Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12247618
Luận văn Thạc sĩ Thứ năm, 25/04/2024

Tác giả: Nguyễn Kiên Quyết 
Đề tài: Âm nhạc dân gian người Nùng tỉnh Bắc Giang
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 60.21.02.01
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Trọng Ánh
Ngày đăng: 04/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài.

Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, miền Bắc Việt Nam. Dân số hơn 1,6 triệu người, sinh sống trên địa bàn ở 9 huyện và 1 thành phố. Địa phương này là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Sán Dìu, Sán Chí và Cao Lan…

Cho đến nay, đã có một số công trình và đề án nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống, văn hoá của người Nùng sinh sống trong tỉnh Bắc Giang, nhưng chưa có công trình nào đi sâu vào nghiên cứu âm nhạc của họ. Bản thân tôi là một giáo viên giảng dạy chuyên ngành âm nhạc của Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Bắc Giang nên có điều kiện tìm hiểu dân ca của các dân tộc trong  tỉnh. Thực trạng cho thấy những vốn quí ấy ngày càng bị mai một, thậm chí nhiều thể loại âm nhạc dân gian, nhiều loại nhạc cụ đang có nguy cơ thất truyền, đi dần vào quên lãng.

        Từ những lý do trên, tôi quyết định chọn đề tài: “ Âm nhạc dân gian người Nùng tỉnh Bắc Giang” cho Luận văn của mình.

      2. Lịch sử đề tài nghiên cứu.

      Dân ca Nùng đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm, mặc dù chưa nhiều nhưng các tác giả đã cho người đọc thấy được diện mạo chung về văn hoá, đời sống, kinh tế của dân tộc Nùng trong tỉnh. Đó là các công trình như:

- Văn nghệ Miền núi Bắc Giang, tập III do Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang, xuất bản 2008. Trong cuốn sách này tác giả: Dương Thị Ánh, có bài viết “Vài nét về phong tục tập quán của người Nùng” ở thôn Trại Trầm, xã Tam Dị, huyện Lục Nam

Ngoài ra còn có rất nhiều cuốn sách viết và đề cập đến con người, quê hương, dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội của các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang như:  

- Truyền thống văn hoá các dân tộc thiểu số Bắc Giang, tư liệu bảo tàng Bắc Giang;

- Di sản văn hóa Bắc Giang bước đầu tìm hiểu văn hóa các dân tộc, Bảo tàng Bắc Giang xuất bản 2006;

- Điều tra văn hoá cơ sở, Tư liệu Sở Văn hoá - Thông tin Bắc Giang; Tư liệu khảo sát của cán bộ Bảo tàng Bắc Giang  năm 2000;

- Văn hóa phi vật thể huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, Viện văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007;

- Phong tục tập quán các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang; Văn hóa dân gian huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang…

Trong những tài liệu, cuốn sách kể trên, hầu hết nội dung dưới góc độ khảo sát, điền dã, thống kê chỉ đề cập đến những vấn đề về thành phần các dân tộc, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, nội dung lời ca trong dân ca của các dân tộc thiểu số đang cư trú tại tỉnh Bắc Giang, trong đó có dân tộc Nùng. Còn về lĩnh vực âm nhạc dân gian của người Nùng, theo tôi được biết  thì cho đến nay chưa có công trình, đề tài nào đi sâu vào nghiên cứu. Như vậy, có thể nói, đề tài của chúng tôi là hoàn toàn mới, không có sự trùng lặp với công trình của những người đi trước.

3. Mục tiêu nghiên cứu.

Đề tài hướng tới sự mã hóa những đặc điểm âm nhạc; mối quan hệ giữa âm nhạc và thơ văn, qua đó khẳng định giá trị nghệ thuật âm nhạc và truyền thống sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Nùng ở tỉnh Bắc Giang.

      4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu.

Luận văn hướng đến một số đối tượng nghiên cứu cụ thể sau:

+ Nguồn gốc tộc người cùng một vài nét về kinh tế, văn hóa xã hội người Nùng ở Bắc Giang.

+ Hệ thống các làn điệu dân ca (2 nhóm) cùng 43─ các làn điệu dân ca phần lớn do chúng tôi sưu tầm và ký âm;

+ 8 loại nhạc cụ còn lưu giữ cho đến ngày nay;

5. Phương pháp nghiên cứu.

 Đề tài thuộc lĩnh vực Dân tộc nhạc học (Ethnomusicology), do vậy, các phương pháp nghiên cứu mà chúng tôi sử dụng trong quá trình viết luận văn bao gồm:

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết, trong đó chủ yếu sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp;

- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn bao gồm: Phương pháp điền dã, quan trắc, phương pháp chuyên gia, thống kê - mô tả, đối chiếu, so sánh…

6. Đóng góp của đề tài.

Nếu đề tài thành công sẽ có những đóng góp:

      - Về mặt lý luận: Tổng kết để nêu lên những đặc điểm âm nhạc trên các phương diện như: Hệ thống làn điệu, thang âm, điệu thức, âm điệu, tiết tấu, nhịp điệu; giới thiệu các loại nhạc cụ; các yếu tố thẩm mỹ trong âm nhạc và thơ văn. Từ đó khẳng định rõ và đánh giá khoa học về những giá trị nghệ thuật và thơ văn của dân ca Nùng trên quê hương Bắc Giang. 

      - Về mặt thực tiễn: Đề tài góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị âm nhạc của các làn điệu dân ca, cũng như giá trị nghệ thuật tổng hợp  trong các lĩnh vực đào tạo truyền nghề, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng. Đặc biệt thông qua sự mã hóa các đặc điểm âm nhạc, đề tài có thể cung cấp cho giới sáng tác những chất liệu cần thiết về thang âm - điệu thức, âm điệu đặc trưng cũng như những cấu trúc mang tính bản thể khác.

 7. Bố cục luận văn.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục. Nội dung của luận văn gồm 2 chương:

Chương 1: Tổng quan về âm nhạc dân gian người Nùng tỉnh Bắc Giang.

Chương 2: Đặc điểm âm nhạc. Mối quan hệ giữa âm nhạc và thơ văn.

 

Chương 1

TỔNG QUAN VỀ ÂM NHẠC DÂN GIAN NGƯỜI NÙNG

 TỈNH BẮC GIANG.

1.1. Đôi nét về lịch sử, địa bàn cư trú cùng các vấn đề kinh tế; văn hóa, xã hội; tín ngưỡng, tôn giáo của người Nùng ở Bắc Giang.

1.1.1. Đôi nét về lịch sử, nguồn gốc tộc người.

Theo Báo cáo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Giang, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II, tháng 9 năm 2014 về tình hình dân tộc và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc giai đoạn 2014 - 2019 cho biết:

Dân số toàn tỉnh hiện có gần 1,6 triệu người, với 21 dân tộc, trong đó có 20 thành phần dân tộc thiểu số, với 200538 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh, cụ thể: dân tộc Nùng 76878 ngư­ời, chiếm 38,34% còn lại là các dân tộc khác.

1.1.2. Địa bàn cư trú.

Dân tộc Nùng cư trú chủ yếu ở các huyện như: Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động và rải rác ở các huyện thị trong tỉnh. Hiện đang sinh sống ở tỉnh Bắc Giang có các nhánh Nùng chủ yếu là: Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo và Nùng Inh, dân số gồm 76,878 người. Có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Nguồn gốc người Nùng ở Bắc Giang là di cư từ tỉnh Lạng Sơn xuống.

  1.1.3. Kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

 1.1.3.1. Kinh tế.

Kinh tế chủ yếu của người Nùng hiện nay là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và mô hình vườn, ao, chuồng. Bên cạnh kinh tế chính là nông nghiệp, những ngành nghề thủ công cũng rất được chú trọng và phát triển.

1.1.3.2. Văn hóa, xã hội.

 Người Nùng chủ yếu là sinh sống quần tụ với nhau trong một khu vực nhất định gọi là thôn, bản, cũng có trường hợp sống xen kẽ với các dân tộc khác nhưng ít. Các nhánh Nùng sinh sống ở Bắc Giang có nhiều dòng họ như: Hoàng, Nông, Hứa, Lý, Lục, Đàm, Chu, Triệu, Lâm, Vi, Hà, Long, Phùng...

Kiến trúc ngôi nhà của đồng bào Nùng gồm có: Nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn - nửa đất. Về nhà sàn, người Nùng làm theo kiến trúc Tày Nùng (ba gian - hai trái, hoặc năm gian - hai trái).

Trong ngôi nhà của người Nùng có kết cấu, bố trí nhiều bàn thờ với nhiều bát hương: Bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên ngoài ra còn có bàn thờ mụ, bàn thờ bà cô, ông mãnh... Trang phục truyền thống của người Nùng đều được làm bằng các loại vải như: Lụa tơ tằm, diềm bâu, vải phin nhuộm chàm. Giầy dép tương tự như người Kinh.

 Quan niệm của người Nùng về tôn ti trật tự trong gia đình cũng giống như các dân tộc khác theo chế độ phụ hệ: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người đàn ông (người cha) là chủ gia đình và phổ biến vẫn là hai thế hệ cùng chung sống (bố mẹ và con cái).

Chúng tôi xin điểm qua một số phong tục như: Tục dán giấy đỏ, Tục lập bàn mụ cho đứa trẻ mới sinh; Tục sinh nhật cho người cao tuổi; Tục cúng thổ công đầu năm và một số các tục hèm khác.

Đồng bào ăn tết Nguyên đán cổ truyền, tết Thanh minh cùng với tết của người Kinh, thêm vào đó còn có Tết Sổ lộc hay gọi là Tết Bàn mụ vào mùng 6/6 Âm lịch. Đồng bào cũng có rất nhiều lễ hội trong năm, nhưng đáng chú ý hơn cả là lễ hội Lồng tồng (Hội xuống đồng).

1.1.3.3. Tín ngưỡng, tôn giáo.

Cuộc sống tín ngưỡng của người Nùng từ trước cho đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng trong mối quan hệ xã hội cộng đồng, tuy nhiên vẫn có sự kế thừa, tiếp thu và cải biến. Theo quan niệm của người Nùng thì người đại diện cho việc kết nối giữa cõi Âm và cõi Dương là những thày Tào, thày Mo, thày Then...

Theo ông Lê Đức Hải một nghệ nhân hát then xã Tiến Thắng, Yên Thế, Bắc Giang cho biết: Những người làm thày Mo, thày Tào, thày Then… là những người được tôn trọng nhất và người có thể xem trước được tiền vận, hậu vận của con người. Những người này có nhiệm vụ tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng trong cuộc sống. Trở thành người làm Thày thì cần được phong qua các phẩm chức, tước vị. Trước tiên là Lễ Cấp sắc (Pú nặm khinh) hay gọi là phong sắc; tiếp theo là các chức như: Thày Tào (Pồ tào), với chức tước này Thày Tào có được quyền cắp sắc cho bà Then và cúng đám ma; Thày Mo (Pổ mo, Pổ pháp), với chức tước này Thày Mo có thể làm được giải hạn, cúng mụ... Sau cùng là chức thày Then, bà Then (Pật slin - Pật pháp), với các chức tước này các thày Then có quyền cúng giải hạn, cúng mụ sinh, cúng vào nhà mới, mừng thọ, khao tổ, chuộc hồn, chuộc vía, bỏ tang, cơm mới, bắc cầu nối số...

Đồng bào người Nùng trong một năm và trong vòng đời có rất nhiều nghi lễ thờ cúng. Chúng tôi xin giới thiệu một số nghi lễ cụ thể sau:

 Lễ Mừng thọ (pảu khảu lưừng),  lễ này chỉ làm cho những người có tuổi từ 50 - 60 tuổi trở lên và phải yên bề gia thất. Trong nghi lễ thì rất nhiều bài cúng then với nội dung là chúc cho người được làm lễ sống lâu, hạnh phúc, bình an. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi xin được giới thiệu một số bài then cổ được dùng trong nghi lễ cụ thể theo thứ tự sau: Bài: 1 Soi hương (Thỉnh quân quyền), bài 2: Vào tổ tiên (Khảu cha đảm), bài 3: Vào Thổ công - Thổ địa (Thổ công - Thổ kỳ), bài 4: Cường mế - Cường may (Người sinh ra con hương),  bài 5: Cháo slử - Cháo cường (Lớp dạy làm thày), bài 6: Mượn gậy yêu tinh (Râm tạu rà rấn, rà rai),  tiếp đó là bài 7: Qua (Khau khác, khau ai), bài 8: Săn hươu, săn nai (Tháu quang, tháu nạn), bài 9: Vượt biển (Khảm hải)...

Ngoài ra còn có nhiều nghi lễ khác nữa như: Mừng nhà mới (Khẩu lừn mấây); Làm nhà mới; Mụ sinh (Mậu mế, mậu slâng); lễ cúng Tứ phủ, Long Vương (Slí phủ); Giải hạn (trải hạn); lễ Bắc cầu nối số (Slip cầu tâu slổ); lễ Tiễn bạch hổ (Sao thái bạch) Pẹc hổ; lễ Trải số đào hoa (Trải khái lạng bân); lễ Trải cung kiếm (Căm pân, căm chín); lễ Trải quan sấm sét (Lòi phầy, lòi phạ); lễ Tiễn hoa héo (Slúng boóc héo); lễ Trừ yêu tinh quỷ quái (Slúng phi châng); lễ cúng Bà cô, ông mãnh (Thai ón, mèng pài)...

 Thờ Tổ tiên (Trổ trông), bàn thờ được đặt ở vị trí sang trọng, giữa nhà để đặt bàn thờ; Thờ Táo quân (Cống tráo), dân tộc Nùng thờ Táo quân thường là thờ ở dưới bếp, nơi đun nấu, cũng có dòng họ cho lên nhà chính thờ cùng vị trí với tổ tiên, nhưng để ở bên cạnh; Thờ Mụ sinh (Mậu slâng), vị trí thờ cũng ở gian giữa nhưng cao hơn bàn tổ tiên, thấp hơn bàn thờ phật, để ở bên cạnh. Nùng Cháo thì thờ Mậu sinh ở trong buồng gần nơi nghỉ; Thờ Thần nước (Pác lùng, pác bó) nơi lấy nước sinh hoạt hàng ngày; Thờ quan Sơn thần - Thổ địa - Thần đất (Thổ kỳ, Thổ công), thờ các vị thần này đều ở một vị trí khu đất cao ráo, thoáng mát, riêng dân tộc Nùng Cháo thì cả làng bản thờ tập trung tại một nơi; thờ Hang sàn tại vị trí gần chuồng trại chăn nuôi gia súc hoặc đầu nhà, gầm sàn và trong một năm chỉ thực hiện nghi lễ cúng có 3 lần là ngày tết Nguyên Đán (01/01) - Tết Thanh minh (03/03) -  Tết Sổ lộc (6/6) âm lịch; thờ quan coi cửa nhà (coi tu), vị trí thờ ở cửa ra vào theo quan niệm là ông quan trông coi nhà cửa cho gia đình (như người gác cổng, bảo vệ); thờ Gốc thần thánh (Cốc pháp), thờ này chỉ đối với những dòng họ, gia đình có người làm Thày (Thày Mo, Then, Tào) thờ ở vị trí cùng với tổ tiên nhưng ở bên tay trái từ trong nhìn ra.

Nghi lễ cúng Then.

Cúng Then gồm rất nhiều nghi lễ: Cúng vào nhà mới, cúng mừng sinh nhật, lúa mới, cúng mụ, giải hạn, cầu lộc, cầu tài, cúng cầu an, chữa bệnh,  chuộc hồn, bỏ tang, bắc cầu nối số, tiễn hoa héo, trừ tà ma, phong ấn... Lễ vật trong nghi lễ gồm lợn, gà, hoa quả, vàng mã... tùy từng nghi lễ then mà chuẩn bị các lễ vật có khác nhau. Thường thường nghi lễ này được tổ chức vào mùa Xuân và mùa Thu, làm lễ trong nhà và tổ chức vào buổi tối. Hát trong tiến hành nghi lễ then chủ yếu là những bài then cổ, nội dung kể về một hành trình đầy gian nan vất vả của người làm then cùng một đội quân âm binh đầy dũng mãnh, quả cảm (đây là đội quân âm binh của thày then). Đội quân này có tướng chỉ huy, được trang bị vũ khí tinh nhuệ cùng ngựa chiến. Sau khi soi hương (thắp hương) xin phép thần thánh, tổ tiên để đi dâng lễ, thày then sẽ hóa thân theo mây, gió cùng các binh lính lên đường dâng lễ vật đến các cấp vị quan tối cao để họ chứng giám. Nội dung các bài then trong quá trình đưa lễ rất phong phú, đa dạng

1.2. Các thể loại dân ca.  

Dân ca của người Nùng tỉnh Bắc Giang có hai nhóm được phân chia theo tiêu chí thực hành xã hội. Đó là :1) Các bài hát dùng trong nghi lễ tín ngưỡng phong tục. 2) Các bài dân ca trong cuộc sống sinh hoạt đời thường. Dân ca trong nghi lễ gồm những bài hát Then cổ, còn dân ca trong sinh hoạt gồm các bài thuộc Sli Sloong hao, hát Lượn, hát Ru… Dân ca Nùng có nhiều cách thể hiện như: Đơn ca, song ca nữ, tốp ca. Nội dung phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của con người về quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, con người với thế giới tâm linh… Trong các bài dân ca của họ đều có giai điệu rõ ràng, trầm, bổng, du dương, êm ái, lắng đọng với nhiều cảm xúc.

1.2.1. Dân ca nghi lễ, phong tục.

- Hát trong nghi lễ thờ cúng.                    

Dân ca trong nghi lễ chủ yếu thuộc về các bài hát Then cổ - là một thể loại hát rất đặc biệt của người Nùng. Các bài hát Then thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con người đối với các đấng thần linh, phật, thánh và tổ tiên, các bậc sinh thành. Trong nghi lễ then, các bài hát then cổ được cất lên cùng với cây Tính tẩu đệm theo và được hát ở trong nhà do các ông Then, bà Then hát. Khi hát ngoài trời với nhiều người hát, thì ca từ trong của các bài then cổ thường được rút gọn hơn và thêm vào đó là một số từ mới phù hợp. Còn khi được dùng chính thức trong hát nghi lễ thờ cúng, giai điệu và lời ca không có sự thêm bớt. Nhìn chung các bài hát then cổ hát theo nhịp đồng độ, cao độ thường ở âm khu trung phù hợp với hát khi làm lễ.

- Hát đám cưới.

Phong tục cưới của người Nùng Bắc Giang gắn với những bài hát riêng,  được hát khi nhà trai đến đón dâu và khi cô dâu về nhà chồng.

Khi nhà trai sang nhà gái đón dâu, nhà gái để một chiếc ghế ở cổng (tượng trưng cho đóng cổng) và nhà gái đứng ở đó đón tiếp nhà trai. Khi nhà trai đến thì phải trải qua những bước thử thách cụ thể do nhà gái đưa ra bằng các bài hát với nội dung về việc nhà trai đến đón dâu. Nhà trai đến đón dâu phải trả lời được bằng cách thể hiện các bài hát đối đáp do nhà gái đưa ra, nếu qua được thử thách thì nhà gái sẽ mở cổng để nhà trai vào đón dâu. Ở đây người hát là bạn của chú rể (phù rể) còn nhà gái là bạn của cô dâu (phù dâu).

Ngoài hoàn cảnh khi cô dâu về nhà chồng, những bài hát Mời trầu, mời rượu còn được hát ở các cuộc gặp mặt hay các cuộc vui khác, với ý nghĩa thể hiện sự yêu quý, kính trọng khách khi đến chơi nhà. Bài hát được gia chủ hát thay cho lời mời thông thường.

 1.2.2. Dân ca trong sinh hoạt đời sống.   Các bài dân ca sử dụng trong sinh hoạt đời sống thường ngày của người Nùng gồm có các làn điệu sau:Sli (Sli nàng ới, Sli Sloong hao), Lượn, hát Ru.

- Sli nàng ới. Trong lời hát của điệu Sli nàng ới luôn có sự liên tưởng, ví von, thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình con người. Dù lời hát nói về cây cối, trăng sao, năm tháng, các mùa, ngày giờ trong năm, ban ngày, ban đêm… thì nội dung vẫn là để nói về tình cảm, tâm trạng và nguyện vọng thầm kín của con người. Khi hát Sli nàng ới không cần nhạc cụ đệm hay điệu múa đi kèm, người hát có thể hát bất cứ lúc nào, chỗ nào miễn là có đối tượng để hát đối.

- Sli Sloong hao. Tiếng Nùng “Sloong hao” nghĩa là: hai ta, đôi ta. Hát Sli Sloong hao, là lối hát đối đáp giao duyên có từ lâu đời của dân tộc Nùng. Hát giao duyên là những điệu hát chính của Sli Sloong hao thường được hát lên trong đám cưới và đời sống thường nhật.

Các nhóm trai gái Nùng từ 5 - 7 người thường rủ nhau đi chợ phiên, khi trăng rằm, khi xuân đến để hát với nhau. Trong khi hát, trai, gái ngồi hai bên đối diện trai một bên, gái một bên. Qua những cuộc hát tập thể kéo dài nếu tìm được bạn ưng ý, các nhóm tách nhau ra để hát đối. Lúc này, họ hát những bài mang tính tâm sự, thổ lộ nỗi lòng và những lời sâu kín từ trái tim.

Hát Sli Sloong hao còn được hát ở trong nhà khi chủ và khách gặp nhau. Các cuộc hát có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng. Đặc điểm khi hát Sli Sloong hao, hát không cần nhạc cụ đệm và hát liên tục, ứng tác theo ngữ cảnh của cuộc hát. Thời gian và địa điểm hát không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện gì, họ có thể hát trong nhà, ngoài trời, lao động, chợ phiên… miễn là có đối tượng để hát. Mở đầu bài hát Sloong hao thì bao giờ cũng có từ “i nhan an (a)” và ở giữa các từ chính là sự lồng ghép của từ phụ. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài hát Sli Sloong hao như: Tháng giêng, Hẹn hò, Ra đồng cũng muốn có nhau, Uống rượu… 

Hát Sli Sloong hao trở thành một phần không thể thiếu trong đám cưới và trong cuộc sống của người Nùng. Theo phong tục của dân tộc, khi chọn phù dâu hoặc phù rể, nhà trai, nhà gái lựa chọn những người có ngoại hình đẹp, phẩm chất đạo đức và thành phần xuất thân phải cơ bản tốt. Cùng với đó, các phù dâu, phù rể phải là những người có khả năng ca hát.

Hát đối đáp giao duyên là thể loại chiếm ưu thế trong dân ca người Nùng vì nó chiếm một số lượng bài bản rất lớn. Trong số đó, “Cổ lẩu” là bài hát được hát nhiều trong các ngày vui, tiệc tùng và đám cưới, ngày hội.

- Hát Lượn. Trong nhóm các bài hát giao duyên, làn điệu Lượn cũng là một trong những thể loại mà người Nùng rất yêu thích. Nội dung của các bài Lượn thường thể hiện sự yêu thương của đôi trai gái, thể hiện niềm ước ao gắn bó với nhau trong cuộc sống. Đặc điểm của Lượn, mở đầu bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Ni a, Ni ơi” kéo dài. Trong thể loại này khi hát cũng không cần nhạc cụ nào đệm theo. Trong các cuộc hát Sli Sloong hao của người Nùng, khi kết thúc thường có một người đại diện cho nhóm đứng ra hát bài lượn, bài lượn này có ý nghĩa là cảm ơn gia chủ đã tạo điều kiện về không gian, thời gian cho cuộc hát.

-  Hát Ru. Hát ru biểu hiện sự trìu mến thân thương, ngôn ngữ phù hợp với tính cách ngộ nghĩnh, trong sáng của trẻ thơ. Đây là thể loại dân ca rất phổ biến, nơi nào có con người cư trú thì nơi đó có hát ru. Nội dung các bài hát ru cơ bản giống nhau về nội dung, ý nghĩa nhưng giai điệu, cách hát của mỗi khu vực có sự khác nhau. Thể loại hát này có giai điệu trữ tình, âm nhạc dàn trải, ngâm ngợi. Những lời ru cổ xưa thường giản dị nhưng rất tinh tế như: "Mẹ đi làm đồng, con hãy ngủ ngon để mẹ đi bắt con cá, con muỗm miệng đỏ, con ong miệng tím, con chim cổ hoa, con trâu sừng rộng, hái được nhiều hoa ngát hương..."

Các bài hát ru của dân tộc Nùng thường được hát theo lối ngâm ngợi. Bên cạnh đó còn có bài hát có nhịp. Thể loại hát Ru tuy không có nhiều làn điệu nhưng đóng góp đáng kể vào kho tàng âm nhạc dân gian của người Nùng tỉnh Bắc Giang. Giai điệu tuy không trau chuốt nhưng phần lời ca chứa đựng ý nghĩa nhân văn, thắm đượm tình mẫu tử.

Tóm lại, trong dân ca người Nùng nếu như hát Then gắn liền với các nghi lễ tín ngưỡng thì các làn điệu Sli nàng ới, Sli Sloong hao, Lượn chủ yếu được dùng trong các lối hát đối đáp giao duyên và trong sinh hoạt đời sống thường ngày của cộng đồng ; hình thức diễn xướng gồm : Đơn ca, song ca nam nữ hoặc tốp ca nam nữ ; nhạc cụ chỉ dùng trong hát nghi lễ tín ngưỡng.      

Qua những chuyến đi thực tế tại cơ sở, khi đi sâu tìm hiểu dân ca Nùng chúng tôi nhận thấy phần lớn các bài hát có từ những thế kỷ trước đã và đang được truyền lại cho thế hệ sau chủ yếu bằng phương thức truyền miệng. Bên cạnh những bài hát cổ, gần đây đã xuất hiện thêm những bài dân ca đặt lời mới, những sáng tác mới mang phong cách dân ca phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi quê hương, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ…

1.3. Hệ thống các nhạc cụ.

Nhạc cụ của người Nùng không có nhiều, gồm có một số nhạc cụ như: Tính tẩu, Tù và, Trống con, Chũm chẹo, Chiêng, Nhạc ngựa, Chuông, Chuông tiết gà. Phần lớn các nhạc cụ này được các thày Tào, Mo, Then dùng trong nghi lễ cúng bái, đặc biệt có Tính tẩu và Nhạc ngựa là hai loại nhạc cụ không thể thiếu trong các cuộc hát then.

Tính tẩu (Đàn tính). Đây là một loại nhạc cụ có cấu tạo gồm: Bầu đàn, thân đàn, ngựa đàn, đầu đàn và 3 dây đàn. Mỗi dây của cây đàn tính có một ý nghĩa khác nhau theo quan niệm gồm: Dây cao nhất gọi là dây thiên tượng trưng cho trời, dây trung tượng trưng cho nhân gian và dây trầm tượng trưng cho miền âm phủ.

Tính tẩu được lên dây theo quãng 4 đúng, hai trong số 3 dây lên trùng âm cách nhau một quãng 8. Cụ thể như: Đồ - Fa - Fa (c1-f1-f2), hoặc Rề - Son - Son (d1-g1-g2).

Cách lên dây Tính tẩu

Tù và: Đây là một nhạc cụ gắn với nghi lễ tâm linh, được làm bằng vỏ con ốc biển to, vì dày nên có tiếng vang vọng xa. Trong cuộc sống của người Nùng, những người làm thày Mo, Tào, Then thường kiêng kỵ các vật liệu làm từ da, xương, sừng trâu bò. Họ sử dụng ốc biển để làm Tù và là vì vậy.

Trống con: Trống con dân tộc Nùng là một trong những nhạc cụ được dùng trong nghi lễ thờ cúng và đám ma

Chuông - là một nhạc cụ được các thày Mo, thày Tào dùng trong nghi lễ cúng, mỗi khi báo hiệu một sự chuyển màn, chuyển đoạn trong các phần cúng; hoặc để làm tăng thêm sự uy nghiêm, linh thiêng trong quá trình làm lễ thì họ lắc chuông.

Chuông tiết gà. Chuông được treo trên tay cầm làm bằng gỗ uốn lượn theo hình con rồng. Khi sử dụng người ta cầm vào giữa hình con rồng giơ lên cao, còn một tay cầm dùi đánh. Chuông được dùng trong các nghi lễ cúng sinh nhật và lễ tang của người Nùng. Đôi khi chuông mới được thỉnh lên một vài tiếng không theo một quy định về tiết tấu nào.

Chiêng - Chiêng là nhạc cụ chính giữ nhịp cho toàn bộ cuộc hành lễ. Khi hành lễ, chiêng bao giờ cũng là nhạc cụ lên tiếng trước (khai lồ) mở đường cầm chương, giữ nhịp.

Chùm nhạc ngựa. Nhạc ngựa có cấu tạo gồm các dây xúc xích làm bằng đồng thau hoặc sắt tạo thành các vòng tròn nhỏ móc nối vào nhau. Số lượng dây xúc xích và các vòng tròn nhỏ nhiều hay ít theo quan niệm nhưng thường có từ 15 đến 21 vòng. Các  vòng này được kết nối vào một chiếc bản đồng có quai để cầm khi sử dụng. Trên các dây có treo thêm những quả nhạc (thường có từ 5 đến 7 quả

Chũm chọe - cũng là một nhạc cụ thuộc bộ gõ, họ tự thân vang củ người Nùng. Bộ chũm chọe gồm có; chũm chọe đực, chũm chọe cái và chũm chọe con. Mỗi một bộ thì tùy vào từng việc cụ thể trong các nghi lễ mà người sử dụng bộ đực, bộ cái hay bộ con và có thể cùng dùng trong một lúc.                            

Tiểu kết chương 1

Người Nùng di cư từ tỉnh Lạng Sơn xuống Bắc Giang khoảng 300 năm trước. Họ sống theo làng bản và ở những nơi có địa hình cao ráo, bằng phẳng thuận lợi cho sinh hoạt đời sống và phát triển kinh tế, có mối quan hệ xã hội mật thiết rõ ràng, có tiếng nói và văn hóa riêng.

Âm nhạc dân gian của người Nùng có nhiều thể loại hát như: Hát Sli Sloong hao, Then, Lượn, hát Ru…với nhiều hình thức trình diễn như đơn ca, song ca, tốp ca. Ngoài các không gian thiêng gắn liền với nghi lễ Then và hát Then, trong sinh hoạt âm nhạc đời thường, người ta có thể hát với nhau ở mọi nơi, mọi chốn: Hát trong nhà, ngoài trời, trên bến, dưới thuyền, ngày lễ, tết... Mỗi một thể loại hát có ý nghĩa, nội dung khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là phản ánh đời sống hiện thực. Có những bài, làn điệu được hát có nhịp phách, nhưng cũng có bài hát theo nhịp tự do.

      Nhạc cụ của người Nùng cũng như một số dân tộc khác sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là không nhiều. Ngoài cây Tính tẩu, còn lại các nhạc cụ thuộc họ màng rung, tự thân vang và hơi như: Trống con, chũm chọe, chuông, chuông tiết gà, nhạc ngựa, tù và. Các loại nhạc cụ này được sử dụng trong nghi lễ cúng tâm linh, thần thánh, trong đám ma, chay… Còn cây Tính tẩu và chùm nhạc ngựa thì gắn liền với các cuộc hát then với chức năng phần đệm.

Âm nhạc dân gian của người Nùng có nội dung sinh động, phản ánh đời sống nội tâm phong phú nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị. Gắn liền với những buồn vui, trăn trở, no đói, hạnh phúc trong đời sống thường nhật của con người, do đó mà dân ca Nùng đã tạo nên bản sắc riêng, chiếm vị trí xứng đáng trong kho tàng văn nghệ dân gian tỉnh Bắc Giang cũng như của cả nước.

 

 

 

 

Chương 2

 ĐẶC ĐIỂM ÂM NHẠC, MỐI QUAN HỆ GIỮA

 ÂM NHẠC VÀ THƠ VĂN

 

2.1. Đặc điểm âm nhạc.

2.1.1. Giai điệu.

2.1.1.1. Thang âm

Thang âm, điệu thức là chất liệu, là phương tiện biểu hiện của ngôn ngữ âm nhạc, tác động và chi phối giai điệu, góp phần tạo nên sắc thái khác nhau của âm nhạc. Thang âm là một dãy âm thanh có trong bài hát được sắp xếp xuyên giữ vai trò điểm tựa (tạo nên khung âm điệu) cho đường nét giai điệu chuyển động và từ đó tạo nên khung âm điệu. Trên cở sở của sự sắp xếp liền bậc các thang âm có thể hình thành một cấu trúc riêng và từ đó hình thành điệu (trong dân gian còn gọi là hơi).

Điệu thức là mối tương quan giữa các bậc trong thang âm, mối quan hệ về quãng trong thang âm hình thành lên điệu thức, trong đó âm gốc (bậc I) có chức năng ổn định là điểm tựa và chi phối tới các bước đi giai điệu. Theo cách hiểu như vậy thì điệu thức vốn là một khái niệm đã được định hình về quy luật và trở nên phổ biến hơn là so với thang âm (chẳng hạn như các điệu thức 5 âm, 7 âm, các điệu thức trưởng, thứ…).

Qua việc khảo sát các làn điệu dân ca Nùng mà chúng tôi sưu tầm được có thể thấy nổi lên một số loại: Thang 3 âm, 4 âm, 5 âm, và hình thành do sự kết hợp hai loại thang 5 âm. Ở đây chúng tôi nghiên cứu điệu thức với phương diện là lấy một âm (âm gốc) để tính điệu thức trong phạm vi quãng 7, các âm nhắc lại từ phạm vi quãng 8 trở lên là các âm có tính mở rộng của điệu thức không tính vào thang âm của bài.

Thang 3 âm

Có 2 dạng thang 3 âm

- Dạng thứ nhất có cấu trúc: 3t - 2 T

- Dạng thứ hai có cấu trúc: 3T - 3t

Âm vực bài hát có cấu trúc thang 3 âm dạng thứ nhất khá hẹp, nằm trong phạm vi quãng 4 đúng.

Thang âm của bài hát Cổ lẩu gồm 3 âm: Fa# - La - Si

Thang 3 âm thường thể hiện trong những bài hát mở đầu cho một cuộc hát. Giai điệu bắt đầu trên âm khu cao hơn sau đó tiến hành đi xuống thấp dần. Ngoài ra còn gặp trong một số bài hát dạng thang 3 âm thứ hai, có cấu trúc kiểu hợp âm ba trưởng rải. Do vậy mà âm vực của bài hát trở nên rộng hơn (quãng 8). Mặc dù, thang 3 âm trong dân ca Nùng chiếm một tỷ lệ không nhiều, nhưng đã mang lại một mầu sắc đặc trưng. Sự mộc mạc, đơn giản về đường nét giai điệu phần nào phản ánh tư duy thẩm mỹ cũng như lối sống của người miền núi.

      Thang 4 âm

Thang 4 âm trong dân ca Nùng được sử dụng nhiều và phổ biến trong các thể loại như: Then cổ, Sli Sloong hao, hát Lượn, Hát Ru.

Có 4 dạng thang 4 âm như sau:

- Dạng thứ nhất: 3t - 2T - 2T

- Dạng thứ hai: 2T - 2T - 3t

- Dạng thứ ba: 2T - 3t - 2T

- Dạng thứ tư: 2T - 2T - 2t

- Dạng thứ năm: 2T - 2t - 2T.

Dạng thứ nhất được dùng trong các bài then cổ (phong tục), đây là những bài hát được hát trong nghi lễ thờ cúng của người Nùng. Bài hát có âm vực quãng 5 đúng, âm điệu đơn giản.

Dạng thang 4 âm thứ hai (2T - 2T - 3t) thể hiện trong loại hát Sli Sloong hao.

Thang 4 âm dạng thứ hai ta còn gặp ở trong thể loại hát Ru. Bài hát Hát Ru do nghệ nhân Nông Dũng Long hát, tầm cữ âm thanh trong phạm vi quãng 5, với giai điệu có nhiều luyến âm.

Dạng thang 4 âm thứ 3 (2T - 3t - 2T) xuất hiện trong hát Lượn - một thể loại hát trong dân ca Nùng. Bài hát Lượn Xuống đồng có chất liệu thang 4 âm dạng thứ ba: La - Si - Rê - Mi

Thang 4 âm dạng thứ tư (2T - 2T - 2t) xuất hiện trong bài hát Mừng nhà mới là hiện tượng cá biệt. Quãng ½ cung (La - Sib) hình thành trên đường nét giai điệu là nét chấm phá khiến cho màu sắc âm điệu trở nên phong phú hơn so với thang 3 âm. Thang 4 âm dạng thứ năm (2T - 2t - 2T) xuất hiện trong bài Cám ơn gái dọn với thành phần âm Rê - Mi - Fa - Sol được duy trì trong khung âm điệu quãng 4 đúng: Rê - Sol cũng tạo được màu sắc riêng.

Tóm lại: Thang 4 âm trong dân ca Nùng tỉnh Bắc Giang chiếm một số lượng đáng kể và thường xuất hiện trong các bài Then cổ, Sli Sloong hao, Hát Lượn, Hát Ru. Trong hát Lượn và hát Ru thang 4 âm chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài thang 3 âm, 4 âm như đã nêu ở trên, dân ca Nùng còn có một dạng kết hợp của 2 thang âm (thang 3 âm và thang 4 âm) trong cùng một bài hát; cụ thể trong bài Giã bạn khi nữ hát ở dạng thang 4 âm G, Bb, C, D; nhưng khi nam hát lại là thang 3 âm E, F#, G#.

Thang 5 âm

Cũng như các loại thang 3 âm, thang 5 âm xuất hiện không nhiều. Tuy nhiên với thành phần âm phong phú, thang 5 âm xuất hiện rải rác ở hầu hết các thể loại.

Có 4 dạng thang 5 âm:

- Dạng thứ nhất: 2T - 3t - 2T - 2T (tương đương điệu Chủy).

- Dạng thứ hai: 2T - 2T - 3t - 2T (tương đương điệu Cung).

- Dạng thứ ba: 2T - 3t - 2T - 3t (tương đương điệu Thương).

- Dạng thứ tư: 3t - 2T - 2T - 3t (tương đương điệu Vũ).

- Dạng thứ năm: 2T - 2t - 2T - 2T.

Đặc biệt bài hát Mùa xuân gọi bạn thuộc loại hát Sli Sloong hao có thành phần âm nhiều hơn thang âm bởi 5 bậc. Sắp xếp theo trật tự từ thấp lên cao trên nốt Rê (tạm gọi là âm gốc) sẽ định dạng một thang âm 6 bậc: Rê - Fa - Sol - La - Đô - Mi. Tuy nhiên vì sự xuất hiện của dạng cấu trúc này là không  phổ biến do đó, thành phần 6 bậc âm trong bài có thể hiểu là hệ quả của hiện tượng giao thoa 2 loại thang âm 5 bậc: Rê Thương + Rê Vũ mà thôi (Rê - Mi - Sol - La - Đô + Rê - Fa - Sol - La - Đô).

Mật độ các loại thang âm trong 38 bài dân ca thể hiện qua số liệu xắc xuất sau:

- Tỷ lệ thang 3 âm chiếm: 6/38 = 15,7%

- Tỷ lệ thang 4 âm chiếm: 27/ 38 = 71,1%

- Tỷ lệ thang 5 âm và 5 âm kết hợp chiếm 5/ 38 = 13,2%

2.1.1.2. Âm điệu

 Âm điệu là một thành tố cấu thành giai điệu được tạo nên bởi sự nối tiếp các quãng (Interval) từ đó tạo nên các hướng chuyển động hay còn gọi là hình thái giai điệu. Nhìn chung, trong dân ca Nùng phần lớn các bài hát được hát lên theo lối ngâm hoặc theo nhịp độ chậm rãi, âm điệu có nhiều luyến, láy được tiến hành chủ yếu theo các quãng 2 trưởng, 3 thứ, 3 trưởng ngoài ra còn các quãng rộng từ quãng 4, quãng 5, quãng 6 và quãng 8 ít xuất hiện hơn.

Các quãng rộng thường xuất hiện trong các thể loại hát của dân ca Nùng như: Then, Sli Sloong hao, hát Lượn, hát Ru.

      Mô hình âm điệu luyến (Luyến từ 2 đến nhiều cao độ tương ứng với 1 từ).

      Những âm điệu luyến, láy đã làm đường nét giai điệu thêm uyển chuyển, mềm mại và sống động.

Trong dân ca Nùng điển hình nhất là kiểu âm hình luyến 2 âm và 3 âm trên một từ kết hợp với tiết tấu móc đơn, móc kép.

 Âm điệu luyến 2 cao độ lên xuất hiện rải rác trong các Then cổ, Sli Sloong hao, hát Lượn, hát Ru. Âm điệu luyến quãng 2 đã trở thành một nét đặc trưng của các bài Sli Sloong hao. Trong lối hát này các âm điệu luyến thường gắn liền những từ phụ được thêm nhằm chuyển tải ý nhạc.

Ngoài âm điệu luyến 2 cao độ ứng với một từ còn bắt gặp âm điệu luyến gồm 3 cao độ hay 4 cao độ.

Mô hình âm điệu láy. Đây là một dạng âm điệu xuất hiện dưới hình thái thêu lên hoặc xuống quãng 2.

Mô hình âm điệu nhấn luyến. Mô hình này thể hiện qua những nốt hoa mỹ luyến lên nốt chính quãng 2 hoặc quãng 3.

Âm điệu luyến lên quãng 2, 3 bằng các âm tô điểm (Vuốt lên).

Âm điệu thể hiện lối hát vuốt xuống (Glissando). Lối hát vuốt xuống theo kiểu (glissando) chủ yếu xuất hiện trong các bài hát Sli Sloong hao.

      2.1.1.3. Nhịp điệu và các lối hát.

Nhịp điệu phổ biến trong dân ca Nùng là nhịp chẵn, gắn liền với hai loại hát phổ biến là hát có nhịp và hát theo nhịp tự do ( hát ngâm).

- Lối hát có tiết tấu, nhịp điệu rõ ràng.

Ở dạng này từng ý nhạc với sắc thái rõ ràng lúc trầm, lúc bổng đều nhất quán với nhịp điệu của thơ. Điển hình nhất là trong các bài hát có loại nhịp đồng độ. Tuy nhiên, loại nhịp này (3 phách) đã đem lại cho dân ca Nùng một sắc thái mới. Bên cạnh những bài dân ca thuộc dạng nhịp chẵn (2/4) và nhịp lẻ (3/4),  còn có những bài dân ca trong đó có cấu trúc xen kẽ theo thể “nhịp biến đổi” giữa nhịp chẵn và nhịp lẻ (2/4 với ¾).

-Lối hát không có nhịp điệu rõ ràng.

Gắn liền với lối hát kể, người hát có thể tùy ý ngân nga theo cảm xúc thực tại của họ vì chỉ quan tâm đến cao độ nên khi hát nhịp điệu có thể co giãn. Lối hát này chủ yếu xuất hiện trong thể loại Sli Sloong hao - một thể loại hát giao duyên, đối đáp gắn liền với một khung cảnh cụ thể như các cuộc uống rượu, trong đám cưới, trong hội hè của người Nùng. Khi hát, người ta có thể vừa hát vừa phát triển ứng tác lời ca cho phù hợp với khung cảnh. Giai điệu xuất hiện nhiều âm điệu luyến láy và các âm được nhấn, vuốt là đặc điểm quan trọng của lối hát này.

   2.1.2. Cấu trúc:

      2.1.2.1. Cấu trúc trổ hát.

      Cũng như một số dân ca khác, loại cấu trúc bài hát chia thành nhiều trổ là đặc điểm phổ biến trong hệ thống các bài bản. Ở đây, mỗi trổ hát gắn với một khổ thơ.

      Cấu trúc trổ hát là dạng cấu trúc thường xuất hiện trong các bài hát Then cổ, Lượn, ví dụ như bài hát Tiên lạc lồng thế chương có tới 16 khổ thơ. Lời ca các bài hát chủ yếu được chế biến từ các vần thơ 7 từ (Thất ngôn tứ tuyệt), trong đó mỗi câu nhạc ứng với một câu thơ. Có bài xen kẽ giữa thơ 7 từ và thơ 9 từ, giữa câu 7 từ và câu 5 từ.

      2.1.2.2. Cấu trúc bài hát.

      a) Cấu trúc nguyên sơ

      Đây là dạng cấu trúc phổ biến của dân ca Nùng, trong đó để chỉ những bộ phận cấu trúc âm nhạc gần như tương đồng với dòng thơ và khổ thơ. Loại cấu trúc này có giai điệu phụ thuộc vào ngữ điệu và nhịp điệu của lời thơ do đó có sự đồng nhất về cấu trúc, về khuôn khổ giữa câu thơ và câu nhạc. Ở đây với lối hát thơ, âm nhạc hầu như chưa mang tính độc lập, mỗi câu nhạc hình thành trọn vẹn trên một câu thơ, yếu tố từ phụ chưa xuất hiện. Loại cấu trúc ta thường gặp trong các bài then cổ.                   

      b, Cấu trúc làn điệu.

       Nếu dạng cấu trúc nguyên sơ có sự hòa lẫn những đặc điểm bố cục giữa thơ và âm nhạc, thì ở cấu trúc làn điệu, âm nhạc giữ vai trò quán xuyến, chủ đạo.

      Phần mở bài chỉ là một câu hát có hoặc không có nhịp (nhịp tự do) phần lời ca chỉ là những từ đệm lót “i nhan an”, Ni a - ni ơi (anh ơi, em ơi)… Tùy thuộc vào nội dung bài hát mà nét nhạc này có thể hát với tốc độ nhanh hoặc chậm.

      Phần Thân bài là bộ phận chính của bài hát nối tiếp ngay sau phần Mở bài.

      Phần Kết bài: Cũng giống như phần Mở bài, phần Kết bài là một câu hát  ngắn được ngân vang cùng với các từ đệm lót i, a, ô, ôi…  Phần Kết bài cũng xuất hiện ngay sau khi kết thúc phần Thân và thoạt đầu được hát cùng tốc độ như Thân bài rồi sau đó chậm lại để kết thúc.

      Tổng hợp phân loại cấu trúc cho thấy số bài hát có cấu trúc nguyên sơ chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với bài hát có cấu trúc làn điệu cụ thể là:

      - Tỷ lệ bài hát có cấu trúc Nguyên sơ là 25/ 38 chiếm 65,7%

      - Tỷ lệ bài hát có cấu trúc Làn điệu là 13/ 38 chiếm 34, 3%

     

2.2. Mối quan hệ giữa âm nhạc và thơ văn.

      2.2.1. Lời ca

      2.2.1.1. Lời thơ

Thể thơ: Dân ca Nùng tỉnh Bắc Giang chủ yếu sử dụng thể loại thơ có cấu trúc lẻ gồm 5 từ, 7 từ và 9 từ, trong đó thể thơ 5 từ, 9 từ không nhiều. Ngược lại thể thơ 7 từ lại xuất hiện hầu hết trong các thể loại.

Thể thơ 5 từ xuất hiện chủ yếu trong hát Ru và các bài Then cổ. Thể thơ này quán xuyến trong toàn bài hoặc được dùng kết hợp với các thể loại thơ 7 từ, 9 từ như trong trường hợp cụ thể sau:

Thơ 5 từ được dùng kết hợp với thơ 7 từ:

Thơ 7 từ là thể thơ được dùng phổ biến nhất. Nó xuất hiện trong hầu hết các thể loại

Ngoài sự kết hợp với thơ 5 từ, thơ 9 từ còn được kết hợp với thơ 7 từ. Đây là trường hợp khá phổ biến. Ngoài các thể thơ 5 từ, 7 từ và 9 từ còn thấy xuất hiện rải rác các câu thơ 6 từ hoặc 8 từ lồng ghép với các loại thơ lẻ.

Về nội dung văn học.

Lời thơ trong Then cổ có nội dung phong phú. Tuy được dùng chủ yếu trong nghi lễ thờ cúng, tâm linh tín ngưỡng nhưng các bài hát lại đề cập tới nhiều khía cạnh của đời sống, nối liền con người hiện tại với quá khứ và tương lai, giữa cõi âm và cõi dương thông qua các nhân vật là những ông Then, bà Then, thày Mo, thày Tào… Lời ca các bài Then còn mang ý nghĩa giáo lý, răn dạy con người biết ơn đấng tối cao cũng như các bậc sinh thành và giúp con người thoát khỏi những suy nghĩ tầm thường trong cuộc sống trần tục mà hướng đến sự thánh thiện, giải thoát những bức xúc về tâm lý, vấn vương với thế giới tâm linh trong lương tâm, tinh thần. Từ đó, giúp con người trở nên yêu thương, gắn kết với nhau hơn. Lời lẽ trong các bài Sli Sloong hao, lượn thì phản ánh những nỗi niềm sâu kín của con người trong cuộc sống, đề cập tới tình yêu lứa đôi, tình yêu vạn vật xung quanh. Lời lẽ trong hát Ru, gắn liền tình mẫu tử, sự yêu thương đùm bọc, trở che phù hợp với trẻ thơ.

2.2.1.2. Hệ thống từ phụ

Cũng như trong các loại hình dân ca khác, hệ thống từ phụ được phân chia thành hai loại là từ phụ có nghĩa và từ phụ không có nghĩa. Những từ phụ có nghĩa mang chức năng làm rõ ý cho lời thơ, còn những từ phụ không có nghĩa chủ yếu làm nhiệm vụ gia tăng sự biểu cảm. Hệ thống từ phụ trong dân ca Nùng ở Bắc Giang gồm các nguyên âm như “a, á, ư, e, ê, i” và các phụ âm “ai, hứ, hự”, “nhan, lá, lớ , ni ơi”. Hệ thống từ phụ này xuất hiện rải rác trong các bài hát Sli Sloong hao, Lượn, hát Ru, còn ở các bài hát Then cổ thì hầu như hiếm gặp hoặc thậm chí không xuất hiện.        

- Nhóm từ phụ có nghĩa.Mở đầu cho các bài hát lượn những từ phụ có ý nghĩa thường gắn liền với các câu gọi:“Ni a - ni ơi” (Anh ơi, hoặc em ơi). Đây là nhóm từ phụ có nghĩa khá phổ biến, biểu đạt tính đặc trưng của các bài hát Lượn.

- Nhóm hệ từ phụ không có nghĩa. Nhóm này có tần xuất đáng kể trong lời ca các thể loại hát ngoài hát Then. Trong hát Sli Sloong hao, các từ phụ không có nghĩa gồm: nhan, an, ơ, i, a, ơi, u, lá, lớ.

Cụm từ“i nhan a” ngoài mục đích để lấy hơi, lấy giọng chuẩn khi hát còn có tác dụng gây sự chú ý của người nghe. Thông thường các bài Sli Sloong hao do hai người trở lên hát. Từ phụ “ơi, a” xuất hiện khá phổ biến thậm chí trong nhiều trường hợp các từ phụ này lại trở thành yếu tố phổ quát, chiếm hầu hết câu hát.

2.2.2. Nghệ thuật phổ thơ.

      2.2.2.1. Các mối quan hệ giữa thơ và nhạc.

      Khảo sát mối quan hệ tương tác giữa âm nhạc và lời thơ của các bài dân ca chúng tôi nhận thấy nổi lên một số đặc điểm riêng trên các phương diện âm điệu, nhịp điệu và tiết tấu.

      a) Quan hệ giữa các thanh điệu của ngôn ngữ và giữa thanh điệu ngôn ngữ với âm điệu của âm nhạc.          

      Ngôn ngữ người Nùng cũng có các thanh như: huyền (\), sắc (/),nặng (.), hỏi (?) và thanh không dấu (-) như trong tiếng Việt. Những thanh điệu này được thể hiện khá rõ trong lời ca của bài hát.

      Cùng với sự nhất quán về cao độ giữa thanh điệu của ngôn ngữ với âm điệu của âm nhạc, trong nhiều trường hợp còn xuất hiện, hiện tượng cưỡng thanh. Điều này khiến cho tình trạng hát không rõ lời xảy ra. Trong những trường hợp này, âm nhạc hầu như mang tính cố định còn lời thơ thì bị quy thuận.

      b) Quan hệ giữa nhịp thơ và nhịp nhạc.

      Thơ 7 từ gồm các dạng cấu trúc như sau:

      - Một là cấu trúc 3 + 2 + 2 trọng âm thuộc về các từ lẻ (1,3,5,7).

      - Hai là dạng cấu trúc 2 + 2 + 3 trọng âm thuộc về các từ (2 , 4, 7).

      - Ba là dạng cấu 4 + 3 trọng âm thuộc về các từ (1, 4, 7). Loại này thường được vận dụng trong các bài hát không có nhịp.

      Dạng cấu trúc 3 + 2 + 2 phổ biến trong các bài Then.

      Khi phổ nhạc các trọng âm của thơ không được bảo lưu. Nói cách khác trọng âm của thơ không phải lúc nào cũng là trọng âm của nhạc.      Dạng cấu trúc thứ 2: 2 + 2 + 3

      Trái với mối quan hệ không tương đồng về nhịp giữa dạng cấu trúc thơ 3 + 2 + 2 với nhạc, dạng cấu trúc thơ 2 + 2 + 3 khi sang phổ nhạc các trọng âm của thơ vẫn được duy trì để tạo nên mối quan hệ tương đồng.

      Dạng cấu trúc thứ 3:  4 + 3 gắn với loại hát không có nhịp.                 Dạng thơ 5 từ chỉ có một dạng cấu trúc duy nhất: 2 + 3 và thường gắn với lối hát không có nhịp.

      c) Quan hệ về cấu trúc.

      Trong dân ca Nùng, phổ biến hơn cả là các trổ hát ứng với 4 câu thơ. Trong đó:

      - Dạng thứ nhất: Một câu thơ tương ứng với một tiết nhạc và hai câu thơ tương ứng với một câu nhạc, một khổ thơ gồm 4 câu ứng với một đoạn nhạc.

      - Dạng thứ hai: Một câu thơ tương ứng với một câu nhạc; hai câu thơ tương ứng với một đoạn nhạc, một khổ thơ ứng với hai đoạn nhạc.

      Trong các bài hát có lời ca thuộc thể thơ 5 từ thì mỗi câu thơ tương ứng với một đoạn nhạc.

      2.2.2.2. Phương thức phổ thơ

       Nghiên cứu dân ca Nùng chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng với nhiều thể loại dân ca khác về cách vận dụng lời thơ để “chế biến” thành ca từ. Đó là cách thức phổ thơ theo kiểu xuôi chiều và sử dụng các từ phụ đệm lót.

      Thơ trong hát Then thì luôn luôn được hát theo trình tự xuôi chiều, nghĩa là nó luôn luôn được thể hiện lần lượt theo trình tự trong câu thơ mà không cần lặp lại.

      Dạng phổ thơ theo lối “Vay” mà không “Trả”. Đây là một đặc điểm khá độc đáo trong nghệ thuật phổ thơ kiểu xuôi chiều thuộc về hiện tượng “Vay” trước hai từ đầu tiên của câu thơ sau để đưa lên sau cùng câu hát trước. Vì không có sự “Trả lại”  nên câu hát tiếp theo được bắt đầu bằng từ thứ ba của câu thơ sau.

      Nghệ thuật sử dụng các tiếng đệm, lót.

       Qua các từ đệm lót thì giai điệu của lời ca, ý thơ được trở nên mượt mà và từ đó tạo nên được những câu nhạc hoàn chỉnh. Nhìn chung, những tiếng đệm lót này chủ yếu là các nguyên âm đưa hơi như “a”, “hư” v.v… thường xuất hiện trong Sli Sloong hao, hát Lượn, hát Ru còn trong Then cổ thì không được sử dụng. Các từ phụ xuất hiện có chỗ thưa thớt, có chỗ đậm đặc đã làm cho giai điệu trở nên sống động.

 

2.3. Nhạc đàn.

 2.3.1. Chức năng thực hành xã hội của các nhạc cụ.     

Tính tẩu - là nhạc cụ được dùng chủ yếu trong nghi lễ cúng Then, đảm nhiệm phần đệm cho các bài hát Then và được các bà then sử dụng.

Nhạc ngựa - Chủ yếu dùng phụ họa cho các tiết mục hát trong nghi lễ cúng Then, tạo tính sôi động cho bài hát.

Chũm thọe - gồm chũm chọe đực, chũm chọe cái và chũm chọe con. Chũm chọe đực và cái được dùng chủ yếu trong đám ma, đám chay. Mở đầu cho các lễ hội và các hội xuân, lễ hội “Xuống đồng”… còn chũm chọe con thì được dùng chủ yếu trong lễ cúng “Mừng Thọ”.

Chiêng - là nhạc cụ to và nặng nhất trong hệ thống các nhạc cụ của đồng bào Nùng và được dùng chủ yếu trong đám ma hoặc nghi lễ cúng ma.

Chuông - là nhạc cụ dùng chính trong nghi lễ cúng của người Nùng (dùng trong tất cả các nghi lễ) gồm các nghi lễ chúng tôi đã giới thiệu ở phần tín ngưỡng.

Chuông tiết gà - cũng như chuông, chuông tiết gà cũng được dùng trong các nghi lễ thờ cúng của đồng bào

Trống con - là nhạc cụ thuộc họ màng rung duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay, nhạc cụ này được dùng phổ biến trong các nghi lễ và lễ hội của đồng bào. Khi dùng trống con thường kết hợp cùng các nhạc cụ khác.

Tù Và - thường được dùng trong đám ma. Ngoài ra nhạc cụ này thỉnh thoảng còn được dùng trong các lễ hội và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như để tập trung mọi người trong thôn bản…

2.3.2. Chức năng diễn tấu của các nhạc cụ.

Nhạc cụ của dân tộc Nùng chủ yếu phục vụ cho các nghi lễ thờ cúng tâm linh, do vậy chức năng diễn tấu của chúng đơn giản và không có bài bản cụ thể.

Tính tẩu: Khi dùng trong đệm hát then, tính tẩu được sử dụng kèm với chùm nhạc ngựa để tạo hiệu quả về âm thanh và tính chất của bài hát. Ở đây, tính tẩu có vai trò giữa âm chuẩn (lấy hơi) cho giọng hát

Chùm nhạc ngựa: Đây là nhạc cụ được cấu tạo bằng các chất liệu đồng thau, sắt kết nối với nhau bằng các vòng tròn nhỏ giữ nhịp.

Chũm chọe: Chũm chọe chủ yếu được các thày Tào, thày Mo dùng trong các nghi lễ cúng của dân tộc, đặc biệt không thể thiếu trong đám ma. Tất cả hòa cùng với nhịp trống con để tạo nên sự tôn nghiêm và linh thiêng.

Chũm chọe con. Khi dùng, nhạc cụ này được dùng với trống con và chuông, chuông tiết gà.

Chuông và chuông tiết gà: Khi dùng độc lập, chủ yếu do thầy Mo thỉnh chuông trong quá trình làm lễ cúng

Tù và. Trong đám ma trước khi làm các thủ tục cho người đã khuất thì họ sẽ thổi 3 hơi Tù và sau đó mới dùng đến các nhạc cụ khác. Sử dụng trong các công việc chung của làng bản thì Tù Và là nhạc cụ có tính thông báo, tụ tập, mời họp, hoặc các tình trạng khẩn cấp

Trống con: Được dùng dưới nhiều hình thức như: Độc lập hoặc dùng cùng các nhạc cụ khác.

Chiêng. Có hai loại tiết tấu khác nhau khi dùng. Dùng độc lập hoặc dùng chung cùng các nhạc cụ khác

 

Tiểu kết chương 2.

Sau khi phân tích những đặc điểm trong âm nhạc dân gian người Nùng ở Bắc Giang chúng tôi có những nhận xét sau:

Về thang âm điệu thức: Phổ biến nhất trong dân ca Nùng là bốn dạng cấu trúc thang 4 âm. Cùng với đó là hai dạng thang 3 âm và năm dạng thang 5 âm. Ngoài còn có trường hợp kết hợp hai dạng thang 5 âm; thang 3 âm với 4 âm.

Về âm điệu. Có 2 lối hát: Hát có nhịp và hát không có nhịp. Hát có nhịp gắn với các bài Then cổ và hát không có nhịp (kiểu hát ngâm với nhịp điệu tự do, chậm rãi) thuộc về các thể loại Sli Sloong hao, Lượn và hát Ru.

Về loại nhịp. Ngoại trừ nhịp tự do, các bài hát có nhịp thường thể hiện nên tính chu kỳ của loại nhịp chẵn 2 phách. Bên cạnh đó còn xuất hiện loại nhịp lẻ 3 phách và sự hỗn hợp giữa nhịp chẵn (2/4) và nhịp lẻ (3/4). Dạng nhịp này chủ yếu xuất hiện trong hát Then cổ và Sli, Lượn.

Về những đặc điểm về cấu trúc âm nhạc:

Câu trúc nguyên sơ: Chiếm một tỷ lệ lớn gồm: 65,7%.  Loại cấu trúc này ta thường thấy ở các bài dân ca trong nghi lễ gồm Then cổ và một số bài trong hát Sli Sloong hao như: Cổ lẩu, đối đáp trong hát đám cưới.

Cấu trúc làn điệu: Chiếm tỷ lệ ít hơn so với cấu trúc nguyên sơ, chiếm 34,3 % trong các bài dân ca mà chúng tôi sưu tầm và ghi âm được. Dạng cấu trúc này chủ yếu thuộc các bài Sli Sloong hao, Lượn và hát Ru, còn trong các bài thuộc then cổ (thờ cúng) không thấy xuất hiện.

Về cấu trúc lời ca và mối quan hệ giữa thơ và nhạc. Hầu hết phần lời ca được tạo nên từ những vần thơ 7 từ, 5 từ và đôi khi là loại 8 từ, 9 từ.

Mối quan hệ về nhịp tương đồng và không tương đồng giữa thơ và nhạc song song tồn tại.

 Phương thức phổ thơ được thể hiện chủ yếu ở lối phổ thơ xuôi chiều. Tuy nhiên, còn gặp trường hợp cá biệt khi các hiện tượng “Vay” nhưng không “trả” xảy ra trong các câu nhạc.

                 

KẾT LUẬN

Tỉnh Bắc Giang là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên 9 huyện thị và 1 thành phố, trong đó dân tộc Nùng có nguồn gốc di cư từ khoảng 300 năm về trước; địa bàn cư trú của dân tộc này chủ yếu thuộc các huyện miền núi Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, một số ít cư trú rải rác ở các huyện khác trong tỉnh.

Âm nhạc dân gian dân tộc Nùng tỉnh Bắc Giang là di sản văn hóa phong phú và đa dạng có giá trị nghệ thuật độc đáo. Trong đó, các làn điệu dân ca và hệ thống nhạc cụ mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Các làn điệu dân ca được chia thành hai nhóm; một nhóm phục vụ đời sống tâm linh (then cổ); còn nhóm kia thì gắn liền với sinh hoạt đời sống.

Về hệ thống các loại nhạc cụ: Chủ yếu là các nhạc cụ thuộc họ màng rung và tự thân vang như: Chũm chọe, trống con, chuông, chuông tiết gà, chiêng, tù và, tính tẩu, nhạc ngựa. Các nhạc cụ này chủ yếu dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng, ít dùng trong sinh hoạt đời sống âm nhạc hàng ngày.

Đặc điểm về âm nhạc.

Về thang âm điệu thức: Xuất hiện gồm 3 loại: Thang 3 âm, 4 âm và 5 âm, ngoài ra còn có sự xuất hiện một số thang âm kết hợp giữa hai thang 5 âm với nhau, thang 3 âm với thang 4 âm trong một bài hát.   

Về âm điệu: Ngoài những quãng âm điệu bình ổn như quãng 2, quãng 3 còn xuất hiện những âm điệu quãng 4, 5, 6 và quãng 8.

Về cấu trúc.

Cấu trúc bài hát có hai dạng là: Cấu trúc nguyên sơ và cấu trúc làn điệu. Các bài hát có cấu trúc dạng nguyên sơ chiếm số lượng nhiều hơn các bài hát có cấu trúc dạng làn điệu.

Về mối quan hệ giữa âm nhạc và thơ văn.

Trong ca từ, xuất hiện bên cạnh các loại thơ lẻ như 5 từ, 7 từ còn có xuất hiện thơ 8 từ và 9 từ. Ngoài những từ chính trong thơ còn xuất hiện thêm các từ phụ.

Về phương thức phổ thơ: Ngôn ngữ Nùng cũng như Việt xuất hiện các thanh dấu như sắc (/), huyền (\), hỏi (?), nặng (.) và thanh không dấu. Nhìn chung, sự khác biệt về cao độ giữa các thanh dấu luôn được tôn trọng khi phổ nhạc.Tuy nhiên, trong một số bài hát cũng xuất hiện trường hợp cưỡng thanh. Sự vận dụng câu thơ để hình thành lời ca, thơ chủ yếu theo lối xuôi chiều theo đúng trình tự. Các thủ pháp điệp từ, đảo từ ít khi xuất hiện. Trong khi đó sự “Vay” mà không “Trả” một hiện tượng thường gặp trong các bài Sloong hao lại là một thủ pháp khiến cho các câu thơ được “ngoắc” vào với nhau giữa các trổ hát.

                                                                                           

 KHUYẾN NGHỊ

1. Đối với các cấp chính quyền của tỉnh:

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cần nghiên cứu ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất về môi trường cho các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu tham gia.

- Đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho việc sưu tầm, bảo tồn, tuyên truyền thông qua các lễ hội, công tác giáo dục truyền thống văn hóa dân gian ở các làng bản theo định kỳ hàng quý, năm.

2. Đối với trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh. Đưa môn Âm nhạc và Dân ca các dân tộc thiểu số trong đó có dân ca Nùng vào chương trình đào tạo. Tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa nghệ nhân và giáo viên, học sinh nhà trường theo định kỳ cụ thể.

3. Đối với giáo viên và đồng nghiệp.

  Sử dụng kiến thức và âm nhạc dân gian để minh họa cho các bài giảng lý thuyết, hình thức và lịch sử âm nhạc.

 Số lượng về âm nhạc dân gian người Nùng chúng tôi đã thu thập và ký âm để sử dụng trong luận văn này chỉ là góc nhỏ trong kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số của Bắc Giang. Hãy chắp cánh để âm nhạc dân gian người Nùng nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Bắc Giang nói chung bay cao, bay xa, đến với đông đảo khán giả cả nước.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn