Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12103974
Tin tức hoạt động Thứ năm, 28/03/2024

Tác giả: Sun Jin (Tôn Tiến)
Đề tài: Nghệ thuật đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam.
Chuyên ngành: Âm nhạc học
Mã số: 62.21.02.01.
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Phúc Linh 
Ngày đăng: 01/08/2015
Ngày dự kiến bảo vệ: 
Thời gian: 9:00 tại Phòng 8A nhà A1
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - 77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Luận án toàn văn

Tóm tắt Luận án 

1. Lý do chọn đề tài:      

      Đàn Bầu là một cây đàn đặc sắc của Việt Nam, nó có từ lâu đời và vốn sinh ra để phục vụ đời sống tinh thần dân tộc. Khi nhắc tới cây đàn Bầu là nhắc tới một cây đàn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Chính vì thế, chúng tôi muốn nhìn nhận một cách có hệ thống về hiện trạng nghệ thuật đàn Bầu Việt Nam, trên cơ sở khảo sát thực tế và tham khảo những thành quả nghiên cứu của các học giả đi trước. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn tìm hiểu những vấn đề về giảng dạy, biểu diễn, sự phát triển của cây đàn Bầu hiện nay.

2. Lịch sử đề tài

Hiện nay đã có khá nhiều người quan tâm tới những vấn đề về đàn Bầu. Chưa kể rất nhiều băng đĩa CD, chúng tôi đã sưu tập được khoảng 12 cuốn luận văn thạc sĩ,  có hơn 16 bài báo viết về đàn Bầu, 9 cuốn giáo trình và sách học viết cho cây đàn này. Tuy nhiên, chưa có một luận án tiến sĩ nào đi sâu về đàn Bầu.

      Tổng quan những tình hình nghiên cứu của chúng tôi đã sưu tập được, chủ yếu đi vào những vấn đề giảng dạy: 1. Về công tác giảng dạy với đối tượng là các trường học và các bậc học. 2. Về giảng dạy một loại hình âm nhạc truyền thống cho các trường nhạc. 3. Về vận dụng một số tác phẩm giảng dạy tại các trường nhạc. Ngoài ra còn số ít người tìm hiểu về biểu diễn và những vấn đề khác.

3. Mục đích nghiên cứu của luận án

-- Tổng kết lại sự hình thành và phát triển của nghệ thuật đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam từ khi thành lập trường Âm nhạc Việt Nam (1956) cho đến cuối thế kỳ XX. Qua đó tìm ra những giải pháp nhằm phát huy những ưu thế của cây đàn trong lĩnh vực âm nhạc đương đại tại Việt Nam và quốc tế, giải quyết các mặt hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, phát triển nghệ thuật đàn Bầu trong hiện tại và tương lai.

- Phân tích, hệ thống lại những đặc trưng cơ bản nhất về kỹ thuật, khả năng diễn tả âm nhạc đa dạng của đàn Bầu. Phân tích về hiện trạng và vị trí cây đàn trong các thế hệ người dân trong xã hội, đổi mới tư duy nhằm thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật đàn Bầu tại Việt Nam.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Trong luận án, chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu cả trong nhà trường lẫn ngoài xã hội, trọng tâm nghiên cứu từ năm 1956 cho đến cưới thế kỳ XX. Cây đàn Bầu được xem xét và đánh giá một cách toàn diện, sự tác động tích cực của nó đối với ngành học và ý nghĩa đối với xã hội của nó được nghiên cứu một cách sâu sắc. Phạm vi nghiên cứu đi theo hướng vừa có chiều sâu, vừa có diện rộng.

5. Phương pháp nghiên cứu

Chúng tôi có những phương pháp như Phương pháp nghiên cứu lý thuyết, Phương pháp nghiên cứu phi thực nghiệm,Phương pháp quan sát.

6. Những đóng góp mới của luận án

Đề tài của chúng tôi là một trong những cố gắng đầu tiên nghiên cứu một cách toàn điện về nghệ thuật đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam. Dưới đây là những kết quả dự kiến đạt được của luận án.

- Ngôn ngữ bản địa có quan hệ mật thiết với cây đàn Bầu, đặc biệt là âm thanh phát ra của con người có sự ảnh hưởng lớn đến những vấn đề kỹ thuật của cây đàn. 

- Chúng tôi sẽ triển khai một cuộc điều tra xã hội học về cây đàn Bầu. Từ những kết quả điều tra này, chúng tôi thu dược một số kết luận nhất định, nhắm vào yêu cầu của từng đối tượng, lứa tuổi khác nhau với một số biện pháp khác biệt.

- Với sự kế thừa và phát triển đàn Bầu, chúng tôi muốn trên cơ sở của người trước đã làm và đề ra vài ý kiến mới, đó là những quan điểm “hoạt hóa”, “tiến hóa” và “tiêu chí hóa”.

- Phân tích sâu về các vấn đề với cách nhìn nhận của một người nước ngoài.

7. Bố cục luận án

Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án được chia thành ba chương:

Chương I: Đàn Bầu trong đời sống âm nhạc của người Việt.

Chương II: Biểu diễn và đào tạo đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam

Chương III: Sự kế thừa và phát triển nghệ thuật đàn Bầu

Chương I:ĐÀN BẦU TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC CỦA NGƯỜI VIỆT

1.1 Vài nét về cây đàn Bầu trong văn hóa người Việt

1.1.1 Những truyền thuyết cổ truyền về cây đàn Bầu

Trong lịch sử, có rất nhiều truyền thuyết kỳ diệu về cây đàn Bầu, chẳng hạn như “Cây đàn một dây của Thị Phương”, “Cây đàn một dây của ông Thiện”, “Ông tổ của nghề hát Xẩm với cây đàn Bầu”…Tất cả những câu chuyện trên đều không hẹn mà cùng nói về nghề hát Xẩm. Cuộc sống của những người hát Xẩm đều luôn có những hoàn cảnh khó khăn, oan trái. Tiếng đàn hòa quyện vào tiếng hát xẩm làm cho lời ca càng thêm ai oán. Qua những truyền thuyết ở trên, chúng ta thấy được sự gắn bó mật thiết giữa đàn Bầu và nghề hát xẩm.

1.1.2. Cây đàn Bầu trong thơ ca

Khi tôi lần đâu tiên bước sang Việt Nam, tôi đã được nghe trong dân gian kể lại trong một câu thơ: “Đàn Bầu ai gẩy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn Bầu”. Ngoài ra còn có một câu thơ của nhà thơ Tiến Lê hình dung đàn Bầu như:“Một dây nũng nịu đủ lời, Nửa bầu chưa cả đất trời âm thanh”.

Ngoài những câu truyền miệng quen thuộc trong nước này, tiếng đàn Bầu đã thu hút được khá nhiều người nước ngoài lắng nghe mà đã có những nhà thơ ca ngợi tới tiếng đàn. trong đó có ghi rõ một nhà thơ Pháp - Mary, ngoài ra, còn có một nhà thơ Bungary, Blaga Dimitrova đã viết khi được nghe tiếng đàn Bầu.

1.1.3. Những nhân vật đại diện có đóng góp lớn cho sự phát triển đàn Bầu

NSND Vũ Tuấn Đức, Ông đã bổ sung phương pháp ký âm 5 dòng kẻ, thêm nhiều ký hiệu đặc biệt để cố gắng ghi lại những ngón nghề đặc thù của đàn Bầu.

NGND Xuân Khải, ông có một số tác phẩm nổi tiếng sáng tác cho đàn Bầu như “Buổi sáng sông Hương”, “Cung đàn đất nước”, “Hồi tưởng”…

NSƯT Mạnh Thắng, Năm 1957, ông Mạnh Thắng cùng cây đàn Bầu lần đầu tiên có mặt ở cuộc thi Quốc tế và đạt được huy chương vàng. Đến năm 1964, ông Mạnh Thắng đã bắt đầu mang đàn Bầu điện bước lên sân khấu chuyên nghiệp.

NSƯT Đức Nhuận, Ông là người đầu tiên sáng tạo ra và đưa các kỹ thuật cho đàn Bầu như: Kỹ thuật gẩy hai chiều, gẩy thực âm, tạo tiếng chuông,.

NS Hồ Khắc Chí, Trong 20 năm giảng dạy ông đã góp phần đào tạo nhiều học sinh, sinh viên ngành nhạc dân tộc. Ông sáng tác hoặc chuyển soạn hơn 35 bản nhạc không lời, được thu thanh tại đài phát thanh và truyền hình Việt Nam. Nhiều bản đàn trong số này hiện vẫn còn đang được sử dụng.

NSND Thanh Tâm, với hơn 40 năm giảng dạy, bà đã góp phần đào tạo nhiều học sinh, sinh viên ngành nhạc dân tộc hiện đang công tác tại các trường nghệ thuật, các đoàn ca múa nhạc trung ương và địa phương trong cả nước. Bà còn là người phụ nữ đầu tiên đem vinh quang về cho Việt Nam, cho ngành nhạc dân tộc nói chung và bộ môn đàn Bầu nói riêng bằng nhiều tấm Huy chương vàng của các cuộc thi, liên hoan quốc tế được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Bà đã xuấn bản 8 giáo trình đàn Bầu.

1.1.4. Những quá trình cải tiến đàn Bầu đáng ghi nhớ

Nhìn chung, sự cải tiến đàn Bầu nhằm vào 3 mục đích: làm cho âm thanh to hơn, làm cho hình dáng đẹp hơn, làm cho màu âm phong phú hơn. Việc cải tiến đã làm phong phú và thúc đẩy cho sự phát triển của cây đàn Bầu. Chúng tôi mong muốn nhiều người có tâm huyết về việc cải tiến đàn Bầu, tuy nhiên phương thức cải tiến không nên mất những đặc trưng “nguyên chất” của nó.

1.2 Mối quan hệ giữa ngôn ngữ người Việt với âm thanh cây đàn

1.2.1. Những đặc trưng cơ bản về ngôn ngữ và kỹ thuật đàn Bầu

TT

Dấu hiệu

Tên gọi

Chữ số

Ghi chú

  1.  

Không dấu

Đoản bình thanh

5-5/3-3

Âm ngang ngắn

  1.  

Dấu huyền ()

Tràng bình thanh

3-2/2-1

Âm đi ngang và kéo dài

  1.  

Dấu ngã ()

Khứ thanh

3-2-5/

3-2.5-5

Âm lên cao một chút rồi xuống rồi lại lên cao

  1.  

Dấu hỏi ()

Hối thanh

3-2-3/

2.5-1-1.5

Âm từ trên xuống dưới rồi lại lượn lên cao

  1.  

Dấu sắc ()

Thượng thanh

4-5/2-4.5

Âm lên cao

  1.  

Dấu nặng (·)

Hạ thanh

3-1/3-2

Âm đi xuống

 

 Thanh điệu tiếng Việt được phân thành 3 loại âm vực khác nhau: 

Nhóm cao có hai thanh (dấu giọng): sắc và ngã

Nhóm trung chỉ có một thanh bằng ngang

Nhóm trầm có ba thanh: huyền, nặng, hỏi.[I.41.246]

Cùng với động tác gẩy tạo âm của tay phải, tay trái điều khiển cần đàn để căng lên hoặc chùng xuống sợi dây duy nhất, tạo ra những cao độ khác nhau, đồng thời cũng thể hiện các ngón kỹ thuật như: rung, luyến, láy, vỗ, chạm, giật… đã tạo nên phần hồn trong diễn tấu đàn Bầu. Bởi vậy, nhiệm vụ của tay trái khi sử dụng cần đàn trong diễn tấu các bài bản truyền thống sẽ khó khăn hơn và đa dạng hơn.

1.2.2. Những yếu tố ảnh hưởng tới điễn tấu của cây đàn Bầu

  Trong trích dẫn, chữ ta, đi, dốc, tề, ngồi, gốc, cây, đa đều ở vị trí nốt Đô, nhưng hai chữ tềngồi là nốt Đô (c1), với âm vực thấp so với chữ không dấu. Chữ dốc, gốc cùng với các chữ không dấu lại là nốt Đô (c2), nhưng hai chữ dấu sắc này đều gẩy tay phải từ nốt Đô, song sử dụng kỹ thuật của tay trái luyến lên quãng 3 đến nốt Mi. Tất cả các chữ dấu sắc như dốc, gốc, đều có phương pháp diễn tấu theo cách luyến lên. Về tiếng đệm chữ i chỉ là phụ họa cho hát nên không có quy luật cao hoặc thấp, nó tương đối tự do. 

Chúng tôi cho rằng, hầu hết các phong cách diễn tấu nhạc cụ dân tộc đều chịu ảnh hưởng của các nhân tố thanh điệu của ngôn ngữ bản địa, từ đó hình thành nên một hình thái âm nhạc truyền thống đặc trưng. Trong đó, cụ thể được thể hiện ở phong cách giai điệu vốn có của nhạc cổ và dân ca, tức là đặc điểm tổ hợp liên kết giữa hướng đi âm cao của điệu ca và sự biến hóa của nó với âm thanh của khí nhạc. Loại kỹ thuật diễn tấu này lấy chính xu hướng cao độ và sự biến hóa của nó làm trạng thái âm nhạc chủ thể, chịu sự ảnh hưởng và chi phối của xu hướng 6 thanh điệu trong tiếng Việt.

Tiểu kết chương I

Thông qua các truyền thuyết dân gian được người Việt Nam chấp nhận, cây đàn này được những người hát Xẩm dùng làm kế sinh nhai. Đàn Bầu đã được cải tiến trở thành cây đàn Bầu hiện đại: thân đàn được làm bằng gỗ tốt và được gắn thêm Mô - bin làm cho tiếng đàn vang to hơn nhiều lần so với đàn Bầu xưa, làm tăng khả năng diễn tả của cây đàn trước đông đảo người nghe.

Nhìn chung, muốn diễn tấu được tốt âm nhạc truyền thống Việt Nam, trước tiên phải hiểu được bối cảnh và phong cách của dân ca, nhạc cổ; tiếp nữa cần phải hiểu được lời của nó; nắm bắt được âm luật của giai điệu; lại phải học thuộc cách diễn xướng dân ca và nhạc cổ; đồng thời chú ý đến các chi tiết nhỏ trong diễn xướng. Chỉ có như vậy mới có thể diễn giải được tốt tác phẩm trên cơ sở nguyên tắc trung thực với nội dung âm nhạc.

Chương II: BIỂU DIỄN VÀ ĐÀO TẠO ĐÀN BẦU TRONG GIAI ĐOẠN MỚI TẠI VIỆT NAM

2.1. Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu theo phong cách truyền thống

2.1.1 Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu trong phong cách dân ca ba miền

Trong nền âm nhạc truyền thống của các dân tộc Việt Nam có các thể loại khác nhau như dân ca, dân nhạc, âm nhạc thính phòng, âm nhạc Cung đình, âm nhạc sân khấu cổ truyền… Dân ca là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam, giàu bản sắc dân tộc, chính vì vậy, diễn tấu dân ca rất quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu.

Diễn tấu dân ca 3 miền là bước quan trọng đối với người biểu diễn, đặc biệt là học sinh mới học đàn, vì các các bài dân ca luôn có giai điệu đẹp, tiết tấu đơn giản, làm cho học sinh dễ nhớ, dễ thuộc. Càng học thời gian lâu, người chơi đàn càng có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu với nhiều bài bản dân ca, từ đó họ sẽ càng ngấm chất, bén hơi và biết cách xử lý bài bản, khiến cho người biểu diễn càng thể hiện được cái hồn của dân ca ấy, tiếng đàn của họ sẽ càng trở nên sâu lắng.

2.1.2. Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu trong phong cách thính phòng cổ truyền

Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu trong phong cách thính phòng cổ truyền ở Việt Nam khá phong phú và đặc sắc. Một số loại hình nổi bật như Ca trù, Hát Văn, Xẩm, Huế, Đờn ca - Tài tử... được coi là những loại hình độc đáo mang tính chuyên nghiệp cao. Trong phần này, chúng tôi xin được đi sâu vào hai lĩnh vực là âm nhạc thính phòng Huế và Đờn ca - Tài tử Nam bộ.

 Về những đặc sắc trong Phong cách Huế, chúng ta cần phải lưu ý đến những vấn đề về thang âm, vì hệ thống thang âm Đô, Rê (non), Fa (già), Sol, La (non) của điệu Nam rất phù hợp với giọng nói của người dân Huế. Hệ thống thang âm này bao trùm trên đa số bài bản của âm nhạc truyền thống Huế và tô đậm bản sắc Huế. Chính vì thế, trong khi diễn tấu những phong cách này phải tuân thủ quy luật thang âm của tính chất dân tộc, chứ không diễn theo chuẩn của 12 âm bình quân.

Về những đặc sắc trong Phong cách Đờn ca - Tài tử, như chúng ta đã biết, hệ thống bài bản trong âm nhạc Đờn ca - Tài tử cũng được phân chia thành thể loại theo hơi: Hơi Bắc, hơi Nam, hơi Oán. Trong khi biểu diễn, mỗi loại hơi đều có những đặc điểm về kỹ thuật: rung, luyến, láy, vỗ khác nhau để người ta có thể phân biệt được Hơi của mỗi bài bản. Ví dụ, trong nhạc Đờn ca - Tài tử, cùng một nốt Fa nếu rung thì sẽ mang hơi oán, không rungláy thì sẽ là hơi Xuân. Điều này khiến cho người chơi phải nắm chắc được tính chất của từng bài bản.

   2.1.3 Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu trong phong cách Ca Kịch truyền thống

Âm nhạc trong Chèo giữ một vị trí đặc biệt, nó là một thủ pháp quan trọng nhất để biểu hiện tính cách nhân vật, tâm tư, sự việc và tạo kịch tính. Trong khi biểu diễn, mỗi nhạc công là một chủ thể sáng tạo không ai giống ai. Tùy theo tính năng và âm sắc của mỗi cây đàn mà người đàn trước kẻ đàn sau, quan trọng nhất là dựa vào tiết tấu và lòng bản chính của làn điệu mà mỗi cây đàn tự ngẫu hứng theo cách riêng của mình. Ở đây, chúng tôi xin so sánh mấy cây đàn của bài bản hơi Bắc “Duyên phận phải chiều” (hay gọi là “Đường trường duyên phận”):

Qua những ví dụ trên, chúng tôi thấy được cùng với một làn điệu Chèo tuy đã được soạn ở các cây đàn khác nhau nhưng vẫn không làm thay đổi tính chất âm nhạc vui tươi, trong sáng của bài. Chúng ta dễ thấy, trong khi diễn tấu, các cây đàn như đàn Tranh, đàn Tam thập lục, đàn Nhị có nhiều nốt nhạc được biến hóa hơn. Phong cách biểu diễn đàn Bầu rất giống ca hát, nốt nhạc đàn Bầu đơn giản tùy theo lời ca, các âm chỉ cần gẩy một nốt tay phải rồi sử dụng các kỹ thuật luyến láy của tay trái, hai tay phối hợp linh hoạt, tạo ra những âm thanh hiệu quả giống như một người đang hát.

2.1.3.2. Những đặc sắc trong phong cách Cải lương

Âm nhạc Cải lương có đặc thù thể hiện rõ bản sắc vùng miền qua lối ca và lối đàn với các hơi nhạc như: hơi Nam, hơi Bắc, hơi Oán…Trong thời gian học tập tại Việt Nam, tôi rất thú vị trước sự trùng tên một số bài nhạc cổ Trung Quốc và Việt Nam, ví dụ như “Kim tiền”, “Lưu thủy” , “Khốc hoàng thiên... Các bài bản nhạc cổ trải qua nhiều thời đại được các nghệ sĩ truyền đạt, với phong cách biểu diễn khác nhau của các vùng miền, cùng với phong cách diễn tấu khác biệt của các loại nhạc cụ. Chúng tôi thử từ một bài mang tính đại diện có tên gần giống nhau làm phân tích để các nhà nghiên cứu sau này tham khảo.

Từ nhạc số Trung Quốc chuyển sang năm dòng kẻ:

Ở trên chúng tôi thấy, 2 bài bản cùng tên ở hai nước có những khác biệt như sau:

- Làn điệu của hai nước có những khác biệt.

- Phong cách diễn tấu, bài bản Việt Nam diễn tấu theo tốc độ hơi nhanh nhưng bài bản ở Trung Quốc vì thường dùng trong nhạc lễ truy điệu, nên tốc độ luôn luôn chậm chạp.  

- Kỹ thuật diễn tấu, “Khốc hoàng thiên” của Việt Nam sử dụng nhiều nốt luyến, láy, trong khi đó “Khốc hoàng thiên” Trung Quốc lại có nhiều nốt hơn và tất cả các nốt đều được diễn tấu, ít sử dụng luyến.

Chúng tôi cũng tìm ra những điểm chung của hai bài bản như sau:

- Điệu thức, hai bài đều sử dụng Vũ điệu thức của “Vũ cung” Trung Quốc.

- Tiết tấu, mỗi một câu nhạc đều bắt đầu từ nhịp nhỏ.

Hiện nay, “Khốc hoàng thiêntại Trung Quốc đã có rất nhiều dị bản, bên cạnh đó, “Khốc hoàng thiên” của Việt Nam cũng mang phong cách độc đáo của Cải lương Việt Nam. Vậy khó để so sánh một bài bản cùng tên của hai nước có những nét tương đồng và khác biệt.

Trong phần này, chúng tôi thấy rằng phong cách nhạc cổ vô cùng phong phú và đa dạng, mỗi một phong cách nhạc cổ còn chia thành các loại hơi và tính chất khác nhau. Bên cạnh đó, biến hóa di bản nổi bật lên như là một đặc trưng của nhạc cổ. Phong cách diễn tấu này khiến người chơi muốn xử lý và diễn đạt một cách linh hoạt, đúng phong cách nhạc cổ nhất thiết phải tìm hiểu một cách sâu sắc về phong cách đó.

2.2. Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu theo phong cách mới

2.2.1. Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu với dân ca, nhạc cổ theo phong cách mới

Nếu phân tích về nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu với dân ca, nhạc cổ theo phong cách mới, chúng ta cần sử dụng một khối lượng tác phẩm rất lớn. Tuy nhiên, do giới hạn của luận án, chúng tôi xin được trích dẫn hai thí dụ điển hình.

Đoạn này được nghe trong biểu diễn giao lưu văn hóa do NSƯT Hoàng Anh Tú biểu diễn, phong cách biểu diễn của anh rất phong phú, đa dạng. Âm vực được diễn tấu trên đàn cao hơn một quãng 8. Ở ô nhịp 2, sau nốt Đô, người biểu diễn còn sử dụng kỹ thuật vỗ 2 cái để làm cho âm sắc thêm phong phú. Đến ô nhịp 4, từ nốt Đô luyến lên đến nốt Rê, ngay lập tức chạm dây ở vị trí nốt tiếp theo, rồi lại từ nhấn nốt Sol trở về Fa và rung Fa, làm cho giai điệu càng thêm phong phú và sinh động. Ở ô nhịp 8 chỉ gảy nốt Sol, thông qua các âm luyến láy, nhấn nhá rung rồi chuyển sang các nốt tiếp theo, ở ô nhịp này vừa thể hiện được khả năng của người biểu diễn, vừa mang lại hiệu quả âm nhạc cho người thưởng thức.

Chúng tôi nghĩ rằng sử dụng những biện pháp kỹ thuật mới khi chơi các bài dân ca, nhạc cổ mang lại phong cách mới phù hợp với nhu cầu của dân chúng, của thời đại mang lại hiệu quả là người nghe dễ tiếp thu, đồng thời cũng thêm mầu sắc cho việc biểu diễn âm nhạc truyền thống trên sân khấu.

2.2.2. Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu với các tác phẩm mới

Nghệ thuật biểu diễn tác phẩm mới (âm nhạc có tác giả) có sự khác biệt với các loại hình dân ca và nhạc cổ cả về cách xử lý âm thanh lẫn phong cách biểu diễn. Dưới đây chúng ta làm thành một bảng biểu trực quan để so sánh sự khác biệt giữa các loại hình dân ca, nhạc cổ với tác phẩm mới (âm nhạc có tác giả).

Nội dung chi tiết

Dân ca, nhạc cổ

Tác phẩm mới

(âm nhạc có tác giả)

Về bản phổ

Lòng bản cố định nhưng có nhiều dị bản khác nhau

Bản phổ cố định

Về âm chuẩn

Theo hơi và điệu của bài

Theo điệu thức trưởng thứ  châu Âu, các thang âm ngũ cung, nhưng khi chơi các tác phẩm phát triển từ nhạc cổ, cũng cần ứng dụng hơi và điệu của bài.

Về kỹ thuật tay phải

Bồi âm

Bồi âm, thực âm, hai chiều, vê, chặn dây, bồi âm kép, tiếng chuông, gỗ bồi âm...

Về kỹ thuật tay trái

Nhấn, luyến, rung, vỗ, vuốt, láy, giật

Cùng với các kỹ thuật cải biên dân ca, nhạc cổ, bên cạnh đó, chơi tác phẩm phải rõ ràng và sắt nét theo âm chuẩn.

 

Các tác phẩm nguyên gốc sáng tác dành cho đàn Bầu

Với đoạn tự do được viết ở giọng Đô thứ, bắt đầu từ tiết tấu nhanh chỉ riêng ở ô nhịp một, nhiều nghệ sĩ biểu diễn đã sử dụng kỹ thuật rung, gẩy hai chiều, vuốt để thể hiện như sự kêu gọi của con người. Sau đó, tiết tấu dần dần chậm lại, dàn nhạc giao hưởng với đàn Bầu như đang đối thoại để bày tỏ niềm tin vào ngày toàn thắng và giải phóng đất nước. Phần cuối của đoạn này, tiết tấu chậm để dẫn vào đoạn B.

Những tác phẩm chuyển sọan từ các tác phẩm nước ngoài

Đánh dấu kỹ thuật biểu diễn có những nét khác biệt của đàn Bầu với tác phẩm “Ave Maria” của Fr. Schubert:

 Những tác phẩm này phải chú ý mấy vấn để như sau: xử lý âm chuẩn thật chính xác và sạch sẽ. Phải cần thận sử dụng các kỹ thuật luyến láy, nếu không sẽ trở thành diễn tấu phong cách âm nhạc dân tộc Việt Nam..

2.2.3. Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu với tác phẩm ngẫu hứng

Tác phẩm ngẫu hứng đi theo hai phương pháp khác nhau: một là tác phẩm ngẫu hứng trên cơ sở hòa thanh, hai là tác phẩm có chủ đề mang tính ngẫu hứng.

Nhìn chung hai phương pháp trên đều có những đặc điểm chung, đó là không có nốt nhạc cụ thể ghi rõ trên bản phổ cho đàn Bầu, người biểu diễn phải tự suy nghĩ và sáng tác theo các yêu cầu khác nhau. Sự khác biệt ở đây là khi chơi tác phẩm ngẫu hứng trên cơ sở hòa thanh người chơi phải tự sáng tác và tuân thủ theo đúng vòng hòa thanh có sẵn của tác phẩm. Còn tác phẩm có chủ đề mang tính ngẫu hứng lại càng linh hoạt và phức tạp hơn, người chơi phải tự sáng tác giai điệu theo ý tưởng và những tiêu đề và yêu cầu của tác giả.

2.3. Đào tạo đàn Bầu nhằm phát triển nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn mới tại Việt Nam

2.3.1 Hoạt động biểu diễn đã đẩy mạnh việc đào tạo đàn Bầu

     Việc biểu diễn và đào tạo là hai điều cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển nghệ thuật đàn Bầu. Trong đó, xu hướng phát triển của các hoạt động biểu diễn đàn Bầu có ảnh hưởng lớn tới việc đào tạo đàn Bầu sau này. Thông qua tìm hiểu các hoạt động biểu diễn đàn Bầu và trợ giúp sinh viện nhìn rõ mục tiêu, kích thích tính tích cực học tập của sinh viên, đẩy mạnh việc đào tạo đàn Bầu.

Chương trình biểu diễn là phần học và thực hành không thể thiếu trong các trường nhạc, các học sinh, sinh viên trong suốt quá trình học tập cần tham gia và xem các loại hình biểu diễn để học tập lẫn nhau, để lấy kinh nghiệm thực hành, kinh nghiệm sư phạm và kinh nghiệm sân khấu. Những sự tích lũy kinh nghiệm này sẽ là cơ sở để sau này giúp họ trở thành những nghệ sĩ, giảng viên giỏi của đất nước.

Hiện nay, đàn Bầu được biểu diễn tại nước ngoài thông qua nhiều con đường khác nhau: do nghệ sĩ Việt Nam định cư tại nước ngoài giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá cây đàn Bầu cho người nước ngoài; do các giảng viên, sinh viên học tập tại nước ngoài mà giới thiệu cây đàn đặc sắc của Việt Nam cho người nước ngoài; do các nghệ sĩ Việt Nam sang nước ngoài giao lưu văn hóa; do tham gia cuộc thi Quốc tế, tiếng đàn này đã thu hút được các khán giả nhiều nước quan tâm.

2.3.2. Các kỹ thuật diễn tấu của đàn Bầu đang được áp dụng trong các cơ sở đào tạo tại Việt Nam

Cùng với động tác gẩy tạo âm của tay phải, tay trái điều khiển cần đàn để căng lên hoặc chùng xuống sợi dây duy nhất, tạo ra những cao độ khác nhau, đồng thời cũng thể hiện các ngón kỹ thuật như: rung, luyến, láy, vỗ, chạm, giật…đã tạo nên phần hồn trong diễn tấu đàn Bầu. Bởi vậy, nhiệm vụ của tay trái khi sử dụng cần đàn sẽ khó khăn hơn và đa dạng hơn, cần được luyện tập công phu. với kỹ thuật tay phải, cũng có rất nhiều kỹ thuật như gẩy hai chiều, vê, chặn dây, gõ bồi âm, gẩy thực âm, ngón bật thực âm, tạo tiếng chuông...

Chúng ta luôn đề ý đến kỹ thuật rung, kỹ thuật này có thể chia thành 2 loại rung cơ bản: nhanh và chậm, nhưng nếu làm tỉ mỉ hơn có thể chia thành 4 loại rung cụ thể:

- Rung nhanh với biên độ hẹp (có thể gọi là rung êm).

- Rung nhanh với biên độ rộng (có thể gọi là rung gằn, gằn chỉ trạng thái tình cảm giận hờn, uất ức).

- Rung chậm với biên độ hẹp (có thể gọi là rung êm).

- Rung chậm với biên độ rộng (có thể gọi là rung buồn).

Đối với việc xử lý các loại rung, về tư thế cầm tay thì không khác gì nhưng sử dụng kỹ thuật rung nào phải tùy theo phong cách từng bài bản, tác phẩm và phong cách vùng miền.

- Đối với nhạc phong cách Chèo thường rung vừa phải, êm và nhẹ, tiếng bay. Nhưng cũng có lúc rung nhanh và rung chậm, những bài vui thì có thể rung nhanh hơn và bài buồn thì có thể lại rung chậm hơn;

- Về phong cách Huế, cũng chia ra hai loại: Hơi Nam phải rung chậm và êm, hơi Bắc thì rung chậm và hơi mạnh;

- Với phong cách Cải lương cũng thế: hơi Bắc rung nhanh, hơi Nam cũng nhanh nhưng sâu và đầm tiếng hơn. Khi xử lý kỹ thuật rung trong nhạc cổ, trước tiên phải nắm được phong cách của bài bản. 

Với các tác phẩm mới, sinh viên cũng phải phân tích mới biết cách rung thế nào cho đúng với nội dung, ý tưởng mà bản nhạc muốn truyền tải. Những bài tác phẩm mang tính dân gian hoặc các dân tộc của Việt Nam thì phải ra chất rung của vùng miền đó.

     Bài “Buổi sáng sông Hương” của nhạc sĩ Xuân Khải được khai thác chất liệu của âm nhạc Huế, vì vậy rung ở hai âm nốt Fa và Si, rung rộng và nốt Fa hơi cao hơn so với nốt Fa của âm nhạc phương Tây.

NS Khắc Chí sáng tác bài “Niềm tin tất thắng” với chất liệu âm nhạc lấy từ bài dân ca Nam bộ “chiều chiều”. Trong bài thường rung với hai nốt Fa và Si, theo phong cách của bài nên rung chậm và sâu lắng.

Những tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn Bầu như “Chèo thuyền” của P.I.Tchaikovsky viết cho Piano. Với tính chất êm dịu, không có nhiều luyến láy, khi chuyển soạn cho đàn Bầu, thường rung những âm dài như ở trên chỉ rung một âm nốt Re, gẩy âm vang của nốt Re xong rung rất nhẹ nhàng. Ở đây cần phải chú ý khi chơi những tác phẩm nước ngoài chuyển soạn cho đàn Bầu không nên lạm dụng kỹ thuật rung, nếu không sẽ trở thành hơi của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Các sáng tác mới của Việt Nam và những bài hát chuyển soạn cho đàn Bầu cũng nên rung chậm và nhẹ nhàng.

Ngoài ra, kỹ thuật diễn tấu phối hợp hai tay của đàn Bầu rất quan trọng, nó giúp người chơi đàn thể hiện được tâm tư, tình cảm, nhất là khi phải xử lý những bài bản phức tạp, có tính tiết tấu cao và đa dạng. Với chức năng nhấn, luyến, vỗ, vuốt của tay trái và việc tăng cường hàng loạt thủ pháp diễn tấu cho tay phải buộc người chơi đàn phải được trang bị một trình độ kỹ thuật chơi đàn nhất định. Từ mức độ mang tính chất kỹ thuật, người nghệ sĩ sẽ nâng lên thành nghệ thuật khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay.

2.3.3. Phương pháp và giáo trình đào tạo đàn Bầu

Hiện nay phương pháp giảng dạy đàn Bầu ở các trường nhạc Việt Nam đã hình thành những phương pháp đa nguyên như sau: Phương pháp sủ dụng 5 dòng kẻ để ký âm cơ bản, bên cạnh đó sinh viên học tập theo hệ thống âm nhạc phương Tây để làm cơ sở lý luận; Phương pháp truyền khẩu, truyền ngón vẫn là việc quan trọng giúp cho sinh viên xử lý chính xác từng chi tiết nhỏ về phong cách nhạc cổ;  Thường xuyên mời những nghệ nhân vào lớp giảng dạy các loại phong cách nhạc cổ để bổ trợ kiến thức về phong cách nhạc cổ cho sinh viên; Nhiều môn học bổ trợ cho việc học tập âm nhạc truyền thống, triển khai nhiểu chương trình học hát dân ca, nhạc cổ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc; Bồi dưỡng lực lượng giảng viên một cách có hệ thống chuyên sâu.

 Trong quá trình giảng dạy bộ môn đàn Bầu ở Việt Nam, việc giảng dạy phong cách nhạc cổ chiếm vị trí quan trọng. Từ trung cấp lên đại học, các thầy cô căn cứ trình độ học tập để sắp xếp nội dung học phong cách nhạc cổ như dân ca, Chèo, Huế, Tài tử - Cải lương cho các em để từ đó, thông qua những ngón đàn rung, luyến, láy, v… các em có thể thể hiện được những phong cách đặc sắc riêng của từng vùng miền, từng thể loại. Có thể nói, học tập các bài bản phong cách nhạc cổ chính là “gốc rễ” của nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu và những bộ môn nhạc cụ truyền thống khác.

Tiểu kết chương II

  Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI, công tác đào tạo và biểu diễn đàn Bầu đã bước sang một giai đoạn mới. Trong giai đoạn này, nghệ thuật biểu diễn và đào tạo đàn Bầu được phát triển mạnh mẽ do yêu cầu của xã hội. Trong quá trình phát triển, phong cách biểu diễn và kỹ thuật diễn tấu đàn Bầu có quan hệ mật thiết với nhau. Nhìn chung, khi diễn tấu phong cách dân ca và nhạc cổ, chúng ta cần phải nắm vững được phong cách từng vừng miền, từng thể loại âm nhạc. Trong kỹ thuật diễn tấu, tay trái của người chơi đàn phải rất chú ý mới có thể sử lý đúng phong cách; trong lĩnh vực biểu diễn những tác phẩm mới thì phải nắm được nội dung tác phẩm, đặc điểm âm thanh, từ đó người nghệ sĩ phải phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay để thể hiện được cái đẹp của tác phẩm.

Chương III: SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ĐÀN BẦU

            3.1 Điều tra xã hội học về cây đàn Bầu

3.1.1. Bối cảnh thiết lập bảng câu hỏi và tiến hành tìm hiểu về đàn Bầu

Nhằm tìm hiểu một cách khách quan về hiện trạng đàn Bầu trong xã hội hiện nay, chúng tôi dùng thời gian một năm để triển khai các cuộc điều tra xã hội học nhỏ. Cũng do kinh phí, kinh nghiệm cá nhân có hạn, đặc biệt đối với một người nước ngoài, khó để điều tra một cách toàn diện về người nông dân ở nông thôn. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu một cách tối đa từ góc nhìn của một người nước ngoài trong khả năng có thể mặc dù bỏ qua điều tra về người nông dân ở nông thôn là một thiếu sót.

Chúng tôi thiết kế một bảng biểu câu hỏi điều tra xã hội học về nghệ thuật đàn Bầu cho người dân, đặt tên là “Bảng câu hỏi tìm hiểu về đàn Bầu”. Sau đó, chúng tôi in ra 150 bản, tập trung phát tại một số địa điểm khoảng 6 nhóm người mang tính đại diện. Đó là các đối tượng sau: Nhóm người hoạt động chuyên nghiệp; Nhóm người ngoài xã hội; Nhóm người là học sinh lứa tuổi trẻ; Nhóm người là thanh niên; Nhóm người lớn tuổi; Nhóm người đặc biệt.

Sau khi hoàn thành cuộc điều tra này, chúng tôi lấy tất cả các bảng câu hỏi chỉnh lý thành 4 nhóm người đề tiến hành phân tích: Nhóm lứa tuổi trẻ; Nhóm thanh niên; Nhóm trung niên; Nhóm người cao tuổi. Bảng điều tra này gồm 20 câu hỏi, do 3 bộ phận cấu thành.

3.1.2. Đánh giá kết quả điều tra

Đánh giá về mức độ yêu thích, qua mấy câu hỏi thống kê chúng ta thấy, Trong nhóm trung niên có nhiều người yêu thích đàn Bầu nhất. Nhóm người ở lứa tuổi trẻ chỉ có số ít người yêu đàn Bầu, họ không hiểu nhiều về cây đàn này. Điều này có thể đã phản ánh một hiện trạng rằng sự yêu thích đàn Bầu nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung đang mất dần vị trí trong lòng thế hệ trẻ.

Trong điều tra này, chúng tôi cũng cảm thấy ngoài sức tưởng tượng về đáp án câu hỏi số 10: Anh/Chị thấy đàn Bầu và âm nhạc truyền thống Việt Nam có cần đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học không?

Với kết quả điều tra này, chúng ta thấy việc đưa âm nhạc truyền thống nói chung và đàn Bầu nói riêng vào các trường trung học phổ thông được đa số người dân ủng hộ.

trong bảng câu hỏi số 13,14. Chúng tôi triển khai điều tra về yêu thích của đại chúng với các loại hình âm nhạc. Có 9 đáp án được phép chọn.

Tuổi

Thứ nhất

Thứ hai

Thú ba

Thứ tư

50+

Dân ca

Nhạc cổ

Âm Nhạc Phương đông

Dàn nhạc Giao hưởng

31 - 50

Dân ca

Nhạc cổ

Âm nhạc Thính phòng

Dàn nhạc Giao hưởng

18 - 30

Dân ca

Jazz

Nhạc cổ

Pop&rock

18 -

Dân ca

Pop&rock

Hip-hop

Jazz

 

 Với sự lựa chọn đa dạng của các nhóm người, kết quả điều tra rất phong phú. Trong các thể loại âm nhạc khác nhau, dân ca và nhạc cổ vẫn được người dân ưa thích nhất, đặc biệt là dân ca.

3.1.3. Những góp ý của các nhạc sĩ sáng tác, giảng viên và nghệ sĩ đàn Bầu trong các cuộc phỏng vấn

Thông qua những góp ý của các nhạc sĩ sáng tác, giảng viên và nghệ sĩ đàn Bầu cũng như quần chúng nhân dân với các lứa tuổi, nhóm thính giả khác nhau trong các cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã tổng kết lại những vấn đề như sau:

- Cần sử dụng các biện pháp nhằm vào đặc điểm của các nhóm người khác nhau, về việc phổ cập đàn Bầu

- Đào tạo đàn Bầu tại các trường chuyên và không chuyên

- Tổ chức nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu đàn Bầu

- Tổ chức các cuộc thi từ nhỏ đến to

- Khuyến khích các nghệ sĩ sáng tác tác phẩm cho đàn Bầu

- Về cải tiến đàn Bầu nên giữ nguyên âm sắc của đàn

3.2. Những yếu tố quan trọng cho sự kế thừa và phát triển nghệ thuật biểu điễn đàn Bầu trong thời kỳ mới

3.2.1. Đường lối và chính sách của Đảng và Chính Phủ trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống

Đường lối và chính sách của Chính Phủ luôn quyết định và chi phối xu hướng phát triển của âm nhạc truyền thống nói chung và nghệ thuật đàn Bầu nói riêng. Có thể nói, cây đàn Bầu không những chỉ là một nhạc cụ đơn thuần mà là một phương tiện truyền đạt văn hóa nghệ thuật người Việt trong ý thức văn minh hiện đại. Những thay đổi mạnh mẽ như vậy chính là do chiến lược và chính sách phát triển văn hóa của Chính Phủ Việt Nam.

3.2.2. Đổi mới nội dung là cơ bản

Do sự phát triển không ngừng của văn hóa, kinh tế xã hội và sự nâng cao trình độ thưởng thức lớn của đại chúng, về ứng đối yêu cầu của xã hội và thị trường, cần đổi mới nội dung xuyên suốt cả quá trình phát triển của đàn Bầu.

3.2.3. Giới học thuật là cầu nối

Việc phục hưng đàn Bầu với sự hết lòng giữ gìn, nghiên cứu của giới học thuật có quan hệ mật thiết với nhau. Giới học thuật bao gồm các học giả có trình độ chuyên môn sâu rộng, trong đó có nhiều học giả tổ từng chức hội nghị và đề xuất dự án, hỗ trợ cơ sở lý luận cho việc phát triển đàn Bầu, có người nghiên cứu chuyên sâu về cải tiến, chế tác nhạc cụ. Bên cạnh đó, còn có nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp sáng tác tác phẩm mới cho đàn Bầu...

3.2.4. Quần chúng nhân dân là chủ thể

Bất cứ thời kỳ nào, quần chúng nhân dân cũng là chủ thể và người sáng tác đều rất quan trọng cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật. Quần chúng nhân dân (không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác) luôn có vai trò quyết định trong phương hướng phát triển của nghệ thuật.

3.3. Phát triển nghệ thuật đàn Bầu theo hướng mở nhằm tiếp cận với yêu cầu mới của thời đại (hoạt hóa, tiến hóa, tiêu chí hóa)

3.3.1. Giữ gìn và đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu (hoạt hóa) 

  Hoạt hóa nghệ thuật, biểu diễn đàn Bầu có những biện pháp như xây dựng “cầu vượt” nối việc duy trì truyền thống với đổi mới nghệ thuật đàn Bầu; Đa dạng hóa các hình thức biểu diễn; Giới thiệu đàn Bầu cho các trường học.

3.3.2. Đổi mới nội dung và hình thức để phát triển nghệ thuật đàn Bầu (Tiến hóa)

Để tiến hóa nghệ thuật đàn Bầu có những biện pháp như tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để tuyên truyền, giới thiệu đàn Bầu cho dân chúng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; Nâng cao chất lượng đào tạo cho đàn Bầu chuyên nghiệp; Đổi mới tư tưởng về cải tiến nhạc cụ; Tăng cường nghiên cứu lý luận về nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu.

3.3.3. Làm nổi bật vị trí của nghệ thuật đàn Bầu (tiêu chí hóa)

Tính đặc sắc trong âm nhạc của mỗi dân tộc thường mang tính đại điện. Đàn Bầu chính là một trong những nhạc cụ độc đáo đặc sắc đại diện cho hình tượng nhạc cụ dân tộc Việt Nam nói chung và nhạc cụ dân tộc Kinh nói riêng. Tiêu chí hóa nghệ thuật đàn Bầu còn có những cách đi khác, đó là phải tích cực mở rộng những sản phẩm văn hóa có xuất xứ từ cây đàn Bầu. Tiếng đàn kỳ diệu và ngoại hình độc đáo của đàn Bầu dễ nhận được sự yêu mến của nhân dân trong nước và ngoài nước. Hiện nay có những ý kiến đã được xã hội đồng thuận, đó là “Hoạt động văn hóa làm chủ đề, phát triển kinh tế là mục đích” trong rất nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là nghề du lịch đều tổ chức những hoạt động văn hóa âm nhạc để chào hàng.                                   Tiểu kết chương III

Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ, giảng viên, nhà khoa học đã có những sự đóng góp lớn nhằm phát triển cây đàn Bầu. Cũng như những nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi tiến hành cuộc điều tra nhằm mục đích thu thập được những ý kiến của các tầng lớp xã hội nhằm phát triển cây đàn Bầu, một cây đàn độc đáo của Việt Nam.

Với việc phát triển nghệ thuật đàn Bầu “theo hướng mở”, chúng tôi cho rằng “phương pháp hoạt hóa, tiến hóa, tiêu chí hóa” là những phương pháp hiệu quả cho việc kế thừa văn hóa dân tộc nói chung và nghệ thuật đàn Bầu nói riêng.

 

KẾT LUẬN

Với sự phát triển của đàn Bầu trong giai đoạn mới có thể tóm lược đặc trưng cơ bản của quá trình phát triển từ dân gian cho đến chuyên nghiệp, từ đơn giản cho đến đa dạng, thể hiện như sau:

Về lĩnh vực biểu diễn: đàn Bầu từ một cây đàn hỗ trợ cho người hát Xẩm ăn xin, thân đàn thô sơ mà chỉ phục vụ được số ít người nghe, cho đến nay, đã có  hình thức độc tấu, hòa tấu xuất hiện ở các sân khấu to nhỏ trong nước và ngoài nước. Cùng với sự phát triển của văn hóa âm nhạc hiện nay, đàn Bầu cũng cố gắng thử nghiệm với những phương thức mới như biểu diễn với dàn nhạc giao hưởng, tác phẩm ngẫu hứng... Nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu từ trong dân gian đã nổi bật sức hấp dẫn cho cả thế giới, từ một nhạc cụ đệm cho hát trở thành nhạc cụ độc tấu, hòa tấu trên sân khấu lớn, hình thức biểu diễn được đa dạng hóa cũng là một trong những phát triển không thể xem nhẹ.

Kể từ khi được đưa lên sân khấu làm cho nhiều người hiểu biết về cây đàn Bầu, số người học đàn ngày càng tăng lên, sự nghiệp đàn Bầu cũng ngày càng mở rộng. Sự thay đổi này có quan hệ mệt thiết với sự chuyển biến về địa vị xã hội của người biểu diễn. Vị trí người biểu diễn từ nghệ nhân tầng lớp thấp, trở thành nghệ sĩ, chuyên gia, giáo sư, nghệ sĩ biểu diễn. Đặc biệt là giai đoạn này nổi bật rất nhiều nghệ sĩ nữ xuất sắc, có người đã được phong cách danh hiệu cao quý của nhà nước như NSND, NSƯT... Đây chính là sự hình thành của một quan niệm mới của thời đại về nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu.

Về lĩnh vực sáng tác: kể từ khi đàn Bầu được đưa và trường chuyên nghiệp, hình thức sáng tác vẫn lấy cải biên, chuyển soạn âm nhạc dân gian (như dân ca, nhạc cổ) là chính, về thủ pháp sáng tác phần lớn vẫn mượn chất liệu dân gian. Thông qua mấy chục năm phát triển, người sáng tác chịu ảnh hưởng của âm nhạc chuyên nghiệp, họ vẫn lấy âm nhạc dân tộc làm tư liệu sống để tiến hành sáng tác, nhưng trong nội dung chỉ giữ nguyên một phần về chất liệu dân tộc. Bên cạnh đó họ đã bổ sung nhiều óc tưởng tượng phong phú và nhiều kỹ thuật của đàn trong khi sáng tác, vì vậy tác phẩm đã mở rộng không gian mới. Phương thức sáng tác từ cải biên đơn giản đến sáng tác, sáng tạo cái mới, đã làm cho phong phú về khả năng biểu hiện âm nhạc của đàn Bầu.

Các tác phẩm đàn Bầu từ cải biên âm nhạc dân gian, cho đến lấy âm nhạc dân gian làm yếu tố quan trọng trong sáng tác. Sau khi phát triển hướng sáng tác chuyên nghiệp, các tác phẩm từ phong cách dân gian dân gian đi theo hướng phát triển phong cách tác phẩm đương đại có giá trị hội nhận với khu vực và quốc tế.

Về phương pháp giảng dạy: từ khi đàn Bầu được đưa vào trường Âm nhạc giảng dạy, phương pháp giảng dạy và truyền bá đã được trải qua những biến đổi, cải cách lớn. Ngày xưa, việc dạy nghề của các nghệ nhân trong dân gian thường theo lối truyền khẩu và truyền miệng, từ khi đưa vào trường nhạc chuyên nghiệp, giảng dạy, đàn Bầu đã được hệ thống hóa, có bản phổ chính quy. Đây là một bước thay đổi lớn, phương pháp giảng dạy từ truyền khẩu và bắt chước đơn thuần chuyển sang sử dụng phương pháp 5 dòng kẻ làm chủ thể giảng dạy của mô hình giảng dạy mới. Trong phương pháp giảng dạy mới này, người thầy đã sử dụng phổ biến của các loại giáo trình, làm cho học sinh, sinh viên nắm vững được các kỹ thuật khó một cách hiệu quả trong thời gian ngắn.

Về việc cải tiến nhạc cụ: Trong những quá trình cải tiến, “Hệ thống điện tử khuyếch đại âm thanh” được coi là một bước tiến quan trọng và có những thành công to lớn. Nó đã giải quyết được những vấn đề quan trọng về âm lượng, đáp ứng được yêu cầu của người biểu diễn và người nghe nhạc. Trên cơ sở đó, các nghệ nhân còn cải tiến cây đàn Bầu xoay quanh những yếu tố như làm thế nào cho âm thanh to hơn, làm thế nào cho hình dáng đẹp hơn, làm thế nào cho màu âm phong phú hơn.

Tóm lại, chúng ta đã tổng kết lại những chuyển biến cả về hình thức và nội dung trong sự phát triển của cây đàn Bầu gần 60 năm qua. Đây là hình ảnh thu nhỏ của đàn Bầu trong sự phát triển của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đàn Bầu là một cây đàn mang tính đại diện trong lịch sử phát triển của âm nhạc truyền thống Việt Nam trong giai đoạn mới. Giai đoạn có những bước ngoặt mang tính đột phá này có quan hệ mật thiết với chỉ đạo của Chính phủ, Nhà nước khiến đàn Bầu từ một nhạc cụ dân gian trở thành một nhạc cụ mang tầm quốc gia, quốc tế. Bước sang thế kỳ XXI, sự phát triển của cây đàn Bầu Việt Nam đã mở ra một không gian rộng lớn trong tương lai.

KIẾN NGHỊ

Trong giai đoạn này, đàn Bầu được phát triển một cách thuận lợi, đàn Bầu đã trở thành một cây đàn mang tính đại diện trong lịch sử phát triển của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, đàn Bầu cũng đăng gặp những khó khăn trong giai đoạn mới. Dưới đây, chúng tôi có một vài kiến nghị như sau:

- Cần tận dụng mọi khả năng nhằm phổ cập cây đàn Bầu. Sử dụng các biện pháp nhằm vào đặc điểm của các nhóm người khác nhau. Tăng thêm các cuộc thi cấp quốc gia và khu vực đề thu hút các nhóm người, đặc biệt là nhóm lứa tuổi trẻ có nhiệt tình học đàn. Triển khai các hoạt động biểu diễn văn nghệ để giới thiệu và quảng bá cây đàn này.

- Cần đào tạo chuyên và không chuyên đàn Bầu tại các trường học. Giới thiệu âm nhạc truyền thống nói chung và đàn Bầu nói riêng tại các trường trung học phổ thông, các trung tâm. Nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp.

- Khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác cho đàn Bầu. Đàn Bầu không nên chỉ chơi những bài dân ca, còn cần chú ý phát triển kỹ thuật, tăng biểu cảm âm nhạc trong các tác phẩm.

- Cải tiến đàn Bẩu với một cách phù hợp. Việc quan trọng trong cải tiến đàn Bầu là làm thế nào khuếch đại được âm thanh nhưng vẫn giữ được âm sắc độc đáo của 

 

Những đóng góp mới của Luận án 

Đề tài của chúng tôi là một trong những cố gắng đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện về nghệ thuật đàn Bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam. Dưới đây là những kết quả dự kiến đạt được của luận án.

- Ngôn ngữ bản địa có quan hệ mật thiết với cây đàn Bầu, đặc biệt là âm thanh phát ra của con người có sự ảnh hưởng lớn đến những vấn đề kỹ thuật của cây đàn. Tiếng đàn Bầu giống như tiếng nói của người dân lao động Việt Nam, nó là công cụ của người dân truyền đạt tình cảm và thể hiện xúc cảm vui buồn. Quá trình hình thành và phát triển của cây đàn Bầu cũng chính là do kết quả trí tuệ của người dân lao động Việt Nam. Chính vì thế, chỉ có người dân Việt Nam mới có thể diễn đạt hết tinh hoa của đàn Bầu. Đây cũng là một trong những lý do tại sao người nước ngoài khó nắm bắt và diễn đạt được tinh hoa của cây đàn Bầu.

- Chúng tôi sẽ triển khai một cuộc điều tra xã hội học về cây đàn Bầu, đây cũng là lần đầu tiên có người quan tâm đến vấn đề xã hội đối với cây đàn Bầu. Thông qua những kết quả điều tra, tìm ra những số liệu chính xác và hiệu quả nhằm nắm vững được vị trí của nghệ thuật đàn Bầu trong các lứa tuổi khác nhau của xã hội Việt Nam. Từ những kết quả điều tra này, chúng tôi sẽ thu được một số kết luận nhất định tùy theo yêu cầu của từng đối tượng, lứa tuổi khác nhau với một số biện pháp khác biệt.

- Với sự kế thừa và phát triển đàn Bầu, chúng tôi muốn trên cơ sở của người trước đã làm và đề ra vài ý kiến mới, đó là những quan điểm “hoạt hóa”, “tiến hóa” và “tiêu chí hóa”. Trong đó, “hoạt hóa” có yêu cầu giữ gìn và đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu. “Tiến hóa” có ý nghĩa đổi mới nội dung và hình thức để phát triển nghệ thuật đàn Bầu. “Tiêu chí hóa” mang nghĩa đại diện của khu vực, làm nổi bật vị trí của nghệ thuật đàn Bầu.

- Phân tích sâu về các vấn đề với cách nhìn nhận của một người nước ngoài.

Đầu trang
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn