude, tác phẩm trong và ngoài nước của người thầy qua các phương pháp mới trong giờ dạy thực nghiệm cũng có tác dụng minh chứng cho việc đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

         2.3.2. Đối tượng thực nghiệm

Vì số lượng học sinh, sinh viên học kèn Tuba là rất hạn chế nên chúng tôi không thể thực hiện với số lượng đông như tại các ngành Piano, đàn Dây. Mặc dù số lượng học sinh ít nhưng việc so sánh giữa đối tượng học sinh trong nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng vẫn là công việc cần thiết. Các em học sinh trong hai nhóm này có trình độ và năng khiếu tương đương nhau nhưng được giảng dạy với giáo trình cụ thể khác nhau nên có những kết quả học tập không giống nhau.

Đối với việc chọn lựa sinh viên nhóm đối chứng, do học sinh Tuba của HVÂNQGVN quá ít nên chúng tôi chọn 2 sinh viên thuộc trường ĐHVHNTQĐ, nơi không được thực nghiệm đổi mới chương trình đào tạo như ở Học viện để tiện cho việc so sánh đối chứng.

            2.3.3 Thời gian và địa điểm thực nghiệm

           Thời gian tiến hành thực nghiệm sư phạm: từ tháng 2 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017.

           Địa điểm: Lớp Tuba, Khoa Kèn – Gõ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Khoa Quân nhạc – Trường ĐHVHNT Quân đội

         2.3.4. Giáo án thực nghiệm: 

        Giáo án thực hiện được chúng tôi ứng dụng cho công tác thực nghiệm sư phạm mang tính chọn lọc, đại diện (dùng cho việc giảng dạy nhóm học sinh thực nghiệm).                                                                

  Bước 1: Gamme:  B – Dur

  Bước 2: Etude:

        - Vladislav Blazhevich – 70 studies for Bb flat Tuba (chọn 2 bài)

        - C. Kopprasch – 60 Slected Studies for Tuba (chọn 2 bài)

  Bước 3: Tác phẩm nước ngoài:

        -Tác phẩm Andante và Rondo của Capuzzi:

           2.3.5. Đánh giá kết quả thực nghiệm

Qua so sánh kết quả học tập của hai nhóm thực nghiệm và đối chứng, chúng ta có thể phát hiện ra rằng các em học sinh trong nhóm thực nghiệm được học theo những giải pháp đổi mới đã có những bước tiến lớn trong kết quả học tập.

 

            Qua kết quả được khảo sát, chúng tôi đã chứng minh rằng việc đổi mới và nâng cấp lực lượng giảng viên cũng như giáo trình và phương pháp giảng dạy kèn Tuba có một ảnh hưởng quyết định tới việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh, sinh viên kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tiểu kết chương 2:

Trong chương 2, chúng tôi đề cập tới một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong đó, giải pháp đầu tiên là việc xây dựng chương trình đào tạo hệ trung cấp dài hạn và hệ đại học chính quy.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tri thức và kinh nghiệm của giảng viên, việc nâng cấp chất lượng giáo trình và phương pháp giảng dạy kèn Tuba cũng có một vai trò quan trọng. Đó là việc kế thừa các tư liệu giảng dạy truyền thống và bổ sung các giáo trình giảng dạy kèn Tuba mới như giáo trình về Gamme, Etude và các tác phẩm trong và ngoài nước sáng tác và chuyển soạn cho kèn Tuba. Trong các giải pháp cụ thể nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy kèn Tuba, chúng tôi phân tích sâu về việc giảng dạy Gamme và Etudes, vấn đề giảng dạy các tác phẩm độc tấu (solo), các tác phẩm hòa tấu thính phòng và dàn nhạc...

Một số phương pháp cụ thể trong giảng dạy chuyên ngành kèn Tuba cũng được chúng tôi đề cập tới mong rằng sẽ giúp ích cho học sinh, sinh viên kèn Tuba trong các cơ sở đào tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc. Đó là các vấn đề về cách lấy hơi và luyện tập hơi, về kỹ thuật phát âm và tất nhiên vấn đề nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất cũng có một vai trò nhất định trong việc nâng cao chất lượng dạy và học kèn Tuba.

Cuối cùng, trong chương 2 chúng tôi còn tóm tắt kết quả của công tác thực nghiệm sư phạm nhằm minh chứng cho tính hiệu quả của các giải pháp đã đề ra trong chương 2.

 

KẾT LUẬN

Luận văn này là một công trình nghiên cứu đầu tiên của chuyên ngành Tuba nhằm đáp ứng với yêu cầu nghiên cứu khoa học ngày càng cao của các chuyên ngành kèn Đồng. Bước đầu, nghiên cứu này sẽ giúp ích cho việc tăng cường các công trình nghiên cứu khoa học, các sách lí luận cho bộ môn kèn Tuba. Công tác nghiên cứu lý luận sẽ góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật, chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Việt Nam.

            Là một nghệ sỹ, giảng viên được đào tạo cơ bản, được tham gia biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng và các hình thức biểu diễn khác, bản thân tôi luôn say mê nghề nghiệp, yêu thích bộ môn kèn Tuba và mong muốn bộ môn ngày càng phát triển về cả “lượng” và “chất”. Mặt khác, chúng tôi cũng hy vọng bổ sung thêm các tác phẩm chuyên ngành (độc tấu và hòa tấu) để việc giảng dạy kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được phát triển như các chuyên ngành kèn Đồng khác. Việc phân tích một số các tác phẩm độc tấu và hòa tấu kèn Tuba cũng giúp ích cho bản thân tôi hiểu biết thêm về nghề nghiệp và hy vọng sẽ giúp cho sinh viên nắm bắt một cách khoa học hơn về những tác phẩm mà mình sẽ học tập và biểu diễn.

            Muốn cho bộ môn kèn Tuba cải thiện được vị thế của mình, giành được vị trí xứng đáng trong sự phát triền chung của các ngành nghệ thuật nói chung và các ngành nhạc cụ khác nói riêng. Nếu không nhận diện được đầy đủ các thực trạng trong đào tạo kèn Tuba tại HVÂNQGVN và không đưa ra biện pháp giải quyết thích đáng sẽ là những rào cản lớn đối với sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà trong đó có công tác đào tạo kèn Tuba.

Trong luận văn, chúng tôi đề cập tới một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong đó, giải pháp đầu tiên là việc xây dựng chương trình đào tạo. Đây là việc làm rất cần thiết. Sauk khi đã xây đã xây dựng chương trình đào tạo cần phải áp dụng chương trình đó vào trong thực tế giảng dạy nhăm nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba

Bên cạnh đó, ngoài việc kế thừa các tư liệu giảng dạy truyền thống và bổ sung các giáo trình giảng dạy kèn Tuba mới như giáo trình về Gamme, Etude và các tác phẩm trong và ngoài nước sáng tác và chuyển soạn cho kèn Tuba.

Một số phương pháp cụ thể trong giảng dạy chuyên ngành kèn Tuba cũng được chúng tôi đề cập tới mong rằng sẽ giúp ích cho học sinh, sinh viên kèn Tuba trong các cơ sở đào tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc. Đó là các vấn đề về cách lấy hơi và luyện tập hơi, về kỹ thuật phát âm và tất nhiên vấn đề nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất cũng có một vai trò nhất định trong việc nâng cao chất lượng dạy và học kèn Tuba. Cuối cùng, trong chương 2 chúng tôi còn tóm tắt kết quả của công tác thực nghiệm sư phạm nhằm minh chứng cho tính hiệu quả của các giải pháp đã đề ra trong chương 2.

       KHUYẾN NGHỊ

        Sau khi nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đưa ra các giải nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba, chúng tôi xin đưa ra một khuyến nghị sau

      - Các giảng viên kèn Tuba giữ một vị trí quan trọng nhất trong các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kèn Tuba. Chính vì vậy, việc xây dựng đỗi ngũ giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ là hết sức cần thiết. Bằng cách, lựa chọn những học sinh, sinh viên ưu tú về mọi mặt gửi đi đào tạo tại nước ngoài. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, về nước các em ấy sẽ chính là nguồn giáo viên.

      - Việc tuyển sinh cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chúng ta cần thắt chặt cả đầu vào và đầu ra. Có nghĩa là lựa chọn những thí sinh có năng khiếu và phù hợp với kèn Tuba để đưa vào đào tạo.

       - Các cơ sở đào tạo cần định kỳ hàng năm mua sắm thêm nhạc cụ (Tuba) có chất lượng tốt, các phụ tùng để sửa chữa cũng như bổ sung các giáo trình Etude và tác phẩm mới của các tác giả thế giới và trong nước. Nâng cao hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo

          Cần mời các chuyên gia đầu ngành Tuba nổi tiếng thế giới đến Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để biểu diễn và giảng dạy, cử các sinh viên có năng khiếu đi học tập và tu nghiệp tại nước ngoài. Cần có những chính sách và chế độ khuyến khích được những tài năng âm nhạc vào học chuyên ngành kèn Tuba, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên kèn Tuba yên tâm học tập và yêu nghề, phát triển sự nghiệp.

Với những cố gắng của một nghệ sĩ biểu diễn kèn Tuba, chúng tôi đã quyết tâm học hỏi và viết được luận văn này, chắc chắn còn rất nhiều khiếm khuyết, mong các Giáo sư và các bạn đồng nghiệp góp ý bổ sung, chúng tôi vô cùng biết ơn./. 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn