Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12212996
Luận văn Thạc sĩ Thứ sáu, 19/04/2024
Hoàng Thị Yến: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018.

Tác giả: Hoàng Thị Yến
Tên đề tài: Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long.
Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc 
Mã số: 60 14 01 11
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Tú Hương  
Ngày đăng: 20/06/2018 

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Nền âm nhạc phương Tây từ lâu đã được định hình và đạt nhiều thành tựu to lớn về hệ thống lí luận âm nhạc, phong cách sáng tác, phong cách biểu diễn... Những kiến thức lí luận cơ bản về âm nhạc được đề xướng từ phương Tây luôn dựa trên cơ sở khoa học và được phổ biến rộng khắp trên toàn thế giới. Nó chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền nghệ thuật âm nhạc của nhiều nước, cho tới nay nó vẫn được phát triển một cách rộng rãi trên toàn thế giới.

Nằm trong hệ thống kiến thức giáo dục âm nhạc của các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước, bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây đã và đang có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho người học những kiến thức lí luận cơ bản về sự phát triển của âm nhạc qua các thời kì, các trường phái, trào lưu âm nhạc, những đại diện tiêu biểu trong sáng tạo âm nhạc phương Tây... ngoài ra, nó còn cô đọng trong đó những giá trị thẩm mĩ, những cái đẹp mang tính quy luật của âm nhạc trong cuộc sống ở quá khứ và cả trong hiện thực.

Trong xu thế hội nhập ngày nay, giáo dục đều hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách con người bao gồm Đức - Trí - Thể - Mĩ. Việc giáo dục âm nhạc cho sinh viên làm sao đạt hiệu quả cao đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần hoàn thiện nhân cách chính là điều những người làm công tác giáo dục trăn trở.

Tại trường Đại học Hạ Long, bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây đã và đang được giảng dạy cho các hệ đào tạo chuyên ngành âm nhạc và hệ đào tạo Sư phạm âm nhạc tại khoa Nghệ thuật của nhà trường. Mặc dù đã được cải tiến nhiều trong việc dạy và học, song tôi nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập. Bởi vậy, tôi đã lựa chọn cho mình đề tài Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long” làm luận văn cao học của mình.

2. Lịch sử đề tài                                                                                         Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử âm nhạc thế giới nói chung và phương Tây nói riêng, do các nhà nghiên cứu âm nhạc, các giảng viên và các cơ sở đào tạo âm nhạc biên soạn, phát hành, áp dụng vào giảng dạy, có thể kể ra đây một số công trình sau:

Giáo trình Lịch sử Âm nhạc thế giới  tập 1, tác giả Nguyễn Xinh, xuất bản năm 1983

Giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới tập 2, tác giả Thế Vinh, Nguyễn Thị Nhung, xuất bản 1987

Giáo trình Lịch sử âm nhạc dành cho hệ Cao đẳng sư phạm Âm nhạc,  tác giả Nguyễn Tố Mai, xuất bản 2007...

Giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới phần Châu Âu từ khởi đầu tới thế kỉ XIX, tác giả TS Nguyễn Tố Mai, trường ĐHSP Nghệ thuật TW, xuất bản 2014

Ngoài ra còn một vài luận văn cao học đi sâu nghiên cứu vấn đề nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây đã được bảo vệ ở những năm gần đây như:

Luận  luận văn thạc sĩ - Phan Thái Hùng (2013) với đề tài: Nâng cao chất lượng giảng dạy môn LSAN phương Tây cho hệ Trung cấp sư phạm âm nhạc tại trường Trung cáp VHNT Đà Nẵng.

Luận văn thạc sĩ - Nguyễn Ngọc Kha Thi (2013): Một số đổi mới trong phương pháp giảng dạy môn LSAN phương Tây cho sinh viên sư phạm tại Học viện Âm nhạc Huế

Luận văn thạc sĩ - Hoàng Thị Nam Phương - 2015 “Nâng cao chất lượng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho hệ CĐSP âm nhạc tại trường CĐVHNT Đăk Lăk”.

Đi sâu vào việc “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long” là đề tài không trùng lặp với các công trình đã công bố.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

+ Chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ CĐSP âm nhạc

+ Đội ngũ giáo viên, sinh viên hệ CĐSP âm nhạc

+ Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn LSAN phương Tây

3.2. Phạm vi nghiên cứu

+ Công trình của chúng tôi giới hạn khảo sát thực trạng giảng dạy cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc cho sinh viên CĐSP âm nhạc trường Đại học Hạ Long

 

4. Mục tiêu nghiên cứu

+ Xác định đúng những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây. Tìm ra những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dạy học chưa hiệu quả ở môn học này tại hệ CĐSP trường Đại học Hạ Long

+ Đưa ra các giải pháp góp phần từng bước cải tiến chất lượng giảng dạy môn LSAN phương Tây của thầy và trò CĐSP Khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long nói chung trong giai đoạn hiện nay.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn của chúng tôi chủ yếu dùng phương pháp nghiên cứu lý thuyết (Phân tích, tổng hợp, so sánh và nghiên cứu các tài liệu âm nhạc, các giáo trình và các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài nghiên cứu). Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm (thực nghiệm giảng dạy)

6. Những đóng góp của luận văn

Luận văn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử âm nhạc phương Tây cho đội ngũ giảng viên và sinh viên chuyên ngành Sư phạm âm nhạc trong nhà trường, đồng thời là tài liệu tham khảo, có thể áp dụng cho các cơ sở đào tạo giảng dạy liên quan tới bộ môn.

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phần phụ lục, luận văn có hai chương:

+ Chương 1: Thực trạng giảng dạy môn lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long

+ Chương 2: Một số giải pháp

 

Chương 1

THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY MÔN LỊCH SỬ ÂM NHẠC PHƯƠNG TÂY CHO SINH VIÊN HỆ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ÂM NHẠC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẠ LONG

1.1. Vai trò của môn Lịch sử âm nhạc phương Tây trong đào tạo CĐSP âm nhạc

Môn Lịch sử âm nhạc phương Tây là môn học bắt buộc đối với các sinh viên âm nhạc thuộc các chuyên ngành ở các trình độ khác nhau trong các cơ sở đào tạo âm nhạc.

Nội dung chính yếu của môn học này là trình bày một cách có hệ thống, khoa học về lịch sử phát triển của âm nhạc ở phương Tây từ nguồn gốc xuất xứ qua các thời kì cho tới ngày nay

Bên cạnh đó, môn lịch sử âm nhạc phương Tây còn đề cập đến nhiều lĩnh vực khác như: Lịch sử phát triển của các thể loại âm nhạc, các hình thức của tác phẩm âm nhạc cũng như lịch sử phát triển của các loại nhạc cụ cùng các thủ pháp sáng tác ở từng trường phái, từng giai đoạn lịch sử.

Là những giáo viên âm nhạc tương lai, môn lịch sử âm nhạc phương Tây sẽ cung cấp cho các sinh viên Cao đẳng sư phạm những kiến thức về âm nhạc phương Tây một cách có hệ thống khi giảng dạy âm nhạc ở các trường phổ thông cũng như tham gia các hoạt động âm nhạc khác.

Bên cạnh đó, bộ môn Lịch sử Âm nhạc phương Tây còn tập trung một cách cô đọng những giá trị thẩm mỹ, những cái đẹp mang tính quy luật của âm nhạc ở cả trong cuộc sống của quá khứ lẫn hiện đại. Trong khi đó, đặc điểm quan trọng nhất và có tính đặc thù của giáo dục thẩm mỹ là yếu tố tình cảm và cảm xúc. Do vậy, bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cũng là một công cụ tác động đến những khía cạnh thầm kín, sâu xa trong tâm hồn con người, xây dựng trong mỗi con người sự nhạy cảm về cái đẹp và lòng mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống. Thông qua việc lắng nghe các tác phẩm, những câu chuyện, hay giai thoại về cuộc đời của các nhạc sĩ, sinh viên sẽ thấy được những giá trị của sự sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, tình yêu cao cả của các thế hệ nhạc sĩ đối với âm nhạc... từ đó hình thành nên tính tích cực trong học tập đặc biệt là hình thành thái độ, cảm xúc lịch sử, cảm xúc âm nhạc của mình đối với các sự kiện, các nhân vật lịch sử và các tác phẩm âm nhạc. Qua đó, sẽ truyền tải tốt được các nội dung đó cho các học trò của mình khi các em ra trường làm công tác giảng dạy ở các cơ sở đào tạo.

1.2. Khái quát về hệ CĐSP Âm nhạc - Đại học Hạ Long

1.2.1. Khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long

Trường Đại học Hạ Long là trường đại học công lập trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, được thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập năm 2014 trên cơ sở sáp nhập 2 trường cao đẳng có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỉ đó là trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long. Trong những năm qua trường đã thu hút được nhiều nhân tài là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu cả nước, thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực: Văn hóa, du lịch, ngoại ngữ, thủy sản, môi trường, kinh tế, sư phạm, nghệ thuật… đồng thời là nơi nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và đất nước.

Hiện nay trường Đại học Hạ Long có hai cơ sở: Cơ sở 1 tại thành phố Uông Bí, nơi có Yên Tử non thiêng; cơ sở 2 tại thành phố Hạ Long, nơi có Vịnh Hạ Long  - di sản kì quan thiên nhiên thế giới. Cả hai cơ sở của trường đều được đặt ở những vị trí đắc địa: Giao thông thuận lợi, môi trường trong lành, cảnh quan đẹp đẽ, an ninh trật tự tốt.

Khoa nghệ thuật trường ĐHHL có 6 tổ

1 - Tổ Múa

2 - Tổ Nhạc cụ truyền thống

3 - Tổ Nhạc cụ hiện đại

4 - Tổ Thanh nhạc,

5 - Tổ Lí luận âm nhạc,

6 - Tổ Mỹ thuật

1.2.2. Hệ Cao đẳng Sư phạm âm nhạc

1.2.2.1. Mục tiêu đào tạo

Hệ Cao đẳng sư phạm âm nhạc được các tổ lý luận, tổ nhạc cụ, tổ thanh nhạc phụ trách đào tạo. Hệ Cao đẳng sư phạm Mỹ thuật được tổ Mỹ thuật phụ trách đào tạo. Khi đủ điều kiện hệ CĐSP sẽ chuyển thành hệ ĐHSP với hai chuyên ngành âm nhạc và Mỹ thuật.

1.2.2.2. Phương thức tuyển sinh

Hệ CĐSP âm nhạc trường Đại học Hạ Long tuyển sinh theo hai nội dung:

1 - Thi môn văn

Môn văn thí sinh sẽ thi theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chung cho các trường CĐSP trong cả nước

2 - Thi năng khiếu âm nhạc

Phần thi năng khiếu âm nhạc có những nội dung sau

a. Thi thanh nhạc

b. Thi thẩm âm, tiết tấu

1.2.2.3. Đặc điểm năng khiếu và trình độ âm nhạc của sinh viên

+ Đặc điểm năng khiếu: Như trên đã nói, đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp PTTH có năng khiếu, yêu âm nhạc...

+ Về trình độ âm nhạc của các em học sinh từ khi thi cho tới khi vào trường tham gia học tập tại hệ CĐSP âm nhạc như sau: 

Do điều kiện kinh tế xã hội ở vùng núi, vùng sâu, do các em được

1.3. Thực trạng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây

1.3.1. Chương trình - giáo trình

1.3.1.1. Chương trình

Môn Lịch sử âm nhạc phương Tây là môn học bắt buộc trong chương trình khung giáo dục đào tạo hệ CĐSP âm nhạc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Môn học gồm: Thời lượng: 05 ĐVHT với 75 tiết (1 tiết = 45’) môn học này được chia thành 1 học phần, sinh viên học vào kì II của năm thứ nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây có sự thay đổi, môn học được xếp vào năm thứ 2, chia thành 2 học phần (học phần 1 = 45 tiết, học phần 2 = 30 tiết).

Mục tiêu đặt ra cho môn học Lịch sử âm nhạc phương Tây sau khi kết thúc học phần, sinh viên phải có những kiến thức và năng lực thực hành sau:

- Nắm vững những kiến thức cơ bản về nguồn gốc ra đời của âm nhạc, sự phát triển của âm nhạc qua các thời kỳ, các trường phái, trào lưu âm nhạc, các đại diện tiêu biểu trong sáng tạo âm nhạc phương Tây.

- Hình thành, củng cố và phát triển các kĩ năng về tư duy, phân tích, cảm thụ đa dạng phong cách sáng tạo âm nhạc của các nhạc sĩ thông qua các tác phẩm tiêu biểu

- Nhận biết được chân dung của các đại diện tiêu biểu trong sáng tạo âm nhạc phương Tây. Nghe và nhận biết được các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của các nhạc sĩ

- Thấy được những giá trị của sự sáng tạo nghệ thuật âm nhạc, tình yêu cao cả của các thế hệ nhạc sĩ đối với âm nhạc, biết đánh giá đúng vai trò âm nhạc phương Tây và những nhạc sĩ thời kỳ đó đối với sự phát triển của nghệ thuật âm nhạc nói chung từ trước đến nay, đánh giá đúng thực tiễn hoạt động nghệ thuật âm nhạc hiện tại và cả tương lai. Qua đó củng cố và nâng cao lòng yêu mến, say mê với nghề, biết trân trọng những giá trị nghệ thuật âm nhạc của thế giới cũng như của nước nhà. Từ đó có thể truyền lại cho thế hệ học sinh tương lai những bài giảng về âm nhạc thường thức trong chương trình phổ thông sau này.

Sự phân chia các chương trong chương trình môn Lịch sử âm nhạc phương Tây như trên, theo chúng tôi có phần chưa hợp lí:

- Phần lịch sử âm nhạc thế giới từ nguồn gốc tới âm nhạc thời Phục hưng ở phương Tây là thời kỳ âm nhạc được thể hiện chủ yếu qua sử sách, không có phần âm nhạc biểu diễn. Do vậy, ở phần này các em có thể học thông qua đọc tài liệu với phần hướng dẫn của giáo viên. Chúng tôi thấy ở chương 1 và chương 2 có thể rút ngắn thời gian và dành số tiết cho các chương khác.

Chương trình được dừng lại ở phần “Âm nhạc Nga” cuối thế kỉ XIX. Chúng tôi cho rằng hiện nay đã bước sang thế kỉ XXI gần 20 năm rồi, cần thiết phải bổ sung phần lịch sử âm nhạc phương Tây ở thế kỉ XX cho phù hợp với tình hình âm nhạc hiện nay.

Ngoài ra sự phân chia thời lượng số tiết theo từng bài cũng chưa hợp lí. Thí dụ có những bài nội dung khá dài như bài giới thiệu nhạc sĩ J.S.Bach, hay như V.A.Mozart, L.V.Beethoven số tiết là 4 tiết. Trong khi có bài giới thiệu nhạc sĩ H.Beclioz; R.Schumann nội dung ít nhưng số tiết cũng ngang với số tiết của các tác giả đó. Do vậy chúng tôi sẽ đề xuất điều chỉnh một số tiết học ở chương 2 của luận văn.

1.3.1.2. Giáo trình

Tài liệu và giáo trình được giáo viên tham khảo và biên soạn theo các giáo trình của một số trường - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Đại học Sư phạm nghệ thuật TW... đó là các giáo trình sau

      Giáo trình Lịch sử Âm nhạc thế giới  tập 1, tác giả Nguyễn Xinh, xuất bản năm 1983

      Giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới tập 2, tác giả Thế Vinh, Nguyễn Thị Nhung, xuất bản 1987

      Giáo trình Lịch sử âm nhạc thế giới phần Châu Âu từ khởi đầu tới thế kỉ XIX, tác giả TS. Nguyễn Tố Mai, trường ĐHSP Nghệ thuật TW, xuất bản 2014

Giáo trình Lịch sử âm nhạc dành cho hệ Cao đẳng sư phạm Âm nhạc, tác giả Nguyễn Tố Mai, xuất bản 2007...

1.3.2. Tổ chức giảng dạy

- Hình thức tổ chức: Dạy theo lớp tập thể

1.3.3. Phương pháp giảng dạy

- Phương pháp giảng dạy trong bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây dành cho hệ CĐSP âm nhạc trong những năm về trước được giảng viên sử dụng chủ yếu là phương pháp thuyết trình, ít phần nghe hoặc xem các video cụ thể từng phần như sau:

+ Phần thuyết trình: Được giáo viên sử dụng ở chương 1, chương 2 và trong những phần giới thiệu về thân thế sự nghiệp, một phần ở mục đặc điểm âm nhạc và lĩnh vực sáng tác (giới thiệu tác phẩm, thể loại âm nhạc) của các nhạc sĩ. Trong phần này giáo viên lấy tư liệu, nội dung kiến thức ở giáo trình chính của Học viện âm nhạc Quốc gia. Tuy nhiên có chọn lọc sao cho phù hợp với thời lượng, đối tượng và trình độ âm nhạc của sinh viên

+ Phương pháp trực quan: Phần này giáo viên tự sưu tầm đĩa nhạc, hoặc các bài nhạc có trên mạng, trên thư viện nhà trường.

Bảng 1.3: Kết quả khảo sát

 

1.3.4. Phương pháp kiểm tra đánh giá

Phần kiểm tra đánh giá môn Lịch sử âm nhạc phương Tây dành cho sinh viên CĐSP âm nhạc tại Đại học Hạ Long thường sử dụng các phương pháp sau:

1.3.4.1. Kiểm tra vấn đáp

            Hình thức kiểm tra này thường được áp dụng với thời gian ngắn khoảng 10 phút trước khi sang bài học mới hoặc hỏi xen kẽ trong các tiết học.     

1.3.4.2.  Kiểm tra viết (Tự luận)

Hình thức kiểm tra viết thường áp dụng trong các kì thi hết học trình hoặc cuối môn học (Hết học phần).

+ Kiểm tra học trình: Thời gian kiểm tra thường từ 45 phút, mỗi bài thi gồm 2 câu hỏi với nội dung nằm trong học trình đó.

1.3.5. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây

Ngành Sư phạm âm nhạc trong những năm về trước có nhiều sinh viên theo học tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập lại chưa đáp ứng đủ. Còn trong những năm gần đây được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như của Tỉnh Quảng Ninh, sự nỗ lực của các cán bộ quản lí, giảng viên, cơ sở vật chất trang thiết bị của trường đã có những phát triển đáng kể. Hiện nay trường đã có cơ sở vật chất khang trang, đẹp hơn. Có hệ thống máy tính được kết nối internet... đảm bảo việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển của nhà trường.

1.3.6. Biên soạn giáo án

Trong những năm về trước giáo án giảng dạy do giáo viên tự biên soạn nhưng trong những năm gần đây, giáo án giảng dạy được thống nhất theo mẫu. Theo đó, có 2 giáo án mẫu - đối với giáo án lý thuyết, nhà trường xây dựng mẫu riêng và đối với thực hành một mẫu riêng. Tuy nhiên, các mẫu giáo án không có sự ổn định mà mỗi năm lại thay đổi một lần, điển hình như năm 2017 - 2018 vừa qua thay đổi 2 lần mẫu giáo án trong một năm.

1.3.7. Khảo sát thực tế

- Chúng tôi dự lớp của giáo viên Nguyễn Thị A

- Đối tượng: Sinh viên lớp CĐSPAN K11,

- Số lượng: 10 sinh viên

- Thời gian lên lớp: 9/2016

- Thời gian giảng dạy: 3 tiết

Trong một buổi lên lớp như trên tôi nhận thấy vấn đề sau

- Ưu điểm và nhược điểm của giáo viên

1. Thái độ của giáo viên nhiệt tình, thực hiện nghiêm tiến trình dạy học, kĩ năng bao quát lớp. Giáo viên đã có sự chuẩn bị về bài giảng, thiết kế bài giảng, phương pháp và kĩ năng lên lớp. Cách truyền đạt gần gũi, câu chữ rõ ràng diễn đạt dễ hiểu. Tuy nhiên giáo viên vẫn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của giảng dạy - hoạt động chủ đạo trong giai đoạn đổi mới hiện nay.

2. Về kiến thức - thể hiện được đầy đủ kiến thức cơ bản theo quy định của nội dung chương trình.

3. Phương pháp giảng dạy. Còn nặng về thuyết trình, cho ghi chép nhiều. Chưa có sức hấp dẫn thu hút cao với người học. Hoạt động giảng dạy dựa vào kinh nghiệm truyền thống, bỏ qua xây dựng kế hoạch.. Bên cạnh đó phương pháp giảng cũng chưa có nhiều sáng tạo để bài giảng sinh động. Chưa khai thác được hết khả năng ở người học, chưa tạo được bầu không khí học tập sôi nổi.

4. Cách chuẩn bị giáo án: Theo đúng mẫu của nhà trường, tuy nhiên cách trình bày trong từng phần chưa khoa học. Phần nội dung bài học chưa ngắn gọn, khiến sinh viên phải tập trung ghi chép nhiều, không còn thời gian để nghe, nhớ và hiểu nội dung ngay trên lớp học. Phần hoạt động của giáo viên chủ yếu là thuyết trình, chưa khai thác và thể hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa các phương pháp, phương tiện giảng dạy cho bài học sinh động, phong phú. Trong phần hoạt động học tập của sinh viên và của giáo viên thể hiện được ít nội dung quá trình hoạt động dạy và học diễn ra trong 1 tiết học.

5. Phương tiện giảng dạy: Có sự chuẩn bị - Bảng phụ, hình ảnh chân dung tác giả, có phần nghe nhạc, tuy nhiên phần nghe còn ít. Trong khi thời gian nghe là 1 tiết mà với mỗi tác giả sinh viên chỉ được nghe 1 - 2 tác phẩm tiêu biểu. Trong phần nghe mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin tên tác phẩm, thể loại nào, tên tác giả. Chưa thể hiện và phân tích cho các em thấy được giá trị nghệ thuật trong tác phẩm đó, chưa nói được đặc điểm về giai điệu, cấu trúc, chủ đề…

6 - Thái độ học tập của sinh viên

Ý thức học tập chưa cao, còn làm việc riêng trong giờ học như nói chuyện, Các em chỉ chú trọng học các môn thực hành mà ít quan tâm đến các môn lí thuyết. Việc tham gia học tập thường chỉ mang tính đối phó. Một số sinh viên thái độ học tập còn rụt rè khi được hỏi không dám dơ tay phát biểu.

Kĩ năng thuyết trình, đọc nhạc còn yếu, chưa có sự chủ động trong việc nghiên cứu bài trước khi lên lớp nên trả lời còn ấp úng, thiếu tự tin. Nghe nhạc còn mang tính chủ quan (thích thì nghe, nghe chủ yếu vì giai điệu tác phẩm chứ không vì giá trị nghệ thuật của nó...)

Dĩ nhiên những vấn đề trên không chỉ do ý thức của chính các em, mà trách nhiệm này còn phải từ giáo viên, từ khâu quản lí sinh viên và nguyên nhân trực tiếp nữa đó chính là sự tác động lớn vào quá trình quản lí sinh viên đó là nội dung chương trình học, phương pháp giảng dạy, năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình yêu thích, say mê học tập của sinh viên.

1.3.8. Kết quả học tập

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát kết quả học tập theo giáo án cũ trong hai năm gần đây, việc học tập môn học Lịch sử âm nhạc phương Tây cho kết quả như sau

Bảng 1.6: Kết quả học tập môn Lịch sử âm nhạc phương Tây

 

Kết quả trên cho thấy tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi môn học Lịch sử âm nhạc phương Tây, khóa học 2014 - 2017 chiếm 20% , đạt loại khá là 40%, đạt loại trung bình 30% , loại yếu kém 10%.

 

Tiểu kết chương 1

Bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đào tạo hệ Cao đẳng SPAN. Nó là nền tảng cơ sở giúp sinh viên có cái nhìn tổng quát về các vấn đề của âm nhạc, sự phát triển của âm nhạc trong tất cả các giai đoạn của lịch sử. Chính vì vậy, qua những thực trạng trên tôi nhận thấy những tồn tại nhất định sau:

- Việc xây dựng kế hoạch giảng dạy chưa được thực hiện khoa học hoặc chưa đảm bảo tính đột phá theo chương trình đổi mới.

- Chương trình học còn nặng về lí thuyết, ít phần nghe, phân tích tác phẩm

- Chưa đảm bảo chất lượng từ việc thiết kế bài giảng, chưa áp dụng hiệu quả các phương pháp và kĩ năng lên lớp, kĩ năng quản lí sinh viên, hướng dẫn sinh viên tự học tới việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

- Các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa có sự gắn kết, chưa ứng dụng CNTT trong soạn giảng được nhiều.

- Sinh viên chưa chủ động tích cực trong việc học tập, chưa biết lập kế hoạch tự học, chưa sử dụng hợp lí thời gian dành cho việc nghiên cứu và tự học của mình.

Qua những vấn đề nêu trên, tôi nhận thấy việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy là việc làm cần thiết góp phần đáp ứng mục tiêu đào tạo và chất lượng đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp ở chương 2, nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây trong nhà trường.

Chương 2

 MỘT SỐ GIẢI PHÁP

2.1. Điều chỉnh và bổ sung chương trình

Trong xu thế phát triển ngày nay con người luôn muốn vươn tới đỉnh cao của khoa học. Vì vậy, việc cải tiến chương trình môn học cùng với các phương pháp truyền thụ kiến thức hay đổi mới kiểm tra…không chỉ thể hiện sự cầu tiến, hội nhập với xu thế phát triển trong tình hình hiện nay mà còn giúp đảm bảo tính lô gic hệ thống của khoa học cho môn học, xác định nội dung dạy học trọng tâm, trọng điểm và cần thiết, phù hợp với người học và với từng nghành nghề đào tạo. Tổ chức cho học sinh hoạt động tự lực chiếm lĩnh tri thức, thông qua đó rèn luyện kĩ năng tư duy, tưởng tượng và óc sáng tạo. Gắn học với hành, với thực tiễn dạy học của sinh viên sau khi ra trường. Từ đó, người giáo viên có thể xác định được cách dạy sao cho phù hợp nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất.

2.1.1. Điều chỉnh lại chương trình

- Đảm bảo lượng kiến thức quy định của chương trình

- Đảm bảo tính hợp lý, cân bằng giữa các bài ở các chương nhưng vẫn giữ nguyên số tiết quy định của chương trình.

2.1.2. Bổ sung một số nội dung vào chương trình

Ngoài việc điều chỉnh số tiết và số bài trong một số chương trong chương trình như đã trình bày ở trên, chúng tôi nhận thấy để cập nhật với thực tế hiện nay cần phải bổ sung một số nội dung mới vào chương trình.

Chương V của chương trình cũ khi đề cập đến trường phái Lãng mạn thể kỷ XIX ở Châu Âu, chỉ giới thiệu 4 nhạc sỹ đó là:

- F.SChubert (4 tiết)

- R.SChumann (4 tiết)

- H.Beclioz (4 tiết)

- F.Chopin (4 tiết)

2.1.3 Nâng cao chất lượng biên soạn giáo án

+ Xác định rõ mục tiêu của từng tiết dạy và đề ra những yêu cầu cần đạt của bài.

+ Nêu rõ đồ dùng và phương tiện phục vụ cho giờ dạy

+ Thể hiện rõ tiến trình thực hiện giờ dạy (từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc) cụ thể: Ổn định lớp học (kiểm tra sĩ số, nhắc nhở, ổn định trật tự vị trí trước khi vào bài giảng). Thực hiện bài giảng (Nội dung bài học - dẫn nhập trước khi vào bài mới, giảng bài mới, củng cố kiến thức và kết thúc bài, hướng dẫn tự học).

+ Nội dung kiến thức phải đảm bảo chính xác, cô đọng, tập trung và logic. Hạn chế việc ghi chép của sinh viên, chủ yếu cho các em nghe, hiểu và chiếm lĩnh tri thức cơ bản ngay tại lớp.

+ Phương pháp giảng dạy đối với từng hoạt động dạy của giáo viên cũng như phương pháp học đối với sinh viên cần được thiết kế cẩn thận, hợp lý, sáng tạo; đồng thời cũng phải phù hợp với nội dung kiến thức mà người giáo viên cần truyền tải.

 

2.2. Phương pháp dạy học

Trên cơ sở các phương pháp dạy học đại cương, qua các cách tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu và sư phạm âm nhạc đã đề xuất nhiều phương pháp dạy học âm nhạc bao gồm các nhóm phương pháp sau:

- Nhóm phương pháp dùng lời,

- Phương pháp thực hành luyện tập

- Nhóm phương pháp trực quan

- Phương pháp dùng lời còn gọi là phương pháp thuyết trình, diễn giải, giảng thuật.

- Phương pháp trực quan là phương pháp hiệu quả trong dạy học âm nhạc nhờ có những biểu tượng rõ ràng.

2.2.1. Tăng cường sự kết hợp giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp trực quan

Phương pháp thuyết trình vẫn là một phương pháp rất quan trọng trong môn Lịch sử âm nhạc phương Tây.

Trong chương trình giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây, tư liệu về giáo cụ không có sẵn, giáo viên hoàn toàn phải tự sưu tập. Chính vì vậy việc sưu tập giáo cụ trực quan cũng cần lưu ý tư liệu phải có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chuẩn xác về kiến thức, hình ảnh, âm thanh phù hợp.

2.2.2. Tăng cường phương pháp kể chuyện âm nhạc tạo hứng thú

Lịch sử âm nhạc là môn học nặng về thuyết trình, diễn giải kiến thức vì thế để người học tập trung chú ý, giáo viên nên kết hợp thêm việc kể chuyện liên quan tới nội dung tác giả, tác phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải nhận thức được sự cần thiết của việc sưu tập những câu chuyện, giai thoại gắn với cuộc đời cũng như sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ. Những câu chuyện có thể có trong chương trình nhưng cũng có những câu chuyện không được giới thiệu trong chương trình hoặc giáo trình, do vậy, giáo viên phải tìm hiểu qua mạng, hoặc qua các sách báo khác. Bên cạnh đó, đối tượng giảng dạy của chúng ta là sinh viên sư phạm sau này ra trường là giáo viên âm nhạc.

2.2.3. Tăng cường phương pháp vấn đáp

- Vấn đáp (đàm thoại) là phương pháp trong đó giáo viên đặt ra câu hỏi để sinh viên trả lời hoặc sinh viên có thể tranh luận với nhau và với cả giáo viên.

- Giáo viên cần thường xuyên đưa ra câu hỏi và cần đảm bảo sự phù hợp của chủ đề với nội dung. Câu hỏi không quan trọng dễ hay khó mà phải làm sao để tất cả sinh viên cùng tham gia được.

- Trong phương pháp này người ta phân chia thành các loại như sau:

+ Vấn đáp tái hiện: Giáo viên đặt câu hỏi chỉ yêu cầu sinh viên nhớ lại kiến thức đã biết.

Ví dụ: Hãy nêu hiểu biết của mình về thể loại âm nhạc sau: Prelude, Mazuka, Etude?

+ Vấn đáp giải thích, minh họa: Nhằm mục đích làm sáng tỏ đề tài hay quan điểm nào đó - Giáo viên đặt câu hỏi, sinh viên trả lời trên cơ sở đó giáo viên sẽ diễn giải mở rộng liên hệ tới nội dung kiến thức đang giảng.

2.3. Đổi mới phương pháp kiểm tra - đánh giá

 Kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo ở tất cả các cấp học. Để đạt được chất lượng đào tạo cao, đáp ứng yêu cầu của ngành và của xã hội trong giai đoạn hiện nay thì cần phải đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá nhằm thực hiện chức năng là công cụ của hệ thống điiều khiển giúp cho việc nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, nâng cao tinh thần chủ động sáng tạo cuả giáo viên, tính tích cực học tập, rèn luyện của sinh viên.

2.3.1. Kiểm tra miệng

Kiểm tra miệng được diễn ra vào đầu giờ học (kiểm tra bài cũ) hoặc xuyên suốt tiết dạy theo hình thức phát vấn trực tiếp. Mỗi tiết học giáo viên có thể đặt ra 3-4 câu hỏi và yêu cầu sinh viên trả lời. Các dạng câu hỏi ngắn gọn, cô đọng, tập trung vào nội dung chính của bài hoặc liên kết sang nội dung mới sau khi được giáo viên gợi ý. Điểm kiểm tra miệng cùng với việc chấp hành nội quy quy chế đi học đúng giờ, đầy đủ các buổi sẽ đồng thời là điểm chuyên cần - điểm đánh giá ý thức học tập, và chấp hành nội quy, giờ giấc lên lớp.

2.3.2. Kiểm tra viết

- Kiểm tra viết diễn ra khi kết thúc 1 học trình hoặc hết một học phần. Nếu là kết thúc một học trình đó đồng thời là điểm thành phần trong kiểm tra đánh giá. Kiểm tra viết là hình thức thi được sử dụng nhiều trong môn học Lịch sử âm nhạc phương Tây. Để tăng cường chất lượng cho phần kiểm tra viết, chúng tôi bổ sung phần nhận biết chủ đề âm nhạc vào phần kiểm tra. Sau đây là câu hỏi kiểm tra viết kết thúc một học trình

2.3.3. Kiểm tra trắc nghiệm                        

Kiểm tra trắc nghiệm diễn ra khi kết thúc một học phần hoặc một tiết. Giáo viên có thể thay đổi hình thức thi, tùy vào mức độ nhận thức của sinh viên. Dưới đây là ví dụ về đề thi trắc nghiệm kết thúc học phần. Thời gian: 45’

2.3.4. Kết hợp giữa kiểm tra tự luận và kiểm tra trắc nghiệm

Trong các bài kiểm tra kết thúc môn học, để có thể đánh giá một cách chính xác năng lực của sinh viên chúng tôi đưa các dạng đề thi gồm có các câu hỏi tự luận và các câu hỏi trắc nghiệm. Qua các câu hỏi tự luận, giáo viên có thể  đánh giá được mức độ hiểu bài và cách trình bày vấn đề một cách rõ ràng chính xác của các sinh viên.

Các câu hỏi trắc nghiệm sẽ bao quát được nhiều nội dung của chương trình. Yêu cầu các em không học “tủ”, học lệch.

2.4. Tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ của giáo viên

Để nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy trong nhà trường hiện nay, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là vô cùng cần thiết, bản thân mỗi giáo viên cần không ngừng học tập, tu dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, biết lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng.

2.4.1. Tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm

2.4.1.1. Năng lực chuyên môn

Người giáo viên phải tự nâng cao năng lực chuyên môn, tức là phải có kiến thức sâu rộng, nắm vững chuyên môn mình giảng dạy, có phương pháp dạy khoa học và luôn đổi mới sao cho phù hợp với từng đối tượng để quá trình dạy học đạt kết quả cao nhất.

Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Cho dù mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, phương tiện dạy học, các điều kiện có tốt đến mấy nhưng người dạy yếu về chuyên môn, suy thoái về nhân cách thì chất lượng đào tạo không thể nâng lên được, không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người học. Ngược lại, nếu đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có trình độ chuyên môn cao thì ngay trong những điều kiện giảng dạy khó khăn, thiếu thốn họ vẫn có thể khắc phục khó khăn, sáng tạo vươn lên để đạt được những hiệu quả cao nhất trong sự nghiệp của mình.

2.4.1.2. Năng lực sư phạm

Giáo viên với vai trò là chủ thể của hoạt động giảng dạy, là người được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ sư phạm, người nắm vững kiến thức khoa học chuyên ngành, phát huy phẩm chất và năng lực sư phạm để tổ chức thành công hoạt động dạy học của mình. Chính vì thế việc nâng cao năng lực sư phạm là điều vô cùng cần thiết góp phần quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Chất lượng đào tạo của nhà trường phần lớn phụ thuộc vào trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của mỗi giáo viên. Bởi lẽ, giáo viên giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ quá trình dạy học, là chủ thể tác động vào mọi nhân tố của quá trình dạy học, chi phối các nhân tố, nhằm phát huy sức mạnh của các nhân tố khác.

2.4.1.3. Năng lực ngoại ngữ, tin học

Để có năng lực ngoại ngữ tốt trước hết người giáo viên tìm nguồn dạy phát âm trên Google dịch hoặc từ điển TFlat, Translate Box. Đầu tiên chúng ta đánh tên từ cần tìm hiểu sau đó nghe cách phát âm trên các phần mềm và phát âm lại khi nào phần mềm hiện đúng từ mình nói thì lúc đó là chúng ta đã nói đúng. Từ những cách đơn giản đó, chúng ta sẽ phát triển năng lực ngoại ngữ của mình bằng việc học thêm tiếng chuyên ngành nếu có điều kiện. Chúng ta học từ vựng trước sau khi có lượng từ vựng khá chúng ta sẽ học ngữ pháp dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

2.4.2. Tăng cường nghiên cứu khoa học

Việc nghiên cứu khoa học không chỉ giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng tư duy, óc sáng tạo mà còn hội nhập được với xu thế phát triển của thời đại. Tăng cường nghiên cứu khoa học của người giáo viên thể hiện ở việc thường xuyên tham khảo, cập nhật thông tin khoa học, bài viết về lĩnh vực chuyên môn mình đảm nhận. Cập nhật thông tin âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2.5. Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy

Hiện nay xu hướng đổi mới phương pháp dạy học đang bám sát những thành tựu của công nghệ thông tin. Lợi ích của việc ứng dụng các phần mềm tin học trong dạy và học nói chung đã được kiểm chứng. Đối với việc dạy và học âm nhạc, thông qua các phần mềm ứng dụng, người giáo viên có thể chủ động xây dựng những bài soạn giảng hiện đại một cách trực quan sinh động, tạo ra nhiều tài liệu học tập và tham khảo đa dạng; còn người học có thể tích cực trao đổi tiến trình học tập của mình với người dạy và bạn học một cách nhanh chóng, hiệu quả giảm thiểu sự lệ thuộc vào quỹ thời gian của quá trình đào tạo trên lớp.

2.6. Bổ sung lịch sử âm nhạc phương Tây vào các hoạt động ngoại khóa

Hoạt động ngoại khóa là hình thức tổ chức dạy học có tính tự nguyện được tiến hành ngoài giờ lên lớp. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hoạt động theo hứng thú, sở thích của mình. Nhờ đó bồi dưỡng được nhanh chóng năng lực riêng của từng học sinh và góp phần vào hướng nghiệp cho các em.

2.6.1. Tổ chức nghe nói chuyện về âm nhạc theo chuyên đề

Trong hoạt động này giáo viên sẽ là người chỉ đạo, tổ chức, điều hành hoạt động chính.

Mục đích của hoạt động này là giúp sinh viên hiểu biết thêm về kiến thức âm nhạc.

Đối tượng là sinh viên âm nhạc trong trường với các chuyên ngành khác nhau (Nhạc cụ, Thanh nhạc, Sư phạm âm nhạc…)

2.6.2. Dạy học LSANPT thông qua trò chơi

Bên cạnh hoạt động tổ chức nghe nói chuyện về âm nhạc thì việc sử dụng trò chơi trong quá trình dạy học cũng là một cách thức hữu hiệu để kích thích sự tích cực nhận thức của sinh viên trên lớp học. Dạy học dựa trên trò chơi là một phương pháp gây nhiều hứng thú cho người học nhưng đòi hỏi tính sáng tạo cao của người dạy. Để có thể vận dụng tối ưu phương pháp này cần phân biệt các mức độ sử dụng trò chơi trong dạy học và đáp ứng các yêu cầu cuẩ việc tổ chức thực hiện phương pháp.

Trò chơi âm nhạc là một hoạt động thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy âm nhạc. Trò chơi âm nhạc giúp giáo viên thay đổi các hình thức hoạt động trong tiết dạy và giúp sinh viên thư giãn, hứng thú theo tinh thần chơi mà học âm nhạc

2.7. Thực nghiệm giảng dạy

* Mục đích thực nghiệm

Thực nghiệm được tiến hành nhằm kiểm tra tính đúng đắn của giả thuyết khoa học đã được xây dựng, qua đó khẳng định tính khả thi của quy trình xây dựng và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong quá trình dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây.

Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu phân tích thực trạng, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây tại trường Đại học Hạ Long. Tôi tiến hành một số tiết thực nghiệm môn học này ở lớp CĐSP âm nhạc K11. So sánh đối chiếu với kết quả chúng tôi đã khảo sát ở phần thực trạng. Từ đó rút ra kết luận, nêu ra những vấn đề cần khắc phục để việc dạy đạt hiệu quả hơn.

* Đối tượng thực nghiệm

Chúng tôi chọn đối tượng là sinh viên hệ CĐSP Âm nhạc K11 Khoa nghệ thuật tổng số 10 sinh viên

* Nhiệm vụ thực nghiệm

- Nghiên cứu nội dung về tác giả F.SChubert và tiến hành lập kế hoạch dạy học

- Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của lớp thực nghiệm

- Xử lý số liệu, phân tích kết quả TN và rút ra kết luận về tính hiệu quả của các phương pháp được vận dụng.

* Nội dung thực nghiệm

Vận dụng đổi mới phương pháp trong dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây (chương 4, với tác giả là nhạc sĩ F.SChubert)

* Thời gian và địa điểm thực nghiệm

 - Thời gian: tháng 3/2018

 - Địa điểm: phòng học 404 CS2B

2.7.1. Tổ chức giảng dạy thực nghiệm

Tên bài học: KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TRONG ÂM NHẠC - GIỚI THIỆU NHẠC SĨ FRANZ SCHUBERT (Tổng số tiết: 03; Lý thuyết: 3, Thảo luận: 0)

2.7.2. Một số nội dung phiếu điều tra khảo sát

Để kiểm chứng tính khả thi và sự cần thiết của những đề xuất đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây đã nêu ở trên. Chúng tôi tiến hành các khảo sát bằng phiếu hỏi, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường, cùng phân môn và khác phân môn giảng dạy. Kết quả bước đầu như sau

Nội dung phiếu hỏi: Anh (Chị) hãy cho nhận xét về các giai đoạn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn LSAN phương Tây tại trường Đại học Hạ Long?

Đối tượng khảo sát: Các giảng viên âm nhạc trường Đại học Hạ Long

Số phiếu phát ra: 40 phiếu

Số phiếu thu về: 40 phiếu

Thời gian khảo sát: tháng 3/2018

2.7.3. Kết quả dự giờ và đánh giá tiết dạy mẫu

Chúng tôi đã dự giờ dựa trên giáo án bài dạy: Giới thiệu nhạc sỹ F.SChubert, lớp CĐSP Âm nhạc K11 với sự tham gia của ban chủ nhiệm khoa, 5 giảng viên chuyên ngành lý luận âm nhạc.

 

Tiểu kết chương 2

Từ thực trạng đã nêu ở chương 1 - xác định những yếu tố gây ảnh hưởng tới chất lượng dạy học bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Tây, nên trong chương 2 của đề tài, chúng tôi đã đưa ra được 6 nhóm biện pháp cải tiến và đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại ở chương 1, cụ thể như sau:

Một là, cải tiến chương trình - giáo trình (bổ sung nội dung chương trình, nâng cao chất lượng biên soạn giáo án), nhằm đảm bảo tính lôgic hệ thống của khoa học cho môn học.

Hai là, cải tiến phương pháp giảng dạy nhằm mang tới hiệu quả và chất lượng trong quá trình giảng dạy với các phượng pháp cụ thể như: Kết hợp phương pháp thuyết trình với nghe băng đĩa, tranh ảnh; Kết hợp phương pháp kể chuyện âm nhạc tạo hứng thú; Kết hợp phương pháp vấn đáp, hướng người học trở thành đối tượng chủ động trong hoạt động - tạo hứng thú trong học tập.

Ba là, tăng cường phương pháp: Kiểm tra miệng, kiểm tra viết, bổ sung phần kiểm tra trắc nghiệm và kết hợp kiểm tra viết với trắc nghiệm

Bốn là, nâng cao trình độ của giáo viên cụ thể là: nâng cao trình độ chuyên môn (năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực ngoại ngữ, tin học); tăng cường nghiên cứu khoa học.

Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Sáu là, bổ sung nội dung lịch sử âm nhạc phương Tây vào các hoạt động ngoại khóa như: Tổ chức nghe nói chuyện về âm nhạc theo chuyên đề và dạy học lịch sử âm nhạc phương Tây thông qua trò chơi. Đây là một trong những hoạt động mang tính tập thể cao.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Lịch sử âm nhạc phương Tây là môn học rất quan trọng, không chỉ giúp giảng viên hoàn thiện kiến thức âm nhạc chung cho sinh viên mà ở bộ môn này còn ẩn chứa trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa tinh thần, giá trị thẩm mỹ, phẩm chất đáng quý của người nghệ sĩ. Nhờ nó, con người có được thế giới quan tiên tiến và những hiểu biết vững chắc về thẩm mỹ âm nhạc tiến bộ, bồi dưỡng cho con người lòng say mê và cảm xúc âm nhạc đúng đắn, giúp con người thêm yêu quý, trân trọng những tinh hoa âm nhạc thế giới, từ đó góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Xuất phát từ những tư tưởng, nhận thức và kinh nghiệm thực tiễn sau hơn 10 năm giảng dạy tại trường và trong khi học tập nghiên cứu theo chương trình đào tạo Sau đại học ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy âm nhạc phổ thông; chúng tôi đã lựa chọn đề tài Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long” làm đề tài nghiên cứu nhằm tập trung cải thiện các cách thức, các phương pháp giảng dạy môn học. Từng bước nâng cao chất lượng dạy học bộ môn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong những năm tới.

Qua nghiên cứu thực tiễn dạy học trong những năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy, chất lượng dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây vẫn còn nhiều tồn tại:

Giáo trình - chương trình: Chưa có giáo trình Lịch sử âm nhạc phương Tây dành riêng cho sinh viên hệ Cao đẳng SPAN của trường ĐHHL, việc giảng dạy đều dựa vào tài liệu giáo trình của Học viện. Nội dung chương trình còn chưa cập nhật được sự phát triển của lịch sử âm nhạc phương Tây ở thế kỉ XX. Sự phân chia số tiết ở các chương, các bài còn chưa hợp lý.

Phương pháp giảng dạy: Nặng về thuyết trình, chưa khai thác triệt để việc sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học để đạt hiệu quả cao. Giáo án soạn chưa khoa học, chưa thể hiện được sự sáng tạo và hiểu biết chuyên môn cao.

Khâu đánh giá, kiểm tra, hình thức thi…còn hạn chế, chưa đa dạng được các hình thức kiểm tra - đánh giá. Chưa kích thích được ý thức tự giác học tập của sinh viên.

Trình độ chuyên môn còn hạn chế ở các mặt: chuyên môn, ngoại ngữ, tin học…Việc nghiên cứu khoa học, học tập và bồi dưỡng chuyên môn định kì hàng năm cũng còn hạn chế. Chưa thể hiện được sự hội nhập và phát triển của thời đại.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy chưa đạt hiệu quả cao. Chưa thể hiện được cách trình bày khoa học, sự vận dụng linh hoạt trong CNTT…

Chưa có những chương trình hoạt động ngoại khóa mang tính thực thế, tập thể để kích thích sự hăng say học tập, yêu thích môn học…

Tất cả những tồn tại, hạn chế đã được phân tích một cách cụ thể có minh chứng. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì những nguyên nhân chủ quan cũng là những yếu tố cơ bản, quan trọng dẫn tới chất lượng giảng dạy và chất lượng đào tạo của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

            Trên cơ sở phân tích thực trạng dạy học, kết hợp với những kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn của mình, chúng tôi đã đề xuất 6 vấn đề cơ bản cần ưu tiên, cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy môn học Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ CĐSP âm nhạc trường ĐHHL.

Về giáo trình - chương trình môn học, cơ bản vẫn phải thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong cấu trúc chương trình khung vẫn nên có sự điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, sinh viên trong nhà trường, đặc thù ngành học, môn học và tính địa phương. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất giảm số tiết ở phần chương 1,2, chỉnh sửa lại số tiết ở các chương còn lại đồng thời bổ sung thêm phần âm nhạc của thế kỷ XX.

Về phương pháp giảng dạy: Chúng tôi đề xuất 3 phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả như: Phương pháp thuyết trình kết hợp nghe xem băng đĩa, tranh ảnh; Phương pháp kể chuyện âm nhạc tạo hứng thú và phương pháp vẫn đáp hướng người học trở thành đối tượng chủ động trong hoạt đọng - tạo hứng thú trong học tập.

Về đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Chúng tôi đề xuất, thường xuyên kiểm tra và sử dụng kết hợp, khéo léo các hình thức kiểm tra, kiểm tra miệng, kiểm tra viết, kiểm tra trắc nghiệm…Việc kiểm tra phải có tác động kích thích ý thức tự giác học tập của sinh viên, đảm bảo sự chính xác, khách quan và công bằng…

Về vấn đề nâng cao trình độ của giáo viên: chúng tôi đề xuất được đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn định kì hàng năm ở các cơ sở đào tạo uy tín trong nước. Được giao lưu văn hóa nghệ thuật, Được tạo điều kiện, trang bị thêm về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

Hàng năm tổ chức được ít nhất một buổi hoạt động ngoại khóa cho giáo viên môn học hoặc chuyên ngành SPAN.

Các đề xuất cải tiến và đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ CĐSP âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long nêu trên đã được kiểm chứng, thật sự cần thiết và có tính khả thi cao. Để các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn đã được đề xuất trong đề tài có thể thực thi trong thực tiễn giảng dạy, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và xã hội: cần điều chỉnh chương trình, thống nhất ở mọi cấp học, bậc học. Hiện nay giáo trình Lịch sử âm nhạc phương Tây cho ngành Sư phạm âm nhạc thuộc hệ thống các trường Văn hóa nghệ thuật chưa có, chủ yếu là các tập bài giảng, giáo trình nội bộ, nên không có sự thống nhất.

Đối với trường Đại học Hạ Long: Cần tiếp tục tăng cường đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Hiện nay ở nhà trường có phòng học có máy chiếu nhưng không có âm thanh, ko có đàn. Có phòng học có âm thanh, máy chiếu, có đàn nhưng lại bị lỏng ổ cắm, đàn piano các phím cũng không đảm bảo. Ngoài ra cũng cần tạo điều kiện tốt hơn nữa cho cán bộ giáo viên được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy ở các trường thuộc cùng khối ngành nhằm troa đổi và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng hơn nữa công tác tuyển sinh đầu vào. Coi trọng chất lượng để đào tạo ra những học sinh có phẩm chất tốt.

 Đối với tổ bộ môn Lý luận âm nhạc: Tiến hành triển khai những đổi mới về phương pháp giảng dạy Lịch sử âm nhạc phương Tây một cách đồng bộ. Tăng cường dự giờ, sinh hoạt chuyên môn hơn nữa đồng thời thường xuyên đối thoại với sinh viên, tổ chức khảo sát nắm bắt tâm tư nguyện ọng, những nhu cầu về học tập, rèn luyện qua đó kịp thời điều chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.

            Đối với giáo viên: Cần có kế hoạch và biện pháp để thường xuyên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, lên kế hoạch tự học, tự nghiên cứu từng bước cải thiện chất lượng dạy học của bản thân.

            Đối với học sinh: Cần nhận thức được ví trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong công tác giảng dạy sau khi ra trường để có biện pháp học tập tích cực và phù hợp với từng bộ môn trong đó có Lịch sử âm nhạc phương Tây.

Đầu trang
Các tin khác
  Nguyễn Viết Phi:“Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Âm nhạc cổ truyền tại hệ CĐSP Âm nhạc- Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Đặng Thị Thu Hiền: "Nâng cao chất lượng giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh trường THCS Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Đinh Thị Khánh Thơ: "Giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Ngô Viết Chung: "Nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Phan Bội Châu, Cẩm Phả, Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Bùi Thu Hiền: 'Nâng cao chất lượng giảng dạy các bài luyện thanh cho học sinh Thanh nhạc hệ trung cấp khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn