Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12207589
Luận văn Thạc sĩ Thứ năm, 18/04/2024

Tác giả: Đoàn Phương Anh
Đề tài: Giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sĩ Xuân Khải tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Chuyên ngành: PPGDCNAN (Đàn Tranh)
Mã số: 60.21.02.02
Người hướng dẫn: GS.TS.NSND. Ngô Văn Thành 
Ngày đăng: 05/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

PHẦN MỞ ĐẦU

1.  Lý do chọn đề tài

Trong nền âm nhạc truyền thống mới Việt Nam đã có nhiều tác phẩm được sáng tác cho nhạc cụ dân tộc. Một trong số những nhạc sỹ có nhiều đóng góp cho trào lưu sáng tác tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc là nhạc sỹ Xuân Khải.

Nhạc sỹ – Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải đã sáng tác nhiều tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc, trong đó có Đàn Tranh. Đặc biệt với những tác phẩm nổi bật được viết cho đàn tranh như: Khúc hát ru, Hương sen Đồng Tháp, Mỗi độ xuân về, Xuân quê hương, Giữ trọn mùa xuân v.v... Các tác phẩm đó đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, các làn điệu dân ca truyền thống, đặc biệt được thường xuyên biểu diễn trong và ngoài nước, được đưa vào sử dụng trong giáo trình giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hầu hết các cơ sở đào tạo nhạc cụ dân tộc trên toàn quốc.

Đàn Tranh là một trong những nhạc cụ dân tộc có nhiều tác phẩm mới. Đã có những nhạc sỹ sáng tác các tác phẩm mới cho đàn tranh như: NGƯT Ngô Bích Vượng, NSND Đỗ Thị Phương Bảo, nghệ sỹ Thúy Hoan, Nhạc sĩ Cát Vận, nhạc sĩ Nguyễn Chính, nhạc sĩ Hoàng Dương v.v... Và nổi bật có những tác phẩm của nhạc sỹ - NGND Xuân Khải. Các tác phẩm đàn tranh của nhạc sỹ Xuân Khải chiếm một vị trí rất quan trọng trong chương trình, giáo trình giảng dạy tại hệ Trung cấp và Đại học khoa nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các tác phẩm của Ông mang đậm màu sắc âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không những đã khai thác và phát triển được tính năng của cây Đàn Tranh mà còn nâng cao được khả năng diễn tấu của nhạc cụ này.

Trong chương trình giảng dạy đàn Tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã sử dụng một số tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải. Những tác phẩm đó đã giúp cho học sinh phát triển về mặt kỹ thuật diễn tấu của đàn tranh, đồng thời giúp các em phát triển về cách xử lý tác phẩm, tư duy về nghệ thuật.

Mặc dù học sinh, sinh viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhiều năm nay đã được học và diễn tấu nhiều tác phẩm đàn tranh của Nhạc sỹ Xuân Khải nhưng vẫn chưa thể hiện tốt nội dung tác phẩm, phong cách của tác phẩm, kỹ thuật biểu diễn chưa hoàn chỉnh, vẫn còn những vấn đề về xử lý tác phẩm v.v....

Trong giai đoạn hiện nay với nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, việc đào tạo những nghệ sĩ biểu diễn có trình độ cao đối với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam là hết sức cần thiết, yêu cầu nghệ sĩ trẻ sớm thành tài, sớm đến với công chúng. Vì vậy việc nghiên cứu phương pháp giảng dạy các tác phẩm viết cho đàn Tranh của nhạc sĩ - NGND Xuân Khải là việc cần nghiên cứu nhằm thúc đẩy các học sinh, nghệ sĩ trẻ vươn tới các đỉnh cao.

Trong quy trình đào tạo hiện nay có một số điểm chưa được thống nhất về chương trình, giáo trình. Chưa đưa ra mối quan hệ giữa bài tập và tác phẩm, tiêu chí về kỹ thuật, về sử lý tác phẩm, về tốc độ tác phẩm v.v... Trong chương trình, giáo trình các tác phẩm chưa được sắp xếp theo trình tự sư phạm một cách hệ thống như: Yêu cầu kỹ thuật từ dễ đến khó, nghệ thuật từ đơn giản đến phức tạp, sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Trong việc giảng dạy chưa thực sự đề cao tính khoa học.

Với những lý do đã nêu trên tôi hướng đến đề tài “Giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải tại Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”

2. Lịch sử nghiên cứu

Qua tham khảo các tài liệu và tìm hiểu thực tế, đã có một số công trình nghiên cứu về tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải và một số công trình nghiên cứu về đàn Tranh như:

           Trào lưu sáng tác tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc và những tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải - Nguyễn Thị Tố Mai (1999).

            Cây đàn Tranh và bài bản tài tử cải lương – luận văn Thạc sỹ của NGƯT Ngô Bích Vượng – năm 1999 (chủ yếu nghiên cứu về bài bản tài tử cải lương, phân loại hệ thống bài bản tài tử - cải lương, khái quát một số đặc điểm nghệ thuật của bài bản tài tử - cải lương).

Khai thác kỹ năng diễn tấu tác phẩm mới cho đàn tranh và ứng dụng trong giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – luận văn thạc sỹ của NSƯT Mai Lai, 2008. Luận văn giới thiệu các kỹ thuật diễn tấu tay phải, tay trái của đàn Tranh và một số đặc điểm nghệ thuật trong các tác phẩm chuyển soạn và sáng tác mới viết cho đàn Tranh. Giới thiệu các kỹ năng diễn tấu tác phẩm mới viết cho đàn Tranh.

Bảo tồn, kế thừa nghệ thuật biểu diễn cổ truyền trong dạy và học đàn Tranh- Luận văn thạc sỹ của Nguyễn Thanh Thủy – 2002 (nghiên cứu về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn cổ truyền trong dạy và học đàn Tranh).

Biên soạn giáo trình và giảng dạy đàn Tranh bậc trung học dài hạn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – luận văn Thạc sỹ của Phạm Trà My – năm 2006 (đi sâu vào vấn đề biên soạn giáo trình cho đàn Tranh).

Giảng dạy các bài bản âm nhạc truyền thống Huế cho đàn Tranh trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp – luận văn Thạc sỹ của Nguyễn Ngọc Huyền – năm 2010 (chủ yếu nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Huế và một số kỹ thuật diễn tấu đàn Tranh).

Giảng dạy các bài bản nhạc chèo cho đàn Tranh – luận văn thạc sỹ của Vũ Tô Sa Anh năm 2014. Luận văn chủ yếu nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Chèo. Giới thiệu một số kỹ thuật diễn tấu của đàn Tranh trong âm nhạc Chèo. Giảng dạy các bài bản nhạc Chèo cho đàn Tranh.

Giảng dạy các bài bản dân ca Việt Nam cho đàn Tranh bậc Trung học 6 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – luận văn thạc sỹ của Phạm Thị Hồng Hạnh năm 2014. Luận văn chủ yếu nghiên cứu về dân ca Việt Nam và phương pháp giảng dạy các bài bản dân ca Việt Nam cho đàn Tranh.

Tuy nhiên các công trình nghiên cứu trên chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về việc giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải. Vì vậy tôi mong muốn được đi sâu khai thác, tìm hiểu và tìm ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải tại Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải. Từ đó đưa ra những phương pháp về việc giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp việc hợp lý hóa quá trình dạy và học.

4. Đối  tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

- Các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải.

- Sắp xếp giáo trình, giáo án, phương pháp giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải cho hệ Trung cấp và Đại học tại HVÂNQGVN.

- Nghiên cứu việc tiếp thu của học sinh, sinh viên tại khoa nhạc cụ Truyền Thống HVÂNQGVN, từ đó có phương pháp giảng dạy tốt hơn.

 

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau :

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: sưu tầm tài liệu liên quan, sách báo, phân tích tổng hợp các công trình nghiên cứu, từ đó rút ra tổng kết, đánh giá những đặc điểm của các tác phẩm đàn Tranh và đưa ra phương pháp giảng dạy thích hợp.

Phương pháp thực nghiệm sư phạm: Thông qua các buổi lên lớp, giảng dạy trực tiếp với học sinh, thực tế biểu diễn của bản thân.

Phương pháp chuyên gia: Tìm hiểu, thu thập ý kiến kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu, các thầy cô qua nhiều thế hệ đi trước, học hỏi kinh nghiệm các bậc nghệ nhân, các anh chị em, bạn bè đồng nghiệp. Tiếp thu ý kiến của những nghệ sỹ trực tiếp giảng dạy, biểu diễn.

6. Đóng góp của luận văn

- Luận văn là công trình nghiên cứu chuyên sâu về việc nghiên cứu các tác phẩm Đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

- Trong luận văn cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các tác phẩm đàn tranh của nhạc sỹ Xuân Khải.

- Luận văn cũng góp phần bổ sung, xây dựng giáo trình các tác phẩm cho đàn Tranh hoàn thiện hơn.

 

 

           7. Bố cục luận văn: Ngoài phần mở đầu, luận văn gồm 2 chương

Chương 1: Tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải và thực trạng giảng dạy.

Chương 2: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải.

 

Chương 1:

TÁC PHẨM  ĐÀN TRANH CỦA NHẠC SĨ XUÂN KHẢI VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

1.1. Các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải và đặc điểm diễn tấu

1.1.1. Khái quát các tác phẩm đàn Tranh

Nhà giáo nhân dân - nhạc sỹ Xuân Khải được sinh ra và lớn lên trên một vùng đất âm nhạc Truyền thống. Cụ thân sinh ra ông là nghệ nhân hát văn vì vậy ngay từ nhỏ ông đã say sưa với những làn điệu cổ truyền. Những làn điệu dân ca, ca trù, huế… Sau này đã trở thành mạch cảm xúc của những tác phẩm được nghệ sỹ viết cho cây đàn Tranh.

          Ông đã viết 10 tác phẩm cho cây đàn Tranh, hầu hết các tác phẩm này đã được biểu diễn rất thành công ở trong và ngoài nước, những tác phẩm đó đã trở thành những tiết mục chính trong các cuộc thi Quốc gia về đàn Tranh, các buổi biểu diễn nhạc cụ chuyên nghiệp và liên hoan nhạc cụ dân tộc thế giới. Đa số những tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải nhiều năm qua đã trở thành giáo trình chính để đào tạo bộ môn đàn Tranh từ Trung cấp đến Đại học.

Các tác phẩm viết cho đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải là một bước phát triển cho cây đàn Tranh trong giai đoạn mới. Không những phát huy được tính năng cơ bản của đàn Tranh khi thể hiện các bài bản phong cách cổ truyền, truyền thống, mà đồng thời phát triển được những tính năng mới trong việc thể hiện các tác phẩm mới.

Những tác phẩm viết cho đàn Tranh được nhiều người biết đến như : “Nắng xuân” khoảng năm 1960, “Lá thư tiền tuyến” năm 1964,“Khúc hát ru” năm 1968, “Xuân quê hương” năm 1968, “Hẹn ngày thống nhất” tác phẩm được nhạc sỹ Xuân Khải viết vào khoảng năm 1970-1971,  “Hương sen đồng tháp” nhạc sỹ viết khoảng năm 1981-1982, “Giữ trọn mùa xuân” năm 1985, “Mỗi độ xuân về” năm 1990, “Nắng đẹp mùa thu” năm 1999, “Chuyện tình ngày xuân” khoảng năm 2002.

      Những tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải được sáng tác trên cơ sở tư duy, khúc thức âm nhạc và thủ pháp rất gần với hình thức, cấu trúc của âm nhạc Châu Âu. Các tác phẩm thường được viết ở hình thức hai hoặc ba phần (aba’). Phần đầu thường mang tính trình bày, giới thiệu. Phần hai có tính phát triển. Phần ba (nếu có) thường là tái hiện phần đầu.

 

        1.1.2.  Đặc điểm diễn tấu các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải

Nhạc sỹ Xuân Khải đã viết nhạc cho đàn Tranh theo lối ghi nhạc năm dòng kẻ phương Tây. Nội dung, hình tượng âm nhạc thông qua tiêu đề tác phẩm. Ông đã mang hơi thở của thời đại mới vào các tác phẩm bằng cách đưa các kỹ thuật mới, kỹ thuật phức tạp vào tác phẩm nhưng vẫn giữ được âm hưởng của những làn điệu dân gian, cổ truyền.

Các tác phẩm của ông có giai điệu mượt mà, ngọt ngào, trong sáng và đầy chất thơ. Tiết tấu mang đậm nét âm nhạc dân gian, cổ truyền, lối viết đơn giản, không phô trương kỹ thuật nhưng đã đạt được hiệu quả cao. Ông đã đóng góp một số kỹ thuật diễn tấu mới cho cây Đàn Tranh như : Lối đánh hai tay, búng tay trái, lối Á vòng, Á nhiều vòng…

- Đặc điểm lên dây đàn:

        Trong chương trình đào tạo tại khoa NCTT- HVÂNQGVN học sinh được học hai phong cách đó là nhạc “Cổ” và nhạc “Mới”.  Ở  mỗi phong cách lại có một kiểu lên dây khác nhau để phù hợp với tính chất của các làn điệu, vùng miền.

        Ở các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải việc lên dây đàn cũng hết sức quan trọng bởi hầu hết những tác phẩm của ông được phát triển từ các làn điệu dân gian cổ truyền và thêm các kỹ thuật diễn tấu mới, phần cao trào của tác phẩm với những tiết tấu nhanh, sôi động vì vậy chúng ta phải lên dây đàn có độ mềm và căng vừa phải để có thể vừa nhấn tay trái ra được tính chất, phong cách của từng vùng miền, đồng thời có thể diễn tấu được phần phát triển của tác phẩm. Mỗi tác phẩm có một cách lên dây khác nhau, âm chủ tương ứng trên đàn Piano cũng khác nhau.

Ví dụ 26: Cách lên dây ở tác phẩm “Hương sen Đồng Tháp”  C = C (âm chủ Đô bằng âm Đô tương ứng trên đàn piano)

- Đặc điểm kỹ thuật diễn tấu:

Các tác phẩm viết cho đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải mang đậm nét âm nhạc dân gian cổ truyền. Nhạc sỹ đã phát triển và cải biên một cách tinh tế các làn điệu truyền thống, đưa các kỹ thuật mới và phức tạp vào để tăng thêm phần hấp dẫn cho tác phẩm.

         So sánh kỹ thuật diễn tấu cây Đàn Tranh các bài bản âm nhạc dân gian cổ truyền và tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải.

Trước đây, các làn điệu cổ truyền thường được đánh trên đàn 16 dây, các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải được thể hiện trên đàn 19 dây với âm vực rộng hơn, âm sắc phong phú hơn, tăng thêm hiệu quả cho tác phẩm. So sánh các kỹ thuật diễn tấu theo lối cổ truyền và kỹ thuật diễn tấu tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải như: Ngón Á (vuốt), kỹ thuật gảy đơn, đen hoặc kép. So sánh kỹ thuật tay trái như: Rung, vỗ, mổ, vuốt ...

Đặc biệt tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải đã sử dụng kỹ thuật phối hợp hai ta để tạo ra hợp âm, ngón đệm, hay còn gọi là ngón búng (Pizz), tạo thành một phương tiện kỹ thuật diễn tấu tác phẩm.

1.2 Thực trạng giảng dạy

  1.  

           1.2.1.1.  Hệ Trung cấp

Các tác phẩm được sắp xếp giảng dạy tại hệ Trung cấp 6 năm:

Nắng Xuân

Bổ sung sau này

Chuyện tình ngày xuân

Bổ sung sau này

Nắng đẹp mùa thu

Bổ sung sau này

Hẹn ngày thống nhất

Năm thứ 4

Lá thư tiền tuyến

Năm thứ 4

Khúc hát ru

Năm thứ 5

Xuân quê hương

Năm thứ 5

 

Ở hệ Trung cấp 6 năm chủ yếu để giải quyết các kỹ thuật cơ bản, học sinh được học và nắm vững các bài tập kỹ thuật, các bài tập tổng hợp, các bài tập chuyên sâu về luyện ngón tay phải và rung nhấn tay trái, bài tập kết hợp hai tay… Bên cạnh đó có học sinh được học những bài luyện tập khúc, những bài dân ca, dân ca phát triển, các tác phẩm mới và phân biệt các loại nhạc phong cách như Chèo, Huế, Cải lương.

          1.2.1.2. Hệ Đại học:

Các tác phẩm được sắp xếp giảng dạy tại bậc Đại học 4 năm:

Giữ trọn mùa xuân

Năm thứ nhất

Mỗi độ xuân về

Năm thứ hai

Hương sen Đồng Tháp

Năm thứ ba

 

Sinh viên Đại học được học chuyên sâu về nhạc phong cách, mà các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải hầu hết được phát triển, cải biên từ các làn điệu dân gian, cổ truyền nên việc cảm thụ âm nhạc ở mỗi tác phẩm có phần tốt hơn giúp cho học sinh phần nào truyền tải được tinh thần của tác phẩm. Tuy nhiên những tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải có nhiều kỹ thuật diễn tấu mới và khó, đòi hỏi người trình diễn không những phải am hiểu về các làn điệu mà còn phải có kỹ thuật diễn tấu điêu luyện. Hiện nay các em sinh viên có thể trình diễn được tốt các tác phẩm mới của nhạc sỹ là không nhiều.Vì vậy bên cạnh các bài nhạc phong cách, chúng ta cần nghiên cứu và đưa thêm các bài luyện tập kỹ thuật mới, kỹ thuật nâng cao… vào chương trình giảng dạy, đó là việc cần thiết để giúp học sinhnâng cao chất lượng học tập.

 

 

 

1.2.2. Về phương pháp giảng dạy.

 Từ trước tới nay, phương pháp giảng dạy nhạc cụ truyền thống được sử dụng hai phương pháp chính đó là phương pháp truyền khẩu, truyền ngón và  phương pháp bản phổ ký âm 5 dòng kẻ phương Tây.

Phương pháp truyền khẩu, truyền ngón là phương pháp sư phạm cổ truyền. Học sinh được nghe thầy hát các làn điệu theo từng vùng miền, giới thiệu và hướng dẫn cho trò về tính chất các làn điệu. Sau khi học trò nắm được các làn điệu thì thầy sẽ truyền ngón bằng cách đánh trên đàn cho học trò nghe và đánh theo từng câu.

Phương pháp giảng dạy trên bản phổ ký âm 5 dòng kẻ có đặc điểm sử dụng lối ký âm phương Tây để ghi cao độ, trường độ, tiết tấu, nhịp phách, kết hợp với những ký hiệu riêng của các nhạc sỹ Việt Nam sáng tạo ra để ghi chép những kỹ thuật diễn tấu đặc thù trong âm nhạc cổ truyền dân tộc như:  rung, nhấn, mổ, vuốt, Á…

Cũng như các bộ môn nhạc cụ truyền thống khác, việc giảng dạy bộ môn đàn Tranh khoa Nhạc cụ truyền thống – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ lâu đã kết hợp cả hai phương pháp truyền khẩu, truyền ngón và phương pháp bản phổ 5 dòng kẻ Phương Tây. Sự kết hợp này đã giúp cho học sinh tiếp thu và học tập tốt hơn, mang lại hiệu quả cao cho công tác giảng dạy. Tuy vậy phương pháp giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải còn chưa thống nhất, chưa thực sự mang lại hiệu quả cao như mong muốn.

 

 

1.2.3. Về học sinh:

Người thầy vẫn đảm bảo việc giảng dạy theo đúng chương trình của nhà trường, phụ thuộc vào khả năng tiếp thu và năng khiếu của từng học sinh nên thời gian học các bài tác phẩm của các em khác nhau. Tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải thường được phát triền từ các làn điệu của các vùng miền. Tại hệ Trung cấp 6 năm các em chỉ mới được giới thiệu, làm quen với các làn điệu và nhạc phong cách mà chưa đi sâu vào từng thể loại. Do đó các em chưa được trang bị đầy đủ về các làn điệu, vùng miền, chưa nắm vững kỹ thuật cây đàn Tranh, kiến thức về nhạc châu Âu, nhạc lý còn yếu kém, chưa có xúc cảm âm nhạc. Vì vậy khi vào học các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải còn gặp nhiều khó khăn, học sinh chưa thể hiện tính chất của tác phẩm và chưa đáp ứng được kỹ năng diễn tấu các tác phẩm.

 

Tiểu kết chương 1

Những tác phẩm sáng tác cho đàn Tranh của NGND NS Xuân Khải đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc truyền thống Việt Nam, đồng thời những tác phẩm đó còn là giáo trình đào tạo ở hầu hết các cơ sở đào tạo nhạc cụ dân tộc.

Trong nội dung nghiên cứu của chương 1, chúng tôi đã giới thiệu khái quát 10 tác phẩm viết cho đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải, phân tích những đặc điểm của tác phẩm, cấu trúc tác phẩm, những kỹ thuật đặc trưng của đàn Tranh, ở đó đã có nhưng so sánh giữa các kỹ thuật đàn Tranh trong các bài bản cổ truyền và các tác phẩm mới.

Những kỹ thuật diễn tấu trong các tác phẩm mới đã mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn phát triển, khai thác khả năng thể hiện sự phong phú, đa dạng của cây đàn Tranh Việt Nam.

Trong chương 1 chúng tôi đã đưa ra đánh giá, tổng hợp, phân tích thực trạng giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải ở hệ Trung cấp và Đại học, đánh giá về phương pháp giảng dạy cũng như vấn đề tiếp thu, diễn tấu của học sinh Trung cấp và sinh viên Đại học.

Những vấn đề đã được trình bày trong chương 1 chính là cơ sở và điều kiện cần thiết để đưa ra những giải pháp mới cho nội dung của chương 2.

Chương 2:

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC TÁC PHẨM ĐÀN TRANH CỦA NHẠC SỸ XUÂN KHẢI.

2.1. Giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải ở hệ Trung cấp

2.1.1 Giải quyết các vấn đề về kỹ thuật trong các tác phẩm

 Mục tiêu chung đối với học sinh Trung Cấp là học sinh cần phải được ôn luyện, củng cố và hoàn thiện các kỹ thuật tổng hợp, đặc biệt phải nắm vững phong cách âm nhạc của ba miền Bắc, Trung, Nam, đồng thời luôn làm chủ cây đàn để sử lý các tác phẩm mới một cách tốt nhất. Một trong những mục tiêu quan trọng đối với học sinh Trung Cấp là hoàn thiện các kỹ năng, kỹ thuật. Do đó tiêu điểm giảng dạy đối với học sinh Trung Cấp là chắc chắn từng bước xây dựng nền tảng kỹ thuật, và biết kết hợp kỹ thuật với xử lý diễn tấu tác phẩm.

           * Luyện tập kỹ thuật tay phải:

Ngoài các kỹ thuật truyền thống thường được sử dụng, nhạc sỹ Xuân Khải đã khai thác khả năng diễn tấu và khả năng thể hiện của cây đàn Tranh, nhạc sỹ đã đưa thêm các kỹ thuật mới phức tạp vào các tác phẩm của mình, đặc biệt là kỹ thuật tay phải như:

 Ngón Á ( vuốt), kỹ thuật chạy kép, gảy chồng âm song huyền, quãng 8 song long,  đánh nhiều dây,  vê ( tremolo), bịt dây (Pizzicato), phối hợp hai tay …

* Luyện tập kỹ thuật tay trái:

Kỹ thuật tay trái là một trong những sáng tạo mới trong các tác phẩm của nghệ sỹ Xuân Khải. Các nốt nhấn, rung, vỗ, vuốt … trong các tác phẩm không theo quy luật, lối diễn tấu cổ truyền, mà dựa trên các làn điệu dân ca. Giai điệu mang âm hưởng của các làn điệu dân ca cổ truyền. Tay trái chính là phương tiện để thể hiện âm hưởng dân ca đó. Tuy không phức tạp như các phong cách Chèo, Huế, Cải lương, yêu cầu kỹ thuật tay trái phải thể hiện được đúng phong cách vùng miền, nhưng trong tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải kỹ thuật tay trái cũng rất quan trọng để thể hiện sự đa dạng trong nội dung tác phẩm với những phong cách khác nhau.

        *Phối hợp hai tay:

         Như chương 1 chúng tôi đã trình bày về nghệ thuật trình diễn các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải. Không chỉ là những kỹ thuật tay phải như chạy ngón đơn, ngón kép và những kỹ thuật chạy hợp âm, quãng 8..v..v  mà điểm nổi bật hơn cả là sử dụng kỹ thuật tay trái thể hiện phong cách của các làn điệu dân ca vùng miền, là sự phối hợp của các nốt nhấn với âm thanh của tay phải đã mang lại hiệu quả cao . Đặc biệt tay trái đã trở thành kỹ thuật mới, một phương tiện nhằm thể hiện nội dung tác phẩm như kỹ thuật búng tay trái, bịt dây (Pizzicato), vuốt bằng tay trái.

2.1.2. Xử lý tính chất tác phẩm trong diễn tấu

Các tác phẩm viết cho đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải thường được phát triển và lấy chất liệu âm nhạc dân gian cổ truyền. Tác giả viết giai điệu có chất liệu hoặc bóng dáng, âm hưởng của một bài dân ca, làn điệu một vùng miền nào đó hoặc của một loại hình âm nhạc dân tộc như cải lương …

Ví dụ 100: Trích tác phẩm “Chuyện tình ngày xuân” phần I ô nhịp 1-16, giai điệu chính được phát triển từ dân ca dân tộc Tày.

Phần I, tốc độ vừa phải, tâm sự. Đặc điểm của làn điệu dân ca dân tộc Tày là những âm nảy dây, được xuất hiện từ những ô nhịp đầu tiên của tác phẩm. Giảng viên hướng dẫn học sinh luyện tập kỹ thuật này thật nhuần nhuyễn, tập các bài tập, luyện tập khúc có kỹ thuật nảy dây, sau đó mới tập tác phẩm.

2.2.  Giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải ở hệ Đại học

2.2.1. Xử lý tác phẩm

  • Sự kết hợp kỹ thuật và đường nét giai điệu

Các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải có đặc điểm nổi bật trong giai điệu là tính trữ tình, cảm xúc nhẹ nhàng, thiên về cảnh thiên nhiên. Đường nét giai điệu thường giản dị. Nhạc sỹ Xuân Khải đã dựa trên những yếu tố của âm nhạc cổ truyền để tạo nên những hình tượng âm nhạc mang đậm màu sắc dân tộc và kết hợp với các kỹ thuật của cây đàn Tranh để phát triển giai điệu phong phú hơn.

Ví dụ 104: Trích tác phẩm “Khúc hát ru” 

Đường nét giai điệu

Phần mở đầu giai điệu tha thiết, đàn Tranh solo tự do, tình cảm. 5 nhịp đầu tác giả đã sử dụng kỹ thuật vê tremolo quãng 8 tạo cảm xúc dào dạt. Giảng viên hướng dẫn sinh viên vê từ nhỏ và dồn nhanh đến to, lặp lại hai lần như vậy.

  • Xử lý cadenza

Tác giả đã đưa phần cadenza vào trong một số tác phẩm. Điều đó thể hiện quan điểm tiếp thu âm nhạc châu Âu của nhạc sỹ. Trong âm nhạc châu Âu phần cadenza là phần trổ ngón với những kỹ thuật diễn tấu phức tạp. Các phần cadenza của nhạc sỹ Xuân Khải cũng thường sử dụng những kỹ thuật khó. Tính chất của phần cadenza thường tự do, nhịp độ vừa phải tăng dần đến dồn dập rồi lại giãn ra, đây là một thủ pháp sáng tác của âm nhạc châu Âu.

Để xử lý phần Cadenza giảng viên hướng dẫn sinh viên luyện tập theo 3 bước:

Bước 1:  Luyện tập phần cadenza như một bài tập

Bước 2: Luyện tập kết hợp hai tay

Bước 3: Xử lý tính chất phần cadenza

2.2.2 Phong cách diễn tấu

Động tác diễn tấu

Trong phần nghiên cứu này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu về động tác diễn tấu hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể, chuyển động cơ thể. Động tác diễn tấu là sự kết hợp giữa yêu cầu của đoạn nhạc, hình tượng âm nhạc với ngôn ngữ cơ thể Ngôn ngữ cơ thể, phục vụ cho hình tượng âm nhạc và góp phần tạo nên nội dung tác phẩm có hiệu quả cao hơn. Các em học sinh, sinh viên còn bị hạn chế về việc rèn luyện động tác diễn tấu, các em thường mắc phải những nhược điểm là chưa quan tâm đến chuyển động cơ thể, những động tác cơ thể kết hợp với âm thanh, tiết tấu. Chủ yếu các em quan tâm đến kỹ thuật diễn tấu. Nếu chỉ quan tâm đến kỹ thuật diễn tấu mà không quan tâm đến động tác diễn tấu thì tác phẩm sẽ kém phần hấp dẫn, khó đến gần với công chúng. Sự kết nối giữa âm nhạc và động tác sẽ giúp các em dễ dàng kết nối với khán giả, với công chúng.

  1. .  Thực hành sư phạm

        2.3.1. Thực hành sư phạm hệ Trung Cấp

* Giảng dạy tác phẩm “ Xuân quê hương” năm thứ năm bậc Trung cấp ( xem phụ lục)

Bước 1: Giới thiệu tác phẩm, tác giả

Bước 2: Hướng dẫn học sinh vỡ bài tại lớp

Bước 3: Hướng dẫn cho học sinh tập luyện

Bước 4: Hoàn thiện kỹ thuật và xử lý tác phẩm

2.3.2. Thực hành sư phạm hệ Đại Học

* Giảng dạy tác phẩm “ Hương sen Đồng Tháp” năm thứ ba bậc Đại học (xem phụ lục)

Bước 1: Hướng dẫn sinh viên vỡ bài và luyện tập

Bước 2: Hoàn thiện kỹ thuật và xử lý tác phẩm

Bước 3: Thực hành diễn tấu

                             

Tiểu kết chương 2

Trong chương 2 chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải. Những giải pháp bao gồm việc luyện tập kỹ thuật tay phải với những phương pháp tập luyện các kỹ thuật mới như: Kỹ thuật chạy đơn, chạy kép, hợp âm quãng 3, quãng 8, song long, vê một dây, vê quãng 8 … Và việc luyện tập tay trái với những phương pháp tập luyện các kỹ thuật như: Rung, vỗ, nảy, vuốt, nhấn luyến lên, nhấn luyến xuống …

Đối với hệ Đại học, mục tiêu giảng dạy là hướng đến sự nhuần nhuyễn về các kỹ thuật và cách xử lý tác phẩm. Các tác phẩm có cấu trúc trên cơ sở tư duy, khúc thức âm nhạc châu Âu, do đó có sự chặt chẽ về cấu trúc, đòi hỏi học sinh khi diễn tấu các tác phẩm này phải đặc biệt quan tâm đến cấu trúc của tác phẩm. Nội dung tác phẩm mang tâm hồn âm nhạc truyền thống, nếu được kết hợp tốt với phần xử lý âm thanh, tốc độ của tác phẩm thì nghệ thuật diễn tấu của đàn Tranh sẽ tạo nên những hiệu quả mới.

Trong phần cuối của chương 2 chúng tôi đã thực hiện một số bước thực hành sư phạm đối với học sinh Trung cấp cũng như sinh viên Đại học. Chúng tôi chỉ đề ra những bước mang tính nguyên tắc, còn việc tiếp thu và tiến độ của từng bước phụ thuộc vào năng lực và sự tiếp nhận của học sinh. Dù sao đây cũng là những nguyên tắc cơ bản để các buổi lên lớp được thực hiện trên những nguyên tắc sư phạm, điều đó thể hiện tính khoa học trong phương pháp giảng dạy.

                                   KẾT LUẬN

Luận văn đã nghiên cứu các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải và đưa ra những phương pháp về việc giảng dạy đàn Tranh tại HVÂNQGVN.

Như trong luận văn chúng tôi đã trình bày ở chương 1 là phần cơ sở lý luận và thực trạng của việc giảng dạy 10 tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải. Chúng tôi đã nghiên cứu những vấn đề như khái quát các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải, đặc điểm diễn tấu các tác phẩm: đặc điểm lên dây đàn, đặc điểm diễn tấu. Thực trạng giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải: Các tác phẩm ở bậc Trung cấp, các tác phẩm ở bậc Đại học, về phương pháp giảng dạy, về học sinh.

Chúng tôi đã đi sâu nghiên cứu 10 tác phẩm trong chương trình giảng dạy và phân tích thực trạng trong vấn đề giảng dạy. Chủ yếu chúng tôi nghiên cứu và phân tích về đặc điểm của 10 tác phẩm, về phong cách tác phẩm, kỹ thuật diễn tấu. So sánh đặc điểm diễn tấu các tác phẩm của nhạc sỹ Xuân Khải và đặc điểm diễn tấu các làn điệu cổ.

Trong chương 1 chúng tôi cũng đã nêu ra những hạn chế trong việc học tập và giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải.

Trong chương 2, với mục tiêu nghiên cứu của luận văn đã được chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải. Giải pháp ở hệ Trung cấp, luyện tập kỹ thuật tay phải, luyện tập kỹ thuật tay trái, phối hợp hai tay, xử lý tính chất tác phẩm trong diễn tấu. Giải pháp cho hệ Đại học, vấn đề xử lý tác phẩm, xử lý cadenza, phong cách diễn tấu, thực hành sư phạm hệ Trung cấp, hệ Đại học.

Phần cuối chương 2, chúng tôi đã đưa ra một số mẫu giảng dạy thử nghiệm đối với học sinh Trung cấp và Đại học. Những bước giảng dạy như vậy sẽ mang nhiều tính khoa học và tạo nên hiệu ứng cao hơn, giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học tác phẩm và đạt được hiệu quả tốt hơn.

Luận văn đã có những đóng góp về phương pháp giảng dạy và làm tăng thêm giá trị những tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải trong đời sống âm nhạc truyền thống Việt Nam.

 

KHUYẾN NGHỊ

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi xin có một số khuyến nghị như sau:

Tạo điều kiện cho các em học sinh chuyên ngành được học thêm 1 tiết trong một tuần, để các em được tăng cường học nhiều tác phẩm mới.

Khuyến khích học sinh thường xuyên biểu diễn các tác phẩm mới, ngay cả khi mới học xong tác phẩm. Tổ chức các buổi biểu diễn trong năm học với những hình thức như biểu diễn trong lớp, biểu diễn trong bộ môn, trong khoa và toàn trường, để các em có cơ hội làm quen với sân khấu, với khán giả và hoàn thiện các kỹ năng tổng hợp. Sau này khi ra trường các em sẽ tự tin khi làm nghề.

Đề nghị hiệu đính, bổ sung, biên tập lại và thống nhất các chú thích, chú giải về các ký hiệu để học sinh có thể học tác phẩm dễ dàng hơn.

Đề nghị biên soạn lại giáo trình, tuyển tập các tác phẩm đàn Tranh của nhạc sỹ Xuân Khải cho hệ Trung cấp và Đại học, in ra thành tuyển tập và lưu hành sử dụng, để học sinh có bộ giáo trình chuẩn.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn