Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12108021
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 29/03/2024

Tác giả: Đỗ Minh Hương 
Tên đề tài: Tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển cho giáo sinh trường TCSP Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội
Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp sư phạm 
Mã số: 60 14 01 11
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Cù Lệ Duyên    
Ngày đăng: 08/01/2019

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài.

Xuyên suốt bao thế kỷ, nhạc cổ điển vẫn đứng vững chắc theo thời gian và có một chỗ đứng quan trọng không thể thay thế. Với mỗi chúng ta, từtuổi thơ đến khi trưởng thành không thể thiếu âm nhạc, bởi âm nhạc tạo ra sự đồng cảm giữa người với người và là phương tiện bồi dưỡng năng lực sáng tạo của trí tuệ mà không một phương tiện nào sánh được. Âm nhạc nói chung và nhạc cổ điển nói riêng góp phần phát triển thể chất, trí tuệ. Quan niệm của nhiều người cho rằng âm nhạc cổ điển là một cái gì đó xa vời, khó tiếp xúc, khó nghe với tính kinh viện của nó. Nhưng quan niệm này hoàn toàn không có cơ sở khoa học và cũng không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Có thể nhạc cổ điển kén người nghe và được xem là âm nhạc bác học nhưng trên thực tế bản chất của nhạc cổ điển cũng rất gần gũi và thân thiện với mọi người, chỉ có điều chúng ta tiếp nhận và thưởng thức nó như thế nào mà thôi. Thậm chí có những bản nhạc giao hưởng, bản nhạc cổ điển được yêu mến, gần gũi và rất thân thuộc. Nhạc cổ điển là kho tàng tri thức, văn hoá của nhân loại. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của nghệ sĩ, nó cũng cần được giới truyền thông quan tâm, để nhiều người biết đến.

Ở trường Trung cấp sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội, các em giáo sinh được học âm nhạc nhưng đa số mới chỉ dừng lại ở mức độ rất cơ bản và trong chương trình dạy học bộ môn thì hiếm khi được lồng ghép, tích hợp nhạc cổ điển vào bài giảng, giúp các em hiểu và cảm nhận được nét hay trong lĩnh vực âm nhạc uyên bác đó. Với sự phát triển của nên văn hóa và âm nhạc hiện nay thì nhạc cổ điển không chỉ đứng độc lập mà còn có thể đưa vào rất nhiều hoạt động giáo dục ở trường sư phạm cũng như trường mầm non. Ví dụ như chúng ta hoàn toàn có thể vừa kể chuyện, đọc thơ trên nền nhạc nền cổ điển, hay có thể nhảy múa với nhạc cổ điển v.v.. Muốn trẻ cảm nhận được âm nhạc cổ điển thông qua các hoạt động giáo dục thì trước hết các em  giáo sinh trường Trung cấp sư phạm Mẫu giáo- Nhà trẻ Hà Nội phải là những người tiên phong tiếp cận, nắm bắt được những tác phẩm cổ điển đơn giản, quen thuộc, cảm nhận được những nét hay trong âm nhạc cổ điển để từ đó các em mới có thể truyền tải những hình tượng đẹp trong giai điệu đến với trẻ mầm non thông qua các giờ hoạt động. Chính vì vậy, tôi mạnh dạn chọn đề tài: Tăng cường khả năng cảm thụ nhạc cổ điển cho giáo sinh tại trường TCSP Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội (TCSP MG- NT Hà Nội).

2.    Lịch sử nghiên cứu đề tài

Về tài liệu, các sách, nghiên cứu khoa học liên quan đến nhạc cổ điển nói chung có một số tư liệu như sau:

-      Cùng các Bé nghe nhạc cổ điển, của hai tác giả Lê Ngọc Anh và Lưu Hải Hà, NXB Phụ Nữ, 2011. Đây là một cuốn sách tập hợp 90 bài viết về 90 bản nhạc cổ điển nổi tiếng trong kho tàng nhạc cổ điển của nhân loại. Các tác phẩm để đời của các thiên tài âm nhạc như  J.S.Bach, F.Chopin, , L.V.Beethoven, W.A.Mozart, F.Schuman, Giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của các nhạc sỹ.

-      Đến với nhạc cổ điển là sản phẩm của nhóm nhaccodien.info và tạp chí tia sáng, 2015. Cuốn sách nói về phương pháp để giúp người nghe yêu thích nhạc cổ điển.

-      Nhạc sỹ thiên tài và những bài tập piano cổ điển quen thuộc của hai tác giả Phạm Phương Hoa và Cù Minh Nhật, NXB Âm nhạc, 2014. Đây là một cuốn sách được viết với trích đoạn những tác phẩm tiêu biểu dành cho đàn piano. Đồng thời cuốn sách cũng tóm tắt nội dung sự nghiệp và đặc điểm âm nhạc của một số tác giả.

-      Nhập môn nhạc cổ điển của hai tác giả Stacy và Michale D Lynch, NXB Dân Trí, 2009. Cuốn sách được viết ngăn gọn các thời kỳ âm nhạc, giới thiệu cuộc đời của các nhà soạn nhạc và danh sách các bản nhạc nổi tiếng. Đồng thời sắp xếp phân chia thể loại âm nhạc giúp người đọc dễ hiểu hơn trong quá trình tìm đọc.

-      Những khúc dạo đầu – thơ  và nhạc thính phòng giao hưởngcủa tác giả Lê Ngọc Anh dịch và biên soạn, NXB Hội nhà văn, 2010. Là cuốn sách giới thiệu những khúc dạo đầu của một số tác phẩm âm nhạc cổ điển. Đây là những cuốn sách nói về nhạc cổ điển nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp của các nhạc sỹ và trích dẫn các tác phẩm cổ điển đơn giản, dễ nghe. Một số công trình nghiên cứu khác không đề cập cụ thể đến thể loại âm nhạc cổ điển nhưng là những nghiên cứu về phong cách sáng tác của các nhạc sỹ trường phái cổ điển như:

-      Ảnh hưởng của âm nhạc Chopin trong nghệ thuật Piano Việt Nam,luận án Tiến sỹ của Triệu Tú My, 2017. Đề tài hệ thống hoá một cách khoa học, giới thiệu về sự nghiệp âm nhạc của Chopin với cây đàn piano. Giới thiệu những đặc trưng âm nhạc của Chopin.

Các sách, các công trình nghiên cứu nói trên đều có vai trò nhất định trong việc nghiên cứu đề tài. Tuy nhiên các tư liệu đó chỉ mang tính giới thiệu, phân tích, giảng giải, chưa đề ra được biện pháp cụ thể để cảm thụ nhạc cổ điển cho đối tượng như đề tài mong muốn. Hơn nữa việc đưa nhạc cổ điển vào chương trình bộ môn âm nhạc ở giáo sinh hệ Trung cấp mầm non là một đề tài mới, chưa có công trình nào nghiên cứu và đề cập đến. Vì vậy, có thể  khẳng định đề tài luận văn hướng đến đối tượng nghiên cứu là hoàn toàn không trùng lặp với bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác nên tôi đã mạnh dạn chọn đề tài trên để nghiên cứu và thực nghiệm tại trường chuyên nghiệp Trung cấp sư phạm Mẫu giáo- Nhà trẻ Hà Nội.

3.    Mục tiêu nghiên cứu

Đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển cho giáo sinh trường TCSP MG- NT Hà Nội. Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và mở rộng kiến thức về thể loại âm nhạc mới.

4.    Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

-     Nghiên cứu mối quan hệ giữa việc tăng cường cảm thụ nhạc cổ điển của các em giáo sinh với việc đề xuất các biện pháp để giúp giáo sinh có thể cảm nhận nhạc cổ điển tốt hơn tại trường TCSP MG- NT Hà Nội. Chúng tôi nghiên cứu đối tượng là giáo sinh  trường TCSP MG- NT Hà Nội.

-      Thời gian nghiên cứu: từ tháng 9 đến tháng 4 năm học 2017-2018

5.    Phương pháp nghiên cứu.

-     Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Nghiên cứu các tài liệu, công trình nghiên cứu về vai trò của nhạc cổ điển nói chung giáo sinh trường TCSP nói riêng theo hướng tiếp cận năng lực trên cơ sở phân tích tổng hợp, so sánh, hệ thống hóa. 

-     Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn:Quan sát, đàm thoại, điều tra phiếu hỏi, nghiên cứu sản phẩm hoạt động, tổng kết kinh nghiệm.

-      Phương pháp thực nghiệm.

6.    Những đóng góp mới của đề tài

-     Về mặt lý luận: Bổ sung và hệ thống hóa một số vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến đề tài.

-      Về mặt thực tiễn: Đánh giá được thực trạng việc cảm thụ nhạc cổ điển của giáo sinh và thực trạng việc tổ chức các hoạt động giáo dục âm nhạc ở trường sư phạm.Đề ra các biện pháp giúp giáo sinh tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển thông qua các học phần âm nhạc. Nâng cao chất lượng dạy và học tại cơ sở.

7.  Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, kiến nghị tài liệu tham khảo, phụ lục. Nội dung cơ bản của luận văn được thể hiện ở 2 chương;

Chương 1:Cơ sở lý luận và thực trạng việc cảm thụ nhạc cổ điển của giáo sinh trường TCSP MG- NT Hà Nội.

Chương 2:Các giải pháp nhằm tăng cường cảm thụ nhạc cổ điển cho giáo sinh trường TCSP MG- NT Hà Nội

CHƯƠNG 1.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG VIỆC CẢM THỤ NHẠC CỔ ĐIỂN CỦA GIÁO SINH TẠI TRƯỜNG TRUNG CẤP SƯ PHẠM MẪU GIÁO – NHÀ TRẺ HÀ NỘI.

1.1. Định nghĩa nhạc cổ điển.

Theo tác giả Nguyễn Quang - Minh Trí trong từ điển Anh – Việtcho rằng Classic music thuộc nghệ thuật âm nhạc nghiêm túc, không hoa mỹ [27.tr.232]. Theo tác giả Vĩnh Bá, từ điển Anh – Việtcũng cho rằng Classical music là văn nghệ sỹ hay tác phẩm nghệ thuật mang tính chất mẫu mực, có giá trị lâu dài, bất hủ, để đời, giản dị và thanh nhã về phong cách[4;183]. Cũng theo tác giả Stanley Sadie trong từ điển The New Grove, Dictionary of music and Musican  định nghĩa  về âm nhạc cổ điển như sau: Âm nhạc cổ điển là một thuật ngữ, chỉ  hình thức  và các thể loại  được áp dụng cho âm nhạc  phát triển từ các nền văn hóa khác nhau, ra đời từ thời kỳ Phục Hưng đến hết thời kỳ âm nhạc lãng mạn.[36;449,450].

Từ một vài định nghĩa trên, theo chúng tôi, thuật ngữ “nhạc cổ điển”  được dùng trong luận văn được hiểulà một phong cách âm nhạc lâu đời, để phân biệt loại nhạc này với nhạc jazz, nhạc rock hoặc các phong cách đương đại khác, là một khoảng thời gian trong âm nhạc nghệ thuật phương Tây thông qua tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc từ thời kỳ Phục Hưng đến thời hết thời kỳ lãng mạn. 

  1. Một số thể loại sáng tác và những trích đoạn cổ điển quen thuộc đối với người Việt Nam.
    1. Một số thể loại sáng tác.

      Theo định nghĩa, có thể hiểu nhạc cổ điển là thể loại nhạc kinh điển,lâu đời có tính chất mẫu mực, cấu trúc nghiêm túc và phức tạp . Trong thời kỳ đó, loại nhạc này chỉ dùng để phục vụ cho tầng lớp quý tộc và vua chúa. Nên tránh nhầm lẫn với các thể loại sau này có cấu trúc đơn giản, mang tính chất giải trí như các bản Mariage D'amour, Acome Amour  v.v... để người nghe có thể hiểu được tính chất của bản nhạc thì việc hiểu biết một số thể loại sáng tác của các nhạc sỹ thời kỳ cổ điển là điều rất cần thiết. Trong sách Lịch sử âm nhạc thế giới của các tác giả Nguyễn Xinh –Thế Vinh - Nguyễn Thị Nhung  năm 1987 có đề cập đến một số thể loại như:Etude ,Prelude, Lullaby, Romance, SerenadeSonataSymphony,Concerto, nhạc kịch, Opera

1.2.2.Một số trích đoạn nhạc cổ điển quen thuộc với người Việt Nam

 Trong những giai điệu mà chúng ta nghe hàng ngày, có rất nhiều trích đoạn âm nhạc từ các tác phẩm cổ điển nhưng rất ít người để ý, lắng nghe, quan tâm và tìm hiểu xem đó là bản nhạc gì. 

Bản nhạc Spring – Mùa xuân (trích trong tổ khúc Bốn mùa) của nhà soạn nhạc A.Vivaldi đã từng được đài truyền hình Việt Nam VTV3 đưa vào làm nhạc nền cho chương trình dự báo thời tiết hàng ngày từ nhiều năm trước. Bản nhạc đã trở nên quen thuộc đến mức, chỉ cần được nghe những nốt đầu tiên, mọi người đều nhận biết được đó là chương trình dự báo thời tiết.

Vào dịp lễ Giáng sinh, có rất nhiều bản nhạc ca ngợi mẹ Maria nhưng bản Ave Maria của nhà soạn nhạc  F. Schubert là nổi tiếng và phổ biến hơn.

Giáng sinh cũng là ngày mà bản nhạc cổ điển được dùng đã trở nên quen thuộc với các thế hệ người Việt mỗi khi giai điệu ngân lên. Bản nhạc Hallelujah choruscủa nhà soạn nhạc G.F.Handel ca ngợi chúa, bày tỏ sự hân hoan, vui mừng được vang lên ở bất kỳ nhà thờ nào.

Hoặc bản Ave Maria của hai soạn nhạc J. S. Bach và Charles Gounod.

Một tác phẩm vô cùng nổi tiếng khác được sử dụng vô cùng rộng rãi trong đêm giáng sinh phải kể đến bài Silent Night do nghệ sỹ đàn Oocgan người Áo  Franz Xaver Grubersáng tác. Chỉ trong một thời gian ngắn bài này trở thành một trong những bài nhạc Giáng Sinh bất hủ và được yêu thích nhất trên toàn cầu.

         Đặc biệt với giới trẻ thì bộ phim Hallowen được hấp dẫn bởi sự rùng rợn của nó. Bộ phim có phong cách Gothic đen tối, các nhân vật từ đầu đến chân đều mặc màu đen mang sự ám ảnh. Để diễn tả điều đó, đạo diễn đã dùng nhạc nền tác phẩm Tocatta and Fugue In D minorcủa nhà soạn nhạc J.S.Bach

Tác giả L.V. Betthoven cũng rất thân thuộc với người Việt qua các sách âm nhạc thường thức cấp 2 đến những bản nhạc quen thuộc như: Fur Elise trong  những chiếc hộp xoay đồ chơi có nút vặn phía sau.

Hoặc bản Ode to joy(chương cuối của giao hưởng số 9 của L.V.Betthoven) được ngân nga trong suốt mùa giáng sinh và nó trở nên phổ biến với nhiều lứa tuổi. 

Thậm chí âm nhạc kinh điển của ông còn len lỏi vào siêu thị điện máy Nguyễn Kim với giai điệu mạnh mẽ, hùng hồn nhưng không kém phần hiện đại của tác phẩm Piano sonata op.13, No.8 Pathetiquecủa nhà soạn nhạc L.V.Betthoven.

Mỗi người trong thời đại đổi mới đều dùng cho mình một chiếc điện thoại thông minh nhưng cũng rất ít người để ý đến giai điệu làm nhạc chờ của mạng Mobifone là bản Nocture op.9 No.2của nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan F.Chopin.  

Trong các đám cưới hiện nay, chúng ta được thưởng thức bản nhạc Canon in D durcủa nhạc sỹ Pachelbel người Baroque được cất lên với giai điệu nhẹ nhàng, dịu dàng thể hiện sự ngọt ngào của tình yêu. 

Hay bản Bridal Choruscủa Richard Wagner vang lên khi các cặp đôi sách bước cùng đi vào lễ đường. Đây thực sự là một bản nhạc đã vô cùng quen thuộc và mang lại nhiều cảm xúc trong ngày lễ trọng đại này.

            Ngoài các lĩnh vực trên thì âm nhạc cổ điển cũng rất quen thuộc với chúng ta trong những lễ ăn mừng chiến thắng hoặc mang tính cố động. Bản nhạc Radetzy Marchcủa nhà soạn nhạc J.Strauss.

Không những vậy, âm nhạc cổ điển còn được đưa vào rất nhiều bộ phim nổi tiếng trên thế giới và được công chiếu tại Việt Nam. Bộ phim huyền thoại về tàu Titanic được rất nhiều người biết đến, trong phân cảnh khi Jack đến dự bữa tiệc quý tộc thì giai điệu của bản The Danubecủa nhà soạn nhạc J. Strauss được vang lên.

Hay bộ phim Lord of the Rings(chúa tể của những chiếc nhẫn) cũng là một trong nhiều bộ phim được giới trẻ Việt yêu thích bởi sự ly kỳ, hấp dẫn của nó. Trong phim có sử dụng tác phẩm Best the O Fortunacủa nhà soạn nhạc Carl Off.

Bộ phim hoạt hình “Hãy đợi đấy” của nhà sản xuất Walt Disney vô cùng được yêu mến và đã có từ rất lâu trong trí nhớ của mỗi chúng ta nhưng ít ai quan tâm tới các tác phẩm âm nhạc cổ điển được lồng ghép trong nó. Ví dụ như tác phẩm thanh nhạcOsole Mio(mặt trời của tôi) của nhạc sỹ Robertino Loreti cũng được rất nhiều các ca sỹ Việt thể hiện.

Bên cạnh đó, có rất nhiều bộ phim điện ảnh sử dụng các bản nhạc cổ điển của nhiều nhạc sỹ qua nhiều thế hệ khác nhau. Thông qua các bộ phim và các lĩnh vực khác thì nhạc cổ điển vẫn chứng minh được sức mạnh của sự trường tồn với thế giới.

Ngoài ra còn rất nhiều bản nhạc cổ điển được biết tới trong thanh nhạc như tác phẩm hát ru của Brahm, tác phẩm Sóng sóng Danube xanh (lời việt) do ca sỹ Thái thanh trình bày, tác phẩm Ave Maria (lời việt) do ca sỹ Thái Hiền biểu diễn, các Aria của Schumann, Serenade (khúc nhạc chiều) số 13 G - dur của W.A.Mozart và các tác phẩm khác như: Jesu joy of man desiring của nhà soạn nhạc J.S.Bach, New world symphony của Antonin Dvorak, Hungarian dance số 5 của nhà soạn nhạc J.Brahm, Moolight sonata của nhà soạn nhạc L.V.Betthoven.

Những năm trở lại đây, nhạc cổ điển ở Việt Nam đã có nhiều bước khởi sắc hơn. Chương trình “Giai điệu mùa Thu” của Tp.HCM quy tụ khá đầy đủ các tài năng trẻ nhạc cổ điển đang làm việc ở nước ngoài về biểu diễn. 

         Tuy nhiên, âm nhạc cổ điển muốn tồn tại và phát triển thì nó cần một số lượng công chúng nhất định mà sinh viên cũng là một trong những công chúng thưởng thức đông đảo. Nếu thật sự chúng ta biết cách đầu tư ngay từ trong các cấp học thì việc tiếp cận và cảm thụ nhạc cổ điển sẽ ở một tầm cao mới. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục âm nhạc hiện nay của chúng ta đang dừng lại ở mức đại trà. Ngoại trừ sinh viên ở một số trường nhạc chuyên nghiệp được đào tạo bài bản thì đa số âm nhạc cổ điển còn chưa phổ cập, hệ thống giáo dục âm nhạc đại trà của chúng ta quá yếu kém, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta giáo dục âm nhạc cho những công chúng tương lai bị lệch hướng, chỉ dạy sơ lược về nhạc lý thuyết, xướng âm, hát bài hát một cách bài bản mà hoàn toàn không dạy cho họ cách thưởng thức một tác phẩm âm nhạc, từ đơn giản đến phức tạp.

                Có rất nhiều chương trình nhằm mang đến cho công chúng yêu nhạc cổ điển Việt Nam một cách nhìn mới. Tuy nhiên việc đưa âm nhạc cổ điển vào các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học ngoại trừ các trường chuyên nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, nền kinh tế và văn hóa của đất nước ngày càng phát triển, do đó nhu cầu vui chơi giải trí tinh thần của con người cũng ngày càng đa dạng và phong phú

1.2.3. Tác dụng của việc nghe nhạc cổ điển 

Trong cuộc sống có rất nhiều điều tuyệt vời và âm nhạc cổ điển cũng là một trong những điều tuyệt vời đó. Dòng nhạc này là một phần di sản mà chúng ta nhận được từ quá khứ, từ các nền văn hóa khác nhau.Nhiều tài liệu tổng hợp đã chứng minh việc nghe nhạc cổ điển thậm chí có thể hạ được huyết áp với những người mắc chứng bệnh huyết áp cao. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nghe nhạc có thể làm dịu những đau đớn và những cơn đau mãn tính đặc biệt là sau khi phẫu thuật.

Cũng theo nhiều thông tin đươc các nhà khoa họcđã phát hiện ra rằng nghe nhạc Mozart có tác dụng chữa bệnh: Làm giảm stress, tăng cường trí thông minh, ổn định nhịp tim, điều trị chứng động kinh, và suy giảm trí nhớ v.v… Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết: Trong não người và động vật nói chung có một vùng não rất nhạy cảm với âm nhạc, chúng có nhiệm vụ tiếp nhận các âm sắc từ những bản nhạc mà con người nghe được.Một sự độc đáo khác tại nước Đức ; nhằm tránh các lái xe gây ra tại nạn bộ trưởng bộ giao thông vận tải Đức đã phát hành đĩa CD cho tài xế với bản “giao hưởng số 21” – W.A. Mozart. 

1.3. Thực trạng chương trình giảng dạy môn âm nhạc.

1.3.1.  Lịch sử phát triển và đặc điểm nhà trường

       Trường Trung học Sư Phạm Mẫu Giáo – Nhà Trẻ Hà Nội được thành lập theo QĐ 2731/QĐ-UB ngày 05/6/1990 của UBND Thành phố Hà Nội trên cơ sở sát nhập hai trường: Trường TCSP Mẫu giáo Hà Nội (1957) và Trường Sơ học nuôi dạy trẻ (1973) và được đổi tên thành Trường Trung cấp Sư Phạm Mẫu Giáo – Nhà Trẻ Hà Nội theo QĐ 1743/QĐUB ngày 30/8/2008 của UBND Thành phố Hà Nội. Trường mầm non thực hành Linh Đàm được thành lập theo QĐ số 6743/QĐUB ngày 20 tháng 11 năm 2002 của UBND Thành phố Hà Nội với tư cách là đơn vị thực hành trực thuộc Trường Trung cấp Sư Phạm Mẫu Giáo – Nhà Trẻ Hà Nội

Quá trình 60 năm xây dựng và phát triển của Trường Trung cấp Sư Phạm Mẫu Giáo – Nhà Trẻ Hà Nội là cả một quá trình liên tục, không ngừng; nhưng để khái quát, làm rõ hơn quá trình phát triển ấy xin được tạm thời phân chia thành các giai đoạn như sau:Giai đoạn 1957 – 1990 (Giai đoạn hai nhà trường)và Giai đoạn 1990 – 2000.

 

Đặc điểm cơ sở vật chất:

         Cơ sở vật chất của Trường TCSP Mẫu giáo- Nhà trẻ Hà Nội khang trang, sạch sẽ. Các phòng ban đều đầy đủ trang thiết bị nhằm phục vụ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, trên góc độ nói riêng ở bộ môn âm nhạc. Cơ sở vật chất khá thiếu thốn

Đặc điểm đội ngũ giáo viên:

Tính đến thời điểm tháng 9 năm 2017, Trường Trung cấp Sư Phạm Mẫu Giáo – Nhà Trẻ Hà Nội có 74 CBGV, trong đó có 14 CBGV Trường MN thực hành Linh Đàm, 60 CBGV tại Trường TCSP Mẫu giáo-Nhà trẻ Hà Nội với 04 tổ chuyên môn bao gồm: Tổ Văn Toán Môi trường xung quanh, tổ Nghệ Thuật, Tổ ngoại ngữ chính trị và giải phẫu sinh lý, tổ Tâm lý giáo dục.

Đặc điểm giáo sinh:

Giáo sinh trường TCSP Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nộiđều là học sinh của thủ đô, đến từ các quận huyện trong nội và ngoại thành. Trước khi vào trường phần lớn các em đều vừa tốt nghiệp THPT ở các trường công lập.Tổng số giáo sinh của hai khóa 39, 40 có khoảng 360 giáo sinh. Chúng tôi  tiến hành khảo sát sự hiểu biết về âm nhạc cổ điển trên giáo sinh khóa 40 gồm 150 em. 

1.3.2.Thực trạng nội dung chương trình giảng dạy môn âm nhạc.

  Chương trình của bộ môn được dạy trong hai năm bao gồm các phân môn sau: Lý thuyết âm nhạc cơ bản: 60 tiết,Phương pháp giáo dục âm nhạc : 60 tiết, hòa thanh: 90 tiết, thanh nhạc: 90 tiết, đàn 45 tiết

1.3.3.Phương pháp giảng dạy

Các phương pháp giảng dạy được áp dụng trong bộ môn âm nhạc là:Phương pháp giảng dạy: Lý thuyết, thị phạm, thuyết trình, hướng dẫn thực hành.Phương pháp học: Tiếp nhận kiến thức, luyện tập.Các phương pháp giảng dạy được áp dụng trong bộ môn âm nhạc là:

- Phương pháp giảng dạy: Lý thuyết, thị phạm, thuyết trình, hướng dẫn thực hành.

-    Phương pháp học: Tiếp nhận kiến thức, luyện tập.

Để hiểu rõ hơn về phương pháp giảng dạy chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực tế một hai tiết dạy của thầy giáo Vũ Văn Thắng, dạy bộ môn lý thuyết âm nhạc ở Chương 6,tiết hợp âmvới mục tiêu: Giáo sinh phân biệt được hợp âm 3 trưởng và hợp âm 3 thứ, biết cách thành lập hai hợp âm.

Phương pháp kiểm tra – đánh giá.

Qua mỗi học phần âm nhạc, giáo sinh đều phải tham gia kỳ thi hết học phần. Thi vấn đáp hoặc thi viết. Với mỗi học phần đều có một yêu cầu riêng. Mỗi đề thi đều gồm có hai câu hỏi là lý thuyết và thực hành. Nhận xét chung đối với phương pháp kiểm tra đánh giá thì đối với nội dung thi của hai học phần phù hợp với nội dung chương trình giảng dạy. Câu hỏi nằm trong khối kiến thức bắt buộc và đa số các em giáo sinh đều trả lời được. Tuy nhiên, nội dung chương trình nâng cao không hề có sự tích hợp về âm nhạc cổ điển. Các câu hỏi vẫn thiên về những lý thuyết trong sách đã học.  Phần nghe và mở rộng chưa được khai thác, bởi trong khung giảng dạy không đưa nhạc cổ điển vào soạn giảng. Đây cũng là nội dung mà tôi mong muốn được khắc phục để các em có thêm sự hiểu biết ngoài lĩnh vực ca hát chỉ dành riêng cho mầm non, giúp các em có thêm tầm nhìn mới trong âm nhạc.

1.3.4.  Nhận xét chung về chương trình giảng dạy âm nhạc.

-     Ưu điểm:

Nhìn chung, chương trình giảng dạy môn âm nhạc của trường là khối kiến thức cơ bản theo đúng khung chương trình. Các bài dạy với nội dung đơn giản, được biên soạn phù hợp với đối tượng, dễ nhớ, đơn giản, mang tính mô phạm cao trong thực tế. 

-       Nhược điểm:

Nội dung bài dạy phù hợp với đối tượng giảng dạy nhưng các kiến thức mở rộng, nâng cao còn hạn chế, sự minh họa ví dụ cụ thể trong mỗi bài giảng còn sơ sài, chưa thấy được sự phong phú về các thể loại âm nhạc. Dẫn đến sự nhàm chán khi học.

                           TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

         Trong chương 1, chúng tôi đã đề cập đến những lý luận chung về nhạc cổ điển, nhận định những giai đoạn phát triển theo dòng lịch sử của nhạc cổ điển. Đồng thời cũng nêu được tác dụng của nhạc cổ điển trong cuộc sống, khẳng định vai trò và ý nghĩa trong việc đưa nhạc cổ điển vào các học phần âm nhạc. Đánh giá các phương pháp dạy và học, nêu một số thực trạng về chương trình, giáo trình và đặc điểm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhà trường.Việc hướng dẫn giáo sinh tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển là một trong những điều cần thiết để các em mở rộng kiến thức mới, giúp các em tự tin hơn khi dạy các hoạt động giáo dục âm nhạc

CHƯƠNG 2

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG SỰ CẢM THỤ  NHẠC CỔ ĐIỂN

Từ những thực trạng đã nêu ở chương 1, chúng tôi thấy được sự cần thiết của âm nhạc cổ điển đối với giáo sinh trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà nội nên trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp cụ thể của hai bộ môn học là Lý thuyết âm nhạc cơ bản và phương pháp giáo dục âm nhạc.

2.1. Lồng ghép, tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển vào bộ môn lý thuyết âm nhạc.

Nhằm tăng cường sự cảm thụ âm nhạc cổ điển cho giáo sinh tại trường trong bộ môn lý thuyết âm nhạc cơ bản , chúng tôi mạnh dạn đề xuất nội dung tích hợp âm nhạc cổ điển trong một số phần của chương trình cụ thể của cả bộ môn chi tiết (xem phụ lục). Chương trình môn học gồm có 8 chương, sự phân bổ nội dung lồng ghép nhạc cổ điển trong mỗi chương như sau:

2.1.1.Chương 1:Một số thể loại âm nhạc, nội dung lồng ghép: Thanh nhạc và khí nhạc

2.1.2. Chương 2: Âm thanh và phương pháp ghi âm thanh trong âm nhạc, nội dung lồng ghép: Âm sắc.

2.1.3. Chương 3Trường độ, tiết tấu, nội dung lồng ghép: Nhịp

2.1.4.Chương 4: Dấu hóa – quãng cơ bản, nội dung lồng ghép: Quãng hòa thanh, quãng giai điệu và một số tinh chất của quãng.

2.1.5. Chương 5: Hợp âm, nội dung lồng ghép:Hợp âm trưởng, thứ,

2.1.6. Chương 6: Giọng và cách xác định giọng, nội dung lồng ghép: Giọng trưởng, giọngthứ.

2.1.7. Chương 7: Một số thủ pháp biểu diễn, nội dung lồng ghép:Thủ pháp p,pp, mf…

2.1.8. Lồng ghép nhạc cổ điển trong phần tự chọn (ở học phần lý thuyết âm nhạc cơ bản).

Học phần tự chọn là một phần nằm ngoài nội dung chính của phân môn  lý thuyết cơ bản. Trong giải pháp này, giáo viên sẽ chỉ dành 5 tiết để ôn tập lại các kiến thức đã học.  Một số các thể loại giáo viên tổ chức cho giáo sinh nghe như: Minuet, rondo, prelute, sonat, concerto, opera v.v...

- Nghe theo thể loại âm nhạc

- Nghe theo âm sắc của một số nhạc cụ như piano, đàn Harp, dàn dây, flute, clarinet và một số bản tổng hợp nhiều nhạc cụ khác nhau. 

2.2. Lồng ghép, tích hợp nhạc cổ điển trong bộ môn phương pháp giáo dục âm nhạc. 

Bộ môn phương pháp giáo dục âm nhạc (60 tiết, chương trình chi tiết xem phụ lục)được dạy ở kỳ thứ 3 (năm thứ 2), gồm có 4 chương.  Chương trình tóm tắt như sau:

Chương 2

Nội dung bài

Nội dung lồng ghép

Thời gian  lồng ghép

Tiết 3

Nghe nhạc, nghe hát

-The Blue Dance – J.Strauss

-Waves of the Danube - I.Ivvanovici

10 p

Tiết 5

Vận động theo nhạc

The Jolly Peasant - R.Schumann.

10 p

Tiết 8

Trò chơi âm nhạc(gv có thể lựa chọn trong các trò chơi sau)

-Nghe âm thanh đoán tên nhạc cụ: Symphony 40 - W.A. Mozart.

-Nghe giai điệu đoán tên bài hát: Turkey March, Fur Elise –L.V. Beethoven, Spring- A. Vivaldi

-Ai nhanh hơn: Fur Elise –L.V. Beethoven.

-Đoán tên nhạc sỹ cổ điển: : L.V.Betthoven,T.Chaikovski, W.A.Mozart, F.Chopin 

10 p

         

2.2.1.Với nội dung nghe nhạc, nghe hát:

Đây là nội dung nằm trong chương 2, tiết 3 mục 1. Trong nội dung này, giáo viên  giảng giải các vấn đề có liên quan tới phương pháp tổ chức cho trẻ nghe nhạc cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, muốn tổ chức được thì đòi hỏi giáo sinh phải hát được hoặc biết được những tác phẩm muốn cho trẻ nghe. 

2.2.2. Nội dung vận động theo nhạc (chương 2, tiết 5, mục 2)

Trong nội dung này, giáo viên hướng dẫn giáo sinh vận động các bài hát dưới nhiều hình thức như: Vận động theo nhịp, phách, nhịp ba, minh họa theo lời ca hoặc giai điệu của bản nhạc bằng cách vỗ tay hoặc sử dụng các nhạc cụ gõ đệm. Nếu là vận động minh họa thì giáo viên chỉ cần chỉ dẫn, chỉnh sửa làm sao cho khớp với giai điệu, bởi các động tác cơ bản về múa các em đã được học ở bộ môn múa cơ bản. Tuy nhiên trong nội dung này thì âm nhạc cổ điển gần như chưa bao giờ được tích hợp. Vì vậy, giáo viên cần nghiên cứu và đưa vào tích hợp trong nội dung này những tác phẩm đơn giản để sau này giáo sinh có thể áp dụng được ở trường mầm non. 

2.2.3.Nội dung tổ chức trò chơi âm nhạc cổ điển(chương 2, tiết 8 mục 1)

Ở nội dung này, giáo viên đã hướng dẫn một số trò chơi âm nhạc nhằm nâng cao sự cảm thụ hoặc phát triển sự nhạy bén của tai nghe nhạc. Một số trò chơi như: Nghe giai điệu đoán tên bài hát, nghe âm thanh đoán tên nhạc cụ,  ai nhanh hơn, chiếc hộp thần kỳ, đoán tên nhạc sỹ v.v.

Trò chơi Nghe âm thanh đoán tên nhạc cụ: 

Trò chơi Nghe giai điệu đoán tên bài hát

Trò chơi Ai nhanh hơn.

Trò chơi Đoán tên nhạc sỹ

2.3. Tích hợp nhạc cổ điển trong các môn phương pháp khác.

Đây là nội dung đòi hỏi có sự phối kết hợp của giáo viên âm nhạc và các giáo viên môn phương pháp trong nhà trường. Điều này nghe có vẻ  khó thực hiện nhưng nếu thật sự chúng ta muốn đạt được những thành công nhất định thì việc đầu tư, hợp tác, chia sẻ giữa các giáo viên là điều vô cùng quan trọng. Các bộ môn phương pháp trong nhà trường, ngoài phương pháp giáo dục âm nhạc, còn có các bộ môn phương pháp khác như: phương pháp tạo hình, phương pháp hướng dẫn làm quen với các tác phẩm văn học, phương pháp giáo dục thể chất, phương pháp làm quen với toán...

  • Trong bộ môn phương pháp tạo hình
  • Trong bộ môn làm quen với tác phẩm văn học (đọc thơ, kể chuyện)

-       Trong bộ môn phương pháp Làm quen với toán học

-       Trong bộ môn phương pháp giáo dục thể chất:  

2.4. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa.

2.4.1. Tổ chứccho giáo sinh nghe các chương trình nhạc cổ điển.

Nhà trường cũng như  Đoàn Thanh Niên nên tổ chức các buổi  đi xem chương trình nhạc cổ điển được tổ chức và biểu diễn ở Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hoặc ở  các trường chuyên nghiệp khác. Nhà trường cũng có thể trao đổi với đơn vị tổ chức để trò chuyện, đàm thoại sau chương trình. 

2.4.2. Xây dựng câu lạc bộ nhạc cổ điển và tăng cường thông tin âm nhạc của trường.

  Nhà trường nên đầu tư kinh phí cho việc thành lập các câu lạc bộ dạy học âm nhạc ngoài giờ như nhạc cụ, xướng âm, tìm hiểu lịch sử âm nhạc, cảm thụ nhạc cổ điển… nhằm trang bị cho giáo sinh những kiến thức cơ bản về nhạc cổ điển. 

2.4.3.Tăng cường vai trò của thư viện trường.

 Ngoài các thông tin đăng tải trên webside, tìm hiểu kiến thức qua mạng xã hội thì vai trò của thư viện nhà trường rất quan trọng, giúp các em có thể tìm nhanh hơn và đúng hơn những tư liệu. Thư viện nên tăng cường việc nhập sách âm nhạc cổ điển các tạp chí liên quan nói chung đến âm nhạc đồng thời tạo một không gian nhỏ cho việc nghe nhạc cổ điển, đầu tư các loại sách báo về âm nhạc cho thư viện nhà trường để giáo sinh có điều kiện tìm hiểu thêm về chuyên ngành này.           

2.5. Phương pháp kiểm tra, đánh giá.

 Có thể chia ở các mức độ như sau: Đánh giá mức độ cảm nhận tốt bằng cách: Giáo viên quan sát thái độ của giáo sinh khi nghe, chú ý giáo sinh có các động tác, cử chỉ trên cơ thể theo âm nhạc hay không, có phân tích được một số yêu cầu với tác phẩm mà giáo viên đưa ra hay không; Đánh giá mức độ cảm nhận được bằng cách: Giáo viên quan sát cử chỉ  điệu bộ của giáo sinh, giáo sinh chỉ phân tích được một phần nhỏ yêu cầu của giáo viên với tác phẩm được nghe; mức độ không cảm nhận được đánh giá bằng cách: Không có cử chỉ điệu bộ trên cơ thể khi nghe tác phẩm và không phân tích được nội dung cơ bản trong tác phẩm.

 Đánh giá các mức độ như sau: Giáo sinh trả lời được toàn bộ câu hỏi đạt loại giỏi 8 đến 9 điểm; trả lời được một phần câu hỏi, loại khá: 6 đến 7 điểm và không trả lời được, loại trung bình  4- 5 điểm.Đồng thời đưa ra một số câu hỏi gợi ý trao đổi, đàm thoại và đánh giá sự cảm thụ của giáo sinh như:

 - Khi nghe nhạc cổ điển tích hợp trong các hoạt động khác thì kết quả của hoạt động đó có tốt hơn không?v.v...

-  Nên tích hợp nhạc cổ điển trong các hoạt động nào ở trường mầm non?

-  Kể tên một số tác phẩm đã nghe và một số nhà soạn nhạc?

2.6. Thực nghiệm sư phạm.

2.6.1. Giảng dạy thực nghiệm.

       Trong quá trình giảng dạy tại trường , bản thân chúng tôi cũng đã sử dụng một số biện pháp trên để thực nghiệm ở lớp học A40 gồm 46 giáo sinh. Đối tượng là các em giáo sinh năm thứ nhất. 

2.6.2. Kết quả thực nghiệm sư phạm

 Quan sát  trong quá trình giản dạy và đánh giá bằng các phiếu hỏi sau nội dung dạy, chúng tôi thu được kết quả như sau:

-      Có tới 77% giáo sinh cảm nhận được giai điệu của tác phẩm. Quan sát khi nghe nhạc, các em đã bộc lộ cảm xúc bằng cách nhắm mắt lại, lắc lư, nghiêng người theo giai điệu của các tác phẩm và nói lên cảm xúc sau khi lắng nghe tác phẩm. Tuy nhiên vẫn còn 23% số lượng giáo sinh không cảm nhận được, các em vẫn cho rằng nhạc cổ điển khó nghe, bài này nghe cũng không cảm nhận được. 

-      80% giáo sinh đều xác định được giọng của tác phẩm, nhìn ra được các thủ pháp biểu diễn dưới sự gợi ý của giáo viên, các quãng hòa thanh, quãng giai điệu. Lưu ý giáo viên không nên chọn tác phẩm quá phức tạp hay có sự chuyển giọng nhiều sẽ làm khó giáo sinh trong quá trình học. Có 20% giáo sinh không xác định được giọng do quên cách xác định giọng, phương pháp xác định nắm không vững

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Qua quá trình nghiên cứu lý luận và điều tra thực trạng, chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp làm tăng cường sự cảm thụ âm nhạc cổ điển cho giáo sinh trường TCSP Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội thông qua việc sử dụng các biện pháp cụ thể sau:

  • Lồng ghép, tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển vào bộ môn lý thuyết âm nhạc
  • - Lồng ghép, tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển vào bộ mônphương pháp giáo dục âm nhạc

-  Tích hợp nhạc cổ điển trong các bộ môn phương pháp khác

- Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa

                           KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Việc giúp giáo sinh cảm nhận được âm nhạc cổ điển là một  nội dung còn mới và tương đối khó. Bản thân tôi đã giảng dạy nhiều năm tại trường nhưng để đưa vào chương trình một thử nghiệm mới cũng đòi hỏi rất nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự kiên trì và tận tâm của người giáo viên.Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn mạnh dạn đưa vào trong chương trình dạy để thực nghiệm ý tưởng. Đối với các giáo sinh, việc được học nhạc cổ điển phải giống như dạo chơi, nghe hay học cũng không cần quá khó. Tích hợp âm nhạc cổ điển giữ vai trò cũng quan trọng như nhiều môn học khác bởi nó không chỉ đứng một mình mà còn có thể tích hợp trong nhiều nội dung học khác ở các bộ môn trong trường. 

Từ lý luận và thực tiễn của đề tài chúng tôi xây dựng các biện pháp nhằm tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển cho giáo sinh trường Trung cấp sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội thông qua các nội dung giáo dục âm nhạc trong các học phần.

Khuyến nghị

  • Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

-      Tổ chức các buổi tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm việc quản lý và thực hiện chương trình giáo dục âm nhạc với các trường trên toàn quốc.

-      Xây dựng thêm các đề án phát triển giáo dục âm nhạc, trong đó có âm nhạc cổ điển, tổ chức bồi dưỡng kiến thức nhằm từng bước khắc phục những tồn tại. Nên lắng nghe ý kiến của các giáo viên trực tiếp làm việc tại các trường để tổng hợp ý kiến và đưa vào chỉnh sửa chương trình.

-      Nên có khung chương trình mở rộng hơn, đổi mới cách quản lý và kiểm tra đánh giá năng lực giáo viên.

-      Cần biên soạn cụ thể tài liệu về vấn đề đưa âm nhạc cổ điển vào làm một nội dung trong khung chương trình học cho sinh viên các trường sư phạm âm nhạc.

  • Đối với Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội.

-      Cần có nhận thức sâu sắc hơn về tác dụng của sự tăng cường sự cảm thụ nhạc cổ điển cho giáo sinh.

-      Thường xuyên hơn việc tổ chức thăm quan, học hỏi thực tế cho giáo sinh bằng các hoạt động ngoại khóa.

-      Giáo viên cần khắc phục tình trạng chỉ dạy theo chương trình một cách máy móc. Phải tự nâng cao, không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng và tìm hiểu, sáng tạo những phương pháp, đổi mới hình thức để làm phong phú hơn tiết dạy âm nhạc.

-      Nên áp dụng các biện pháp được đề xuất trong nghiên cứu này vào việc tăng cường sự cảm thụ âm nhạc cổ điển cho giáo sinh.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn