Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ

Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh

Lượt truy cập: 12105047
Tin tức hoạt động Thứ sáu, 29/03/2024
Đinh Thị Khánh Thơ: "Giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018.

Tác giả: Đinh Thị Khánh Thơ
Tên đề tài: Giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long
Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Thanh nhạc)
Mã số: 60 21 02 02
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.Vũ Chí Nguyện 
Ngày đăng: 20/06/2018

Toàn văn Luận văn

Tóm tắt Luận văn

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Ra đời ở Châu Âu vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, opera là sự sáng tạo của các nhạc sĩ người Ý. Nói đến opera là nói đến thanh nhạc, thanh nhạc là thành tố có tính chất quyết định và là linh hồn của opera. Kỹ thuật thanh nhạc nâng tầm vóc của opera đồng thời cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh cho giai điệu trong opera. Do vậy, khi sáng tác opera các nhạc sĩ thường chú tâm đến thanh nhạc và hợp xướng, đặc biệt là aria - hình thức thanh nhạc chứa đựng trong nó những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, tinh xảo.

Giống như các trường âm nhạc chuyên nghiệp trong toàn quốc, trong chương trình giảng dạy hệ Cao đẳng chuyên ngành Thanh nhạc tại Trường Đại học Hạ long cũng bao gồm các bài luyện thanh, romance, aria, ca khúc Việt Nam, dân ca... Tuy nhiên, do khả năng ca hát không đồng đều nên số sinh viên hát tốt các tác phẩm aria là không nhiều trong khi aria là yêu cầu quan trọng với SV chuyên ngành Thanh nhạc. Để hát được thể loại này đòi hỏi người học thanh nhạc phải có được các yếu tố như: giọng hát đẹp, kỹ thuật thanh nhạc, kiến thức âm nhạc, cảm nhận âm nhạc, kỹ năng thể hiện...Tập hát aria có tác dụng rèn luyện các kỹ thuật thanh nhạc khác nhau như: legato, non legato, staccato, diminuendo, crecsendo... vì thế, hát tốt aria sẽ giúp cho người học thanh nhạc có thể hát tốt các thể loại khác nhau một cách thuận lợi hơn.

Qua quá trình giảng dạy tại trường tôi nhận thấy, việc dạy học aria cho SV hệ CĐ chuyên ngành Thanh nhạc, đặc biệt là giọng nữ cao còn bộc lộ một số hạn chế như chưa có giáo trình giảng dạy biên soạn riêng cho hệ CĐ Thanh nhạc của trường; phương pháp giảng dạy của các giảng viên chưa có sự thống nhất; số lượng aria dành cho giọng nữ cao còn ít, chưa đa dạng về thể loại và phong cách; SV chỉ quan tâm đến tập luyện kỹ thuật trong aria mà không tìm hiểu sâu về nội dung opera, dẫn đến việc chưa thể hiện được tính cách nhân vật trong các aria, hiệu quả đào tạo chưa được như mong muốn.

Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - văn hóa – xã hội của Quảng Ninh, ngành du lịch Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, là tiềm lực và mũi nhọn phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh. Khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ chú ý đến nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà còn có nhu cầu thưởng thức các loại hình âm nhạc chuyên nghiệp như âm nhạc thính phòng, ca khúc thính phòng và các aria kinh điển của Việt Nam và thế giới. Việc nâng cao chất lượng đào tạo âm nhạc nói chung và ca sĩ nói riêng tại Quảng Ninh là một nhu cầu và việc làm cấp thiết.

Từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu “Giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng Thanh nhạc, Trường Đại học Hạ Long” nhằm  góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành Thanh nhạc tại địa phương nơi tôi hiện đang công tác.

2. Lịch sử đề tài

Đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam chính thức bắt đầu từ năm 1956, với sự ra đời của Trường Âm nhạc Việt Nam. Đã có nhiều nghiên cứu, luận án, luận văn và khóa luận về giảng dạy Thanh nhạc trong đó đề cập đến lĩnh vực giảng dạy aria tại Việt Nam như:

- PGS.NSND Nguyễn Trung Kiên Nghệ thuật opera, Viện âm nhạc, năm 2001. Trong cuốn sách này, các tác giả đã nghiên cứu về opera thế giới khá chi tiết theo từng thể loại và giới thiệu các tác giả nổi tiếng ở các thời kỳ tiêu biểu.

- Lê Thị Minh Xuân Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp trong giai đoạn mới, luận án tiến sĩ. Luận án đã hệ thống kỹ thuật thanh nhạc của trường phái Bel canto, xây dựng một số dạng giáo trình thanh nhạc bao gồm các tác phẩm ở thể loại opera và thính phòng.

- Nguyễn Thị Tố Mai Opera trong sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, luận án Tiến sĩ, năm 2011.Trong đề tài này, tác giả đã tìm hiểu về lược sử opera Châu Âu, đề cập đến hình thức, phân tích đặc điểm âm nhạc của một số aria và cá tác giả trên thế giới qua đó phân tích của một số aria trong các opera Việt Nam.

- Trịnh Thị Kim Oanh Nghiên cứu đặc điểm một số giọng nữ cao tại Việt Nam, luận văn thạc sĩ năm 2012. Luận văn đã đi sâu vào tìm hiểu đặc điểm giọng nữ cao tại Việt Nam, khảo sát tình hình dạy học giọng nữ cao tại một số trường nghệ thuật trong toàn quốc. Đưa ra một số giải pháp giảng dạy cho giọng nữ cao tại Trường Cao đẳng VHNT & DL Hạ Long, ứng dụng vào một số ca khúc Việt Nam tiêu biểu.

- Nguyễn Thị Thu Hằng Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc tại Trường Cao đẳng VHNT&DL Hạ Long, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Đề tài đánh giá về những mặt tồn tại trong giảng dạy thanh nhạc tại Trường Cao đẳng VHNT&DL Hạ Long.

Những công trình nghiên cứu, luận văn và tuyển tập nói trên đã và đang là những tư liệu quý báu cho việc đào tạo thanh nhạc. Tuy nhiên cho đến nay chưa có đề tài nào đề cập đến giảng dạy aria tại Trường ĐHHL.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu

Sinh viên cao đẳng thanh nhạc, các lĩnh vực liên quan đến giảng dạy và học tập các aria của một số nhạc sĩ Ý, Đức (Chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật thanh nhạc…).

- Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu giới hạn ở việc giảng dạy và học tập thanh nhạc (tập trung vào dạy và học aria của một số nhạc sĩ Ý, Đức) cho SV hệ CĐ Thanh nhạc tại Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL.

4. Mục tiêu nghiên cứu

- Tóm lược khái quát về giọng nữ cao, những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản của aria trong opera, vị trí của aria trong opera.

- Khảo sát, đánh giá thực trạng dạy học aria tại Trường ĐHHL.

- Đề xuất một số giải pháp (phương pháp giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc, điều chỉnh nội dung giáo trình…) nhằm  nâng cao chất lượng chất lượng giảng dạy thanh nhạc cho giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc, Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: sưu tầm tài liệu, phân tích và tổng hợp.

- Phương pháp thực nghiệm:  Thực nghiệm sư phạm.

6. Những đóng góp của luận văn

- Về mặt lí luận: Nêu được vị trí, vai trò và những nét đặc thù của aria trong dạy học thanh nhạc cho giọng nữ cao. Khẳng định tầm quan trọng của aria đối với bộ môn thanh nhạc.

- Về mặt thực tiễn: Nếu kết quả nghiên cứu được thông qua, các giải pháp được đề xuất sẽ góp phần bổ sung kiến thức về phương pháp giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc, góp phần trong việc nâng cao chất lượng đào tạo thanh nhạc tại Trường ĐHHL. Ngoài ra luận văn còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học hát aria .

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn được chia làm 2 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy.

Chương 2: Một số giải pháp nâng cao chất lượng  giảng dạy.   

 

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1. Vị trí, vai trò của aria trong đào tạo thanh nhạc

1.1.1.1. Vị trí của aria trong opera

Opera là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Các hình thức thanh nhạc trong opera khá phổ biến và đa dạng .Trong đó, aria là hình thức thanh nhạc đặc trưng, nổi trội nhất.

   Aria thường xuất hiện vào những tình huống kịch tính, khắc họa tính cách nhân vật. Đây là cơ hội để người ca sĩ thể hiện giọng hát cũng như phô diễn các kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện của bản thân. Vì vậy, aria luôn có một vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển của nghệ thuật opera ở mọi thời đại.

1.1.1.2. Vai trò của aria trong đào tạo thanh nhạc

Qua một số aria tiêu biểu: aria Nữ hoàng đêm tối “Der holle rache” trong vở “Cây sáo thần” của nhạc sĩ người Áo W.A.Mozart (1756-1791), aria “Caro nome” của nhân vật Gilda( soprano lyric), con gái của ông hề già Rigoletto, trích opera Rigoletto của nhạc sĩ người Ý G.Verdi (1813-1901) đều là những tác phẩm rất khó, đòi hỏi người ca sĩ phải có giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện mới có thể hát thành công. Điều này cho thấy aria có vai trò to lớn trong việc rèn luyện và phát triển các kỹ thuật thanh nhạc một cách toàn diện nhằm phát huy tối đa chất lượng giọng hát cũng như kiến thức âm nhạc trong đào tạo thanh nhạc.

1.1.2. Giọng nữ cao

1.1.2.1. Khái quát về giọng nữ cao

Giọng nữ cao có khả năng thực hiện được nhiều loại kỹ thuật hát; được phân chia thành những loại giọng cơ bản sau:

- Nữ cao siêu kịch tính (Wagerian Soprano)

- Nữ cao kịch tính (Dramtic Soprano)

- Giọng nữ cao trữ tình (Lirico Spinto Soprano)

- Giọng nữ cao màu sắc (Coloratura Soprano

1.1.2.2. Khái quát  về giọng nữ cao Việt Nam

1.1.2.3. Giọng nữ cao  của trường Đại học Hạ Long

- Giảng viên

- Sinh viên

1.1.3. Kỹ thuật thanh nhạc trong aria

1.1.3.1. Kỹ thuật hơi thở

Trong cuốn Phương pháp sư phạm thanh nhạc, GS.NSND Trung Kiên đã nêu ra các kiểu thở điển hình trong thanh nhạc: Thở ngực, thở ngực kết hợp với bụng, thở ngực dưới và bụng, thở bụng.

Kiểu thở ngực dưới và bụng là kiểu thở được sử dụng phổ biến trong hát nhạc kịch và thính phòng. Với kiểu thở này cho phép người hát xử lý được những câu hát có trường độ dài, chinh phục được những nốt cao mà vẫn đảm bảo được về chất lượng âm thanh, nhất là trong các aria đòi hỏi cao về kỹ thuật thanh nhạc.

1.1.3.2. Một số kỹ thuật hát

- Hát liền giọng (Cantilena)

- Hát nảy tiếng (Stacato)

- Kỹ thuật hát lướt nhanh (passage)

- Hát sắc thái to, nhỏ

1.1.3.3. Lối hát nói (Recitative)

Thuật ngữ Recitative trong tiếng Ý có nghĩa là đọc để nghe (nói với khán, thính giả). Phần lời được nói theo cách hát trên nền của giai điệu, tiết tấu trong một khuôn khổ với số ô nhịp nhất định. Chức năng cơ bản của Recitative là truyền đạt nội dung, âm điệu của lời nói khi được tham gia vào tình huống kịch. Những Recitative thường xuất hiện trước khi bắt đầu các aria, duo, trio...

1.1.3.4. Thể hiện tính cách nhân vật trong aria

Để thể hiện thành công một tác phẩm aria trong các vở opera, ngoài các kiến thức về âm nhạc và các kỹ thuật thanh nhạc nhất định cần trang bị thì người hát cần phải nắm rõ các yếu tố quan trọng khác như: Hiểu được nội dung tác phẩm, nắm được nội dung và bối cảnh của các aria qua đó thể hiện được tính cách nhân vật trong các aria.

1.2. Thực trạng giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ Cao đẳng thanh nhạc tại Trường Đại học Hạ Long

1.2.1. Vài nét về Khoa Nghệ thuật – Trường Đại học Hạ Long

1.2.1.1. Khoa Nghệ thuật

Khoa Nghệ thuật được hợp thành bởi sáu tổ bộ môn nghệ thuật: tổ Nhạc cụ Hiện đại, tổ Nhạc cụ Truyền thống, tổ Lý luận, tổ Múa, tổ Thanh nhạc, tổ Hội họa. Đào tạo hệ CĐ các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Hội họa,  Thanh nhạc; Hệ TC ngành năng khiếu nhạc cụ dân tộc và hiện đại, Thanh nhạc, Múa, Mỹ thuật và Hội họa. Chức năng và nhiệm vụ của Khoa là thu hút tài năng nghệ thuật, định hướng giá trị nghệ thuật cho thế hệ trẻ và đào tạo nghề, phát triển tiềm năng sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ trong tỉnh.

1.2.1.2. Tổ Thanh nhạc

Tổ thanh nhạc trực thuộc khoa Nghệ thuật, gồm năm giảng viên chuyên ngành Thanh nhạc. Trong đó, một giảng viên trình độ thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc (Thanh nhạc), số còn lại đều đang theo học trình độ cao học tại HVÂNQGVN.

1.2.2. Chương trình, giáo trình

1.2.2.1. Chương trình giáo dục Đại học và chương trình chi tiết

*Chương trình giáo dục Đại học

            Về cơ bản chương trình đào tạo đã thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đào tạo ngành Thanh nhạc bậc CĐ chính quy. Nội dung chi tiết của các học phần đã quy định rõ các số lượng đơn vị học trình mà SV cần tích lũy, đáp ứng đủ mỗi kỳ cho mỗi năm học. Tuy nhiên, qua tỉ lệ của các khối kiến thức trên ta thấy khối kiến thức giáo dục Đại cương chiếm tỉ lệ tương đối cao trong khi kiến thức chuyên ngành lại chiếm tỉ lệ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo chuyên sâu đối với chuyên ngành Thanh nhạc.

*Chương trình chi tiết

Nội dung chương trình học được phân bổ theo từng năm học. Với thời lượng học là 30 tiết/kỳ đối với mỗi SV đủ cho người học có thể tiếp thu được kiến thức cơ bản nhất của môn học. Số lượng bài tập trong mỗi năm học tương đối đầy đủ, đáp ứng cho SV tập luyện ở các thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau.Tuy nhiên, ca khúc Việt Nam chiếm phần lớn chương trình học. Trong phần tác phẩm nước ngoài, romance được đưa vào tập luyện ngay từ năm đầu tiên còn aria chủ yếu tập trung vào năm thứ hai, thứ ba. Aria là thể loại không bắt buộc trong chương trình thi học kỳ năm thứ hai nên tùy thuộc vào khả năng của SV để GV cho SV tập hát thể loại này.

1.2.2.2. Giáo trình, tài liệu dạy học

* Giáo trình

Hiện nay, Trường ĐHHL chưa có giáo trình chi tiết cho bộ môn Thanh nhạc bậc CĐ. Tổ Thanh nhạc hiện vẫn đang sử dụng một số giáo trình Thanh nhạc hệ Trung học 4 năm của GS.NSND Nguyễn Trung Kiên (2002), giáo trình chuyên ngành Thanh nhạc bậc Đại học (năm thứ nhất và hai) của GS.NSND Nguyễn Trung Kiên (2011). Trong quá trình đào tạo hệ Cao đẳng Thanh nhạc, những tác phẩm khó (phần aria, romance, trường ca Việt Nam) được các GV lược bớt, đồng thời bổ sung thêm một số ca khúc viết về Quảng Ninh để phù hợp với đặc thù đào tạo của trường địa phương.

Về thể loại aria, qua thống kê cho thấy số lượng aria (chủ yếu là của các nhạc sĩ Ý, Đức) được lựa chọn để giảng dạy trong các năm còn ít, thiếu thể loại bài aria ở các phong cách âm nhạc khác nhau nên GV không có nhiều lựa chọn để giao bài cho SV. Các bài aria trong chương trình chủ yếu phù hợp với giọng nữ cao trữ tình nhiều hơn. Chưa có nhiều bài aria phù hợp với các loại giọng nữ cao màu sắc, kịch tính...

* Tài liệu giảng dạy

Tài liệu học chủ yếu là các giáo trình và sách tuyển tập tác phẩm của GS. NSND Trung Kiên biên soạn cho HVÂNQGVN. Một số GV chuyên ngành cũng quan tâm tới việc mở rộng tư liệu tham khảo trong giảng dạy như sưu tầm các bản nhạc, băng đĩa nhạc thông qua Internet...

1.2.3. Thực trạng dạy học aria cho giọng nữ cao tại Trường Đại học Hạ Long

1.2.3.1. Phương pháp giảng dạy của giảng viên

Trong quá trình giảng dạy bộ môn thanh nhạc, các giảng viên thường  áp dụng các phương pháp: Phương pháp thuyết trình’ phương pháp thị phạm; phương pháp thuyết trình kết hợp thị phạm

Tuy nhiên, việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng SV còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự linh hoạt của GV.

Trong quá trình giảng dạy còn bộc lộ những hạn chế về các vấn đề sau:

- Vấn đề về kỹ thuật thanh nhạc

+ Hơi thở:

+ Các kỹ thuật hát:

- Vấn đề về tìm hiểu tác giả, tác phẩm, thể hiện tính cách nhân vật

- Vấn đề về chất lượng đệm đàn

1.2.3.2. Khả năng hát aria của sinh viên

Khả năng hát aria của SV giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc Trường ĐHHL không đồng đều, có thể chia thành các nhóm như: Nhóm SV có chất giọng và khả năng tiếp thu tốt; nhóm SV có chất giọng tốt nhưng lại lười học và ỉ lại, không chịu khó luyện tập; nhóm SV có giọng hát hạn chế.

1.2.3.3. Khả năng phát âm tiếng nước ngoài của giảng viên và học sinh

Bản thân đội ngũ giảng viên cũng chưa được đào tạo một cách bài bản về cách phát âm tiếng nước ngoài, phần lớn chỉ học theo cách phiên âm sang tiếng Việt, không chính xác về ngữ âm và giọng điệu( intonation). Do đó, trong quá trình hướng dẫn phát âm bài hát nước ngoài cho SV còn chưa được thống nhất về cách phát âm. Ngoài ra, thực tế cho thấy sinh viên cũng chưa có ý thức trong việc tìm hiểu và rèn luyện về cách phát âm tiếng nước ngoài. Chính những lý do đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo thanh nhạc tại Trường ĐHHL.

1.2.3.4. Phương pháp kiểm tra, đánh giá

Phương pháp kiểm tra, đánh giá được thực hiện vào cuối mỗi học kỳ.

Tiêu chí đánh giá chia đều điểm cho mỗi dạng bài tập (vocalices: 3 điểm; tác phẩm Việt Nam: 3 điểm; tác phẩm nước ngoài: 3 điểm; phong cách biểu diễn: 1 điểm) chưa đánh giá được đúng về khả năng hát aria của SV. Có SV điểm cao nhưng chưa hát tốt thể loại này.Có SV điểm thấp nhưng không có nghĩa là không có khả năng hát aria. Điều này làm cho những SV có khả năng hát tốt aria mất đi hứng thú đối với dạng bài tập này.

1.2.3.5. Đánh giá chung

            Bên cạnh những ưu điểm và thành công đã đạt được, trong giảng dạy aria tại Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL vẫn còn tồn tại một số bất cập và hạn chế như sau:

- Phương pháp giảng dạy của đội ngũ GV chưa thống nhất. Đặc biệt, việc phối hợp giữa các phương pháp giảng dạy của GV chưa được linh hoạt, hợp lý.

- Số lượng bài aria cho các loại giọng nữ cao chưa phong phú, đa dạng gây khó khăn cho GV trong việc chọn bài cho SV.

- Vấn đề xử lý các kỹ thuật thanh nhạc trong aria chưa tốt ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

- Khả năng phát âm tiếng Ý, Đức của GV, SV còn nhiều hạn chế.

 - Trong quá trình dạy aria, một số GV quá quan tâm đến giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc trong aria mà ít chú ý đến phần tìm hiểu nội dung tác phẩm, thể hiện tính cách nhân vật.

          - Chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa đồng đều. Mặt khác, sinh viên còn thụ động trong học tập, một số sinh viên còn thiếu bản lĩnh sân khấu do ít được biểu diễn, cọ sát với thực tiễn; chưa có GV đệm đàn để sinh viên được hát aria với đúng phần đệm của tác giả... dẫn đến chất lượng giảng dạy aria chưa thực sự đạt hiệu quả.

                                            

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, chúng tôi đã khái quát về vị trí, vai trò của aria trong đào tạo thanh nhạc, giới thiệu một số kỹ thuật thanh nhạc trong aria. Khái quát về giọng nữ cao Việt Nam và giọng nữ cao của Trường ĐHHL. Chúng tôi phân tích về thực trạng giảng dạy aria tại Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL và đưa ra những nhận định như sau:

Về chương trình chi tiết được xây dựng khá đầy đủ, cung cấp được những kiến thức thanh nhạc cho SV hệ CĐ Thanh nhạc. Tuy nhiên, aria được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ năm thứ 2 nên thời lượng giảng dạy cho thể loại này chưa được nhiều.

Về giáo trình, tài liệu dạy học, hiện tại tổ thanh nhạc vẫn đang sử dụng các nguồn tài liệu của HVÂNQGVN và các nguồn tài liệu do giảng viên tự sưu tầm nên vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có sự thống trong việc chọn bài cho SV.

Về phương pháp giảng dạy, GV chưa có sự phối hợp linh hoạt giữa các phương pháp giảng dạy. Trong giảng dạy aria, đôi khi còn quá chú trọng vào giảng dạy kỹ thuật  mà bỏ qua các yếu tố về tác giả, tác phẩm khiến SV chưa thể hiện được trọn vẹn tác phẩm. Bên cạnh đó còn là vấn đề khó khăn về chất lượng đệm đàn, khả năng phát âm tiếng Ý, Đức của GV cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giảng dạy aria tại Trường ĐHHL.

Về khả năng hát aria của SV hệ CĐ Thanh nhạc, Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL chưa có sự đồng đều.

Về phương pháp kiểm tra, đánh giá, với thang điểm được chia đều cho các thể loại bài tập chưa đánh giá được đúng khả năng hát aria của SV.

Chương 2

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY

2.1. Bổ sung một số aria vào chương trình giảng dạy

2.1.1. Tiêu chí lựa chọn

- Phù hợp với mục tiêu và cấu trúc của chương trình đào tạo

 - Lựa chọn theo cấp độ năm học

+ Năm thứ hai: những aria được lựa chọn trong năm học này chủ yếu là những aria có giai điệu, tiết tấu đơn giản, âm vực vừa phải.

+ Năm thứ ba: các aria được lựa chọn trong năm học này có mức độ khó và phức tạp hơn.

 - Lựa chọn aria chính xác theo đặc điểm giọng hát của sinh viên

2.1.2. Bổ sung một số aria vào chương trình

2.1.2.1. Các aria bổ sung cho năm thứ hai

- Soprano coloratura: Aria “Serprina”- Tác giả Ý: G.Paisiello; aria “Amor commanda”- Tác giả Anh ( gốc Đức): F. Handel.

- Soprano lyric/spinto: Aria “Cô Sao”- Đỗ Nhuận; aria Zelina“Ve drai, carino”-Tác giả: W.A.Mozart; aria “Alma Mia”- Tác giả Anh( gốc Đức): F.Handel; aria “Non so pìu cosa son, cosa faccia”-Tác giả: W.A.Mozart.

- Soprano dramatica: Aria “Di Chiesa”-Tác giả Ý: A.Stradella.

2.1.2.2. Các aria bổ sung cho năm thứ ba

- Soprano coloratura: Aria “Amen, alleluja”- F.Handel; aria “Ah! Non credea mirarti...Ah! Non giung é”- Tác giả Ý : V. Bellini.

- Soprano lyric: Aria “ Quando me’n vò”-Tác giả Ý : G.Puccini; aria “Si, mi chiamano Mimi”-G.Puccini; aria “Tu, che di gel sei cinta”-G.Puccini; aria “Un Bel dì vedremo”-G.Puccini.

- Soprano dramatica: Aria “Tutte le fesste al tempio”-G. Verdi; aria “Or sai chi l’onore Rapire a me volse”-W.A.Mozart.

2.2. Các giải pháp củng cố kỹ thuật

2.2.1. Kỹ thuật hơi thở

2.2.1.1. Áp dụng, triển khai hợp lý các phương pháp giảng dạy về kỹ thuật hơi thở

Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm giảng dạy của các nhà sư phạm nổi tiếng như: GS, NSND Trung Kiên, nhà giáo Hồ Mộ La... chúng tôi đã lựa chọn hai kiểu thở: Thở ngực dưới và thở ngực dưới kết hợp với bụng (thở cơ hoành) để hướng dẫn cho SV chuyên ngành thanh nhạc của trường. Với đối tượng SV năm thứ hai, thứ ba chúng tôi lựa chọn mẫu luyện thanh có tốc độ hơi nhanh, nhanh để rèn luyện và phát triển hơi thở.

2.2.1.2. Giải quyết vấn đề hơi thở đối với giọng nữ cao trong luyện tập aria

            Trong quá trình hướng dẫn SV các phương pháp tập luyện hơi thở, GV nên đặc biệt lưu ý đến việc rèn luyện nén hơi khi hát cho SV. Có thể chia việc nén hơi làm ba bước: Đầu tiên, cho SV xẹp bụng thoải mái để thanh âm có sự rung động của hơi thở (trừ trường hợp lộ hơi). Sau đó, khi SV biết điều tiết hơi thở tương đối hài hòa hơn thì yêu cầu SV khi hát cố gắng cho cơ hô hấp xẹp chậm dần hơn. Cuối cùng là yêu cầu SV khi hát hoàn toàn không xẹp bụng.

Những mẫu luyện thanh có tốc độ tương đối nhanh sẽ giúp giọng hát linh hoạt, nhẹ nhàng, hơi thở phát triển để có thể hát được câu hát dài hơn. Đặc biệt thuận lợi cho giọng nữ cao.

2.2.2.  Các kỹ thuật hát

2.2.2.1. Kỹ thuật hát liền giọng (cantilena)

Đa số SV hệ CĐ Thanh nhạc Trường ĐHHL khi mới bắt đầu học hát, do chưa biết cách vận dụng hơi thở nên khi tập hát liền giọng âm thanh bị rời rạc, không đều đặn, thanh thoát. Để giải quyết vấn đề này, trong những giờ học đầu tiên, chúng tôi hướng cho SV luyện tập bằng những mẫu luyện thanh có giai điệu đơn giản, sau đó chuyển dần sang các mẫu luyện thanh có mức độ khó, phức tạp hơn.

2.2.2.2. Kỹ thuật hát âm nảy (Staccato)

Đối với SV hệ CĐ Thanh nhạc, Trường ĐHHL, nhiều em có thể hát kỹ thuật hát liền tiếng tương đối tốt nhưng khi tập luyện với kỹ thuật hát nảy tiếng lại tỏ ra khá lúng túng. Chính vì thế, khi SV mới được tiếp cận với kỹ thuật hát Staccato chúng tôi dùng phương pháp thuyết trình để giới thiệu về đặc điểm và cách thực hiện kỹ thuật các mẫu luyện thanh theo nguyên tắc từ dễ đến khó cho SV. Tiếp theo, chúng tôi sử dụng phương pháp thị phạm hát mẫu cho SV quan sát, lắng nghe. Sau đó, chúng tôi tăng cường cho SV thực hành luyện tập với hai mẫu luyện thanh trên. Trong quá trình luyện tập chúng tôi dùng phương pháp thuyết trình tích cực kết hợp với thị phạm để hướng dẫn, sửa sai cho SV.

2.2.2.3. Kỹ thuật hát lướt nhanh (passage)

Thời gian đầu mới tập luyện, chúng tôi dùng phương pháp thuyết trình kết hợp với thị phạm để hướng dẫn SV tập với tốc độ vừa phải, khi đã thuộc giai điệu và phát âm được linh hoạt hơn mới cho tăng dần tốc độ. Khi tập hát lướt nhanh SV cần lưu ý hít hơi thở sâu và nhanh, hít hơi chậm sẽ ảnh hưởng tới tốc độ và làm âm thanh dễ bị nặng nề. Đẩy hơi nhẹ nhàng, liên tục, không tống hơi đột ngột. Bật âm thanh một cách nhẹ nhàng, dứt khoát. Cố gắng hát rõ ràng, nét tiếng, chính xác từng nốt một dù hát với tốc độ nhanh. Chúng tôi yêu cầu SV luôn luôn tập trung trong khi hát, chú ý đến sự chuẩn xác của cao độ, tránh hời hợt, lướt qua hoặc bỏ nốt. Khẩu hình mềm mại, hàm dưới thả lỏng, vị trí âm thanh

2.2.2.4. Luyện thanh hỗ trợ xử lý nốt cao trong tác phẩm

Với SV hệ CĐ Thanh nhạc, Trường ĐHHL, thể loại aria được bắt đầu tập luyện từ năm thứ hai. Ngoài các kỹ thuật hát như: legato, staccato, passage... SV hệ CĐ Thanh nhạc Trường ĐHHL xử lý các nốt cao của tác phẩm chưa tốt. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là vấn đề điều tiết hơi thở chưa tốt, chưa chú trọng đến việc luyện thanh hàng ngày, sự nóng vội trong quá trình tập luyện khiến nhiều em còn sử dụng giọng ngực lên cao hơn cả những nốt chuyển giọng, không san bằng được âm khu khiến âm thanh bị căng thẳng, đanh, cứng. Bên cạnh đó, nhiều em giọng nữ cao màu sắc (Soprano coluratura) quá quan tâm đến tập luyện nốt cao để mở rộng âm vực thì lại hát rất xỉn những nốt ở âm khu hỗn hợp. Chính vì những lí do trên, chúng tôi đưa ra những mẫu luyện thanh và phương pháp tập luyện nhằm san bằng âm khu, mở rộng âm vực cho giọng nữ cao.

2.3. Các giải pháp khác

2.3.1. Trang bị kiến thức về tác giả, tác phẩm

*Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm

Đối với một tác phẩm âm nhạc nói chung hay aria nói riêng, để người hát thể hiện một cách hoàn thiện nhất không thể không trải qua giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm.

Việc tìm hiểu về tác giả, tác phẩm có thể chia thành các bước sau:

- Tìm hiểu về tiểu sử của tác giả: cuộc đời, sự nghiệp sáng tác

- Tìm hiểu về tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, hình thức, đặc điểm, nội dung, tư tưởng...Vị trí của tác phẩm trong opera, ở màn nào, cảnh nào. Nội dung của aria nhân vật chính muốn diễn tả điều gì, tâm trạng, tình cảm nhân vật ra sao...

Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm cho người hát có được cái nhìn toàn diện nhất về ý đồ của tác giả, hoàn cảnh ra đời, nội dung, tư tưởng, hình thức, đặc điểm của tác phẩm để tử đó vận dụng các kiến thức thanh nhạc vào thể hiện tác phẩm, truyền đạt đến người nghe nội dung, tính chất của tác phẩm một cách chính xác nhất.

* Chú trọng xử lý sắc thái âm nhạc

            Để thể hiện được sắc thái trong thanh nhạc, người hát phải có được kỹ năng nhất định về xử lý sắc thái to nhỏ, mạnh nhẹ trong âm thanh.Trong thanh nhạc, để hát được sác thái to dần lên (cressendo) hay nhỏ dần đi (decressendo) một cách đều đặn, liên tục, không ngắt quãng trên một câu nhạc với một vị trí âm thanh thống nhất phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật thanh nhạc và khả năng xử lý tác phẩm của người hát.

* Thể hiện tính cách nhân vật trong các aria

Khi viết nhạc kịch, các nhạc sĩ đã rất quan tâm xây dựng tỉ mỉ, chi tiết hình tượng nhân vật bằng các tiết mục thanh nhạc, nhất là thể hiện tính cách, nội tâm của nhân vật qua các aria. Vì vậy,

 khi giảng dạy aria, GV phải hướng dẫn SV tìm hiểu vị trí của các aria trong các vở opera, nội dung của các bài aria...thì SV mới có thể nắm bắt được nội tâm, thể hiện được tính cách nhân vật một cách chân thực nhất.

2.3.2. Rèn luyện bản lĩnh sân khấu cho SV

Để rèn luyện bản lĩnh sân khấu cho SV, chúng tôi đưa ra một số ý kiến khắc phục như sau:

            - Trước tiên, SV cần được giao bài phù hợp khả năng và chất lượng giọng hát.

            - Trong quá trình tập luyện tác phẩm, SV cần tập trung nắm vững nội dung, tư tưởng, tâm lý nhận vật. Rèn luyện các kỹ thuật yêu cầu trong bài.

            - GV nên hướng dẫn cho SV ý thức chủ động khi biểu diễn: chế ngự bản thân, giải phóng hình thể, giảm bớt các động tác thừa về tay chân để tập trung vào thể hiện tác phẩm, thể hiện tâm lí nhân vật; rèn luyện tâm lý sân khấu cho SV bằng cách động viên, cho SV biểu diễn dần dần theo quy mô và tầm quan trọng của buổi diễn.

Ngoài ra, nhà trường nên tạo điều kiện cho SV được thực hành qua các buổi biểu diễn thực tế. Có như vậy SV mới có được những kinh nghiệm biểu diễn thực tế giúp các em có được những kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp hơn ở thể loại aria cũng như các ca khúc nghệ thuật khác.

2.4. Thực nghiệm sư phạm

2.4.1. Mục đích, đối tượng, nội dung và thời gian thực nghiệm

- Mục đích thực nghiệm:

Trên cơ sở các giải pháp đã trình bày trong luận văn, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm sư phạm về vấn đề xử lý nốt cao để giúp SV hát được nốt cao nhất trong aria một cách dễ dàng, đảm bảo về cao độ và âm sắc đẹp.

- Đối tượng thực nghiệm:

Đối tượng giảng viên: Đinh Thị khánh Thơ

Đối tượng Sinh viên: Gồm 04 SV lớp CĐ chuyên ngành Thanh nhạc K6

Nhóm SV đối chứng: Trần Thị Thùy Trang, Đinh Diễm Quỳnh

Nhóm SV thực nghiệm: Nguyễn Bùi Quế Anh, Lê Thanh Trang

- Thời gian thực nghiệm:

Thời lượng thực nghiệm sư phạm được thực hiện trong một học phần với 15 tiết trên một SV, thể hiện qua giáo án với các nội dung cơ bản sau:

-  Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vỡ bài (1 tiết),

-  Tập luyện các kỹ thuật thanh nhạc, xử lý nốt cao trong tác phẩm (10 tiết).

- Hoàn thiện tác phẩm, biểu diễn thực nghiệm ( 4 tiết).

Thời gian thực nghiệm sư phạm được thực nghiệm trong học kỳ I, năm học 2017-2018.

2.3.2. Tiến hành thực nghiệm

Chúng tôi tổ chức dạy thực nghiệm aria “O mio babbino caro”, trích op. “Gianni Schicchi”- Puccini với cùng hai nhóm đối tượng thực nghiệm.

 Đối với SV thuộc nhón TN:

Về phân bổ thời gian: aria “O mio babbino caro”, trích op. “Gianni Schicchi”- Puccini được  dạy trong 15 tiết

Về Phương pháp giảng dạy:

Chúng tôi căn cứ vào nội dung giảng dạy trong giáo án để sử dụng và kết hợp các phương pháp giảng dạy như sau:

Giáo án 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vỡ bài: Phương pháp thuyết trình, phương pháp thuyết trình kết hợp thị phạm, phương pháp thực hành luyện tập(GV hướng dẫn SV vỡ bài bằng hình thức xướng âm ghép lời bản nhạc)

Giáo án 2: Tập luyện các kỹ thuật thanh nhạc, xử lý nốt cao trong tác phẩm, hoàn thiện tác phẩm.

- Tập luyện các kỹ thuật thanh nhạc: GV dùng phương pháp thuyết trình kết hợp với thị phạm.

- Luyện tập về xử lý nốt cao trong tác phẩm: Sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp thị phạm để hướng dẫn SV luyện tập với bài tập luyện thanh hỗ trợ xử lý nốt cao trong những giờ tập luyện đầu tiên nhằm giúp SV xử lý tốt nốt cao nhất (A5) trong bài.

- Hoàn thiện tác phẩm: Tăng cường phương pháp tự luyện tập cho SV. Có thể cho SV tập cùng băng, đĩa mẫu. Ghép nhạc cùng với đàn piano hoặc phần đệm trong băng mẫu. Cho SV thực hành bằng biểu diễn tại lớp.

2.3.3. Đánh giá kết quả thực nghiệm

Qua khảo sát thực tế về giảng dạy thực nghiệm aria “O mio babbino caro”, trích op. “Gianni Schicchi”- Puccini cho giọng nữ cao, SV thuộc nhóm đối chứng (không được hướng dẫn theo những giải pháp có tính đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy).  thường bị hụt hơi khi thể hiện những câu hát đòi hỏi sử dụng kỹ thuật hát legato, hát với cressendo và deminuendo. Xử lý nốt cao trong bài còn dùng sức khến âm sắc bị sâu, tối, nhiều lúc không đạt được độ cao chính xác của bài (cao độ bị với, không ổn định) hoặc âm sắc của nốt cao nhất của aria không đẹp. Sắc thái âm nhạc chưa đạt do sau khi đạt yêu cầu về cao độ, kỹ thuật mới học sử lý sắc thái chi tiết...

- Khảo sát về khả năng thực hiện chính xác các kỹ thuật hát, xử lý tốt nốt cao trong aria của SV cho thấy:

SV thuộc nhóm thực nghiệm đã thực hiện được tốt  yêu cầu mà tiêu chí thực nghiệm đặt ra, với tỉ lệ 100% đạt tốt.

SV thuộc nhóm đối chứng tuy với cùng một GV dạy, cùng thời lượng giờ giảng nhưng không áp dụng các giải pháp mới nên đạt tỉ lệ 50% đạt khá, 50% đạt trung bình.

Kết quả thực nghiệm trên cho thấy tính hiệu quả của các giải pháp được nêu ra trong luận văn, đặc biệt là giải pháp về cách luyện tập để có thể hát được nốt cao trong aria.

Tiểu kết chương 2

            Chương 2 của luận văn đề cập đến việc bổ sung một số aria và các bài tập kỹ thuật vào chương trình giảng dạy. Dựa trên các tiêu chí đã nêu, chúng tôi phân loại các aria đã có sẵn trong chương trình học theo các loại giọng nữ cao; bổ sung thêm một số aria được sắp xếp theo năm học, theo từng thể loại giọng nữ cao nhằm làm đa dạng thêm số lượng bài tập trong chương trình học, tăng thêm sự lựa chọn cho GV trong quá trình giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc tại trường.

            Trong vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, xen kẽ các ví dụ và bài tập ở các dạng kỹ thuật: Hơi thở, kỹ thuật hát liển tiếng (Cantilena), hát lướt nhanh (Passage), hát nảy tiếng (Staccato),chúng tôi đưa ra các phương pháp giảng dạy, cách phối hợp các phương pháp sao cho hợp lý để tập luyện, củng cố kỹ thuật thanh nhạc cho SV đạt hiệu quả hơn. Trong giải pháp củng cố hơi thở, chúng tôi đưa ra cách xử lý hơi thở đối với các loại giọng nữ cao trong tập luyện aria. Ngoài ra chúng tôi đưa ra một số bài tập luyện thanh kỹ thuật và cách thực hiện để tập luyện cho SV về san bằng âm khu, mở rộng âm vực cho giọng nữ cao nhằm hỗ trợ việc giải quyết tốt nốt cao trong aria - Một vấn đề mà trước đây chưa được quan tâm giải quyết triệt để.

            Cũng trong chương 2 này, chúng tôi đề cập đến các giái pháp khác như: Trang bị kiên thức về tác giả, tác phẩm; rèn luyện bản lĩnh sân khấu cho sinh viên. Tất cả những giải pháp này nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy aria cho giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc tại Trường ĐHHL.

Phần thực nghiệm sư phạm được áp dụng một số giải pháp đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy cho giọng nữ cao hệ CĐ Thanh nhạc, Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Hạ Long. Kết quả thực nghiệm đã phần nào chứng minh hiệu quả của các giải pháp đã được đề xuất.

KẾT LUẬN

Nghệ thuật opera được biết đến ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ XX. Sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến sự phát triển văn hoá – nghệ thuật nên chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta đã biểu diễn thành công một số vở opera kinh điển thế giới như Evgheni Oneghin (Tchaikovsky), Phidelio (Beethoven), Carmen (Bizet), Cây sáo thần (Mozart), Cô Sao (Đỗ Nhuận), Người tạc tượng (Đỗ Nhuận), Bên bờ Krôngpa (Nhật Lai)...Trong sự thành công này phải kể đến vai trò của các ca sĩ opera và sự đóng góp có hiệu quả trong đào tạo thanh nhạc của Trường âm nhạc Việt Nam nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiện nay trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam nói chung và Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL nói riêng, việc giảng dạy aria cho sinh viên luôn được quan tâm chú trọng.

Trong luận văn, chúng tôi đã khái quát về vị trí, vai trò của aria trong đào tạo thanh nhạc. Khái quát về giọng nữ cao Việt Nam nói chung và giọng nữ cao Trường ĐHHL nói riêng, về đặc điểm kỹ thuật thanh nhạc trong aria. Mặt khác chúng tôi đã giới về Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL đồng thời đi sâu vào đánh giá thực trạng giảng dạy aria cho giọng nữ cao tại Trường ĐHHL thông qua các vấn đề cốt lõi như chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của GV, khả năng hát aria của SV Trường ĐHHL, phương pháp kiểm tra, đánh giá... nhằm đưa ra những đánh giá, nhận xét về những ưu, nhược điểm, những mặt còn hạn chế để khắc phục.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng giảng dạy chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy aria cho giọng nữ cao tại Trường ĐHHL, phù hợp với cấu trúc của chương trình đào tạo, khả năng và trình độ của sinh viên cũng như điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường. Các giải pháp chính hướng vào việc bổ sung giáo trình giảng dạy, củng cố một số kỹ thuật đặc biệt là kỹ thuật hơi, phương pháp luyện thanh cơ bản để có thể hát tốt âm khu cao và nốt cao nhất của aria... Để củng cố về kỹ thuật thanh nhạc cho SV, chúng tôi bàn tới vấn đề phối kết hợp giữa các phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, xen kẽ vào đó là các ví dụ và bài tập cụ thể cho từng dạng kỹ thuật. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra một số giải pháp khác nhằm giúp nâng cao hiệu quả trong việc giảng dạy aria cho giọng nữ cao, hệ CĐ Thanh nhạc tại Khoa Nghệ thuật, Trường ĐHHL. Phần thực nghiệm sư phạm được chúng tôi trình bày một cách chi tiết, ứng dụng một số giải pháp đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy. Đây là những minh chứng giúp chúng tôi có thể tự tin về tính hiệu quả của những giải pháp được đề ra trong chương 2.

Với nhiều năm học tập thanh nhạc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và nhiều năm giảng dạy tại trường ĐHHL, với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc đào tạo các thế hệ ca sĩ của Quảng Ninh trong tương lai – những ca sĩ không chỉ hát tốt các dòng nhạc đại chúng hiện nay mà còn có thể hát tốt những bản aria kinh điển, đáp ứng kỳ vọng của công chúng trong và ngoài nước; tôi hy vọng những giải pháp đã đề xuất trong luận văn sẽ được xem xét và thực hiện.

 

KHUYẾN NGHỊ

 Để có thể nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi xin được đề xuất tới Khoa và nhà trường một số vấn đề sau:

- Cần có giáo trình chính thức cho bộ môn thanh nhạc.

- Nhà trường cần cho GV chuyên ngành Thanh nhạc đi học các lớp tập huấn hoặc mời GV tiếng Ý, Đức, GV nước ngoài tập huấn về kỹ năng phát âm tiếng Ý, Đức cho GV.

- Cần quan tâm hơn đến việc học tập các môn lý thuyết âm nhạc và xướng âm cho sinh viên.

- Việc đánh giá kết quả học tập cần xem xét lại cách cho điểm đối với phần hát aria trong chương trình thi, đây là một nội dung khó, không nên cho điểm theo cách cào bằng.

- Nhà trường cần tổ chức nhiều các cuộc thi, buổi diễn về thể loại nhạc kịch để SV được tham gia. Đây là hình thức giúp các em được trải nghiệm, trau dồi bản lĩnh, sự tự tin trong học tập và biểu diễn.

- Cần tổ chức các chương trình ngoại khoá với các hình thức như: Thăm quan, giao lưu, học tập giữa các trường nghệ thuật trong và ngoài nước, xem các buổi biểu diễn về thể loại nhạc kịch.

- Nâng cấp đàn piano, trang thiết bị phục vụ đào tạo: Máy chiếu, loa, đài...; bổ sung các tài liệu về aria vào thư viện của nhà trường phục vụ cho công tác dạy học thanh nhạc.

Đầu trang
Các tin khác
  Ngô Viết Chung: "Nâng cao chất lượng dạy học môn âm nhạc cho học sinh trường tiểu học Phan Bội Châu, Cẩm Phả, Quảng Ninh". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Bùi Thu Hiền: 'Nâng cao chất lượng giảng dạy các bài luyện thanh cho học sinh Thanh nhạc hệ trung cấp khoa Nghệ thuật trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Nguyễn Thị Huyền: "Bổ sung một số bài chuyển soạn từ dân ca và ca khúc cho đàn Tam thập lục vào giảng dạy hệ Trung cấp 6 năm tại trường Đại học Hạ Long". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (20/06/2018)
  Phan Thanh Thuỷ: "Giảng dạy kĩ thuật trong một số tác phẩm mới cho đàn Tỳ bà tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (08/05/2018)
  Nguyễn Ngọc Quỳnh Khánh: "Nâng cao chất lượng giảng dạy Viola cho học sinh trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam". Luận văn Thạc sĩ. 2018. (08/05/2018)
  
English


Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn