Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Thông tin nghiên cứu KH
Luận án Tiến sĩ
Luận văn Thạc sĩ
Biểu mẫu đăng ký NCKH
Mẫu đăng ký GS, PGS
Giáo trình
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12068663
Luận văn Thạc sĩ Thứ ba, 19/03/2024

Tác giả: Nguyễn Khánh Chung
Đề tài: Giảng dạy tác phẩm viết cho đàn Tranh tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội
Chuyên ngành: PPGDCNAN (Đàn Tranh)
Mã số: 60.21.02.02
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh
Ngày đăng: 02/10/2016

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn:

 

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài:

Đàn Tranh là một nhạc cụ rất phổ biến trong đời sống âm nhạc ở Việt Nam, được nhiều người yêu thích từ nông thôn đến thành thị. Với âm sắc trong trẻo, sáng sủa, đàn Tranh có thể đảm nhận nhiều chức năng biểu diễn như độc tấu, hoà tấu trong các tổ chức dàn nhạc truyền thống... Mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ đất nước khác nhưng đàn Tranh đã được Việt hoá rất nhanh và trở thành một loại nhạc cụ dân tộc được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận.

Kể từ sau năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập,  nền âm nhạc dân tộc nói chung, nhạc cụ cổ truyền cũng như đàn Tranh nói riêng đã được nghiên cứu và đào tạo một cách bài bản. Ngoài những hệ thống bài bản nhạc phong cách Chèo, Huế, Cải lương được lưu giữ một cách khoa học còn xuất hiện thêm hàng loạt các tác phầm mới viết cho đàn Tranh độc tấu được sáng tác bởi các nhạc sĩ trong đó có nhiều người là những giảng viên – nghệ sĩ đàn Tranh. Trong luận văn này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu về 10 tác phẩm viết cho đàn tranh của ba nhạc sĩ Phương Bảo, Phạm Thúy Hoan và Ngô Bích Vượng. Những tác phẩm này dựa trên chất liệu dân ca nhưng sáng tác theo nhiều thủ pháp mới, mang hơi thở hiện đại, gần gũi hơn với thời đại ngày nay. Do cả ba nhạc sĩ  đều là những nghệ sĩ biểu diễn đàn Tranh nổi tiếng của đất nước và đồng thời là những giảng viên đàn Tranh đầu ngành nên 10 tác phẩm của họ mang đậm tính kỹ thuật đặc thù và có tác dụng rất tốt khi giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hà Nội.

Tại Khoa Nhạc cụ truyền thống Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hà Nội, đàn Tranh là nhạc cụ được nhiều học sinh yêu thích và theo học tại Khoa. Trong đó, những tác phẩm do ba tác giả Phương Bảo, Phạm Thuý Hoan và Ngô Bích Vượng sáng tác đặc biệt là 10 tác phẩm chúng tôi đề cập trong luận văn này rất được các em yêu thích và chọn để học tập cũng như thi cử. Tuy nhiên, vấn đề giảng dạy 10 tác phẩm của ba nhạc sĩ kể trên lại chưa được các giáo viên chú trọng tìm hiểu. Điều này dẫn đến việc nhiều em học sinh tuy thích học những tác phẩm đó nhưng lại chưa được hướng dẫn một cách kĩ lưỡng nên không thể đánh tốt theo đúng tính chất cũng như yêu cầu mà tác phẩm đề ra. Do đó, việc nghiên cứu sâu về những vấn đề kỹ thuật trong 10 tác phẩm của ba tác giả Phương Bảo, Phạm Thuý Hoan, Ngô Bích Vượng là vô cùng cần thiết đối với công tác giảng dạy đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội.

Để đáp ứng những nhu cầu nói trên, nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc cũng như việc phát triển nghệ thuật biểu diễn và giảng dạy các tác phẩm mới cho đàn Tranh, chúng tôi đã quyết định lựa chọn đề tài của luận văn là : “Giảng dạy tác phẩm viết cho đàn Tranh tại Trường CĐNT Hà Nội”. Đây là một việc làm thiết thực để đóng góp vào công việc giảng dạy, giúp cho các em học sinh có một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn trong quá trình học tập các tác phẩm mới viết cho đàn Tranh tại trường CĐNT Hà Nội.

2. Lịch sử nghiên cứu

      Sau một thời gian tìm hiểu thực tế và khai thác tài liệu, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về đàn Tranh. Chúng tôi đã sưu tập được khoảng 6 cuốn giáo trình và sách học viết cho cây đàn này, 9 cuốn luận văn Thạc sĩ cùng rất nhiều băng đĩa CD. Tuy nhiên, vẫn chưa có tài liệu nào đi sâu vào việc tìm hiểu các tác giả và tác phẩm sáng tác cho đàn tranh và việc “Giảng dạy tác phẩm viết cho đàn Tranh tại Trường CĐNT Hà Nội”.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu:

         - Nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật biểu diễn tác phẩm mới cho đàn Tranh với các kỹ thuật của tay phải, tay trái và phương pháp giảng dạy nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy đàn Tranh tại Khoa nhạc cụ truyền thống - Trường CĐNT Hà Nội.

         - Giải quyết vấn đề dạy cho đối tượng Trung cấp và Cao đẳng.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là đi sâu phân tích về 10 tác phẩm tiêu biểu sáng tác cho đàn Tranh của ba tác giả và nghiên cứu về phương pháp giảng dạy các tác phẩm sao cho hiệu quả.

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

4.1. Đối tượng nghiên cứu

- Nghiên cứu về lực lượng giảng viên, sinh viên và giáo trình giảng dạy đàn Tranh của Khoa NCTT - Trường CĐNT Hà Nội.

- Nghiên cứu về 10 tác phẩm tiêu biểu sáng tác cho đàn Tranh của ba nhạc sĩ Phương Bảo, Phạm Thúy Hoan và Ngô Bích Vượng.

      4.2. Phạm vi nghiên cứu:

            Nghiên cứu về cách giảng dạy và truyền đạt 10 tác phẩm tiêu biểu của ba nhạc sĩ Phương Bảo, Phạm Thuý Hoan, Ngô Bích Vượng và đưa vào giảng dạy ở bậc học Trung cấp và Cao đẳng tại Trường CĐNT Hà Nội.

  1. Phương pháp nghiên cứu:

      Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Sưu tầm, thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh... Phương pháp thực nghiệm sư phạm.

  1. Những đóng góp của luận văn:

            - Tìm ra phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất đối với 10 tác phẩm của ba tác giả Phương Bảo, Phạm Thuý Hoan và Ngô Bích Vượng, qua đó có thể áp dụng cho những tác phẩm khác của ba tác giả này.

      - Đồng thời, đây sẽ là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy các tác phẩm Việt Nam cho các cơ sở đào tạo Trung cấp và Cao đẳng trên phạm vi toàn quốc.

      7.  Bố cục luận văn

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được chia thành hai chương:

Chương 1: Khái quát về tác phẩm và thực trạng giảng dạy

Chương 2: Một số giải pháp

CHƯƠNG 1

KHÁI QUÁT VỀ TÁC PHẨM VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

  1. . Khái quát về tác phẩm viết cho đàn Tranh

Đàn Tranh là một nhạc cụ có âm sắc đẹp và dễ thu hút người nghe, do đó có rất nhiều nhạc sĩ đã dành thời gian để sáng tác những tác phẩm hay cho cây đàn này như tác giả Xuân Khải với Mỗi độ xuân về, Hương sen Đồng Tháp; Doãn Tiến với Nhớ về hải đảo; Vinh Ngọc với Quê hương, Trần Chính với Rặng tre trước gió….

Trong số những nhạc sĩ sáng tác cho đàn Tranh, có ba nhạc nhạc sĩ tiêu biểu mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó là NSND Phương Bảo, NGƯT Phạm Thuý Hoan và NGƯT Ngô Bích Vượng. Ba tác giả này vừa là nghệ sĩ biểu diễn và cũng là những nhà giáo đầu ngành về đàn Tranh của Việt Nam. Bởi vậy ngôn ngữ âm nhạc của họ luôn bám sát với hơi thở của nền âm nhạc dân gian truyền thống, họ cũng thường thể hiện nhiều yếu tố kỹ thuật mới cho cây đàn Tranh trong tác phẩm của mình. Vì thế nên những tác phẩm do họ sáng tác đều được các thế hệ học trò đón nhận và được đưa vào giáo trình giảng dạy tại tất cả các cơ sở đào tạo trên cả nước. Có thể nói rằng đây là ba nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn và sâu sắc nhất đối với sự nghiệp đào tạo cũng như nghệ thuật biểu diễn đàn Tranh của Việt Nam.

  1. Các tác phẩm của NSND Phương Bảo
    1. Tác phẩm Nhớ quê sáng tác cho đàn Tranh độc tấu
    2. Tác phẩm Bình minh trên rẻo cao sáng tác cho đàn Tranh độc tấu
    3. Tác phẩm Sang xuân sáng tác cho đàn Tranh độc tấu cùng dàn nhạc dân tộc
    4. Tác phẩm Biển sáng tác cho đàn Tranh độc tấu cùng dàn nhạc dân tộc.
  2. Các tác phẩm của NGƯT Phạm Thuý Hoan
    1. Tác phẩm Mơ về bến Ngự sáng tác cho đàn Tranh độc tấu cùng dàn nhạc
    2. Tác phẩm Mùa thu quê hương sáng tác cho đàn Tranh độc tấu cùng dàn nhạc
    3. Tác phẩm Chim Quyên sáng tác cho đàn Tranh độc tấu
    4. Tác phẩm Tình ca đất Bắc sáng tác cho đàn Tranh độc tấu
  3. Các tác phẩm của NGƯT Ngô Bích Vượng
    1. Tác phẩm Cảm xúc Tây Nguyên sáng tác cho đàn Tranh độc tấu cùng dàn nhạc
    2. Tác phẩm Ý Xuân sáng tác cho đàn Tranh hoà tấu

 

  1. Thực trạng giảng dạy tác phẩm cho đàn Tranh tại trường CĐNT Hà Nội
    1. Chương trình giảng dạy

Chúng tôi đã thống kê được 08 tác phẩm do ba tác giả sáng tác được đưa vào giảng dạy đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội trong từng năm học như sau:

Biểu 1

Tác phẩm

Tác giả

Năm học

Nhớ quê

Phương Bảo

Trung cấp 4

Cảm xúc Tây Nguyên

Bích Vượng

Trung cấp 5

Mơ về bến Ngự

Phạm Thuý Hoan

Trung cấp 5 - Cao đẳng 2

Mùa thu quê hương

Phạm Thuý Hoan

Trung cấp 6 - Cao đẳng 2

Chim quyên

Phạm Thuý Hoan

Trung cấp 6 - Cao đẳng 3

Bình minh rẻo cao

Phương Bảo

Trung cấp 6

Tình ca đất Bắc

Phạm Thuý Hoan

Trung cấp 7 - Cao đẳng 1

Sang xuân

Phương Bảo

Trung cấp 7 - Cao đẳng 3

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy chương trình đào tạo đã được sắp xếp, phân chia một cách có hệ thống theo từng năm học. Tuy nhiên, chương trình đào tạo tác phẩm của hai hệ Trung Cấp và Cao đẳng vẫn còn bị trùng lặp, chưa có sự thống nhất trong việc đưa các tác phẩm vào từng năm học sao cho phù hợp. Như trong Biểu 1 chúng tôi đã nêu ở trên, có rất nhiều tác phẩm được xếp vào cả hệ Trung cấp và Cao đẳng. Đây là một vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay khi học sinh học ở hệ Trung cấp phải học bài quá khó ở trình độ Cao đẳng cũng như học sinh hệ Cao đẳng lại phải học lại những bài đã từng học ở hệ Trung cấp. Hay như học sinh học hệ Cao đẳng năm thứ 2 đang học phong cách nhạc Huế nhưng lại phải học tác phẩm Mùa thu quê hương mang âm hưởng Chèo là không hợp lí. Điều này đã gây ra sự khó khăn cho giáo viên khi lựa chọn tác phẩm để giảng dạy cho sinh viên cũng như sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải học tác phẩm chưa phù hợp với trình độ của mình. Bên cạnh đó, số lượng tác phẩm giảng dạy ở hệ Cao đẳng vẫn còn hạn chế do chưa có sự tìm tòi, chọn lọc, nghiên cứu một cách nghiêm túc.

            Riêng hai tác phẩm Biển của Phương Bảo và Ý xuân của Ngô Bích Vượng chúng tôi không thấy xuất hiện trong giáo trình giảng dạy. Chúng tôi cho rằng, đưa thêm hai tác phẩm này vào chương trình đào tạo của trường trong phần giải pháp sẽ là một việc làm rất có ích để nâng cao chất lượng giảng dạy.

  1. Thực trạng giảng dạy
    1. Đội ngũ giảng viên

          Lực lượng giảng viên đàn Tranh của Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội hiện nay có 04 người. Đó là các giảng viên, nghệ sĩ đã tốt nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường CĐNT Hà Nội. Trong số giảng viên đàn Tranh cũng có 01 người là Thạc sĩ, 02 giảng viên có bằng cử nhân và 01 giảng viên có trình độ Cao đẳng.

          Nhìn chung, đội ngũ giảng viên đàn Tranh của Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội phần lớn là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy, yêu nghề và có tâm huyết với học sinh. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn thực tế của đội ngũ giảng viên đàn Tranh hiện nay vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí của thời đại mới. Họ chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm đúc rút từ bản thân và từ các thế hệ trước truyền lại, chưa có sự tìm tòi nghiên cứu về phương pháp giảng dạy một cách khoa học. Điều này dẫn đến việc chất lượng học sinh đàn Tranh không được đồng đều do không có sự thống nhất về cách dạy giữa các giảng viên.

  1. Phương pháp giảng dạy

            Tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội, giảng viên bộ môn đàn Tranh nói riêng và các nhạc cụ dân tộc nói chung đều áp dụng phương pháp giảng dạy kết hợp giữa truyền ngón và sử dụng bản nhạc kí âm để dạy học sinh. Giáo viên sẽ giao bản nhạc của tác phẩm mình sắp dạy trong buổi tới cho học sinh để các em tự xem bài trước ở nhà ( vỡ nốt nhạc, tiết tấu…), một số tác phẩm còn có thêm tư liệu nghe nhìn (trong đĩa nhạc đã xuất bản của các nghệ sĩ đàn Tranh, trên internet…). Buổi học đầu tiên, giáo viên kiểm tra quá trình vỡ bài của học sinh, tiến hành sửa các lỗi cơ bản về cao độ, tiết tấu, sắp xếp ngón, kỹ thuật rung nhấn. Nếu bài nào dài và phức tạp hơn thì phải chia làm hai hay ba phần nhỏ để học sinh vỡ từng đoạn một, sau đó liên kết các phần đã tập lại một cách chỉnh thể. Giảng viên đánh mẫu cho học sinh nghe, nhắc nhở những đoạn nhạc khó cần phải tập kỹ, những nốt nhạc học sinh hay đánh sai hoặc dùng sai kỹ thuật tay trái.Buổi học thứ 2 và thứ 3, giáo viên tiếp tục sửa những lỗi học sinh chưa làm được, yêu cầu thuộc bài và chỉnh sửa về sắc thái âm nhạc, những đoạn cần đánh to, nhỏ, dồn dập, tha thiết…

            Vào mỗi kì thi cuối kì hoặc giữa kì sinh viên sẽ được đánh tác phẩm ghép cùng với phần đệm (đàn Tam Thập Lục hoặc dàn nhạc dân tộc). Giảng viên đánh giá kết quả dựa trên khả năng của học sinh theo thang điểm 10.

            `Nhìn chung phương pháp giảng dạy tác phẩm của các giảng viên đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản trong việc dạy và học. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy phương pháp trên vẫn còn khá nhiều hạn chế do giảng viên chưa có sự tìm tòi, đào sâu nghiên cứu về mỗi tác phẩm mà mình sắp dạy, họ chủ yếu dạy bằng những kinh nghiệm mình đã có, đã được thế hệ trước truyền đạt lại khiến cho học sinh chỉ tiếp thu một cách thụ động, không có sự chủ động và sáng tạo riêng.

  1. Khả năng tiếp thu của học sinh sinh viên

            Hàng năm Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội đều tổ chức tuyển sinh cho những học sinh có năng khiếu, độ tuổi tuyển sinh từ mười hai đến mười bốn tuổi cho các thí sinh tham gia thi tuyển vào hệ Trung cấp (4 đến 7 năm), từ mười tám đến hai nhăm tuổi cho các thí sinh hệ Cao đẳng (3 năm).

           Các thí sinh tham gia thi tuyển hàng năm vào Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội chủ yếu là con em Thủ đô hoặc từ các vùng lân cận, điều kiện và hoàn cảnh sống tương đối đầy đủ. Một số em sinh ra trong gia đình truyền thống có nhiều người hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật, có những em sinh sống tại nơi hay diễn ra các hoạt động văn hoá nên môi trường tiếp xúc với âm nhạc của các em khá thuận lợi, năng khiếu của các em tương đối tốt. Một số ít những em tuy không có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc nhưng lại sớm bộc lộ năng khiếu qua khoá học tạo nguồn (từ ba tháng đến một năm) trước kì thi. Bên cạnh đó cũng có những học sinh không thể hiện được năng khiếu với cây đàn Tranh nhưng lại phù hợp với nhạc cụ khác và ngược lại.

           Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy trình độ của các em học sinh luôn luôn có sự không đồng đều. Điều này đòi hỏi người giáo viên ngoài việc sử dụng phương pháp giảng dạy chung cho tất cả học sinh còn phải tìm ra những phương pháp giảng dạy thích hợp cho mỗi em, giúp cho các em tiếp thu bài một cách dễ dàng hơn khi học.

Tiểu kết chương 1

           Trong chương 1 của  luận văn này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và phân tích về nội dung , đặc điểm âm nhạc của mười tác phẩm viết cho đàn tranh do ba tác giả Phương Bảo, Phạm Thuý Hoan và Ngô Bích Vượng sáng tác. Các tác giả nói trên đều là những Nghệ sĩ – Nhà giáo đầu ngành về đàn Tranh của Việt Nam, chính vì thế các tác phẩm do họ sáng tác đều là những bài có kĩ thuật cao, âm vực giai điệu và màu sắc hài hoà giúp cho cây đàn Tranh phát huy được nhiều lợi thế hiệu quả. Mười tác phẩm kể trên là những tác phẩm tiêu biểu, sử dụng chất liệu mang đậm màu sắc dân tộc, đã được rất nhiều thế hệ học trò yêu thích và lựa chọn để học tập, giảng dạy cũng như biểu diễn.

Trong việc nghiên cứu về thực trạng giảng dạy đàn Tranh tại Khoa nhạc cụ Truyền thống trường CĐNT Hà Nội, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như sau:

Về chương trình: Số lượng tác phẩm đưa vào chương trình giảng dạy còn ít, nhiều tác phẩm sắp xếp lộn xộn, chưa phù hợp với năm học, thiếu những bài tập ứng dụng cùng với tác phẩm.

Về giáo trình: Chủ yếu sử dụng giáo trình nội bộ và các tài liệu của HVÂNQG Việt Nam, giáo trình cho hệ Cao đẳng vẫn chưa được chính thức soạn thảo và ban hành.

Về phương pháp giảng dạy: Giảng viên không có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, chưa chịu khó tìm tòi nghiên cứu những phương pháp giảng dạy hiệu quả, chủ yếu vẫn còn dựa vào kinh nghiệm của bản thân.

Về khả năng tiếp thu của học sinh sinh viên: Bên cạnh những em có ý thức học tốt thì vẫn còn nhiều em thiếu tính tự giác khi học, chủ yếu ỷ lại vào giảng viên hướng dẫn, lười tập đàn, chưa có tính sáng tạo và tư duy khi chơi tác phẩm mới.

Về các hoạt động ngoại khoá: Việc tổ chức cho các em học sinh biểu diễn tại các cuộc thi, sự kiện, dự án âm âm nhạc mới chỉ mang tính chất bề nổi, chung chung chứ chưa thực sự chú trọng riêng cho bộ môn đàn Tranh. Khoa và nhà trường chưa quan tâm và tổ chức những chương trình biểu diễn giao lưu giữa các em học sinh đàn Tranh, đây là một sân chơi bổ ích để các em giao lưu học hỏi, góp phần tăng thêm động lực học tập và tình yêu với cây đàn, đồng thời cũng là nơi để các em cọ xát, giúp các em thêm phần tự tin, tránh cảm giác lo lắng tự ti mỗi khi biểu diễn trên sân khấu.

            Đánh giá thực trạng đào tạo sẽ giúp ích cho việc đề ra các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội.

CHƯƠNG 2

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

2.1. Bổ sung và sắp xếp lại nội dung chương trình giảng dạy tác phẩm

Như chúng tôi đã trình bày trong phần thực trạng ở chương 1, chương trình giảng dạy bộ môn đàn Tranh của Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội vẫn còn có những nội dung chưa hợp lý cần được điều chỉnh.

Chính vì vậy, trong chương 2 chúng tôi xin được bổ sung thêm 2 tác phẩm mới và sắp xếp lại 8 tác phẩm đã có trong giáo trình.

2.1.1. Bổ sung tác phẩm vào chương trình giảng dạy

            Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cũng như làm phong phú thêm số lượng tác phẩm trong chương trình đào tạo cho học sinh bộ môn đàn Tranh Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội, chúng tôi bổ sung thêm hai tác phẩm là tác phẩm Ý xuân (đưa vào chương trình giảng dạy Trung cấp 3) của Ngô Bích Vượng và Biển (đưa vào chương trình giảng dạy Cao đẳng 3) của Phương Bảo.

2.1.2. Sắp xếp lại nội dung chương trình giảng dạy tác phẩm

Đối với chương trình giảng dạy bậc Trung cấp

Việc sắp xếp các tác phẩm đưa vào chương trình giảng dạy không những phải phù hợp với nhạc phong cách của từng năm mà còn phải đảm bảo sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, từ những kĩ thuật đơn giản đến phức tạp. Dưới đây là những điều chỉnh của chúng tôi trong chương trình giảng dạy tác phẩm ở bậc Trung cấp.

Biểu 3:

Tác phẩm

Tác giả

Năm học

(xếp theo chương trình cũ)

Năm học

(xếp theo chương trình mới)

Nhớ quê

Phương Bảo

TC 4

TC 4

Chim quyên

Phạm Thuý Hoan

TC 6 – CĐ 3

TC 6

Cảm xúc Tây Nguyên

Ngô Bích Vượng

TC5

TC7

Bình minh rẻo cao

Phương Bảo

TC6

TC6

Đối với chương trình giảng dạy bậc Cao đẳng

Các tác phẩm khi đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc Cao đẳng đều phải đáp ứng được yêu cầu về độ khó cũng như độ phức tạp hơn về kỹ thuật so với các tác phẩm ở bậc Trung cấp. Dưới đây là một số điều chỉnh của chúng tôi trong chương trình giảng dạy các tác phẩm mới cho đàn Tranh ở bậc học Cao đẳng.

Biểu 4:

Tác phẩm

Tác giả

Năm học

(xếp theo chương trình cũ)

Năm học

(xếp theo chương trình mới)

Tình ca đất Bắc

Phạm Thuý Hoan

TC7 - CĐ1

CĐ1

Mùa thu quê hương

Phạm Thuý Hoan

TC6 - CĐ2

CĐ1

Mơ về bến Ngự

Phạm Thuý Hoan

TC5 - CĐ2

CĐ2

Sang xuân

Phương Bảo

TC7 - CĐ3

CĐ3

 

2.1.3. Bổ sung các bài tập luyện gam vào chương trình giảng dạy

            Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong các tiết dạy học đàn Tranh ở HVÂNQGVN đều có phần luyện gam, giảng viên thường xuyên yêu cầu học sinh luyện gam trước mỗi buổi học. Tuy nhiên chúng tôi lại chưa nhìn thấy điều này trong các tiết học đàn Tranh tại Trường CĐNT Hà Nội.

Trước mỗi buổi học, giảng viên nên yêu cầu học sinh luyện gam từ 10 đến 15 phút. Đây có thể coi như một “bài thể dục” giúp giãn lỏng cơ tay, bàn tay, từ đó ngón gảy trở nên linh hoạt hơn, học sinh sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào bài học chính.

Bên cạnh bài luyện gam cơ bản áp dụng trước mỗi buổi trả bài, thì việc bổ sung thêm một số bài luyện gam phù hợp với tác phẩm cũng là một việc làm rất cần thiết của người giảng viên. Chính vì thế, ngoài những bài luyện gam với âm hình tiết tấu hơn giản theo dạng liền bậc, chúng tôi bổ sung thêm một số bài luyện gam có âm hình tiết tấu tương đồng với tác phẩm. Đối với những bài có hệ thống dây phức tạp như Cảm xúc Tây Nguyên, Biển… nếu như học sinh được luyện gam theo hệ thống dây giống với những tác phẩm đó thì các em sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi làm quen với thang âm mới trong bài.

Việc bổ sung thêm nhiều dạng gam khác nhau sẽ giúp cho các em học sinh tăng phần hứng thú khi luyện tập, tránh cảm giác nhàm chán khi phải tập đi tập lại một bài lyện gam cơ bản.

Một điểm chung khi luyện tập các bài luyện gam đó là học sinh cần bắt đầu tập từ tốc độ chậm, nắn nót từng nốt nhạc, ngón gảy sắc nét. Sau đó thì tăng dần tốc độ để tạo sự linh hoạt cho ngón tay.

2.2.  Một số đổi mới phương pháp giảng dạy

Giảng dạy tác phẩm mới là một việc làm rất quan trọng trong quá trình đào tạo cho học sinh, sinh viên đàn Tranh nói riêng và các nhạc cụ truyền thống khác nói chung tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội.

Trong việc giảng dạy tác phẩm mới, vai trò của người thầy là hết sức to lớn trong việc phát triển kỹ thuật diễn tấu cũng như khả năng biểu hiện âm nhạc của học sinh. Người thầy phải làm thế nào để kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khoa học giữa hai phương pháp giảng dạy cổ truyền và hiện đại, nhằm mục đích ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, người thầy còn có nhiệm vụ giúp cho học sinh trau dồi kiến thức âm nhạc nói chung và giúp các em phương pháp tự rèn luyện những đức tính cần cù, say mê và sáng tạo trong học tập.

Sau đây chúng tôi xin bổ sung một số giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy tác phẩm cho đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội.

2.2.1. Phương pháp phân tích tác phẩm

­Trước khi giảng dạy một tác phẩm mới, giảng viên nên dành ra khoảng thời gian đầu tiên để giúp học sinh phân tích tác phẩm. Việc này giúp cho học sinh nắm bắt được tinh thần của bài và ý đồ của tác giả, từ đó có thể truyền đạt được nội dung tác phẩm tốt hơn.

Việc phân tích tác phẩm bao gồm các bước cơ bản như sau:

  • Xác định hình thức và cấu trúc của tác phẩm.
  • Phân tích chất liệu sử dụng trong bài: giúp cho các em hiểu được chấtliệu của tác phẩm đó là chất liệu mới hay được lấy từ một bài dân ca hay nhạc phong cách vùng miền.
  • Hệ thống dây: nghiên cứu về hệ thống dây trong bài giúp học sinh

nắm được cách lên dây đàn phù hợp với tác phẩm, đồng thời xác định được những nốt cần phải nhấn mượn.

  • Chủ đề chính là nội dung, hình tượng âm nhạc mà tác giả muốn đề cập đến trong tác phẩm của mình. Việc xác định được chủ đề chính của bài giúp cho học sinh nắm bắt được cái cốt lõi và tinh thần của tác phẩm mình sắp được học.

-  Phân tích kỹ thuật: Chỉ ra những kỹ thuật trong bài để áp dụng phương pháp luyện tập giúp tăng độ hoàn thiện cho kỹ thuật đó.

2.2.2. Chọn những bài tập kỹ thuật hoặc nhạc phong cách hỗ trợ cho tác phẩm

Muốn chơi được tác phẩm tốt thì phải có ngón đàn tinh tế. Để làm được điều đó thì giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh luyện thật nhiều bài tập luyện ngón thuộc nhiều phong cách khác nhau nhằm nâng cao kỹ thuật cho cả tay phải và tay trái. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong giáo trình đào tạo cho hệ Trung cấp đàn Tranh của Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội có đưa vào rất nhiều bài tập kỹ thuật cho học sinh. Tuy nhiên giảng viên lại chưa biết cách khéo léo lồng ghép những bài tập đó nhằm ứng dụng vào tác phẩm mình chuẩn bị dạy. Lựa chọn các bài tập có kỹ thuật tương đồng với tác phẩm là một việc làm vô cùng hữu ích trong việc giảng dạy cho học sinh, nó giúp học sinh làm quen trước với những kỹ năng mới để khi học tác phẩm sẽ không bị bỡ ngỡ và mất quá nhiều thời gian luyện tập.

Hầu hết các tác phẩm của hệ Trung cấp đều có sẵn bài tập kỹ thuật hỗ trợ trong giáo trình giảng dạy, nhưng các bài tập kỹ thuật hỗ trợ cho tác phẩm của hệ Cao đẳng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Các tác phẩm đàn Tranh sử dụng trong giáo trình hệ Cao đẳng đều là những tác phẩm khó, mỗi tác phẩm mang một màu sắc với những kỹ thuật khác nhau. Có những tác phẩm còn sử dụng kỹ thuật mới do chính tác giả sáng tạo ra, khi giảng dạy những dạng tác phẩm này,  người giảng viên khó có thể tìm thấy bài tập kỹ thuật tương đồng để các em làm quen trước. Do vậy, họ cần biên soạn thêm những bài tập kỹ thuật bổ trợ cho các tác phẩm đó, nhờ đó việc giảng dạy những tác phẩm này trở nên dễ dàng hơn, giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn.

Đối với những tác phẩm lấy chất liệu từ nhạc phong cách thì việc cho học sinh tiếp xúc với chất liệu đó trước là điều vô cùng cần thiết. Trước khi học một tác phẩm mang âm hưởng nhạc phong cách, giảng viên cần giao trước cho học sinh những bài nhạc phong cách có tính chất tương đồng với bài nhạc đó để các em tập làm quen trước.

2.2.3. Xử lí tác phẩm

  • Cảm thụ âm nhạc

Khác với những tác phẩm thanh nhạc đã có sẵn phần lời, việc cảm nhận tác phẩm khí nhạc đòi hỏi người diễn tấu phải có một tư duy trừu tượng vô vùng phong phú, đây cũng là một vấn đề gây khó khăn cho nhiều giảng viên trong quá trình giảng dạy.

Trước khi học bài mới, giảng viên nên chuẩn bị một phần thuyết trình ngắn về tác phẩm đó để học sinh nắm bắt được phần nào nội dung của bài học. Thường thì nội dung trong các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc nói chung và đàn Tranh nói riêng đều chủ yếu thể hiện một phần quan trọng ở tên của tác phẩm. Thông qua tên tác phẩm, tác giả có thể miêu tả được rất nhiều không gian, màu sắc đặc trưng và những hành động xung quanh nó. Đây là một việc làm tưởng chừng nhỏ nhưng lại góp một phần quan trọng trong việc mở mang trí tưởng tượng và tư duy âm nhạc phong phú cho các em, giúp các em hiểu rõ hơn về những tâm tư tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm của mình, đồng thời tăng thêm sự hứng thú cho các em khi học tác phẩm đó. Qua đó sẽ thể hiện tinh thần của tác phẩm một cách chính xác nhất có thể và giúp cho các em dễ dàng cảm thụ được nội dung của tác phẩm.

  • Xử lí sắc thái
  • Xử lí to – nhỏ:

Để tạo ra âm thanh với âm lượng to – nhỏ khác nhau sinh viên cần chú ý đến lực mạnh – nhẹ của ngón tay khi gảy móng vào dây đàn. Tuỳ theo tính chất của câu hay đoạn nhạc mà người chơi cảm nhận để quyết định đánh to hay nhỏ. Một số đoạn nhạc có hai câu lặp lại giống nhau hoặc một câu ở âm vực thấp tiếp nối với câu sau ở âm vực cao hơn. Đây là đoạn nhạc mang tính đối đáp, giảng viên cần hướng dẫn học sinh áp dụng cách xử lí to – nhỏ vào từng câu để làm rõ tính chất hỏi – trả lời cho đoạn nhạc đó. Cách xử lí này cũng có thể áp dụng cho những đoạn nhạc chạy móc kép liên tiếp, giảng viên hướng dẫn sinh viên đánh vào phách mạnh to hơn để tạo ra những điểm nhấn giúp các em chạy ngón dễ dàng hơn và giai điệu không bị dính vào nhau.

  • Xử lí sắc thái tại các điểm khác nhau trên mặt đàn:

Đàn Tranh là một nhạc cụ có nhiều khoảng diễn tấu để biểu lộ sắc thái, ngoài việc xử lí to – nhỏ bằng cách sử dụng lực gảy móng đàn mạnh -  nhẹ thì người chơi còn có thể tận dụng cả một khoảng dây dài từ ngựa đàn đến cầu đàn. Trên khoảng dây đó, mỗi một vị trí gảy móng sẽ cho ra một âm thanh với cao độ bằng nhau nhưng sắc thái khác nhau. Càng gảy móng vào gần sát cầu đàn sẽ cho ra âm thanh chắc, khoẻ và đanh. Gảy móng càng xa cầu đàn sẽ cho âm thanh trầm ấm dịu dàng. Tuy nhiên không nên gảy ra quá gần ngựa đàn vì như vậy ngựa đàn sẽ dễ bị xô lệch dẫn đến cao độ của nốt nhạc không chuẩn xác. Tuỳ từng câu nhạc mà sinh viên sẽ lựa chọn vị trí gảy móng đàn sao cho phù hợp với tính chất của câu đó.

  • Cách xử lí sắc thái cho những đoạn nhạc mang tính chất tự do:

Những đoạn nhạc tự do xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm nhạc mới được các nhạc sĩ sáng tác cho đàn Tranh, nó chủ yếu nằm ở phần đầu tiên hoặc phần giữa bài. Để xử lí đoạn nhạc này, trước hết giảng viên cần hướng dẫn học sinh chia đoạn nhạc tự do đó thành từng câu nhỏ. Mỗi câu thường diễn biến theo trình tự khác nhau như tốc độ chậm – nhanh – chậm, âm lượng nhỏ - to – nhỏ. Những nốt nhạc đầu tiên đánh nhỏ với tốc độ chậm, sau đó chuyển dần lên tốc độ nhanh hơn ở giữa với âm lượng lớn hơn, kết câu lại về tốc độ chậm và âm lượng nhỏ dần cho đến nốt nhạc cuối. Mỗi một câu trong đoạn nhạc tự do có thể tưởng tượng như là một hơi thở của chính người chơi đàn truyền cho người thưởng thức.

2.2.4. Phong cách biểu diễn

Phong cách biểu diễn chính là cách thể hiện tác phẩm thông qua ngôn ngữ hình thể (nét mặt biểu cảm, thế tay, sự chuyển động của cơ thể) để tăng thêm phần hấp dẫn cho tác phẩm. Để tạo được phong cách biểu diễn cho riêng mình, trước tiên người nghệ sĩ cần phải có sự tự tin vào chuyên môn của bản thân, sau đó cần phải nắm vững một số điều cơ bản sau đây:

  • Thả lỏng toàn bộ cơ thể, cơ mặt giãn ra. Khi đánh bài có tính chất vui tươi có thể mỉm cười nhẹ, đầu và vai có thể hơi lắc lư, đung đưa theo điệu nhạc. Khi đánh bài mang chất buồn, tự sự thì nét mặt cần biểu cảm sao cho phù hợp với tính chất của bài, tuy nhiên không nên biểu lộ nét mặt quá đau khổ, nhăn nhó gây phản cảm cho người xem.
  • Đập nhịp bằng đầu ngón chân, tránh đập nhịp bằng cả bàn chân.
  • Bàn tay của người nghệ sĩ khi chơi đàn chính là điểm nhấn thu hút sự theo dõi của khán giả. Người chơi cần luyện tập thuần thục để đôi bàn tay trông có cảm giác như đang nhảy nhót, múa lượn trên đàn, đúng nghĩa một nghệ sĩ “chơi” đàn chứ không phải “đánh” đàn.  Khi đánh hết một câu nhạc cánh tay có thể nâng lên, bàn tay hất nhẹ lên một chút khỏi mặt đàn như một sự báo hiệu, đồng thời tạo cảm giác lắng đọng cho khán giả.
  • Một tác phẩm thường được chia làm nhiều phần, trong đó có cả phần nhanh và phần chậm. Khi chuẩn bị bước vào phần nhanh, người chơi cần làm động tác hít một hơi rồi gật đầu dứt khoát để vào câu. Động tác này rất có hiệu quả khi chơi tác phẩm cùng dàn nhạc, bởi dàn nhạc sẽ nhìn vào người solo để đón vào phần đệm một cách chuẩn xác nhất. Đồng thời nó cũng thể hiện sự ăn ý với dàn nhạc và sự chuyên nghiệp của người nghệ sĩ solo.

Tác phẩm sẽ trở nên hiệu quả hơn khi tạo được cho khán giả sự thoả mãn cả về phần nghe và phần nhìn. Chính vì như vậy, người nghệ sĩ ngoài việc rèn luyện chuyên môn thật tốt thì còn phải trau dồi thêm nhiều kiến thức về phong cách biểu diễn để góp phần giúp cho tác phẩm trở nên hoàn thiện hơn và chiếm được nhiều cảm tình của khán giả.

2.3. Thực nghiệm sư phạm

Từ những nghiên cứu về các giải pháp giảng dạy đã trình bày ở trên, chúng tôi đã tiến hành dạy thực nghiệm cho 1 nhóm gồm 3 học sinh, 2 học sinh học theo phương  pháp mới và 1 học sinh học theo phương pháp cũ. Thời gian dạy thực nghiệm kéo dài trong 3 tháng. Dưới đây là tiến trình dạy một bài tác phẩm mới.

2.3.1. Dạy thực nghiệm

Bước thứ nhất

  • Giảng viên cho học sinh luyện gam 10 phút, trả bài Lới lơ đã học ở buổi trước
  • Yêu cầu sinh viên trình bày những hiểu biết của mình về tác giả Phạm Thuý Hoan và tác phẩm Mùa thu quê hương, giảng viên lắng nghe, nhận xét và bổ sung ý kiến cho các em. Tiến hành phân tích tác phẩm, giảng viên thị phạm những đoạn nhạc có kỹ thuật khó.
  • Giao cho học sinh một bài tập tương đồng với tác phẩm và hướng dẫn các em vỡ bài.
  • Yêu cầu học sinh vỡ trước bài Mùa thu quê hương

Bước thứ hai

  • Học sinh luyện gam 10 phút, giảng viên kiểm tra tiến trình tập

luyện của sinh viên. Đánh mẫu và hướng dẫn sinh viên luyện tập từng đoạn kết hợp thị phạm, sửa những lỗi kỹ thuật mà các em chưa làm đúng.

  • Nhắc nhở sinh viên về nhà luyện tập những lỗi đã sửa và học thuộc bài.

Bước thứ ba

  • Sinh viên luyện gam 10 phút, giảng viên kiểm tra tiến trình luyện tập của các em, tiếp tục tiến hành sửa các lỗi về  kỹ thuật, cao độ, tiết tấu
  • Hướng dẫn sinh viên xử lí tác phẩm: rèn luyện nhạc cảm bài, phong cách biểu diễn. Giảng viên đánh mẫu, vừa đánh vừa thuyết trình về ý nghĩa của tác phẩm, tính chất và nội dung của từng đoạn để mở mang sự tư duy tưởng tượn về màu sắc âm nhạc cho sinh viên. Hướng dẫn sinh viên sử lí sắc thái to – nhỏ, mạnh – nhẹ trong từng câu nhạc.
  • Yêu cầu sinh viên tập kĩ bài ở nhà, ghép các đoạn với nhau để hoàn thiện bài.

      Bước thứ tư

  • Sinh viên luyện gam 10 phút, giảng viên kiểm tra quá trình luyện tập ở nhà của sinh viên. Tiếp tục sửa những lỗi sinh viên còn mắc phải, bổ sung và cho ý kiến về việc xử lí nhạc cảm và phong cách biểu diễn của sinh viên. Hoàn thiện tác phẩm cùng dàn nhạc đệm.

2.3.2. Đánh giá kết quả thực nghiệm

Sau khi tiến hành dạy thực nghiệm cho các em học sinh bằng phương pháp mới trong vòng 3 tháng, chúng tôi nhận thấy chất lượng học tập của các em đã có sự thay đổi. Các em có phần hứng thú hơn, đã chịu khó tự tìm hiểu những kiến thức lên quan đến bài học. Các em cũng chăm chỉ luyện tập tác phẩm ở nhà nhiều hơn trước do đã có sẵn sự hứng khởi khi học trên lớp với giảng viên. Việc tiếp xúc với những kỹ thuật hay chất liệu mới trong tác phẩm cũng đã bớt gây khó khăn với các em bởi đã có sự hỗ trợ của các bài tập cũng như những bài phong cách tương đồng. Một điểm nổi trội là các em đã có sự tiến bộ rõ rệt trong việc xử lí tác phẩm và phong cách biểu diễn, các em đã bước đầu biết tư duy trong việc biểu cảm, xử lí sắc thái trong tác phẩm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả đánh giá ban đầu, chúng tôi hi vọng trong trong thời gian tới, phương pháp học tập mới này sẽ đem lại nhiều kết quả tốt hơn để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như học tập cho giáo viên và học sinh Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội.

Tiểu kết chương 2

Công tác đào tạo tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp luôn là vấn đề nóng hổi và được quan tâm hàng đầu, đặc biệt là đào tạo âm nhạc truyền thống. Khi cuộc sống hiện đại luôn thay đổi và phát triển không ngừng, các phương pháp giảng dạy truyền thống cổ xưa đã không còn phát huy nhiều tác dụng, đây chính là lúc chúng ta cần tìm tòi và nghiên cứu để sáng tạo ra những phương pháp mới phù hợp với học sinh thế hệ mới. Vấn đề khó khăn  ở chỗ người giảng viên phải làm sao để hướng dẫn học sinh tiếp cận với âm nhạc cổ truyền bằng những phương pháp khoa học, hiện đại, giúp các em dễ dàng tiếp thu mà không bị nhàm chán, khô khan. Không những thế, giảng viên còn phải tạo ra sự hứng khởi cho các em khi học, qua đó chất lượng học tập sẽ dần được cải thiện và nâng lên.

Trong chương 2, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp mới như sau:

  • Bổ sung thêm 2 tác phẩm mới vào chương trình giảng dạy nhằm làm phong phú hơn số lượng tác phẩm giảng dạy tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội. Bổ sung thêm phương pháp luyện gam vào chương trình giảng dạy giúp tăng cường sự dẻo dai cho tay đàn.
  • Sắp xếp lại nội dung 8 tác phẩm trong giáo trình đưa vào từng năm học sao cho hợp lí.
  • Đổi mới phương pháp giảng dạy giúp giảng viên có sự thống nhất trong cách giảng dạy, chất lượng học sinh tốt và đồng đều hơn.

Trên đây là một số giải pháp mà chúng tôi đã đề ra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tác phẩm cho đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội. Để minh chứng cho việc đổi mới nói trên là hợp lý, chúng tôi đã tiến hành dạy thực nghiệm đối với 03 học sinh hệ CĐ. Qua bảng đánh giá kết quả, chúng tôi nhận thấy các em học sinh bước đầu đã có sự chuyển biến khả quan hơn khi được học theo phương pháp mới.

Bên cạnh đó, Khoa và Nhà trường cũng cần cần thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm cho giảng viên trao đổi và củng cố phương pháp giảng dạy, cũng như bổ sung thêm các trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để việc giảng dạy đạt được kết quả tốt hơn.

KẾT LUẬN

Đàn Tranh được cho là một trong những cây đàn được yêu thích trong gia đình các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Nó có mối quan hệ gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt âm nhạc của nhân dân ta qua nhiều đời nay và đã trở thành một phương tiện để truyền tải cảm xúc, tâm tư tình cảm của con người Việt Nam trong nhiều thế kỷ.

Trong nền âm nhạc cách mạng Việt nam, bên cạnh các ca khúc nổi tiếng, các loại nhạc đàn được các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác cũng giữ một vai trò quan trọng. Từ sau những năm 60 của thế kỷ XX, hàng loạt các tác phẩm viết cho đàn Tranh được sáng tác theo thủ pháp mới của Châu Âu ra đời. Lợi thế về đặc điểm cấu tạo của đàn Tranh với âm sắc cũng như khả năng diễn tấu phong phú đã giúp cho cây đàn đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, sắc thái nhằm thể hiện tốt những hình tượng âm nhạc của các nhạc sĩ trong các tác phẩm mới.

Tại khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội, những sáng tác của ba tác giả Phương Bảo, Phạm Thuý Hoan và Ngô Bích Vượng đều là những tác phẩm được đông đảo đội ngũ giảng viên cũng như học sinh yêu thích và là một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho việc giảng dạy và học tập đàn Tranh chuyên nghiệp. Những tác phẩm của ba giảng viên - nhạc sĩ nói trên là những sáng tác đại diện tiêu biểu cho các tác phẩm viết cho đàn Tranh trong thời kì mới. Tuy nhiên, việc giảng dạy các tác phẩm này bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì còn tồn tại những hạn chế mà chúng tôi đã đề cập trong chương một như: sắp xếp các tác phẩm đưa vào chương trình đào tạo cho hai bậc Trung cấp và Cao đẳng bị trùng lặp, phương pháp giảng dạy chưa thống nhất, số lượng tác phẩm chưa phong phú…

Chính vì thế, trong  chương hai, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp điều chỉnh chương trình đào tạo đàn Tranh ở các cấp học TC và CĐ và tiến hành bổ sung thêm một số tác phẩm vào trong chương trình giảng dạy từng năm. Việc điều chỉnh và bổ sung giáo trình này đòi hỏi người giảng viên dạy đàn Tranh phải đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm thích ứng với nội dung chương trình đào tạo tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội.

Bằng những kinh nghiệm và sự hiểu biết ban đầu của một người giảng viên thuộc thế hệ trẻ, tôi đã mạnh dạn tiến hành nghiên cứu đề tài này với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp đào tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung và đàn Tranh nói riêng. Trong luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp, chỉ bảo của các Giáo sư, thầy cô và các đồng nghiệp để luận văn ngày càng hoàn thiện hơn.

KHUYẾN NGHỊ

Để việc giảng dạy bộ môn đàn Tranh tại Khoa NCTT Trường CĐNT Hà Nội đạt được hiệu quả tốt hơn, bên cạnh những giải pháp đã đề ra, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, Khoa và Nhà trường cần tổ chức những buổi tọa đàm thường niên cho các giảng viên nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy chuyên ngành. Những cuộc tọa đàm này tạo ra sự thống nhất trong đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy đàn Tranh của mỗi giảng viên. Bên cạnh đó Khoa cũng cần thành lập hội đồng chuyên môn để cùng điền thêm các chỉ dẫn cho tác phẩm cũng như viết thêm các bài tập bổ trợ và các dạng bài luyện gam. Việc điều chỉnh và bổ sung thêm tác phẩm có chất lượng vào chương trình đào tạo cho bậc học TC và CĐ cần được tiến hành thường xuyên khi có tác phẩm mới.  Khoa và nhà trường cần khuyến khích các giảng viên tham gia những công trình ngiên cứu khoa học về phương pháp giảng dạy đàn Tranh nhằm tìm ra cách giảng dạy tối ưu nhất, tổ chức các buổi dự giờ và thao giảng trong bộ môn.

Thứ hai, Khoa và nhà trường cần nâng cao cơ sở vật chất như việc bổ sung thêm các trang thiết bị dạy học, sách tham khảo, băng đĩa, loa đài, internet,… giúp cho việc giảng dạy trở nên thuận lợi hơn.

Thứ ba, Khoa và Nhà trường cần tổ chức những buổi giao lưu biểu diễn giữa các học sinh đàn Tranh trong Khoa, có thể mở rộng giao lưu với các học sinh đàn Tranh của trường khác. Bên cạnh đó, việc mở rộng các buổi biểu diễn học thuật cũng như biểu diễn phục vụ các mục đích chính trị xã hội cũng cần được tổ chức thường xuyên. Đây là một sân chơi lành mạnh và bổ ích giúp các em giao lưu và học hỏi lẫn nhau cũng như có thêm kinh nghiệm trình diễn sân khấu.

Thứ tư, về công tác tuyển sinh, Khoa và Nhà trường nên có những phương pháp để thu hút các em quan tâm đến cây đàn Tranh giúp gia tăng số lượng học sinh cho bộ môn này. Tuy nhiên công tác tuyển chọn cũng cần được thực hiện một cách nghiêm túc để lựa chọn được những học sinh, sinh viên có năng khiếu âm nhạc tốt vào học tập tại trường.

Chúng tôi hi vọng những khuyến nghị trên sẽ được Nhà trường chú trọng lưu tâm và thực hiện để công tác đào tạo đàn Tranh nói riêng cũng như các nhạc cụ truyền thống khác nói chung đạt kết quả tốt nhất.

 

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn