Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12208039
Tin tức hoạt động Thứ năm, 18/04/2024

Tác giả: Nguyễn Thu Thuỷ 
Tên Đề tài: Giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hệ Trung cấp tại Học viện ÂNQGVN 
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Tỳ bà)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh
Ngày đăng: 08/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

 Gần 60 năm qua sau khi Trường Âm nhạc Việt Nam thành lập (1956) các nhạc cụ truyền thống nói chung và đàn Tỳ bà nói riêng đã thu được những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực biểu diễn và đào tạo. Để có những thành tựu lớn lao này, nhiều nghệ sĩ giảng viên đàn Tỳ bà đã có những đóng góp cả về trí tuệ và về sức lực để nghệ thuật biểu diễn đàn Tỳ bà. Trong đào tạo âm nhạc hiện nay chúng ta có nhiều bậc học khác nhau nhưng trong luận văn này, chúng tôi bàn sâu về việc giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hệ Trung cấp tại HVANQGVN. Có kỹ thuật cơ bản tốt, các em có thể biểu diễn tốt phong cách nhạc cổ cũng như việc thể hiện tốt các tác phẩm mới của các tác giả Việt Nam.

  1. Lịch sử đề tài

  Trong 7 luận văn đã được bảo vệ tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam) đã bàn về nhiều vấn đề về cây đàn Tỳ bà trong bối cảnh xã hội hiện nay, trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có luận văn của Ths. NSƯT. Vũ Kim Hạnh (HVÂNQGVN) là đề cập tới việc “Giảng dạy đàn Tỳ bà bậc trung học tại Nhạc viện Hà Nội” (Luận văn thạc sĩ, HVANQGVN – năm 2007). Trong luận văn này, chúng tôi đi sâu phân tích về vấn đề “Giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hệ TC tại HVANQGVN”, một nội dung nghiên cứu chưa được công trình nào đề cập tới.

  1. Mục tiêu nghiên cứu của luận văn

Khảo sát về giáo trình giảng dạy kỹ thuật đàn Tỳ bà tại HVANQGVN. Nghiên cứu, phân tích và rút gọn chương trình đào tạo kỹ thuật đàn Tỳ bà bậc TC từ 9 năm xuống 6 năm.

Luận văn thu thập một số thông tin và tìm ra một số phương pháp để giảng dạy Tuyển tập “Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hệ TC tại HVANQGVN”. 

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu phương pháp giảng dạy và các vấn đề về kỹ thuật trong giảng dạy và học tập đàn Tỳ bà bậc TC tại HVANQGVN. Phạm vi nghiên cứu chương trình và giáo trình giảng dạy kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hệ TC; các giải pháp rút gọn giáo trình nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật đàn Tỳ bà hệ Trung cấp tại HVANQGVN.

  1. Phương pháp nghiên cứu:

            Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn là:

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: sưu tầm, thống kê, phân tích và tổng hợp.

- Phương pháp thực nghiệm.

        6.  Những đóng góp của luận văn:

Luận văn sẽ có những đóng góp ban đầu về vấn đề “Kỹ thuật cơ bản” trước khi phát triển tới những “Kỹ thuật đỉnh cao” trong giảng dạy đàn Tỳ bà bậc trung cấp.

  1. Bố cục luận văn

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn được chia thành hai chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà.

Chương 2: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật  đàn Tỳ bà hệ Trung cấp.

Chương 1

Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho     đàn Tỳ bà

      1.1. Cơ sở lý luận

    Đàn Tỳ bà (Pipa) là loại nhạc cụ đã được du nhập từ Trung Quốc nhiều thế kỷ trước đây. Tuy nhiên, sau khi du nhập vào Việt Nam, cây đàn Tỳ bà đã có những cải tiến nhất định và dần tạo nên những điểm độc đáo của văn hóa người Việt, không giống với truyền thống của Trung Quốc.

Trong việc dạy và học đàn Tỳ bà, các giảng viên cũng như học sinh sinh viên ngày một thấy rõ tầm quan trọng của việc dạy và học “Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà” nhằm mục đích phát triển kỹ thuật diễn tấu.

1.1.1Khái niệm chung về kỹ thuật biểu diễn

   Theo Từ điển Bách khoa về Âm nhạc Thuật ngữ (Term) Kỹ thuật được sử dụng trong nghệ thuật biểu diễn được hiểu là “Kỹ thuật biểu diễn”

    Phương pháp kỹ thuật: Những vấn đề về “Kỹ thuật” trong âm nhạc có mối quan hệ tương tác và gần gũi với hệ thống các phương pháp luận khác nhau, từ đó hình thành nên thuật ngữ “Phương pháp kỹ thuật” trong giảng dạy và biểu diễn âm nhạc.

    Thuật ngữKỹ thuật cơ bản”:

    Trong giảng dạy kỹ thuật cho đàn Tỳ bà, chúng ta cần hiểu rõ đây chính là những kỹ thuật mang tính chất nền tảng ban đầu, từ đó trở thành bệ phóng trong việc phát triển kỹ thuật cao hơn ở cuối Trung cấp và Đại học.

    Thuật ngữKỹ thuật đỉnh cao”:

Đối với các nhạc cụ truyền thống nói chung và đàn Tỳ bà nói riêng, thuật ngữ kỹ thuật đỉnh cao được coi là sự phấn đấu để đạt được những kỹ thuật khó nhất, cao nhất trong nghệ thuật biểu diễn đàn Tỳ bà.

    Thuật ngữKỹ thuật biểu diễn nhạc cụ”:

Thuật ngữ kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ là những tri thức học tập được kết hợp với kinh nghiệm biểu diễn được ứng dụng và thể hiện cụ thể trên nhạc cụ và trong các “ngón đàn” được thể hiện trên đànTỳ bà

   1.1.1 Tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng kỹ thuật ban đầu

Trong giảng dạy đàn Tỳ bà bậc Trung cấp tại HVANQGVN, hầu như tất cả mọi giảng viên đều khẳng định tầm quan trọng của việc đặt nền móng Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ phát triển đào tạo đàn Tỳ bà tại Học viện, chúng tôi thấy rất ít những tư liệu nghiên cứu về tầm quan trọng của việc phát triển kỹ thuật. Theo chúng tôi việc phát triển kỹ thuật cũng có tầm quan trọng không kém so với việc đặt nền móng cho Kỹ thuật, tuy nhiên chỉ khi các em có được nền mõng kỹ thuật chắc thì tốc độ phát triển mới nhanh, mới bền vững.

  1. Hệ thống kỹ thuật

   Dưới đây là bảng thống những kỹ thuật tay phải và tay trái của NNDG Châu Đình Khóa, Ths. NSND Vũ Mai Phương và Ths, Phạm Thị Huệ:

a)10 kỹ thuật tay phải đặc trưng được NSND Mai Phương thống kê:

  Kỹ thuật gảy: Kỹ thuật gảy lên, gảy xuống; Gảy một nốt với dây buông; Gảy chồng âm 2,3,4 nốt; Gảy rải âm; Búng; Quẹt; Vê 1 nốt; Vê 2,3,4 nốt; Vê 5 ngón; Vê 2 bè;

 b )18 Kỹ thuật tay phải trong phong cách truyền thống được Th.sĩ Phạm Thị Huệ thống kê :

Trang; Tinh; T’rang; Tràng; T’rung; T’rênh; Vẩy; Phi; Phi trang; T’rinh; Trinh; Dênh; T’ra dênh; Tịch

 c) 12 Kỹ thuật tay phải của (pipa) áp dụng cho Tỳ bà phong cách đương đại:

 Roẹt; Búng xuống; Búng lên; T’ràng gảy; T’ràng chập; Tùng tếnh(song thanh); Bát; Tênh; Bát chập; Bát tênh; Bát tênh chập; Pặp

 d) 24 kỹ thuật tay trái phong cách truyền thống: 

Chầy; Hưởng; Vỗ; Khảy; Rung; Gân; Gần chìm; Nhấn; Chụp; Nảy; Láy; Nhấn kéo; Nhấn đẩy; Nhấn thả; Thả nảy; Vuốt; Poong; Tung; Tồn tang tịch tồn tang; Mổ chụp; Mổ nhấn; Gõ không; Tung tang.

 e) 12 kỹ thuật tay trái do NSND Mai Phương thống kê:

Rung nhanh, rung chậm, day; Vỗ; Nhấn; Giật; Nhấn luyến; Nốt tịch; Ngón song thinh; Láy, vuốt, bồi âm; Chuyển các thế tay; Bấm hợp âm; Vê kết hợp rung, ngắt tiếng; vê kết hợp láy, vê kết hợp nhấn.

 f) Hai kỹ thuật tay trái ứng dụng từ Pipa (Trung Quốc) sang tỳ bà (Việt Nam) theo phong cách đương đại

Xoắn dây; Luồn.

 g)15 kỹ thuật kết hợp 2 tay theo li tài tử điệu ca Huê do nghệ nhân dân gian Châu Đình Khóa ghi chép lại:

Rải; Phát; Phi; Nhấn vào chữ đàn; Nhấn kéo đồng thời; Hưởng; Vỗ; Vuốt; Chầy; Chầy mạnh; Mổ; Chớp; Dấu bấm; Day; Búng.

  1. Lực lượng giảng viên và học sinh đàn Tỳ bà
    1. Lực lượng giảng viên

    Lực lượng giảng viên đàn Tỳ bà tại HVANQGVN phong phú với đủ các lứa tuổi kinh nghiệm và trình độ, nhưng do những lý do khách quan và công việc cá nhân bên ngoài, một vài cán bộ chưa dồn hết tâm huyết và thời gian vào công việc giảng dạy những giảng viên giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và tận tâm với nghề thì đã hết năm công tác, những giảng viên chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy khoa học đã từng đào tạo được những sinh viên xuất sắc nhưng hiện nay còn mải lo công việc khác. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm biểu diễn khác nhau, công tác đa dạng nên giữa các giảng viên có sự khác biệt về cách truyền đạt.

1.2.1.2.Khả năng tiếp thu của HS đàn Tỳ bà

Số lượng thí sinh đăng ký thi vào đàn Tỳ bà ít, bên cạnh những em có năng khiếu thì Bộ môn đàn Tỳ bà còn  nhận cả những em có năng khiếu trung bình, thậm chí là không có năng khiếu. Xuất thân của học sinh học đàn Tỳ bà thường là những gia đình không theo nghệ thuật vì thế mà những học sinh tổ Tỳ bà về mặt năng khiếu chung so với những đàn khác cũng có phần kém hơn.

  1. Thực trạng về tài liệu giảng dạy kỹ thuật hiện nay.

Trong việc đánh giá về thực trạng sử dụng các tài liệu giảng dạy kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hiện nay, chúng tôi chủ yếu phân tích về Giáo trình “Bài tập kỹ thuật đàn Tỳ bà” của NSND Vũ Mai Phương cùng một số các tài liệu phát triển kỹ thuật khác. Như đã phân tích ở chương 1, số năm học TC trước đây là 9 năm, nay rút lại chỉ còn 6 năm bao gồm 2 năm sơ cấp cũ và 4 năm trung cấp cũ. Cuốn “Bài tập kỹ thuật đàn Tỳ bà” được soạn thảo phục vụ cho hệ trung cấp 9 năm, mỗi một dạng kỹ thuật có quá nhiều bài tập nên trong thực tiễn giảng dạy, chúng tôi phải chọn và lược bớt cho phù hợp với thời lượng giảng dạy và học tập đàn Tỳ bà. Việc lược giản này cũng là một thể nghiệm của tác giả luận văn và trong thực tế có những hiệu quả bước đầu tương đối chấp nhận được.

      1.2.2.1. Trong luận văn này, chúng tôi mới dừng ở mức độ thống kê hai tuyển tập “Bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà bậc Trung cấp” (tập I và II) của NSND. Vũ Mai Phương.

      1.2.2.2. Các tài liệu kỹ thuật khác

   Về các tài liệu giảng dạy kỹ thuật đàn Tỳ bà tại HVÂNQGVN, ngoài hai giáo trình tuyển tập “Bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà bậc Trung cấp” (tập I và II) của NSND Vũ Mai Phương còn có một số tuyển tập các bài tập của những giảng viên trong tổ tự biên soạn, sưu tầm để phù hợp với từng học sinh.

  1. Thực trạng giảng dạy kỹ thuật đàn Tỳ bà theo các hệ thống phím khác nhau
    1. Hệ thống đàn Tỳ bà theo phong cách truyền thống :

Ảnh 1

 

 Đàn Tỳ bà truyền thống ;4 mô tứ thiên vương; Cách ôm đàn truyền thống  

     Đàn có 4 miếng tượng ở đầu đàn không dùng( hay còn gọi là 4 mô tứ thiên vương), phím đàn được gắn theo hệ thống 7 bậc chia đều, tổng số là 9 phím [g.a (thấp hơn la bình nhưng cao hơn la giáng).b.c.d.e(cao hơn es nhưng thấp hơn e bình).f ( cao hơn fa thường nhưng thấp hơn fa thăng ), g.a ]

  1. Hệ thống phím đàn Tỳ bà cải biên

Ảnh 2                    (Đàn tỳ bà cải tiến)

 

    Vị trí của bốn mô tứ thiên vương được gắn thành phím đàn theo hệ  thống cromatic: phím thứ 1( đô thăng ) đến phím thứ 5 ( pha) [c,c#,d,d#,e,f] từ phím thứ 6 trở đi gắn theo hệ thống phím diatonic g,a,b,c,d,e,f,g,a,b,] số lượng phím nhiều hơn đàn truyền thống (lên đến 19 phím). Đối với đàn Tỳ bà cải biên những Bài tập kỹ thuật của tác giả NSND Vũ Mai Phương là hoàn toàn phù hợp.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1 của luận văn chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng kỹ thuật ban đầu. sự cần thiết của việc phát triển kỹ thuật cho học sinh nhằm tăng cường năng lực trong diễn tấu nhạc cổ cũng như tác phẩm mới. Chúng tôi nêu lên một cách cụ thể và chi tiết về ý nghĩa của tư thế cầm đàn, kỹ thuật tay phải, tay trái và sự phối hợp giữa hai tay phối hợp giữa hai tay. Ở phần 1.2 chúng tôi đánh giá thực trạng giảng dạy hiện nay về giáo viên, về học sinh, về tài liệu giảng dạy tại Học viện. Những thuận lợi, khó khăn của hệ thống phím đàn Tỳ bà hiện nay

 Chương 2

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật cơ bản đàn Tỳ bà hệ Trung cấp

    2.1. Điều chỉnh rút gọn các bài tập kỹ thuật cho phù hợp với chương trình đào tạo đàn Tỳ bà bậc TC hiện nay.

    2.1.1. Sự cần thiết phải lựa chọn và rút gọn các bài tập kỹ thuật

    Khi các tác giả biên soạn Tuyển tập: Bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà là phục vụ cho 9 năm đào tạo, số lượng bài tập nhiều quá cho hệ TC6 năm vì thế chúng tôi mạnh dạn đề xuất một chương trình rút gọn số lượng bài tập và đồng thời chọn các bài tập để phù hợp cho học sinh. Những logic được đặt ra trong hai tập bài tập kỹ thuật nói trên có đôi chỗ có thể dịch chuyển thứ tự trong quá trình giảng dạy cho các đối tượng học sinh khác nhau. Đối với những em có tài năng, chúng ta có thể áp dụng một cách sáng tạo (không phải là tùy tiện) như việc lược bớt bài cùng một dạng kỹ thuật hoặc đối với những kỹ thuật các em đã biết... Đối với các em có năng khiếu vừa phải, tiếp thu chậm hơn thì tiến độ thực hiện có thể chậm hơn và đi từng bước cho chắc chắn rồi mới học tiếp các kỹ thuật khó hơn.

   Có thể nói rằng, các giảng viên đàn Tỳ bà cũng chưa có dịp tổ chức các hội thảo chuyên môn trong vấn đề sử dụng “Bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà bậc Trung cấp” (tập I và II) của NSND. Vũ Mai Phương nhằm đánh giá những giá trị học thuật trong ứng dụng giảng dạy đàn Tỳ bà. Theo chúng tôi, đây cũng là một nhược điểm cần được bổ sung trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật đàn Tỳ bà tại Học viện. Các giảng viên đàn Tỳ bà cũng cần có  sự giác ngộ về ý thức phát triển kỹ thuật một cách hệ thống đối với lực lượng học sinh Trung cấp. Từ đó, họ có thể nghiên cứu sâu hơn về phương pháp giảng dạy các bài tập kỹ thuật nói trên.

     2.1.2. Những giải pháp ứng dụng “Các bài tập kỹ thuật” trong giảng dạy đàn Tỳ bà

    Bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà tập I gồm 141 bài tập, để phù hợp với việc thời lượng từ 9 năm rút xuống thành 6 năm chúng tôi giản lược bớt một số bài còn lại 84 bài để cho phù hợp với thời gian học nhưng vẫn đảm bảo đủ chất lượng cho học sinh.

t/t

Nội dung

Giáo trình gốc

Đổi mới

1.

Tác giả tập trung vào kỹ thuật tay phải gảy lên, gảy xuống và 4  ngón bấm ở tay trái

Từ bài 1 cho đến bài 31

(31 bài tập)

Lược giản còn 20 bài.

 

2.

Tác giả tập trung vào kỹ thuật tay trái : rung, láy, chụp.

Từ bài 32 đến 51

(19 bài tập)

Lược giản còn 12 bài

3.

Tác giả tập trung vào kỹ thuật luyện kỹ thuật chuyển các thế tay.

Từ bài 52 đến 58

(7 bài)

Lược giản còn 5 bài.

4.

Tác giả tập trung vào kỹ thuật gảy nhanh 1 dây để chuẩn bị cho vê 1 nốt.

Từ bài 59 đến 68

(10 bài tập)

 

Lược giản còn 7 bài.

5.

Tác giả tập trung vào luyện kỹ thuật tổng hợp, bao gồm các kỹ thuật vê 1, 2, 3, 4 dây, kết hợp những kỹ thuật của cả 2 tay...

Từ bài 69 đến 141.

(73 bài tập)

Lược giản còn 40 bài.

 

 

Tổng số bài tập: 141 bài

Tổng số bài sau khi lược giản: 84

     2.2. Giải pháp về tư thế bấm và gảy đàn Tỳ bà

Phần thực trạng được trình bày trong chương 1 đã được chúng tôi đề cập tới một số vấn đề cần được bổ sung và chỉnh lý nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng trong giảng dạy và học tập đàn Tỳ bà. Việc phân tích những vấn đề đã làm tốt giúp cho chúng tôi có thể kế thừa được những vấn đề học thuật từ các thế hệ giảng viên nghệ sĩ đi trước. Ngược lại, để có thể tìm ra những giải pháp nhằm chỉnh lý và bổ sung cho những vấn đề còn chưa hoàn thiện, còn chưa đáp ứng được tính thực tiễn và tính hệ thống trong giảng dạy đàn Tỳ bà, chúng tôi đi sâu vào sự khác biệt trong các hệ thống đàn Tỳ bà khác nhau, nhờ đó có thể có những giải pháp mang tính thực tiễn có thể ứng dụng trong các cơ sở đào tạo.

     2.2.1. Những giải pháp khác nhau về tư thế bấm khi cầm đàn thẳng và cầm đàn ngang

   Hiện nay đang tồn tại 2 kiểu tư thế ôm đàn Tỳ bà. Những nghệ nhân cao tuổi chơi đàn với tư thế ôm đàn chéo, những nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên đàn Tỳ bà tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ôm đàn dựng thẳng. Cách ôm đàn sẽ ảnh hưởng đến tư thế bấm và gảy đàn. Đàn ôm ngang sẽ thuận lợi cho tay phải tạo ra âm thanh tiếng đàn đẹp, chuẩn, phù hợp với những bài bản cổ nhạc ít chạy chữ, thiên về nhấn, rung, vỗ của tay trái. Đàn ôm thẳng thuận lợi cho tay trái thể hiện những bài chạy ngón nhanh, nhưng tay gảy lại có phần hạn chế, khó tạo tiếng đàn đẹp.

  2.2.2. Những giải pháp về ngón gẩy

    Để tạo được âm thanh đẹp, truyền cảm cần lưu ý hết sức đến cách cầm móng, chọn loại móng có độ dày từ 1,2mm đến 1,5mm, và vị trí điểm gảy.

Kỹ thuật vê là một trong những kỹ thuật khó và quan trọng của tay gảy.  Đàn Tỳ bà có 2 kiểu vê: về hợp âm và vê liền trên 1 dây.

Vê hợp âm cần thả lỏng, cong cổ tay, lắc nhẹ nhàng, móng được để hơi nghiêng chếch 45 độ. Còn đối với về liền trên 1 dây, cổ tay không vung và thả lỏng nhiều như vê hợp âm, về bằng đầu móng, móng đàn dựng thẳng.

     2.3. Những giải pháp về kỹ thuật tạo âm và phong cách âm nhạc

     Mối quan hệ tương tác giữa các vấn đề về kỹ thuật, về phong cách và về cảm xúc âm nhạc thường có ý nghĩa bổ sung cho nhau mặc dù chúng cũng có ý nghĩa độc lập tương đối. Những giải pháp kết hợp thể hiện phong cách với cảm xúc âm nhạc là những đề xuất có “tính mới” của luận văn nhằm phục vụ cho tính hiệu quả trong biểu diễn đàn Tỳ bà.

     2.3.1. Kỹ thuật tạo âm

    Giải pháp cho vấn đề này trước hết là cách cầm móng, lưu ý móng gảy phải được cầm nghiêng, gảy bằng đầu móng, đàn Tỳ bà với âm sắc đoản, không vang nên khi gảy cần kết hợp với tay trái bấm ngón bấm cần giữ đủ lâu để âm thanh ngân lên hết. Chọn loại dây và để dây phù hợp cho thể loại âm nhac, thay dây thường xuyên.

      2.3.1.2. Những nhược điểm về độ chuẩn của âm thanh và cách khắc phục

   Hiện nay đàn Tỳ bà có 2 kiểu đàn: đàn ngoài Bắc và đàn Sài Gòn. Nếu khi sử dụng trong giảng dạy và học tập, chúng ta sử dụng lẫn lộn mục đích thì sẽ gây ra hiệu quả không tốt và tạo ra những nhược điểm về độ chuẩn của âm thanh. Quan điểm thẩm mỹ âm nhạc truyền thống của người Việt Nam thiên về sự tinh tế, tế nhị trong tiếng đàn, hơi, điệu vì vậy cách nhìn nhận về “độ chuẩn của âm thanh” còn tùy thuộc vào việc chơi nhạc cổ hay chơi tác phẩm mới, cần tránh lối nhận xét không đáp ứng được sự khác nhau trong phong cách âm nhạc.

    Nên sử dụng song song 2 loại đàn Tỳ bà trong giảng dạy và biểu diễn. Như đã trình bày bên trên, mỗi chủng loại đàn đều có những thuận lợi nhất định trong mỗi thể loại âm nhạc mà không thể thay thế được. Việc sử dụng song song 2 loại đàn Tỳ bà là phù hợp với yêu cầu giảng dạy và học tập hiện nay tại các cơ sở đào tạo đàn Tỳ bà trên phạm vi toàn quốc. Đối với những bài bản cổ truyền chúng ta sử dụng đàn “Tỳ bà Sài Gòn”, hạ dây thấp hơn quãng 3 hoặc 4 so với đàn Tỳ bà cải biên. Việc sử dụng đàn “Tỳ bà Sài Gòn” phù hợp với thang âm của âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ giúp cho học sinh và sinh viên dễ dàng hơn khi chơi những “ngón đàn” độc đáo theo phong cách cổ nhạc như kỹ thuật. rung,nhấn,vuốt,mổ,chầy,hưởng.

     2.3.2. Một số giải pháp trong thể hiện phong cách âm nhạc.

Trong những vấn đề học thuật bàn về nghệ thuật biểu diễn đàn Tỳ bà, các giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam đã có những phân tích một cách khoa học về việc thể hiện phong cách âm nhạc. Trong phần này, chúng tôi xin được đi sâu vào những giải pháp thể hiện phong cách nhạc cổ, nhạc mới là hai vấn đề quan trọng nhất trong nghệ thuật trình diễn đàn Tỳ bà.

     2.3.2.1. Những giải pháp kỹ thuật trong thể hiện phong cách nhạc cổ

- Giải pháp kỹ thuật cho nhạc Chèo cổ:

Trước tiên chúng tôi xin khẳng định một điều đó là khi chơi những bài bản phong cách như Chèo, Huế, Cải lương chúng ta nên sử dụng đàn gắn phím theo phong cách truyền thống, sau đó mới là những kỹ thuật của từng phong cách. Để chơi chèo tốt cần được học trực tiếp từ các nghệ nhân( khoa nên mời những nghệ nhân chuyên chèo về giảng dạy cho học sinh. Đến các đoàn chèo học hỏi, xem các vở chèo,  học thuộc lời bài hát, chơi theo lời, năm vững về hơi, điệu.

        - Giải pháp kỹ thuật cho nhạc Huế:         

        - Hơi khách tính chất vui vẻ, linh hoạt, trang nghiêm kỹ thuật rung mạnh, nhanh là yếu tố quan trọng.

        - Hơi lễ căn bản như hơi khách, nhưng có rung bất thường ở nốt si, và nốt rung chính lại là la. Khi rung hay mổ thì hơi lễ cần sự mạnh mẽ, dứt khoát, không lê thê.

      - Hơi nam và nam ai đối với âm nhạc cả miền Trung và Nam đều buồn man mác. Trong kỹ thuật diễn tấu, người chơi đàn Tỳ bà cần chú ý là ngón rung phải chậm đều.

     - Hơi dựng của nhạc cổ miền Trung là một loại hơi phát sinh, bởi nó đàn trên bài bản khách nhưng lại rung theo thang âm nam ai, tạo nên một tính chất âm nhạc buồn đặc trưng.

     - Với nam xuân trong âm nhạc Huế, hơi và điệu thường mang tính chất trung tính vì trong có đoạn vui, có đoạn buồn pha trộn với nhau, tập những dạng bài này chủ yếu nghe nhiều lần để cảm và rung mổ đúng chữ nhạc thì sẽ ra chất.

    Sơ đồ biến thiên màu sắc của cá bài bản trong ca Huế( từ buồn đến

vui, từ tối đến sáng):

 

                Các bài bản điệu Nam

Các bài bản điệu Bắc

Hơi Ai

Hơi Dựng

Hơi Khách

+ Quả phụ

+ Nam ai

+ Nam bình

+ Tương tư khúc 

 

+ Nam xuân

+ Tứ đại

+ Hành vân

+ Cổ bản dựng

+ Phú lục chậm;             + Ngũ đối thượng;               + Long ngâm;                + Cổ bản;                          + Lộng điệp;                    + Phú lục nhanh;              + Lưu thủy;                       + Mười bản ngự

       

- Giải pháp kỹ thuật cho nhạc Đờn ca tài tử - Cải lương:

    Dưới đây chúng tôi đã sưu tầm và hệ thống lại những bài bản âm nhạc trong phong cách nhạc Tài tử - Cải lương.

 Nhứt Lý : các điệu Lý; Nhì Ngâm; ngâm Kiều, ngâm thơ, ngâm sa mạc...; Tam Nam : ba bài Nam lớn; Tứ Oán : các bài Oán; Ngũ Điểm : sáu bài Bắc lớn; Lục Xuất : sáu bài ngắn; Thất Chinh : bảy bài nhạc lớn lễ, cung đình; Bát Ngự : tám bài Ngự; Cửu Nhĩ : 2 bài do nhóm tài tử miền Đông biên soạn; Vọng cổ hậu thân của bài Dạ cổ Hoài Lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1920.

      2.3.2.2 Những giải pháp thể hiện phong cách nhạc mới.

     Người nghệ sĩ muốn chơi tốt một tác phẩm mới trước tiên cần tìm hiểu về phong cách, thủ pháp sáng tác của tác giả cũng như nguồn gốc ra đời của tác phẩm đó, tìm hiểu về tâm trạng nhân vật của tác phẩm , đưa cảm xúc của mình, đặt vị trí của mình và trong tác phẩm, tìm nghe những nghệ sĩ đã từng chơi tác phẩm đó để đúc rút ra được phong cách riêng cho mình.

      - Phong cách tác giả, tác phẩm Việt Nam

      Những tác phẩm viết cho đàn Tỳ bà đang được giảng dạy hiện nay tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng như một số những cơ sở đào tạo âm nhạc phần lớn do NSND Mai Phương sáng tác, ngoài ra còn có một số tác phẩm của những giảng viên đàn Tỳ bà như Th.sĩ Phạm Thị Huệ, Th.sĩ Vũ Diệu Thảo…, một số nhạc sĩ như cố NS Nguyễn Thiện Đạo. Chất liệu sáng tác của bà thường được lấy từ những bài dân ca,  hoặc làn điệu cổ truyền sau đó biến tấu trên chất liệu đó, cấu trúc tác phẩm theo lối sáng tác của những nhạc sĩ thời ký cổ điển Viên, tác phẩm gồm 3 phần: A B A

      - Phong cách trong các bài bản chuyển soạn.

     Khi nắm được tính năng, phong cách, ưu nhược điểm của đàn Tỳ trong diễn tấu thì mới có thể chuyển soạn, sáng tác cho đàn Tỳ một cách hiệu quả và ích lợi..

- Những giải pháp kết hợp thể hiện phong cách với cảm xúc âm nhạc:

Điều quan trọng nhất khi chơi tác phẩm âm nhạc là phải chơi đúng phong cách mà không thiếu đi những cảm xúc âm nhạc. Sự kết hợp thể hiện phong cách với cảm xúc âm nhạc là một giải pháp mang tính tổng thể trong nghệ thuật biểu diễn và giảng dạy đàn Tỳ bà.

       2.4. Thực nghiệm sư phạm

       2.4.1.  Mục đích thực nghiệm

     Với mục đích xem xét tính khả thi và hiệu quả của các phương pháp đổi mới trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy kỹ thuật cơ bản cho đàn Tỳ bà bậc Trung cấp chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm sư phạm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

        2.4.2. Đối tượng thực nghiệm

    Đối tượng thực nghiệm là các em học sinh Trung học đàn Tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chúng tôi chia thành 2 nhóm: nhóm Thực nghiệm và nhóm Đối chứng, các em học sinh có sự tương đồng về năm học và về năng khiếu âm nhạc.

         2.4.3. Thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm

    Tiến hành thực nghiệm trong vòng 4 tháng  từ  tháng 3 đến tháng 6 năm 2016 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

         2.4.4. Nội dung thực nghiệm (cuốn BT kỹ thuật cho đàn Tỳ Bà của NSND Mai Phương)

         2.4.5. Kết quả thực nghiệm

     Qua 4 tháng thực nghiệm, chúng tôi kiểm tra 2 nhóm cho thấy:

     Nhóm 1: có kết quả kỹ thuật của tay trái chắc khỏe, kỹ thuật tay phải mềm mại hơn, tiếng đàn đều, mượt mà

     Nhóm 2: do không được chọn lọc những bài tập phù hợp, chuyên sâu khiến các em chưa đạt được những đòi hỏi của kỹ thuật tay trái cũng  như tay phải.

                     Tiểu kết chương 2

     Ở chương 2 của luận văn chúng tôi đi sâu vào việc phân tích những thuận lợi, khó khăn của các tư thế cầm đàn từ đó liên quan đến cách bấm ngón của tay phân tích về những nhược điểm về độ chuẩn của âm thanh và cách khắc phục, kỹ thuật tạo âm của tay phải, chúng tôi lập hai bảng so sánh giữa giáo trình nguyên gốc và giáo trình rút gọn cho phù hợp với việc thời lượng từ 9 năm rút xuống thành 6 năm. đưa ra những giải pháp giúp học sinh chơi tốt nhạc phong cách và tác phẩm mới.

                         KẾT LUẬN

      Đàn Tỳ bà Việt Nam là một trong những cây đàn được du nhập từ Trung Quốc. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, ông cha ta đã dần tạo lập những ngón đàn riêng, làm phong phú cho đàn Tỳ bà Việt Nam và trở thành một nhạc cụ trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong triều Nguyễn, Tỳ bà được sử dụng trong dàn nhạc cung đình. Có thể nói đây bắt đầu là thời kỳ hoàng kim của đàn Tỳ bà. Cho đến năm 1956 đàn Tỳ bà được chính thức đưa vào giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là HVANQGVN). Cho đến này, đã có nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn Tỳ bà đã rất thành công trong sự nghiệp biểu diễn nhạc cổ và nhạc mới. Qua khảo sát, chúng tôi thấy phần lớn nghệ sĩ đàn Tỳ bà đạt được những thành công là do việc rèn luyện không ngừng để có một nền tảng kỹ thuật vững chắc trong đó được bắt đầu bởi giáo trình giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà hệ Trung cấp tại HVANQGVN.

     Ở chương 1 các vấn đề về kỹ thuật đàn Tỳ bà được trình bày một cách khoa học thông qua việc phân tích kỹ lưỡng các yêu cầu kỹ thuật trong tư thế cầm đàn, kỹ thuật tay phải, tay trái và sự phối hợp hai tay. Chúng tôi đã đánh giá về thực trạng giảng dạy đàn Tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và những vấn đề về hệ thống phím cũng như về những thuận lợi và khó khăn của đàn Tỳ bà truyền thống và Tỳ bà cải biên. Qua phân tích về lực lượng giảng viên, học sinh, về tài liệu giảng dạy kỹ thuật, chúng tôi nêu lên những ưu điểm và nhược điểm cần được rút kinh nghiệm và sửa chữa, rút gọn giáo trình nhằm giảng dạy một cách khoa học trong thời gian tới.

      Chúng tôi đã phân tích một cách khoa học và có hệ thống về  các dạng kỹ thuật khác nhau trong giáo trình “Bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà bậc Trung cấp” (tập I và II) của NSND. Vũ Mai Phương. Việc phân tích sâu về các vấn đề kỹ thuật đàn Tỳ bà giúp cho giảng viên trẻ, học sinh hiểu sâu hơn về sự phong phú và đa dạng trong kỹ thuật đàn Tỳ bà (cả trong nhạc cổ và nhạc mới).

Trong chương 2 của luận văn chúng tôi xin đưa ra 2 cách cầm đàn phù hợp với thể loại phong cách âm nhạc khác nhau cũng như trình độ của người chơi đàn Tỳ bà. Cầm đàn thẳng để chơi tác phẩm mới, những bài nước ngoài, chơi những bài sử dụng kỹ thuật chạy ngón nhiều. Cầm đàn ngang khi chơi những bài nhạc phong cách, những bài có tiết tấu chậm, đòi hỏi những kỹ thuật rung , nhấn, vỗ , láy sâu của tay trái. Bên cạnh việc có được một tư thế ôm đàn đúng, chúng tôi đã đào sâu nghiên cứu để tìm ra được phương pháp, cách thức, kỹ thuật trong việc tạo âm, cách cầm móng, cách chọn móng, phân tích cụ thể cách cầm móng như thế nào để tạo ra những âm thanh chuẩn.

      Đàn Tỳ bà có nhiều cách để dây, đối với nhạc phong cách cổ truyền nên để dây chùng nhằm tạo được sự mềm mại khi nhấn nhá, tiếng đàn phù hợp với nhạc phong cách. Còn đối với tác phẩm mới, hòa tấu, dàn nhạc, Tỳ bà nên để dây căng (a = 440) để dễ dàng hòa tấu với những nhạc cụ khác, âm thanh trong sáng, khỏe khoắn. Hiện nay đang tồn tại 2 loại đàn Tỳ bà, chúng tôi phân định rõ ràng những bài bản, phong cách âm nhạc nào thì sử dụng loại đàn Tỳ bà cho phù hợp. Loại thứ 1: Tỳ bà truyền thống theo cách gắn phím 7 bậc chia đều. Loại đàn này phù hợp với những bài bản nhạc phong cách. Loại thứ 2: Tỳ bà cải biên do miền Bắc sản xuất gắn theo hệ thống phím của Phương Tây phù hợp với những bài tác phẩm mới, hòa tấu dàn nhạc. Trong luận văn chúng tôi còn đề cập đến hệ thống đàn gắn theo lối thang bán cung (12 âm) cho những nghệ sĩ theo dòng nhạc đệm ca khúc. Hơn nữa chúng tôi đưa ra những giải pháp khắc phục sự chênh phô của đàn như gắn lại phím bằng tai, hoặc nắn chỉnh dây bằng tay ngay khi chơi.

      Hệ TC của HVANQGVN trước đây là 9 năm nhưng gần đây đã rút ngắn còn 6 năm, chính vì vậy mà lượng bài trong Tuyển tập những bài tập kỹ thuật cho đàn Tỳ bà của NSND Mai Phương là quá tải cho học sinh, chúng tôi đã giảm bớt một số bài tập, chỉ lựa chọn những bài tiêu biểu, những bài củng cố kỹ thuật quan trọng, cần thiết để dạy nhằm đảm bảo được chất lượng để các em vững vàng bước lên cấp học cao hơn.

       Qua phân tích, chúng ta đã thấy được sự đa dạng trong âm nhạc cũng như sự phong phú trong lối chơi đàn Tỳ bà Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta không thể áp đặt một hình thức cụ thể, một phương pháp cụ thể, hay một loại đàn cụ thể để chơi tất cả các thể loại, các phong cách âm nhạc được. Vì sự đa dạng trong âm nhạc cũng như lối chơi, các ngón đàn mà người chơi phải hiểu được ý nghĩa, đặc trưng cụ thể của từng thể loại để lựa chọn nhưng phương pháp kỹ thuật, cách thức để dây cũng như lựa chọn cây đàn cho phù hợp kỹ thuật trong biểu diễn và sư phạm âm nhạc.

                      KIẾN NGHỊ

Đối với giảng viên:

Số lượng bài tập như tập 1 và 2 là quá nhiều, nên chọn lựa để ứng dụng một cách có hiệu quả vào trong thực tiễn giảng dạy, cần tổ chức các cuộc biểu diễn nghệ thuật cho giảng viên và học sinh đàn, cố gắng tìm ra một kỹ thuật chung và hiệu quả nhất để sinh viên có thể dễ dàng học tập và tiếp thu kỹ thuật. Cần tại sự đoàn kết giữa các giáo viên và sinh viên, giao lưu học hỏi lẫn nhau giữa học sinh các lớp, tạo môi trường học ảnh hưởng tốt đến sự tiếp thu và kết quả học tập của học sinh.

Đối với học sinh

Cần tìm ra những giải pháp để khắc phục tình trạng năng khiếu không đồng đều sau khi tuyển sinh vào bộ môn đàn Tỳ bà. đối với những học sinh yếu nên chọn lọc bài tiêu biểu, cho các em học thêm giờ, xem các bạn khác trả bài, nhờ những bạn học sinh lớn hơn, học khá hơn kèm thêm, và đặc biệt là phải giúp các em yếu kém thị tấu được bài ngay tại lớp

Đối với Khoa và Học viện

    Cần tổ chức những buổi hội thảo chuyên ngành phân tích các dạng kỹ thuật khác nhau để giúp cho học sinh có phương pháp học tập đúng nhằm phát triển tốt kỹ thuật và tăng thêm lòng say mê nghề nghiệp đối với các em học sinh TC.

Cần tổ chức các buổi biểu diễn của bộ môn nhằm giúp cho học sinh thực hành được những kiến thức, kỹ thuật mới học và tích lũy kinh nghiệm biểu diễn cho các em.

Nhà trường cần có những trang bị phương tiện giảng dạy và học tập có chất lượng cao: nhạc cụ, bài bản, các phương tiện thông tin truyền thông...

Trên cơ sở hiệu quả cụ thể trong thành tích học tập đã được cải thiện về kỹ thuật diễn tấu cần có những lời khen đối với sự vượt khó của các em nhằm tăng thêm sự tự tin, lòng say mê trong sự tiếp cận với nghề nghiệp. 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn