Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12104518
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 29/03/2024
Nguyễn Thị Loan: “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018.

Tác giả: Nguyễn Thị Loan 
Tên đề tài:
Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Thanh nhạc)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Phương Hoa

Ngày đăng: 20/06/2018

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

-1. Lý do chọn đề tài

Khi nói về thể loại romance, có rất nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã đưa ra những khái niệm về thể loại này. Theo PGS,TS Nguyễn Thị Nhung, romance là tác phẩm viết cho giọng hát có phần đệm của nhạc đàn [13, tr125]. Nhưng theo GS.NSND Nguyễn Trung Kiên – giáo sư đầu ngành về thanh nhạc của Việt Nam thì romance là những tác phẩm thanh nhạc mang tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở âm nhạc được phát triển biểu hiện nội dung của lời thơ và phần đệm viết cho đàn piano [2,tr 29]. Thể loại romance có vị trí quan trọng trong nghệ thuật thanh nhạc nói chung và đào tạo thanh nhạc nói riêng. Các tác phẩm romance thường có giai điệu đẹp với phần đệm piano hết sức đặc sắc. Tuy nhiên để thể hiện được vẻ đẹp của các romance đòi hỏi người nghệ sỹ phải nắm bắt được những kỹ thuật thanh nhạc, sự am hiểu về nội dung tác phẩm cũng như phong cách của tác giả.

Hiện nay, trong chương trình giảng dạy thanh nhạc bậc Đại học, Cao đẳng ở các trường chuyên nghiệp, romance đã trở thành tác phẩm bắt buộc cho tất cả SV trong các học kỳ của khóa học. Song song với aria, việc luyện tập các bản romance sẽ giúp SV hoàn thiện giọng hát, phát triển các kỹ thuật hát  liền giọng (cantilena), hát nhỏ dần (diminueldo), hát to dần (crescendo), rung láy (trillo), … và nghệ thuật biểu diển. Chính vì vậy, romance là một thể loại rất quan trọng không thể thiếu trong chương trình đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.

Nhận thấy vai trò quan trọng của romance trong đào tạo nên trong chương trình giảng dạy thanh nhạc bậc Cao đẳng của trường ĐHHL hiện nay đã đưa thể loại tác phẩm này vào giảng dạy cho SV. Tuy nhiên, phần lớn mới chú trọng nhiều đến các tác phẩm romance của các nhạc sĩ nước ngoài như: Hát ru, Mùa xuân mong ước của nhạc sĩ F.Schubert; Hát ru, Khúc hát của cô gái digan của P.Tchaikovsky; Lời ca tung cánh, Con bướm của F.Mendelssohn; Bài ca nàng Solveig, Bông hoa súng của E.Grieg; Giấc mơ, Họa mi say đắm hoa hồng của S.Rachmaninov; Chim Sơn Ca, Hát ru của J.Bramhs,…mà các tác phẩm romane của Việt Nam lại rất ít được quan tâm.

Tuy nhiên, việc hạn chế các tác phẩm romance Việt Nam trong chương trình không phải do thiếu tác phẩm để đưa vào giảng dạy mà do các GV chưa thấy hết được vai trò to lớn của romance Việt Nam trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp. Ngoài việc giúp SV rèn luyện và hoàn thiện các kỹ thuật hát, phát triển giọng hát và kỹ thuật biểu diễn ra, khi học các romance Việt Nam SV sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu nội dung tác phẩm, từ đó sẽ thể hiện thành công bài hát hơn.

Là một nhạc sỹ được đào tạo chính quy cả hai chuyên ngành sáng tác và biểu diễn piano tại Nhạc viện Hà Nội, Đặng Hữu Phúc nổi bật trong nền âm nhạc Việt Nam cả về thanh nhạc và khí nhạc. Ngoài các sáng tác cho giao hưởng, thính phòng, ông còn viết rất nhiều bản hợp xướng, hàng trăm bản romance, đặc biệt là Tuyển chọn 60 bài romance và ca khúc cho giọng hát và piano. Vào thời điểm này, đây là một tuyển tập viết cho thanh nhạc đầu tiên và duy nhất của một nhạc sỹ Việt Nam có đầy đủ cả phần đệm piano. Các romance của ông đã đạt chất lượng nghệ thuật cao cả về kỹ thuật thanh nhạc cũng như chất lượng nghệ thuật.

Hiện nay Tuyển chọn 60 bài romance và ca khúc cho giọng hát và piano đã được Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và một số trường nghệ thuật có đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho SV

Ở Quảng Ninh, các romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cũng dành được rất nhiều tình cảm của người dân đất mỏ. Đặc biệt trên các tour du lịch dành cho khách nước ngoài, các romance của ông luôn nhận được sự mến mộ và đánh giá cao của du khách thập phương.

Là một trường địa phương, với mục tiêu không chỉ đào tạo diễn viên biểu diễn thanh nhạc cho cả nước mà còn có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phong trào ca hát quần chúng của tỉnh nhà. Với mục tiêu như vậy nên việc đưa các romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào chương trình giảng dạy thanh nhạc của trường ĐHHL là hết sức cần thiết.

Với những lý do trên tôi chọn đề tài: “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long” với mong muốn góp một phần nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc tại ngôi trường này.

-2. Lịch sử đề tài

Là một ngành ra đời rất sớm tại Việt Nam, ngành thanh nhạc luôn chiếm vị trí hàng đầu về số lượng giảng viên, HSSV tại các cơ sở đào tạo âm nhạc trên cả nước nên đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sư phạm hàng đầu, nhiều luận văn cao học đã đề cập đến lĩnh vực biểu diễn và đào tạo thanh nhạc, trong đó có giảng dạy romance như:

GS.NSND Nguyễn Trung Kiên (2001),”Phương pháp sư phạm thanh nhạc, NXB Âm nhạc Hà Nội (tái bản lần 2 – năm 2014). Trong công trình này, GS.NSND Nguyễn Trung Kiên đã trình bày một cách hệ thống phương pháp học hát, bao gồm lý thuyết và thực hành; giải thích một cách khoa học các vấn đề về kỹ thuật thanh nhạc, trường phái thanh nhạc cũng như phương pháp áp dụng trong giáng dạy và học tập thanh nhạc ở Việt Nam.  Đồng thời, tác giả đề cập đến romance, vai trò của romance trong đào tạo thanh nhạc (Tr 29) và luyện tập các kỹ thuật hát (Tr 104 – Tr 110)

Nguyễn Thanh Duyên – Luận văn Cao học (2016)“Giảng dạy các tác phẩm romance cho giọng nữ cao trường Đại học Sư phạm và Nghệ thuật Trung ương”. Luận văn đánh giá một số thực trạng trong giảng dạy romance giọng nữ cao tại trường Đại học Sư phạm và Nghệ thuật Trung ương. Trên cơ sở những tồn tại hạn chế, tác giả đã đề xuất một số phương pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học romance giọng nữ cao tại trường ĐH Sư phạm và Nghệ thuật Trung ương.

Nguyễn Đăng Khoa – Luận văn Cao học (2015) “Giảng dạy một số romance của F.Schubert ở bậc Đại học tại Học viện Âm nhạc Huế”. Luận văn khảo sát công tác giảng dạy romance của các giảng viên thanh nhạc, tác giả đã đánh giá một số tồn tại trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế và đưa ra một số giải pháp đổi mới trong giảng dạy và học tập romance của sinh viên Đại học Huế.

Lê Thụy Khanh – Luận văn Cao học  (2015) “Giảng dạy một số romance và ca khúc của Đặng Hữu Phúc” Luận văn đã đánh giá một số thực trạng trong giảng dạy romance nước ngoài nói chung và giảng dạy romance của Đặng Hữu Phúc tại Viện âm nhạc Huế nói riêng. Trên cơ sở những tồn tại hạn chế, tác giả đã đề xuất bổ sung một số romance và ca khúc của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy đồng thời tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ca khúc và romance của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho SV Đại học Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Huế.

Trong số các công trình kể trên có công trình nghiên cứu của tác giả Lê Thụy Khanh là khá gần gũi với đề tài của chúng tôi. Tuy nhiên đối tượng nghiên cứu của đề tài là các sinh viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Huế. Đứng trên góc độ này đề tài mà chúng tôi sẽ nghiên cứu trong luận văn này là “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho sinh viên giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long sẽ không trùng lặp với đối tượng nghiên cứu mà chúng tôi đã tham khảo.

-3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Các vấn đề giảng dạy romance Việt Nam. Các bản romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc.

- Phạm vi nghiên cứu: Các romnace của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc.

-4. Mục tiêu nghiên cứu

- Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào chương trình đào tạo thanh nhạc.

- Đề xuất phương pháp giảng dạy các romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc cho SV thanh nhạc trường ĐHHL.

-5. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành luận văn này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Sưu tầm, hệ thống, phân loại, phân tích tư liệu để từ đó đề xuất các giải pháp mà mục tiêu nghiên cứu đưa ra.

- Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: tiến hành dạy thực nghiệm một số romance của Đặng Hữu Phúc nhằm kiểm chứng các đề xuất đã được đề xuất trong luận văn.

-6. Những đóng góp của đề tài

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về việc“Đưa một số romance của Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng thanh nhạc tại trường Đại học Hạ Long”, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần:

- Bổ sung các romance của Đặng Hữu Phúc vào chương trình đào tạo thanh nhạc hệ Cao đẳng. Trên cơ sở đó thống nhất được phương pháp giảng dạy và học tập romance trong tổ bộ môn.

- Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy romance cho giọng nữ đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập thanh nhạc tại khoa Nghệ thuật, trường ĐHHL.

- Là cơ sở để bổ sung, hoàn thiện chương trình giáo trình giảng dạy thanh nhạc phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của trường địa phương.

- Bổ sung nguồn tài liệu tham khảo cho giảng viên và SV tổ Thanh nhạc trong quá trình dạy và học romance.

- Là tư liệu tham khảo cho giảng viên và sinh viên trường ĐHHL và các cơ sở đào tạo khác trong quá trình giảng dạy và học tập, biểu diễn các romance của Đặng Hữu Phúc.

-7. Bố cục của luận văn.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được trình bày theo hai chương:

Chương 1: 60 bản romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc và thực trạng giảng dạy romance cho giọng nữ tại trường ĐHHL.

Chương 2: Đưa romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ trường ĐHHL.

 

CHƯƠNG 1

-60 BÀI ROMANCE CỦA NHẠC SỸ ĐẶNG HỮU PHÚC VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY ROMANCE CHO GIỌNG NỮ

-1.1. Khái quát 60 bài romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc.

-1.1.1. Tuyển chọn 60 bài romance

       - Phần một: gồm 12 bài cảm hứng từ dân ca Việt Nam qua các sáng tác thơ của nhà thơ Phan Đan.

       - Phần hai: gồm 25 bài viết về bốn mùa, trong đó 4 bài viết về mùa xuân, 5 bài viết về mùa hè, 8 bài viết về mùa thu và 7 bài viết về mùa đông

        - Phần ba: gồm 4 bài về biển

        - Phần bốn: gồm 19 bài với nhiều chủ đề khác nhau

1.1.2. Phân loại giọng hát

       - Các romance viết cho các giọng cao: gồm 20 bài

       - Các romance giọng trung trầm: gồm 40 bài

1.1.3.Đặc điểm trình diễn

       - Giai điệu: đẹp, đa dạng, phong phú, giàu chất liệu dân tộc, nhiều âm hình tiết tấu khó, có sự thay đổi nhịp điệu.

       - Lời ca: chọn lọc, căn chỉnh kỹ lưỡng qua thơ của Phan Đan

       - Âm vực: được ghi sẵn tầm cữ ở đầu mỗi tác phẩm

       - Phần đệm: nhiều bài gần với giai điệu

       - Hơi thở: rất linh hoạt và đa dạng

       - Kỹ thuật hát: gọn tiếng và mềm mại

       - Phát âm nhả chữ: rõ lời, mềm mại theo ngôn ngữ Việt Nam

1.2. Thực trạng giảng dạy romance cho giọng nữ

1.2.1. Đôi nét về khoa Nghệ thuật và tổ Thanh nhạc trường ĐHHL

1.2.1.1. Trường Đại học Hạ Long, khoa Nghệ thuật

       - Được thành lập năm 2005, theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đội ngũ giảng viên: trên 30 cán bộ, giảng viên

- Cơ cấu tổ chức: 7 phòng, 9 khoa, 7 trung tâm trực thuộc

*Khoa Nghệ thuật

       - Tổng số GV: 40 giảng viên

       - Cơ cấu tổ chức: 6 tổ bộ môn

       - Tổng số HSSV: 220 HSSV

§1.2.1.2. Tổ Thanh nhạc

       - Tổng số HSSV GV: 5 GV

       - Tổng số HSSV: 35 (20 SV hệ Cao đẳng)

o1.2.2. Chương trình và tài liệu học tập

§1.2.2.1. Chương trình Cao đẳng Thanh nhạc chương trình chi tiết

        * Ưu điểm: thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ cũng như thời gian học tập của một chương trình đào tạo ngành Thanh nhạc bậc Cao đẳng chính quy. Nội dung chi tiết của các học phần đã quy định rõ các số lượng ĐVHT mà SV cần tích lũy, đáp ứng đủ mỗi kỳ cho mỗi năm học.

        * Hạn chế: tỉ lệ các khối kiến thức trên ta thấy khối kiến thức giáo dục Đại cương chiếm tỉ lệ tương đối cao trong khi kiến thức chuyên ngành lại chiếm tỉ lệ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo chuyên sâu đối với chuyên ngành Thanh nhạc.

       Chương tình chi tiết

       * Ưu điểm:

         Thể hiện rõ mục tiêu của từng học kỳ, phân bổ số tiết cụ thể theo từng tuần học; Quy định rõ các kỹ thuật cần giải quyết cũng như thể loại, số lượng tác phẩm cần học và thi cho từng kỳ học;  Quy định rõ nhiệm vụ của SV, tài liệu học tập, có tiêu chí và thang điểm đánh giá rõ ràng hợp lý. Các tác phẩm thanh nhạc được đưa vào chương trình chi tiết đều phù hợp, thuận lợi cho việc rèn luyện các kỹ thuật thanh nhạc, phát triển giọng hát và kỹ thuật biểu diễn của SV.

       * Hạn chế: mới chỉ trú tâm đến các tác phẩm romance nước ngoài ,romance của Việt Nam ít được quan tâm, đặc biệt không có một tác phẩm nào của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc; phân bổ các romanceViệt chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo từng kỳ, năm học.  Việc hạn chế tác phẩm đã ít mang lại tính khoa học, tính ứng dụng chưa cao trong hệ thống giáo trình và chương trình giảng dạy, dẫn đến các GV đi theo lối mòn mà không có tính sáng tạo trong giảng dạy.

§1.2.2.2. Tài liệu

       Xuất phát từ việc chưa có giáo trình nên chưa có sự thống nhất trong giảng dạy: giao bài chưa phù hợp với năng lực và đặc điểm của giọng hát, mạnh ai người đấy giao bài, chưa tập trung vào đào tạo những cái mà địa phương đang cần.

o1.2.3. Phương pháp giảng dạy

§1.2.3.1. Đánh giá phương pháp giảng dạy

       * Ưu điểm: GV yêu nghề, có trách nhiệm, nhiệt tình trong giảng dạy. Trong giảng dạy đều sử dụng các phương pháp phù hợp với đặc thù bộ môn đó là: Thuyết trình, thị phạm và trực quan. Với pháp giảng dạy như vậy đã đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật cơ bản mà SV thanh nhạc cần được trang bị.

       * Hạn chế: 

       - Chọn bài chưa thực sự phù hợp với giọng hát của SV

       + Lựa chọn các mẫu luyện thanh chưa phù hợp với kỹ thuật có trong tác phẩm

       - Phối hợp chưa hiệu quả các phương pháp dạy học:

       + Việc giảng dạy romance Việt Nam hiện nay của các GV thanh nhạc còn mang tính tự phát, chưa có sự thống nhất về phương pháp giảng dạy.

       + Các GV còn nghiêng nhiều về phương pháp thị phạm, ít thuyết trình, ít sư dụng phương pháp trực quan để kểm tra, uốn nắn, sửa chữa kịp thời  khi SV thực hiện chưa đúng.

       - Thực hiện phần đệm: các GV thanh nhạc và các GV đệm hát đều không đệm đúng phần đệm của tác giả đã viết nên đã ảnh hưởng đến cảm xúc khi thể hiện tác phẩm của SV.

1.2.3.2. Tình hình học tập romance của sinh viên

       * Ưu điểm: Đa số các em luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học romance Việt Nam nên các em rất chăm chỉ luyện tập, tiếp thu bài tốt.

       + Việc được học các romance Việt Nam, là ngôn ngữ của giao tiếp hàng ngày nên SV tiếp thu bài nhanh hơn so với những tác phẩm nước ngoài.

        *Hạn chế: việc vận dụng các kỹ thuật trong thanh nhạc như: hơi thở, kỹ thuật hát, phát âm nhả chữ, xử lý tình cảm sắc thái, phối hợp với phần đệm và kỹ thuật biểu diễn,…còn nhiều hạn chế.

       + Chưa chăm học, còn ỉ lại GV và các phương tiện nghe nhìn, chưa có ý thức tự rèn luyện tư duy sáng tạo để thể hiện tác phẩm.

       + Hạn chế về ngôn ngữ, tính tư duy, cảm xúc âm nhạc và phong cách biểu diễn.

-Tiểu kết chương 1

       Qua nghiên cứu 60 bài romance và ca khúc của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc ở chương một, chúng tôi thấy đây là những tác phẩm thanh nhạc có tính ứng dụng cao trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp cũng như trong nghệ thuật biểu diễn và những giá trị về kỹ thuật, nghệ thuật truyền tải phong phú.

       Bên cạnh đó, chúng tôi đã tìm hiểu chương trình chi tiết và thấy số lượng romance Việt Nam còn quá ít. Chưa có sự thống nhất về bài vở trong chương trình giảng dạy của các giảng viên. Chưa có tiêu chí lựa chọn bài theo từng kỳ, từng năm đã dẫn đến việc các giảng viên giảng dạy các bài tập không theo một trình tự nhất định điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển của giọng hát cũng như việc ứng dụng vào luyện tập bài hát.

        Chúng tôi cũng tìm hiểu phương pháp giảng dạy của các giảng viên thanh nhạc và thấy còn một số bất cập như: chọn bài cho SV chưa thực sự phù hợp với giọng hát và khả năng của SV, phối hợp chưa hiệu quả các phương pháp dạy học trong giảng dạy, chọn mẫu luyện thanh cũng chưa phù hợp với kỹ thuật trong bài, chưa khai thác được phần đệm piano để nâng cao tính chuyên nghiệp trong đào tạo thanh nhạc.

       Bên cạnh đó chúng tôi cũng tìm hiểu, ý thức và chất lượng học tập ca khúc trữ tình và romance Việt Nam của SV cho thấy các em chưa chăm chỉ, chưa tự giác trong học tập,  còn phụ thuộc nhiều vào GV, sự tiến bộ trong học tập còn chậm. Nhìn chung, sự hiểu biết chung về thể loại này của GV và SV còn chưa nhiều.Với những hạn chế đã nêu ở trên, chúng tôi sẽ tìm giải pháp để khắc phục ở chương hai.

-CHƯƠNG 2

-ĐƯA ROMANCE CỦA NHẠC SỸ ĐẶNG HỮU PHÚC

-VÀO GIẢNG DẠY CHO GIỌNG NỮ

2.1.Tiêu chí chọn bài.

        - Phù hợp với các kỹ thuật cơ bản được học trong từng năm học.

       - Tăng dần độ khó theo từng năm học.

       - Phù hợp với đặc điểm giọng hát của sinh viên

2.1.1.Những tác phẩm romance cho năm thứ nhất

       Trong năm thứ nhất, SV được học các kỹ thuật cơ bản về hơi thở, khẩu hình, vị trí âm thanh, tập hát chuyển giọng, dần từng bước thống nhất vị trí âm thanh, âm sắc với các nguyên âm ở các âm khu trung và trầm qua kỹ thuật Canilena và Staccato.

       Các romance được bổ sung: Tôi vẫn hát, Ru con mùa ĐôngTrăng chiều.

       Gợi ý: Trăng chiều, Ru con mùa đông phù hợp hơn với giọng trữ tình nhẹ.

2.1.2.Những tác phẩm romance cho năm thứ hai

       Ở năm thứ hai, SV tiếp tục học tập và phát triển kỹ thuật theo hướng của năm thứ nhất. Tập trung mở rộng âm vực, rèn sự linh hoạt cho giọng hát, rèn hơi thở sâu, nén chắc, điều tiết đều đặn, khẩu hình linh hoạt, âm thanh tròn, sáng, có độ vang nhất định qua kỹ thuật passage, phối hợp giữa cantilena với staccato. Đây là giai đoạn thích hợp để GV xác định và đào tạo SV theo các dòng nhạc.

       Các romance đượcbổ sung: Lá Thu, cơn mua sang đò Lời ru cao nguyên

       Gợi ý: Lởi ru cao nguyên phù hợp phong cách nhạc nhẹ, Cơn mưa sang đò phong cách Dân gian.

2.1.3.Những tác phẩm romance cho năm thứ ba

       Giải quyết các nhiệm vụ kỹ thuật cơ bản để trở thành thói quen đúng như hơi thở, khẩu hình, âm thanh và các kỹ thuật hát cantilena, staccato, passage và kỹ thuật hát diminueldo-crescendo,…phát triển âm vực tối đa có thể, giọng nữ cao phải đạt các tiêu chí đúng khi hát ở âm khu cao. Đi sâu vào đào tạo theo từng dòng nhạc, đi sâu vào thể hiện tư tưởng nghệ thuật, phong cách của tác giả và phát triển năng lực biểu diễn cho SV

          Các romance được bổ sung năm thứ ba: Ru con trong mưa mùa xuân,Tiếng mùa xuân Bên dòng sông năm tháng.

          Gợi ý: các romance này đều đậm chất trữ tình, giàu tính tự sự, xúc cảm dạt dào nên các GV cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn và giao bài sao cho phù hợp với khả năng biểu cảm của từng giọng hát của SV.

       Song song với việc lựa chọn bổ sung một số romance của Đặng Hữu Phúc vào chương trình, đồng thời sắp xếp lại một số romance Việt Nam đã có sẵn trong chương trình cho phù hợp với mục tiêu của từng năm học.

2.3. Một số lưu ý khi giảng dạy romance Đặng Hữu Phúc

       Để khắc phục những hạn chế trong giảng dạy đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn, ở chương 2 này, chúng tôi sẽ tăng cường phương pháp thuyết trình, tích cực sử dụng phương pháp trực quan kết hợp với thuyết trình, thị phạm, đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả giữa các phương pháp.

2.2.1. Xử lý hơi thở

       -Phương pháp hơi: ngực dưới kết hợp với bụng. Tuy nhiên, cần có sự linh hoạt trong khi vận dụng kiểu thở này. Cụ thể: với câu hát ngắn, tác phẩm phong cách nhạc nhẹ, tiết tấu sôi động (Lời ru cao nguyên), tác phẩm mang phong cách dân gian (Cơn mưa sang đò) sử dụng hơi thở ngực dưới là chủ yếu.

       - Cột hơi luôn ổn định, điều tiết đều đặn, bám sát giai điệu trong câu hát. Khi hát lên cao và các bước nhảy (từ quãng 3trở lên) cần có sự chuẩn bị hơi (ép hơi).

       -Phương pháp giảng dạy: thuyết tình, thị phạm, trực quan.

o2.2.2. Hát gọn tiếng và tạo sự mềm mại

o        Hát gọn tiếng: là cách đặt âm thanh nhẹ,“chụm”, tập trung tại một điểm (chân răng hàm trên) khi hát sao cho giọng hát được nét tiếng.

        Sự mềm mại của tiếng hát: là sự nhẹ nhàng, êm ái, bay bổng của tiếng hát. Để tạo được sự mềm mại cho giọng hát, GV hướng dẫn SV luyện tập và vận dụng có hiệu quả các kỹ thuật hát: liền tiếng (cantilena), hát sắc thái to dần, nhỏ dần (diminueldo-crescendo), hát luyến, láy, rung và thể hiện bài

       Ngoài ra, cần phối hợp nhịp nhàng giữa hơi thở đều đặn, khẩu hình linh hoạt, phát âm nhả chữ rõ lời trong quá trình hát để tiếng hát được gọn tiếng và mềm mại.

       - Phương pháp giảng dạy: thuyết trình thị phạm, trực quan..

o2.2.3. Sắc thái tình cảm.

       Để SV thể hiện được sắc thái tình cảm các romance của Đặng Hữu Phúc được tốt, GV cần tập trung vào phân tích, thị phạn và hướng dẫn SV một số vấn đề sau:

       - Hiểu biết tác giả, tác phẩm

       + Giảng viên hướng dẫn hoặc cung cấp những thông tin cần thiết về tác giả.

       + GV hướng dẫn SV tìm hiểu nội dung tác phẩm qua lời ca, qua xuất xứ của bài.

       - Kết nối cảm xúc với tác phẩm: dẫn dắt các em tạo được hình ảnh thực trong tâm trí sao cho thật giống với ngữ cảnh của bài hát, biết cảm nhận, làm sống động các hình ảnh đó.

       - Hướng dẫn SV vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc vào thể hiện sắc thái tình cảm tác phẩm.

       Ngoài ra: cần đa dạng hóa các hình thức dạy học để gây hứng thú cho SV đối với tác phẩm; cho SV nghe các romance của Đặng Hữu Phúc do nhiều ca sỹ khác thể hiện; khơi gợi cảm xúc, để SV không những biết lồng cảm xúc vào giọng hát của mình, mà còn biết thể hiện cảm xúc đó qua ánh mắt, gương mặt và cử chỉ.

-2.3. Một số giải pháp khác

o2.3.1. Xướng âm trước khi hát

       Đối với những romance của Đặng Hữu Phúc, nhiều tác phẩm giai điệu khó về tiết tấu, chuyển giọng điệu, hát luyến láy, vuốt trượt,…thì việc xướng âm trước khi hát sẽ giúp SV tránh được tình trạng chênh cao độ và sai trường độ khi hát các kỹ thuật trên.

       Có thể xướng âm theo từng tiết nhạc, từng câu nhạc hay từng đoạn nhạc, sau đó ghép lời vào. Phương pháp này giúp SV học tốt môn ký xướng âm hơn, nhất là những SV còn yếu môn này sẽ dần dần học tốt hơn. Phương pháp này, SV phát huy được tính tự học, hát đúng trường độ, cao độ, tiết tấu, rõ tiếng việt, khả năng cảm nhận các romance của Đặng Hữu Phúc sẽ tốt hơn.

o2.3.2. Chọn mẫu luyện thanh phù hợp với tác phẩm

       -Kỹ thuật hát liền tiếng (cantilena): Là cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn từ âm nọ sang âm kia tạo nên những câu hát liên tiếp không ngắt quãng.

        Các tác phẩm có kỹ thuật hát liền tiếng: Ru con mùa đông, Ru con trong mưa mùa xuân, Tiếng mùa xuân, Trăng chiều, Bên dòng sông năm tháng, Lá thu, Tôi vẫn hát, Cơn mưa sang đò.

-Mẫu luyện thanh hát liền tiếng

        -Kỹ thuật hát âm nảy (staccato):Là cách hát bật âm thanh nhẹ nhàng, gọn tiếng. Kỹ thuật hát âm nảy dùng để diễn tả những tình cảm vui tươi, sôi động, rộn ràng như trong tác phầm Lời ru cao nguyên của Đặng Hữu Phúc.

        -Mẫu luyện thanh kỹ thuật staccato

       -Kỹ thuật hát lướt nhanh (passage):Là cách hát những giai điệu một cách linh hoạt, rõ ràng, gọn gàng với tốc độ nhanh. Kỹ thuật này dùng để thể hiện những tác phẩm có tiết tấu nhanh, diễn tả sự nhanh nhẹn, hoạt bát của tác phẩm, kỹ thuật này cũng có trong romance Lời ru cao nguyên của Đặng Hữu Phúc .

-Mẫu luyện kỹ thuật passage

       -Kỹ thuật hát sắc thái to dần và nhỏ dần(diminueldo – crescendo): là cách hát to dần hoặc nhỏ dần trên một ca từ hoặc một câu hát một cách đều đặn, liên tục không bị gãy âm thanh, không bị ngắt quãng. Kỹ thuật này có trong rất nhiều romance của Đặng Hữu Phúc như Ru con trong mưa mùa xuân, Ru con mùa đông, Bên dòng sông năm tháng, Trăng chiều, Tôi vẫn hát (mẫu luyện)

       -Kỹ thuật luyến láy: có trong rất nhiều tác phẩm, nhất là những tác phẩm mang phong cách dân gian để tạo sự mềm mại tinh tế cho giai điệu như Cơn mưa sang đò.

       -Mẫu luyện kỹ thuật hát luyến

       -Mẫu luyện kỹ thuật hát láy

        -Mẫu luyện thanh rèn cách hát ngắt hơi thở

       Sự biểu cảm trong các romance của Đặng Hữu Phúc là rất phong phú với những câu hát dài ngắn khác nhau nên đòi hỏi hơi thở cũng cần mềm dẻo và linh hoạt hơn. Cách hát ngắt hơi này có trong romance Lá thu, Trăng chiều, Bên dòng sông năm tháng.

o2.3.3. Sự kết nối giữa phần hát với phần đệm

       Đặc điểm nổi bật trong romance của Đặng Hữu Phúc đó là rất giàu cảm xúc, những cảm xúc đó được thể hiện ở sắc thái từng câu, từng chữ, từng đoạn của bài, bởi vậy rất cần có sự kết hợp ăn ý giữa người đệm và người hát ở những chỗ chuyển sắc thái và chuyển cảm xúc.

       Khi thể hiện romance của Đặng Hữu Phúc, phần đệm phải gắn kết được với giọng hát, người đệm và người hát phải có sự luyện tập nhuần nhuyễn với nhau trong từng câu, từng đoạn của bài nhát là những chỗ chuyển sắc thái, chuyển cảm xúc,…mới thể hiện được hết ý tứ của tác phẩm.

       Bởi vậy, trong thực tế giảng dạy nếu không có GV đệm, GV thanh nhạc có thể sử dụng phần đệm piano của tác giả đã thu thanh sẵn để hỗ trợ trong quá trình SV luyện tập và thi

2.3.4. Hướng dẫn tự học

        Việc tự học, giúp SV chủ động chiếm lĩnh kiến thức, phát triển và hoàn thiện các kỹ năng trong ca hát tốt hơn. Chúng tôi đưa ra một số phương pháp sau:

       Tìm hiểu, nắm rõ nội dung, đặc điểm, tính chất, phong cách âm nhạc của tác phẩm. Tăng cường thời lượng đọc xướng âm và tìm hiểu lời ca, cấu trúc tiếng Việt trong các ca từ của bài ở nhà, tiến hành ghép lời thật chậm sau khi xướng âm đã chuẩn, chú ý phối hợp tốt việc phát âm nhả chữ, hơi thở, âm thanh, khẩu hình và các kỹ thuật hát trong quá trình luyện tập. Nghe phần đệm và hát theo nhiều lần để làm quen với giai điệu của phần đệm. Sau khi đã hoàn thiện, thuần thục bài, SV tập hát trước đám đông để nâng cao khả năng biểu diễn, rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin thể hiện được cảm xúc khi hát trước đám đông, đọc, xem, nghe các nội dung, chương trình biểu diễn có liên quan đến romance của Đặng Hữu Phúc,…

-2.4. Dạy thực nghiệm và kết quả

o2.4.1. Dạy thực nghiệm

       Mục đích: Để có kiểm chứng những giải pháp đã được đề xuất trong luận văn nhằm đưa các romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy tại trường Đại học Hạ Long.

*Thực nghiệm 1:

       Đối tượng: 2 sinh viên lớp Cao đẳng thanh nhạc K6 trong thời gian một kỳ học (kỳ 1 năm 2017-2018)

       Nội dung: romance Ru con trong mưa mùa xuân. Nội dung hướng dẫn như sau:

Bước 1: Luyện tập hơi thở (từ 5 -  7 phút/buồi học)

Bước 2 Luyện thanh (10 phút/buổi học)

Bước 3: Giới thiệu nội dung romance Ru con trong mưa mùa xuân

Bước 4: Hướng dẫn SV xướng âm trước khi hát

Bước 5: Xử lý hơi thở

Bước 6: Luyện tập hát gọn tiếng và mềm mại

Bước 7: Xử lý tình cảm sắc thái tác phẩm

Bước 8: Hướng dẫn sinh viên tự học

Bước 9: Hướng dẫn SV hát với phần đệm.

*Thực nghiệm 2: Ở tổ bộ môn với 12 SV ở các năm khác nhau vào học kỳ 2 năm 2017 – 208).

2.4.2. Kết quả dạy thực nghiệm

       Qua một học kỳ áp dụng phương pháp pháp dạy mới cho 2 SV nữ cho thấy các em đã có tiến bộ rõ rệt trong cách hát. SV đã vận dụng khá tốt các kỹ thuật thanh nhạc vào thể hiện tác phẩm, xử lý sắc thái tình cảm có chiều sâu của nội tâm và tinh tế hơn.

       Với phương pháp giảng mới này khi áp dụng cho 12 SV ở các năm, chúng tôi thấy các em SV học tập sôi nổi hơn, tiếp thu bài tốt hơn. Chúng tôi cũng đã nhận được sự ủng hộ của tất các các GV trong tổ Thanh nhạc.

       Qua bảng tổng hợp kết quả điều tra cho thấy: Số SV hứng thú khi được học romance của Đặng Hữu Phúc là: tỉ lệ rất thích: 67%, tỉ lệ thích: 16.5%, tỉ lệ bình thường: 16.6%, tỉ lệ không thích: 0%. Kết quả này chững minh rằng tất cả SV đều thích học romance của đặng Hữu Phúc.

       Việc hưởng ứng khi đưa các romance của Đặng Hữu phúc vào chương trình đào tạo cũng đạt kết quả rất khả quan với tỉ lệ lên tới 83% hưởng ứng, 16.7% là hưởng ứng và có ý kiến xây dựng, không có phiếu nào là không hưởng ứng. Bên cạnh đó, SV đã thấy được tầm quan trọng trong việc học tập romance của Đặng Hữu Phúc với tỉ lệ  75% là rất quan trọng, 25% là quan trọng, không có SV nào cho rằng không quan trọng.

        Đây là giai đoạn đầu của thử nghiệm diễn ra trong một thời gian ngắn nên chưa thấy được nhiều sự tiến bộ, nhưng chúng tôi thấy những biểu hiện tích cực về nhiều mặt như: phương pháp dạy và thái độ học tập của SV, đưa được một số romance của Đặng Hữu Phúc vào chương trình giảng dạy thanh nhạc bậc Cao đẳng của trường ĐHHL, GV giải quyết được một số vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy, SV biết cách vận dụng các kỹ thuật thanh nhạc vào thể hiện các romance của Đặng Hữu Phúc.

Tiểu kết chương 2

         Trong chương hai, chúng tôi đã nêu lên tiêu chí chọn bài và chúng tôi cũng đã lựa chọn và bổ sung vào chương trình giảng dạy thanh nhạc của trường ĐHHL 9 bản romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc. Từ những đặc điểm rất riêng trong romance của Đặng Hữu Phúc, chúng tôi cũng đưa ra một số phương pháp giảng dạy phù hợp với romance của Đặng Hữu Phúc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc tại trường ĐHHL. Chúng tôi cũng đã phân tích kết quả dạy thực nghiệm để kiểm tra tính khả thi của phương pháp dạy mới và đã nhận được sự đồng thuận khá cao của SV cũng như của các GV tổ Thanh nhạc, khoa Nghệ thuật, trường ĐHHL.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

        Trong giai đoạn hiện nay, trường ĐHHL còn gặp những khó khăn nhất định về nhiều lĩnh vực như: tài liệu giảng dạy còn ít, không thống nhất, giáo trình chưa có, bài vở chưa sát với mục tiêu, đối tượng học, còn thiên về các tác phẩm nước ngoài. Bên cạnh những điểm mạnh của phương pháp giảng dạy cũ thì những phương pháp đó chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế trong đào tạo thanh nhạc hiện nay. Những yếu tố đó đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của trường ĐHHL.

       Chính vì những bất cập đã nêu trong luận văn, chúng tôi muốn góp một phần nhỏ trong việc đổi mới và nâng cao phương pháp giảng dạy thanh nhạc tại trường ĐHHL với đề tài “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng trường Đại học Hạ Long”

        Luận văn gồm 2 chương.

        Ở chương thứ nhất, chúng tôi đã tìm hiểu 60 bản romance và ca khúc của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, chúng tôi thấy đây là những tác phẩm thanh nhạc có tính ứng dụng cao trong đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp cũng như trong nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, đặc điểm nổi bật của các romance này là những tác phẩm thanh nhạc mang tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở được phát triển nội dung của lời thơ và phần nhạc đệm được viết cho đàn piano. Chúng tôi cũng nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm cần lưu ý khi hát các romance này.

         Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm hiểu chương trình, giáo trình giảng dạy cho thấy các romance của Việt Nam con quá ít. Vì vậy, việc đưa một số romance của Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy làm phong phú thêm chương trình, phù hợp với thực tế đào tạo thanh nhạc tại ĐHHL là rất cần thiết. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu phương pháp giảng dạy của các GV thanh nhạc cho thấy, chưa có sự thống nhất trong giảng dạy, chưa có tiêu chí chọn bài cho từng năm, phối hợp chưa tốt các phương pháp dạy học, chưa thực hiện đúng với phần đệm của tác giả,…

        Ở chương thứ hai, chúng tôi đã lựa chọn và đưa vào chương trình 9 romance của Đặng Hữu Phúc. Chúng tôi cũng đưa ra một số phương pháp giảng dạy riêng cho romance của Đặng Hữu Phúc. Chúng tôi cũng đã đưa ra một số giải pháp khác như: chọn mẫu luyện thanh phù hợp với tác phẩm, xướng âm trước khi hát, hát với phần đệm,..Chúng tôi đã tiến hành dạy thử nghiệm cho 2 SV trong một học kỳ học theo mẫu thực nghiệm ở chương hai, chúng tôi thấy 2 SV này có sự tiến bộ rõ rệt trong học tập. Từ nghiên cứu trên, chúng tôi cũng đã áp dụng vào thực tế đối với tất cả các SV nữ trong một học kỳ và thấy kết quả khả quan hơn.

        Những vấn đề về thanh nhạc của Việt Nam hiện nay vẫn đang được các nhà sư phạm thanh nhạc hàng đầu nghiên cứu trên nhiều phương diện. Ở góc độ của luận văn này, chúng tôi chỉ đưa ra những vấn đề nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các ca khúc trữ tình và romance Việt Nam qua các romance của Đặng Hữu Phúc đối với SV Thanh nhạc trường ĐHHL. Tuy kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu còn hạn chế nhưng chúng tôi mong rằng luận văn “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho sinh viên giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long sẽ là tài liệu tham khảo cho các GV trong quá trình giảng dạy và là cơ sở cho SV nghiên cứu lý thuyết và thực hành nghề nghiệp trong quá trình học hát.

-KHUYẾN NGHỊ

        Phía các cấp bộ ngành

        Tập trung đổi mới chương trình giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp, ưu tiên thời lượng cho các môn chuyên ngành đồng thời tổ chức tập huấn, triển khai những phương pháp giảng dạy mới.

        Thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề về giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp, qua đó nắm bắt được những bất cập từ cơ sở trong quá trình đò tạo âm nhạc, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo có cơ hội được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hay trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của đơn vị mình.

         Tổ chức tập huấn định kỳ hàng năm cho đội ngũ GV giảng dạy âm nhạc tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.

         Để không ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh, sản phẩm đào tạo có được nơi sử dụng, SV có được việc làm phù hợp với ngành học, nhà nước cần quan tâm đến chế độ chính sách đối với ngành học biểu diễn thanh nhạc, các đoàn nghệ thuật trên toàn Quốc.

        Phía trường Đại học Hạ Long

        Tập trung tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình cho các chuyên ngành đang đào tạo, đặc biệt là ngành Thanh nhạc.

Hàng năm, tổ chức tập huấn, mời các chuyên gia đầu ngành về đào tạo để trao đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức các hội thảo về chuyên đề sư phạm thanh nhạc.

Tổ chức chương trình biểu diễn định kỳ, các buổi sinh hoạt âm nhạc theo chủ đề nhằm trau dồi kỹ năng biểu diễn của GV và SV đồng thời qua đó củng cố kiến thức âm nhạc cho SV.

        Tăng cường GV đệm đàn piano cho bộ môn thanh nhạc và bồi dưỡng piano đối với đội ngũ GV Thanh nhạc.

Đầu trang
Các tin khác
  Hoàng Thị Yến: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Nguyễn Viết Phi:“Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Âm nhạc cổ truyền tại hệ CĐSP Âm nhạc- Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Đặng Thị Thu Hiền: "Nâng cao chất lượng giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh trường THCS Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Đinh Thị Khánh Thơ: "Giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Ngô Viết Chung: "Nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Phan Bội Châu, Cẩm Phả, Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn