Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12105807
Tin tức hoạt động Thứ sáu, 29/03/2024
Chu Thu Trang: “Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018.

Tác giả: Chu Thu Trang 
Tên đề tài: 
Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long.
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành đàn Tam thập lục 
Mã số: 62 21 02 01
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Phương Hoa
Ngày đăng: 20/06/2018 

Toàn văn luận văn

Tóm tắt luận văn

 

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Trong những năm gần đây, đàn Tam thập lục đã có được chỗ đứng vững vàng trong gia đình nhạc cụ truyền thống Việt Nam, sự trưởng thành đó là sự xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng được sáng tác riêng cho cây đàn Tam thập lục độc tấu với dàn nhạc. Điều đó đòi hỏi người chơi đàn không chỉ nắm vững được những kỹ thuật cơ bản mà cần được nâng cao hơn để thể hiện được hết tính năng của cây đàn.

Để có thể diễn tấu tốt các tác phẩm mới Việt Nam hay tác phẩm nước ngoài cho đàn Tam thập lục ở bậc trung học, học sinh cần được trang bị một nền tảng kỹ thuật vững chắc. Việc học và giảng dạy các tác phẩm độc tấu hay hòa tấu cho đàn Tam thập lục vẫn đang gặp không ít khó khăn về vấn đề kỹ thuật. Bên cạnh đó, do phải học song song cả văn hóa và chuyên ngành khiến học sinh không có nhiều thời gian để được học và rèn luyện một cách kỹ lưỡng. Từ đó dẫn đễn việc không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khi diễn tấu một tác phẩm âm nhạc.

Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long” làm đối tượng nghiên cứu luận văn. Hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ có những đóng góp nhất định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành đàn Tam thập lục.

2. Lịch sử nghiên cứu

Qua tham khảo các tài liệu và tìm hiểu thực tế, hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu và các giáo trình cho đàn Tam thập lục như:

- Luận văn thạc sĩ Một số vấn đề giảng dạy đàn Tam thập lục tại Nhạc viện Hà Nội của Nguyễn Thị Hồng Phúc (Nhạc Viện Hà Nội (năm 2000).

- Luận văn thạc sĩ Một số nghiên cứu kỹ năng hòa tấu – đệm của đàn Tam thập lục của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nhạc viện Hà Nội (năm 2005).

- Luận văn thạc sĩ Quá trình phát triển của đàn Tam thập lục trong bối cảnh nhạc cụ dân tộc Việt – Trung của Nguyễn Thị Hoa Đăng, Học viện Âm nhạc trung ương Bắc Kinh – Trung Quốc (năm 2008).

- Luận văn thạc sĩ Giảng dạy tác phẩm mới cho đàn Tam thập lục tại học viện âm nhạc Huế của Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Học viện âm nhạc Huế (năm 2014).

- Luận văn thạc sĩ Giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục hệ trung cấp 6 năm tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam của Phạm Thị Tuyết (năm 2016).

- Luận văn thạc sĩ Giảng dạy các tác phẩm chuyển soạn cho đàn Tam thập lục hệ Cao đẳng tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội của Nguyễn Hồng Ánh (năm 2016).

Tất cả các công trình nghiên cứu đều đề cập đến yếu tố kỹ thuật của đàn Tam thập lục nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu vào vấn đề giảng dạy bài tập kỹ thuật cho hệ trung học 6 năm ở Quảng Ninh. Đây là lý do tôi muốn đi sâu nghiên cứu về vấn đề này để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất nhằm nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ thuật cho các học sinh trung cấp năng khiếu 6 năm tại trường Đại học Hạ Long.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, đánh giá thực trạng giảng

Từ đó rút ra những yêu cầu về nội dung và phương pháp giảng dạy kỹ thuật hiện nay. Bổ sung các bài tập kỹ thuật mới vào chương trình giảng dạy và điều chỉnh nội dung chương trình một cách hợp lý. Đưa ra một số giải pháp nhắm khắc phục và nâng cao chất lượng trong rèn luyện kỹ thuật cho học sinh trung cấp năng khiếu trường Đại học Hạ Long.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu:

Những kỹ thuật diễn tấu cơ bản của đàn Tam thập lục

Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục đối với học sinh hệ trung cấp năng khiếu 6 năm tại trường Đại học Hạ Long.

Chương trình và giáo trình giảng dạy đàn Tam thập lục tại trường Đại học Hạ Long.

Phương pháp giảng dạy những bài tập kỹ thuật đàn Tam thập lục tại trường Đại học Hạ Long.

Giáo viên và học sinh chuyên ngành đàn Tam thập lục hệ trung cấp 6 năm tại trường Đại học Hạ Long.

Phạm vi nghiên cứu:

Đề tài tập trung nghiên cứu về phương pháp giảng dạy những bài tập kỹ thuật, chương trình, giáo trình đã và đang sử dụng giảng dạy chuyên ngành đàn Tam thập lục, đội ngũ giáo viên và học sinh nhằm đưa vào giảng dạy thực nghiêm trong chương trình đào tạo học sinh hệ trung cấp năng khiếu trường Đại học Hạ Long.

5. Phương pháp nghiên cứu

Thu thập các tài liệu (giáo trình, giáo án, sách, tài liệu tham khảo, DVD, băng đĩa, thu âm, tư liệu, nghiên cứu về nhạc cụ, âm nhạc truyền thống và các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài nghiên cứu).

Triển khai việc giảng dạy thực nghiệm nhằm rút ra kết luận và kết quả ứng dụng những phương pháp rèn luyện kỹ thuật nhằm thu thông tin phục vụ việc hoàn thiện đề tài

Xin ý kiến tư vấn, trao đổi và tham khảo từ các nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và biểu diễn môn đàn Tam thập lục.

6. Những đóng góp của luận văn

- Nghiên cứu chuyên sâu về giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục hệ trung cấp 6 năm tại trường Đại học Hạ Long.

- Góp phẩn đổi mới phương pháp giảng dạy để góp phần khắc phục những nhược điểm tồn tại trong công tác đào tạo, rèn luyện các bài tập kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

- Góp phần điều chỉnh – bổ sung nội dung chương trình giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho hệ trung cấp 6 năm chuyên ngành đàn Tam thập lục tại trường Đại học Hạ Long đầy đủ và hoàn thiện hơn.

7. Bố cục đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục luận văn có cấu trúc 2 chương.

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy những bài tập  kỹ thuật

Chương 2: Các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục

Chương 1

VAI TRÒ, HỆ THỐNG VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

NHỮNG BÀI TẬP KỸ THUẬT

1.1. Giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản và vai trò của các bài tập kỹ thuật

1.1.1. Giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản của đàn Tam thập lục

Đối với học sinh đàn Tam thập lục hệ trung học 6 năm ở Quảng Ninh, việc học kỹ thuật cơ bản rất được chú trọng và đảm bảo sau khi học xong hệ trung cấp học sinh phải hoàn thành tất cả các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Bài tập kỹ thuật giúp học sinh rèn luyện ngón đàn tốt hơn, khắc phục những hạn chế về thế tay, nâng cao khả năng thị tấu cũng như khả năng diễn tấu khi chơi đàn. Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích chi tiết về một số kỹ thuật trong sách những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục (bậc sơ cấp) của tác giả Xuân Dung – Thạc sỹ Hồng Phúc.

1.1.1.1. Kỹ thuật chồng âm

Đây là kỹ thuật kết hợp giữa cổ tay và cánh tay sao cho hai tay gõ hai nốt (khác cao độ hoặc quãng 8) cùng một thời điểm xuống dây đàn. Đánh chồng âm có tác dụng làm tăng bề dày, hiệu quả của âm thanh. Có nhiều loại chồng âm: chồng âm quãng 2, quãng 3, quãng 4, quãng 5… được sử dụng tùy theo yêu cầu của từng bài, từng loại tác phẩm.

1.1.1.2. Kỹ thuật song long

Khi thực hiện kỹ thuật này, yêu cầu sự kết hợp giữa cổ tay và ngón tay sao cho hai que đàn rơi xuống dây đàn kế tiếp nhau tạo thành hai âm thanh đuổi nhau trên hai nốt. Kỹ thuật song long tạo cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng giúp đoạn nhạc trở nên hấp dẫn, phong phú hơn.

1.1.1.3. Kỹ thuật ngắt tiếng

Cũng giống như các nhạc cụ khác, kỹ thuật ngắt tiếng có tác dụng ngắt âm thanh. Đàn Tam thập lục thực hiện bằng cách một tay đánh đàn, tay còn lại sử dụng 2 – 3 ngón chặn lại ngay sau đó để tiếng đàn không vang lên nữa.

 

1.1.1.4. Kỹ thuật rải nốt

Là kỹ thuật quan trọng trong xử lý tác phẩm của đàn Tam thập lục, kỹ thuật rải nốt yêu cầu sự kết hợp giữa các ngón tay và cổ tay bật đuôi que đàn để sao cho các nốt nhạc nối tiếp nhau tạo thành nét âm thanh mềm mại.

1.1.1.5. Kỹ thuật vê

Kỹ thuật này là sự kết hợp đều đặn của hai tay, nhịp nhàng để cho đầu que đàn gõ xuống dây đàn liên tiếp tạo ra sự nhanh nhạy, lưu loát trong hiệu ứng âm thanh. Yêu cầu học sinh thả lỏng cổ tay, ngón tay, các nốt vê đều tiếng, uyển chuyển qua các quãng tạo nên giai điệu nhẹ nhàng, mềm mại.

Tóm lại, với bất cứ vai trò nào của cây đàn người chơi cần có một nền tảng kỹ thuật vững chắc. Mỗi thể loại đều sử dụng rất nhiều các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, do đó đòi hỏi đôi tay phải xử lý linh hoạt, điêu luyện. Vì vậy, việc giảng dạy bài tập kỹ thuật giúp người chơi hoàn thiện kỹ năng diễn tấu, góp phần xử lý tinh tế hơn một bản hòa tấu, hay diễn tấu một tác phẩm mới thành công hơn.

1.1.2. Vai trò của bài tập kỹ thuật

Đàn Tam thập lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Trong chặng đường phát triển đó ngoài việc ghi dấu ấn của nhiều nghệ sĩ thành công với cây đàn còn là sự đóng góp bền bỉ của các nhạc sĩ sáng tác - những người mang trong mình tình yêu với âm nhạc cổ truyền, với các nhạc khí truyền thống và đặc biệt đối với đàn Tam thập lục mà hầu hết trong số họ là những nghệ sĩ, giảng viên được đào tạo từ cái nôi của khoa Nhạc cụ truyền thống.

Với vai trò là nhạc cụ đệm, đàn Tam thập lục có thể đệm cho hát hoặc đệm cho nhạc cụ độc tấu. Cũng giống như cây đàn piano, phần đệm của đàn Tam thập lục cũng góp một phần không nhỏ tạo nên tính chất âm nhạc của tác phẩm.

Với những bài dân ca mang tính chất trữ tình, phần đệm của đàn Tam thập lục thường được kết cấu theo kiểu âm hình rải. Đôi khi cũng xuất hiện những nốt tô điểm góp phần tạo tính chất sinh động.

Trong hòa tấu nhạc nhạc cổ, đàn Tam thập lục được coi là một trong những nhạc cụ diễn tấu phong cách Chèo có hiệu quả nhất.

Khi tham gia hòa tấu nhạc phong cách Huế, Cải Lương đàn Tam thập lục tỏ ra còn nhiều hạn chế bởi tính năng nhạc cụ không thể rung, nhấn được. Ngoài chức năng đệm đàn và hòa tấu, đàn Tam thập lục còn có vai trò một nhạc cụ độc tấu, có khả năng diễn tấu và thể hiện được những kỹ thuật riêng của cây đàn.

Tóm lại, với những vai trò riêng của cây đàn Tam thập lục đều cần sử dụng rất nhiều các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, do đó đòi hỏi đôi tay phải xử lý linh hoạt, điêu luyện. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giảng dạy bài tập kỹ thuật để ứng dụng vào học hòa tấu, đệm, tác phẩm rất quan trọng giúp học sinh khắc phục những hạn chế về thế tay, hoàn thiện các kỹ năng diễn tấu góp phần xử lý tác phẩm thành công hơn.

1.2. Thực trạng giảng dạy

1.2.1. Giới thiệu về trường Đại học Hạ Long

1.2.1.1. Khái quát về khoa Nghệ thuật và bộ môn đàn Tam thập lục

Khoa Nghệ thuật là một khoa có bề dày về đào tạo và biểu diễn, với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao. Cùng với sự lớn mạnh của trường ĐHHL, khoa Nghệ thuật đã đóng góp những thành tích đáng kể cho sự phát triển chung của nhà trường. Đàn Tam thập lục cũng chính thức được đưa vào giảng dạy chuyên nghiệp từ khi thành lập khoa nghệ thuật.

1.2.1.2. Đội ngũ giáo viên và học sinh bộ môn đàn Tam thập lục

Hiện nay bộ môn đàn Tam thập lục tại khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long gồm có 2 giáo viên

GV: Chu Thu Trang

GV: Nguyễn Thị Huyền

Với tổng số 10 học sinh đàn Tam thập lục

1.2.2. Thực trạng về chương trình, giáo trình

1.2.2.1. Về chương trình – giáo trình đàn Tam thập lục

Chương trình chi tiết hệ trung học 6 năm cho đàn Tam thập lục khoa NT tại trường ĐHHL hiện nay tổng số tiết được phân bổ 2 tiết/ tuần đối với các em  chuyên ngành chính và 1 tiết/ tuần với các em học chuyên ngành phụ.

Hiện nay, tài liệu giảng dạy chính tại các trường VHNT trên toàn quốc môn đàn Tam thập lục chủ yếu dựa vào sách” Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục” của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Dung và th.s NSND Hồng Phúc biên soạn cho hệ sơ cấp và trung cấp chính quy và một số những bài tập viết tay, được chuyển soạn của các giảng viên trong tổ Tam thập lục. Dưới đây chúng tôi xin khái quát và đánh giá về giáo trình:

Cuốn tài liệu “Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục” - hệ sơ cấp (tác giả Nguyễn Xuân Dung và th.s NSND Hồng Phúc) do Bộ văn hóa thông tin – Nhạc viện Hà Nội xuất bản năm 2002. Các bài tập trong cuốn tài liệu được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ những kỹ thuật đơn giản đến phức tạp một cách có hệ thống và khoa học. Giáo trình “Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam Thập Lục” (hệ sơ cấp) là một phần trong chương trình đào tạo hệ trung cấp của đàn Tam thập lục đã và đang sử dụng tại khoa NT

 Tuy nhiên, còn một số bài chưa phù hợp với các em học sinh hệ trung cấp năng khiếu tại trường Đại học Hạ Long, vì vậy các em vẫn gặp nhiều khó khăn trong luyện tập kỹ thuật như: lực cân băng của hai tay, vê chưa đều, tiếng vê rời rạc....

Giáo trình “Bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục” (bậc trung học)

Cuốn tài liệu “ Bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục” – Hệ trung cấp (tác giả Th.s – NSND Hồng Phúc) do Trung tâm thông tin – Thư viện âm nhạc – Nhạc viện Hà Nội xuất bản năm 2005. Tuyển tập này là sự tiếp nối với giáo trình rèn luyện kỹ thuật cho hệ sơ cấp đàn Tam thập lục, Th.s – NSND Hồng Phúc chuyển soạn các bài luyện tập kỹ thuật ở trình độ cao hơn giúp học sinh tiếp tục nâng cao, trau dồi kỹ thuật diễn tấu của mình. Giáo trình bao gồm 50 bài.

Ngoài hai giáo trình đang được sử dụng cho đàn Tam thập lục tại khoa NT, còn có một số bài tập kỹ thuật được giảng viên Tam thập lục sưa tầm, chọn lọc, chuyển soạn cho học sinh luyện tập bổ trợ kỹ thuật.

1.2.2.2. Nội dung chương trình giảng dạy kỹ thuật cho đàn Tam thập lục

Năm thứ nhất

 

Năm thứ hai

 

Năm thứ ba

 

Năm thứ tư

Năm thứ năm

Nội dung:

Năm thứ sáu

Đây là năm tốt nghiệp trung học 6 năm, vì vậy học sinh phải ôn luyện, củng cố và hoàn thiện các kỹ thuật: Vê, chạy kép, đánh chồng âm, gạt đầu que.

Nội dung:

 

Nhìn vào bảng nội dung phần bài tập kỹ thuật trong chương trình chúng tôi nhận thấy:

Các kỹ thuật diễn tấu trong giảng dạy đàn Tam thập lục mới chỉ dừng lại ở kỹ thuật cơ bản.

Việc phân bổ các bài tập kỹ thuật chưa theo trình tự từ dễ đến khó, tăng dần theo từng năm học

Rèn luyện kỹ thuật là một vấn đề rất lớn cần được quan tâm, qua các bài tập kỹ thuật hiện nay có ý nghĩa rất lớn trong việc khắc phục nhược điểm, nâng cao khả năng thực hiện kỹ thuật diễn tấu của học sinh chuyên ngành Tam thập lục. Do đó, việc bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình giảng dạy là điều hết sức cần thiết, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật diễn tấu của học sinh.

Khái quát về hai giáo trình giảng dạy các bài tập kỹ thuật cho hệ sơ cấp và trung cấp đàn Tam thập lục, đây là những giáo trình giảng dạy bài tập kỹ thuật cơ bản giúp học sinh học và rèn luyện nâng cao kỹ thuật diễn tấu trong quá trình đào tạo tại trường ĐHHL. Các bài tập được tác giả sáng tác, biên soạn trong hai giáo trình tuy số lượng tương đối lớn nhưng chưa thực sự  phù hợp với khả năng của học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long.

Hiện nay, tại tổ bộ môn Tam thập lục việc luyện tập gam chưa thật sự được chú trọng. Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ có những học sinh năm đầu luyện gam, càng về sau các em càng ít luyện tập gam, hoặc nếu có  cũng chưa đạt tới độ khó nhất định, chỉ dừng lại ở các kiểu gam đơn giản. Lí do khách quan là nhiều năm nay, học sinh một tuần chỉ được 02 tiết học chuyên ngành, giảng viên nếu dành nhiều thời gian vào việc luyện tập gam cho học sinh, sẽ không còn thời gian cho các bài khác. Lí do chủ quan là tâm lí của học sinh không muốn luyện tập gam và luôn muốn mau chóng thể hiện các tác phẩm. Chính vì vậy, cần đưa ra những giải pháp cụ thể cho việc luyện tập gam giúp các em có thể nắm vững cách luyện tập gam một cách hệ thống, khoa học, nhằm nhanh chóng phát triển kỹ thuật chơi đàn Tam thập lục.

Vì những nhược điểm trên, chúng tôi mong muốn qua luận văn này có điều kiện để bổ sung, hoàn thiện, hệ thống lại giáo trình giảng dạy các bài tập kỹ  thuật đàn Tam thập lục cho học sinh hệ trung học 6 năm trường Đại học Hạ Long, nhằm cô đọng và dàn trải lại kiến thức sao cho phù hợp với trình độ đặc thù của địa phương.

1.2.3. Phương pháp giảng dạy

Khảo sát việc thực hành các bài tập kỹ thuật

Phương pháp giảng dạy hiên nay tại tổ bộ môn Tam thập lục là thuyết trình và thị phạm:

- Học sinh được giảng viên chọn bài và giao bài về nhà. Một số em cần được đánh mẫu về bài được giao.

- Quá trình trên lớp, học sinh trả bài đã được giao ở buổi trước, giảng viên sửa bài, nắn chỉnh lỗi kỹ thuật các em mắc phải. Sau đó giao bài mới cho các em về nhà luyện tập.

Dưới đây là một buổi dự giờ của chúng tôi tại lớp cô Nguyễn Thị A giảng viên đàn Tam thập lục tổ NCTT được thực hiện vào ngày 3 tháng 6 năm 2017  với mục đích khảo sát trực tiếp thực trạng giảng dạy.

- Bài học: Bài tập số 59 trong giáo trình “Những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục” (bậc sơ cấp).

- Đối tượng: Học sinh năm thứ hai chuyên ngành Tam thập lục.

- Thời gian: 25 phút cho bài tập kỹ thuật (Thời gian còn lại dành cho nội dung khác không nằm trong phạm vi nghiên cứu của luận văn).

- Mục tiêu của bài học: Luyện hai tay lên xuống đều đặn, tiếng vang, khỏe bằng nhau. Hai nốt chồng âm phải rơi xuống dây đàn cùng một lúc.

- Bước 1: Giảng viên yêu cầu học sinh đánh gam bật 4 tiếng.

- Bước 2: Giảng viên hướng dẫn học sinh những kỹ thuật chính trong bài học (kỹ thuật bật que, kỹ thuật đánh chồng âm).

- Bước 3: Giảng viên sửa lỗi và chỉnh sửa về ngón tay, kỹ thuật cầm que đàn của học sinh. Yêu cầu học sinh tập trung đánh những tiết tấu khó và lặp đi lặp lại cho nhớ

- Bước 4: Giảng viên yêu cầu học sinh thực hành đoạn nhạc tiếp theo.

- Bước 5: Giảng viên tổng hợp lại những ưu điểm, khuyết điểm để học sinh cố gắng và tiếp tục rèn luyện.

Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, một phần học như vậy học sinh đã nắm được kiến thức cơ bản về bài học. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, tư thế cầm que của học sinh chưa đúng, GV chưa chỉ rõ được vì sao HS bật bốn tiếng không đều (tiếng đàn một tiếng mạnh, một tiếng nhẹ. khi luyện tập cần tập tay nhẹ nhiều hơn và đánh mạnh hơn, tay mạnh đánh nhẹ đi để khi ghép hai tay tiếng đàn đều nhau....), kỹ thuật chồng âm chưa đảm bảo yêu cầu hai nốt chồng âm phải rơi chính xác xuống dây cùng một lúc, hiệu quả âm thanh phát ra nhỏ (GV phải chỉ ra điểm tiếp xúc của que đàn và dây đàn để tạo được âm thanh to, khoe...)

Một buổi dự giờ nữa của cô Nguyễn Thị C giảng viên đàn Tam thập lục tổ NCTT được thực hiện vào ngày 10 tháng 7 năm 2017.

- Bài học: Bài tập vê tổng hợp trong giáo trình “Bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục” (hệ trung cấp).

- Đối tượng: Học sinh năm thứ tư chuyên ngành Tam thập lục.

- Thời gian: 25 phút cho bài tập kỹ thuật (Thời gian còn lại dành cho nội dung khác không nằm trong phạm vi nghiên cứu của luận văn).

- Mục tiêu của bài học: Hai tay vê đều, liên tục.

- Bước 1: Giảng viên cho học sinh vỡ bài.

- Bước 2: Giảng viên hướng dẫn học sinh luyện tập

- Bước 3: Giảng viên kiểm tra và nhận xét những ưu và khuyết điểm.

Trong bài tập trên sử dụng rất nhiều kỹ thuật diễn tấu đàn Tam thập lục, đặc biệt là kỹ thuật vê. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy, học sinh thực hiện kỹ thuật này còn hạn chế, tiếng vê không mềm, không vang, rền, hai đầu que chưa đều, trường độ các nốt vê chưa đủ, giữa các nốt vê bị ngắt quãng. GV chưa hướng dẫn cụ thể các lỗi và chỉ ra cách luyện tập cho từng lỗi cụ thể. (tay cao tay thấp trong lúc về tạo hiệu quả âm thanh không đều...)

Qua khảo sát về giờ dạy trên chúng tôi nhận thấy phương pháp giảng dạy là yếu tố hết sức quan trọng trong suốt quá trình đào tạo nên một nghệ sĩ Tam thập lục. Đó là một quá trình đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu công phu của mỗi giảng viên, chúng tôi nhận thấy cần đổi mới phương pháp và đưa ra những hướng dẫn luyện tập cụ thể đối với:

- Bài tập điều chỉnh lực cân bằng của hai tay

- Bài tập chồng âm

- Bài tập vê

- Bài tập hai tay độc lập

Những bài tập này học sinh thường mắc lỗi rất nhiều khi luyện tập mà giảng viên chưa thật chú ý khai thác hết cách thức thực hiện của cổ tay, ngón tay và cánh tay cho phù hợp với từng dạng bài tập kỹ thuật.

Tóm lại, tất cả những khó khăn và hạn chế trong quá trình giảng dạy hiện nay, đòi hỏi giảng viên cần có trình độ chuyên môn cao, lòng yêu nghề, tận tâm với học sinh để tìm ra phương pháp giảng dạy cụ thể và khoa học giúp học sinh luyện tập sao cho các “tật” của tay được cải thiện.

Tiểu kết chương 1

Kỹ thuật là nền tảng rất quan trọng trong diễn tấu của cây đàn TTL, với những vai trò khác nhau của cây đàn như hòa tấu, đệm cho hát hay độc tấu (Bầu, Sáo, Nhị, Tranh, Tỳ....), trong độc tấu với dàn nhạc đều cần sử dụng đến những kỹ thuật cơ bản. Khi học sinh nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản thì vai trò vị trí của các bài tập kỹ thuật sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc diễn tấu tác phẩm hay hòa tấu nhạc cụ truyền thống. Trong chương 1 của luận văn đã nêu được vai trò của bài tập kỹ thuật trong việc giảng dạy đàn TTL tại trường Đại học Hạ Long.

Ở chương 1 của luận văn chúng tôi đã hệ thống một số kỹ thuật diễn tấu cơ bản của đàn Tam thập lục. Các kỹ thuật diễn tấu được giới thiệu tên, cách thể hiện, ký hiệu và ưu điểm, nhược điểm khi áp dụng các kỹ thuật vào tác phẩm độc tấu hay hòa tấu.

Bên cạnh đó, trong chương này chúng tôi có khái quát sơ lược về tình hình  hiện nay của đàn Tam thập lục tại khoa NT – trường ĐHHL. Tầm quan trọng của cây đàn trong khoa và những ưu điểm, nhược điểm vẫn đang tồn tại cần được phát huy cũng như khắc phục.

Đối với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho học sinh hệ trung cấp đàn TTL tại trường Đại học Hạ Long, thì việc bổ sung bài bản, chỉnh lý chương trình, giáo trình, sắp xếp lại hệ thống kỹ thuật để đáp ứng cho việc nâng cao khả năng diễn tấu của cây đàn là hết sức quan trọng và cần thiết. Chương 1 của luận văn cũng đã đánh giá thực trạng về khả năng nhận thức của học sinh, những vấn đề còn hạn chế trong quá trình luyện tập những bài tập kỹ thuật chuyên ngành Tam thập lục hiện nay.

Để cây đàn Tam thập lục ngày càng phát triển, chúng tôi đã nghiên cứu và khảo sát thực trạng trên, với mong muốn tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy khiến cây đàn ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn về cấu tạo vật lý cũng như kỹ thuật diễn tấu.

 

Chương 2

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY NHỮNG BÀI TẬP KỸ THUẬT CHO ĐÀN TAM THẬP LỤC

2.1. Điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy

Điều chỉnh chương trình giảng dạy cho từng năm học

Từ những bất cập đã chỉ ra từ chương 1 của luận văn, chúng tôi mạnh dạn điều chỉnh và bổ sung bài tập cho từng năm học như sau:

2.1.1. Bài tập năm thứ nhất

Qua quá trình giảng dạy, nắm bắt thực tế với khả năng, trình độ cụ thể của học sinh bộ môn đàn Tam thập lục tại trường Đại học Hạ Long, với những bài tập kỹ thuật đang được sử dụng ở năm thứ nhất tại tổ Tam thập lục. Chúng tôi đã điều chỉnh và bổ sung dạng bài tập kỹ thuật như: Gam, BT luyện quãng 3,4, BT dấu lặng đen và lặng đơn, BT móc kép cho phù hợp với khả năng của học sinh trường địa phương.

2.1.2. Bài tập năm thứ 2

Với nội dung chương trình đang sử dụng trong năm thứ 2 này, việc học bài tập kỹ thuật vê và kỹ thuật gạt đuôi que vượt quá khả năng của các em. Nếu cho học sinh thực hiện kỹ thuật vê quá sớm sẽ dẫn đến tình trạng sai hỏng kỹ thuật bởi lúc này tay của học sinh vẫn chưa được ổn định và linh hoạt để thực hiện kỹ thuật này. Vì vậy chúng tôi đã chỉnh sửa và bổ sung thêm dạng bài tập luyện chùm ba đơn, bài tập kết hợp trường độ, BT móc giật giúp học sinh làm quen với các dạng âm hình tiết tấu, giữ đúng nhịp phách khi diễn tấu. Bên cạnh đó, với bài tập chồng âm quãng 5 được bổ sung vào chương trình nhằm giúp học sinh giải quyết kỹ thuật chồng âm sao cho khi thực hiện đánh đúng nốt.

2.1.3. Bài tập năm thứ 3

Đây là năm các em làm quen với kỹ thuật vê, nên trong nội dung bài tập kỹ thuật điều chỉnh, chúng tôi có bổ sung bài luyện gam để hỗ trợ việc rèn luyện kỹ thuật vê, bài tập vê ở các trường độ khác nhau nhằm giải quyết từng nốt vê sao cho đủ độ ngân, âm thanh vang lên mềm mại, nâng cao sự nhanh nhạy của đôi tay. Bài tập nhảy quãng xa giúp cánh tay di chuyển một cách linh hoạt, chính xác. Bài tập phối hợp hai tay hai bè giúp rèn luyện đánh hai bè độc lập.

 

2.1.4. Bài tập năm thứ 4

Ở học phần này các bài nhạc phong cách, tác phẩm Việt Nam và nước ngoài sử dụng rất nhiều kỹ thuật vê ở các trường độ khác nhau nên chúng tôi tiếp tục bổ sung một số bài kỹ thuật vê tổng hợp nhiều trường độ. Trong năm học này chúng tôi cũng bổ sung bài tập gạt đuôi que, bài tập rải âm, bài tập chạy cromatique để ứng dụng vào xử lý các tác phẩm đạt hiệu quả tốt nhất

2.1.5. Bài tập năm thứ 5

Trong năm thứ năm, học sinh đã được học và làm quen rất nhiều tác phẩm mới Việt Nam và tác phẩm nước ngoài, các dạng bài phân phổ đệm và các bài hòa tấu nhạc phong cách. Với những tác phẩm viết cho đàn Tam thập lục mới được các tác giả viết vô cùng phong phú và tinh tế, chính vì thế, trong năm thứ năm chúng tôi đã bổ sung phần bài tập kỹ thuật vê một tay, bài tập cho hai đàn để đưa vào xử lý tác phẩm giúp hiệu quả diễn tấu cây đàn được tốt hơn.

2.1.6. Bài tập năm 6

Đây là năm tốt nghiệp, tuy các em sẽ không học thêm kỹ thuật diễn tấu mới của đàn Tam thập lục nhưng việc luyện tập các bài tập kỹ thuật để củng cố kỹ thuật, sửa lỗi kỹ thuật còn mắc phải rất quan trọng. Cho nên cần bổ sung một số bài tập kỹ thuật nâng cao hữu dụng cho các tác phẩm để các em có được sự tự tin, những kiến thức tốt nhất chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp.

2.2. Giải pháp cho kỹ thuật cơ bản

Đã có một số luận văn đi vào nghiên cứu về giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho đối tượng học sinh tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng ở trong luận văn này vẫn là những kỹ thuật đó chúng tôi nghiên cứu cho đối tượng học sinh trình độ trung cấp 6 năm tại trường Đại học Hạ Long.

2.2.1. Điều chỉnh lực cân bằng của hai tay

Luyện tập gam hàng ngày sẽ khiến các ngón tay, cổ tay của chúng ta trở nên mềm hơn, tiếng đàn đều đặn hơn, luyện tập cho học sinh tiết tấu đều và chính xác là nền tảng để phát triển kỹ thuật.

2.2.1.1. Bài tập kỹ thuật chạy gam liền bậc phối hợp 2 tay

Gam liền bậc được sử dụng kỹ thuật đánh đều hai tay sao cho cổ tay và ngón tay phối hợp nhịp nhàng, hai tay luân phiên một tay xuống, một tay lên, mỗi tay một nốt. Chạy liên tục từ quãng trầm lên quãng cao và đi xuống, tiếng đàn tròn đều, chắc chắn, vang, khỏe (Kí hiệu: P – tay phải; T – tay trái). Trong những năm đầu lỗi thường gặp lớn nhất là một tay nặng và một tay nhẹ (tay thuận nặng hơn), để điều chỉnh lực cân bằng cho tay ở kỹ thuật chạy gam, GV hướng dẫn học sinh đánh nhấn vào tay yếu hơn.

2.2.1.2. Bài tập kỹ thuật gam nhảy quãng

Luyện gam thường xuyên sẽ giúp các em có phản xạ tốt giữa các quãng trên đàn (quãng 1-2, quãng 1-3, quãng 1-4.....). Đây là sự kết hợp đều đặn giữa hai tay, âm nền trì tục cần đánh rõ nốt, các quãng đi lên phải rõ nét, tiếng vang, khỏe. Chạy gam liên tục từ quãng trầm lên quãng cao và đi xuống.

2.2.1.3. Bài tập luyện móc kép

Ngoài luyện tập gam thì bài tập kỹ thuật luyện móc kép sẻ giúp cổ tay mềm mại, linh hoạt. Đây là bài tập rất quan trọng được sử dụng trong suốt quá trình học, luyện móc kép cũng là cái gốc để luyện kỹ thuật vê ở năm thứ ba, do đó yêu cầu người học phải luyện tập chăm chỉ, thường xuyên.

2.2.2. Kỹ thuật đánh chồng âm đồng nhất âm thanh

2.2.2.1. Gam chồng âm quãng 3,4,5

Khi thực hiện kiểu gam này cần chú ý đến các hợp âm phải đều nhau, hợp âm vang lên cùng một lúc, tránh tình trạng nốt này xuống trước, nốt kia xuống sau. Ở kiểu gam chồng âm các em nên kết hợp giữa cổ tay và cánh tay để tạo ra những âm thanh tròn, đẹp, khỏe khoắn. Khi thực hiện học sinh cần tự sắp xếp vị trí các nốt tay trái, tay phải hợp lý để không bị chéo tay.

2.2.2.2. Gam chồng âm quãng 8

Với kỹ thuật chồng âm quãng 8, điểm yếu lớn nhất là hai nốt không rơi xuống cùng một lúc. Vì vậy luyện tập gam là cái gốc để bổ trợ cho kỹ thuật chồng âm của các em tốt hơn. Với kiểu gam này học sinh nên sử dụng cổ tay và cánh tay để tạo ra âm thanh đều tiếng, chắc tiếng, dứt khoát.

2.2.2.3. Bài tập chồng âm quãng 3,4,5

Khi đánh yêu cầu các nốt chồng âm vang lên cùng một thời điểm, học sinh sử dụng cổ tay, cánh tay và kết hợp ngón 3, 4, 5 bật đuôi que đàn. Kỹ thuật này việc sử dụng ngón 3, 4, 5 chỉ là phụ, chủ yếu vẫn là sử dụng cổ tay và cánh tay thả lỏng gõ xuống dây đàn bởi lực của cổ tay và cánh tay sẽ dứt khoát, gọn gàng, sắc nét , chắc chắn và dày tiếng hơn.

2.2.3. Kỹ thuật vê

2.2.3.1. Các bài tập vê có nhịp quy định

Ở kỹ thuật vê này, học sinh chỉ sử dụng cổ tay, và tuyệt đối không sử dụng đến cánh tay, nếu sử dụng cánh tay với kỹ thuật này sẽ khiến các cơ cứng lại, không thả lỏng khiến âm thanh vang lên rất thô. Với các dạng bài luyện tập vê có nhịp quy định giảng viên nên cho học sinh luyện trước với các mẫu tiết tấu dạng móc kép, móc tam từ chậm đến nhanh với các số lẻ (5 – 1, 7 – 1...) cho đến khi cổ thực hiện được kỹ thuật vê ở các trường độ khác nhau (móc đơn, nốt đen, nốt trắng)

2.2.3.2. Các bài tập vê tự do

Ðể thực hiện kỹ thuật này giảng viên luôn yêu cầu học sinh trong trạng thái thả lỏng cơ thể, thả lỏng các cơ của cô tay và ngón tay. Các nốt vê với sắc thái nhỏ giảng viên hướng dẫn học sinh chỉ nên bật ngón tay để cho tiếng đàn mong manh, mềm mại. Và với các nốt vê sắc thái mạnh, khỏe khoắn sẽ kết hợp cổ tay và ngón tay để có thể tạo ra những âm thanh mạnh mẽ, dứt khoát.

2.2.4. Kỹ thuật đánh hai tay độc lập

2.2.4.1. Gam phối hợp 2 tay 2 bè

Đây là kiểu gam bổ trợ cho việc rèn luyện hai tay hai bè khác nhau. Với cách luyện tập này sẽ giúp hai tay tách rời với hai tiết tấu khác nhau. Khi  thực hiện kiểu gam này các em nên tập từ chậm sau đó nhanh dần.

2.2.4.2.  Bài tập phối hợp 2 tay

Với bài tập hai tay độc lập điểm yếu lớn nhất là hai tay không tách rời được từng bè, do đó yêu cầu học sinh phải tách riêng từng bè để luyện tập và tập riêng những tiết tấu khó ở từng tay sau đó mới ghép hai tay với nhau

 

2.3. Củng cố luyện tập một số kỹ thuật diễn tấu mới

2.3.1. Kỹ thuật ngắt tiếng

Là kỹ thuật được sử dụng để ngắt âm thanh, ở đàn piano người ta dùng pedan thực hiện còn đàn tam thập lục GV hướng dẫn học sinh thực hiện bằng cách một tay đánh đàn, tay còn lại sử dụng 2 – 3 ngón chặn lại ngay sau đó để tiếng đàn không vang lên nữa. Kỹ thuật diễn tấu này góp phần làm tăng hình thức biểu diễn và hiệu quả âm thanh cao.

2.3.2. Kỹ thuật gẩy

Bằng cách dùng đuôi que đàn gẩy vào dây đàn. GV hướng dẫn học sinh sử dụng ngón 1, 2 bám vào que đàn, các ngón còn lại để thả long tự nhiên, đầu que đàn nghiêng về phía mình ở góc 65 độ. Tùy vào tính chất của từng tác phẩm, người gẩy có thể gẩy một dây hoặc nhiều dây và có thể thực hiện trên một tay hoặc cả hai tay.

2.3.3. Kỹ thuật nẩy

Ở kỹ thuật diễn tấu này GV hướng dẫn học sinh kết hợp cổ tay và ngón tay bật nhanh xuống dây đàn để tạo ra tối thiểu hai nốt cùng cao độ. Có thể nẩy một tay, tay còn lại đánh bình thường hoặc cả hai tay đều nẩy.

2.3.4. Kỹ thuật búng

GV hướng dẫn cho học sinh thực hiện kỹ thuật bằng cách dùng hai hoặc ba ngón tay của mình tác động trực tiếp vào dây đàn để tạo nên một màu sắc âm thanh khác với que đàn tạo ra. Với kỹ thuật này có thể dùng một tay búng hoặc có thể dùng hai tay búng một nốt hoặc tối đa hai nốt.

2.3.5. Kỹ thuật rải âm

Rải âm là sự kết hợp đánh từ 3,4,5,6... nốt nối tiếp nhau. Ở kỹ thuật rải nốt này GV thị phạm và yêu cầu học sinh thực hiện bằng sự kết hợp giữa các ngón tay và cổ tay bật đuôi que đàn để sao cho các nốt nhạc nối tiếp nhau tạo thành rải âm thanh mềm mại.

2.3.6. Kỹ thuật vuốt (gạt đuôi que)

Kỹ thuật này GV hướng dẫn cho học sinh dùng ngón tay hoặc đuôi que đàn trượt nhanh trên các dây đàn từ dưới lên trên hoặc ngược lại. Đối với đàn Tranh dùng móng để Á còn đàn Tam thập lục do cấu trúc của hàng âm trên mặt đàn Tam thập lục rất thuận lợi cho kỹ thuật vuốt GV yêu cầu học sinh lưu ý que đàn cần phải ngả về phía trước khoảng 45 độ, sử dụng ngón 1, 2, 3 bám vào que đàn, ngón 4, 5 thả lỏng.

2.4. Thực nghiệm sư phạm

Một học sinh  (thực hiện với phương pháp giảng dạy cũ)

Tên bài học: Giảng dạy bài tập số 153 (Bài tập vê móc đơn) trong giáo trình “ Những bài tập kỹ thuật bậc sơ cấp” cho đàn Tam thập lục.

Đối tượng: 1 em học sinh năm thứ ba hệ trung học 6 năm.

Phương pháp giảng dạy: Thuyết trình và thị phạm

Yêu cầu bài học: Đàn đúng nốt, đúng thế tay được ghi trong bài, tiếng vê  tròn, đều, sắc nét ở cả 2 tay, đúng và đều nhịp, đập nhịp bằng ngón chân phải, hai tay lên xuống đều đặn, tiếng đàn của hai tay vang, khỏe bằng nhau.

Thời lượng: 25 phút.

Hình thức tổ chức lớp học: Cá nhân 1 thầy 1 trò.

Ngày thực hiện: 7/4/2017.

Bước 1: Giao bài cho học sinh, giới thiệu bài tập

Bước 2: Hướng dẫn và đánh mẫu kỹ thuật vê.

Bước 3: Hướng dẫn cho học sinh cách chia câu, chia đoạn của một bài tập.

            Bước 4: Tóm tắt toàn bộ nội dung bài tập, hướng dẫn học sinh đánh đúng kỹ thuật, đánh chậm sau đó nâng tốc độ nhanh dần, hướng dẫn cho học sinh cách luyện tập ở nhà.

Một học sinh (thực hiện với phương pháp giảng dạy mới)

Tên bài học: Bài tập số 160 (Bài tập vê đen và vê đơn) – sách những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục (bậc sơ cấp)

Đối tượng: 1 em học sinh năm thứ ba hệ trung học 6 năm.

Phương pháp giảng dạy: Thuyết trình và thị phạm

Yêu cầu bài học: Các nốt vê tròn, đều, đủ trường độ, chồng âm phải rơi xuống cùng một lúc, các nốt chấm giật rõ ràng, hai tay chạy kép đều, các nốt chạy kép linh hoạt, đúng trường độ, tiếng đàn to, khỏe.

Thời lượng: 25 phút.

Hình thức tổ chức lớp học: Cá nhân 1 thầy 1 trò.

Ngày thực hiện: 15/5/2017

Tiến trình bài giảng:

Bước 1: Giới thiệu bài tập:

Bước 2: Hướng dẫn và đánh mẫu các kỹ thuật chồng âm, vê.

Bước 3: Giảng dạy và đánh mẫu cho học sinh đánh kỹ thuật đánh chồng âm, sau đó cho học sinh luyện tập riêng kỹ thuật đánh chồng âm trước khi vỡ bài.

Giảng dạy và đánh mẫu kỹ thuật vê, sau đó cho học sinh luyện tập vê trước khi vỡ bài

Bước 4: Giảng viên hướng dẫn học sinh cách chia câu, chia đoạn của dạng bài tập.

Bước 5: Hướng dẫn học sinh tập bài và xử lý sắc thái từng đoạn.

Bước 6: Giảng viên lắng nghe học sinh tổng hợp cả bài. Chú ý: Giảng viên sửa chữa những lỗi sai (nếu có).

Tóm tắt toàn bộ nội dung bài tập, hướng dẫn học sinh đánh đúng kỹ thuật, tốc độ, cường độ được đã được giáo viên hướng dẫn trong bài, hướng dẫn cho học sinh cách luyện tập ở nhà.

Kết quả giảng dạy thực nghiệm

Kết quả đánh giá thực nghiệm qua tiến hành kiểm tra việc thực hiện, xử lý bài tập kỹ thuật với kết quả của kỳ thi cuối kỳ II của 2 em học sinh năm thứ ba hệ trung học 6 năm với hai phương pháp giảng dạy, chúng tôi thu được kết quả:

Bảng số 8: Kết quả thực nghiệm

Qua kết quả đánh giá thu được từ 2 hs thực nghiệm, chúng tôi thấy rằng: tuy kết quả đạt được khá tốt nhưng với bài tập kỹ thuật khi ưng dụng vào các tác phẩm không mang lại hiệu quả cao.

Với phương pháp giảng dạy mới này, bài tập được kết hợp nhiều kỹ thuật sẽ giúp các em di chuyển cánh tay được nhanh nhạy hơn, giải phóng cơ thể, rèn luyện kỹ thuật nhảy quãng linh hoạt, tiếng vê đều mềm mại, chồng âm chắc, gọn, các kỹ thuật này được ứng dụng nhiều vào các bài dân ca, ca khúc, tác phẩm được viết và chuyển soạn cho đàn Tam thập lục ở những năm cao hơn.

Nhận xét chung: Bước đầu đánh giá các em học sinh đều có sự cố gắng, tiến bộ về kỹ thuật của cây đàn và khả năng diễn tấu. Các em đã có sự đầu tư cho việc rèn luyện ở nhà cũng như ở trên lớp một cách kỹ lưỡng, thực hiện đúng theo các bước giảng viên hướng dẫn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả đánh giá ban đầu, chúng tôi hy vọng sẽ có được kết quả ngày càng khả quan hơn nhằm năng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng như học sinh đàn Tam thập lục hệ trung học 6 năm khoa Nghệ thuật – Trường Đại học Hạ Long

Tiểu kết chương 2

Ở chương 2 này chúng tôi đã đưa ra những giải pháp nhằm giúp học sinh giải quyết những khó khăn trong luyện tập kỹ thuật như: Điều chỉnh lực cân bằng của hai tay qua các bài tập kỹ thuật chạy gam. Kỹ thuật đánh chồng âm đồng nhất âm thanh qua bài luyện tập gam chồng âm các quãng. Kỹ thuật vê, kỹ thuật đánh hai tay độc lập.... chúng tôi chú trọng đến việc hệ thống và bổ sung các kiểu luyện tập gam mới.

Với khả năng diễn tấu còn nhiều hạn chế của cây đàn, chúng tôi đã củng cố luyện tập một số kỹ thuật diễn tấu mới nhằm khai thác triệt để các thế mạnh của cây đàn, đưa kĩ thuật mới vào thể hiện nhiểu thể loại âm nhạc khác nhau đặc biệt là các tác phẩm mới với những xử lý tinh tế hơn.

Một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả giờ học là giáo viên phải biết kết hợp một cách hợp lý các phương pháp dạy học cơ bản trong một giờ dạy chuyên ngành ( thuyết trình, thị phạm, trực quan, kiểm tra đánh giá) và mức độ thời lượng của từng phương pháp đó. Việc thực nghiệm giảng dạy được tiến hành trên hai học sinh có cùng trình độ, chương trình giảng dạy được chúng tôi xây dựng một cách chi tiết, chúng tôi đã thu được kết quả như sau:

Về thái độ và ý thức học tập: Tài liệu đáp ứng phù hợp chương trình và đặc thù chuyên ngành, sát với mục tiêu chương trình, đối tượng người học nên học sinh đều có hứng thú học tập hơn.

Về kĩ năng: Học sinh vỡ bài nhanh hơn, các dạng bài tập kỹ thuật chuẩn hơn. Đánh chuẩn xác về cao độ và trường độ. Nắm vững các kiến thức về cách phá bài mới, cách tập chuẩn xác theo nội dung của bài.

 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

KẾT LUẬN

Với nội dung của đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy những bài tập kỹ thuật cho đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp trường Đại học Hạ Long” chúng tôi đã nêu nên vai trò của các bài tập kỹ thuật trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, hệ thống một số kỹ thuật cơ bản của đàn Tam thập lục. Qua đó chúng tôi cũng đã nêu nên thực trạng về chương trình, giáo trình và thực trạng giảng dạy từ đó đưa ra những điều chỉnh, sắp xếp và hệ thống lại chương trình cho phù hợp với từng năm học, đưa ra những giải pháp khắc phục nhược điểm nhằm trang bị cho các em một nền tảng kỹ thuật vững chắc. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã củng cố luyện tập lại một số kỹ thuật mới để đưa vào xử lý tác phẩm một cách tinh tế và hiệu quả hơn.

Qua các giờ thực nghiêm, chúng tôi đã có những nhận xét, đánh giá cụ thể về phương pháp giảng dạy mới, từ đó cho thấy: xây dựng nội dung về chương trình, giáo trình phù hợp, sát với trình độ kĩ thuật và yêu cầu của từng năm học là điều rất quan trọng. Qua đề tài này, tôi hy vọng sẽ góp một phần vào sự đổi mới, phát triển của bộ môn đàn Tam thập lục cho học sinh trung cấp 6 năm tại trường Đại học Hạ Long.

KHUYẾN NGHỊ

Với mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy “Những bài tập kỹ thuật cho học sinh năng khiếu trường Đại học Hạ Long” ngày một tốt hơn chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất: Chúng tôi mong muốn nhà trường tạo điều kiện thu thập một số tài liệu, sách, băng đĩa liên quan đến môn học trong thư viện nhà trường để học sinh có điều kiện được tham khảo, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn

Thứ hai: Chúng tôi mong muốn có những buổi biểu diễn, giảng dạy, tư vấn tại các trường phổ thông trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các em được va chạm thực tế.

Thứ ba: Nhà trường có những chính sách khích lệ giảng viên.

Mặc dù em đã cố gắng mong muốn có được kết quả nghiên cứu tốt nhất, xong do trình độ, tư liệu, tài liệu và thời gian có hạn nên không tránh khỏi gặp nhiều sai sót, em kính mong nhận được sự thông cảm và đóng góp ý kiến của các Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ, các nhà chuyên môn và toàn thể bạn bè để em có được công trình nghiên cứu tốt hơn.

Đầu trang
Các tin khác
  Nguyễn Thị Loan: “Đưa một số romance của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc vào giảng dạy cho giọng nữ hệ Cao đẳng Thanh nhạc trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Hoàng Thị Yến: “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử âm nhạc phương Tây cho sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại trường Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Nguyễn Viết Phi:“Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Âm nhạc cổ truyền tại hệ CĐSP Âm nhạc- Đại học Hạ Long”. Luận văn Thạc sĩ. 2018. (21/06/2018)
  Đặng Thị Thu Hiền: "Nâng cao chất lượng giảng dạy môn âm nhạc cho học sinh trường THCS Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Đinh Thị Khánh Thơ: "Giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn